Mỗi người trong chúng ta là một chiếc “đồng hồ xương”, thời gian hữu hạn trôi qua, và những gì còn lại là xương cốt. Trái với con người hữu thời là những kẻ vô thời, bất tử nhờ tự nhiên hoặc bằng cách tước đoạt mạng sống của người khác, nhưng những kẻ ấy liệu có hạnh phúc hơn khi không thấy thời gian hữu hạn? Năng lực đặc biệt, khả năng thấy trước tương lai, tuổi thọ… không bù đắp được sự cần thiết về gia đình, tình bằng hữu đối với con người.
Cuốn tiểu thuyết mới nhất đầy ấn tượng của Mitchell mở đầu với câu chuyện của Holly Sykes, một thiếu niên người Anh với khả năng có thể nghe được những giọng nói độc ác. Với Holly là người dẫn đường, Mitchell đã đưa người đọc của mình qua những câu chuyện thần thoại của hàng loạt người kể thuộc các thể loại khác nhau, đã thực sự đạt tới đỉnh điểm của trận chiến mà ở đó thiện và ác xoay vần mà không hề phóng đại. Cái nhìn của ông về tương lai có thể u ám, nhưng khả năng kể chuyện của ông khiến cho The Bone Clocks trở nên thú vị, đặc biệt đối với những người hâm mộ trung thành, những người sẽ được gặp lại nét quen thuộc trong các tác phẩm trước đây của Mitchell.
Trận chiến gần như vĩnh viễn không kết thúc ở rìa của thế giới hàng ngày; “những chiếc đồng hồ xương” là những bầy người, cam chịu chạy xuống và chết. Đó là một chuyến đi không tưởng khi chúng ta theo chân Holly Sykes, từ người thiếu niên đào tẩu đến một bà già chứng kiến sự thất bại của văn minh.
***
Mình kéo toang rèm cửa. Bầu trời khát khô, dưới sông đầy tàu thuyền lớn nhỏ lô nhô nhưng trong đầu mình chỉ có đôi mắt màu sô cô la của Vinny, dầu gội đầu chảy xuống lưng chàng, mồ hôi lấm tấm trên vai chàng, rồi nụ cười tinh quái của Vinny. Tim mình như muốn vỡ tung. Chúa ơi, ước gì mình thức dậy ở nhà Vinny trên phố Peacock, chứ không phải trong căn phòng chết giẫm này. Đêm qua những lời ấy như tự thốt ra, “Lạy Chúa, em yêu anh quá chừng, Vin à,” rồi Vinny phả khói thuốc thành đám mây nhỏ, rồi Vinny giả giọng như Thái tử Charles, “Phải nói rằng, ta cũng ưa ở cùng cô lắm, Holly Sykes à,” mình cười muốn són cả ra, mặc dù vẫn hơi bực vì chàng chẳng đáp “Anh cũng yêu em”. Thiệt tình. Nhưng mà, đàn ông con trai hay ra vẻ vớ vẩn bông lơn để mà che giấu cảm xúc, chẳng phải báo vẫn viết vậy sao. Ước gì mình gọi được cho Vinny ngay bây giờ. Ước gì người ta chế ra điện thoại có thể gọi mọi nơi mọi lúc. Giờ này hẳn chàng đang cưỡi chiếc Norton đi làm trên Rochester, chàng mặc áo da có chữ LED ZEP đính đinh bạc. Tháng Chín này mình tròn mười sáu tuổi, chàng sẽ chở mình trên chiếc Norton.
Dưới nhà có tiếng đóng cửa tủ đánh rầm.
Má. Còn ai đóng cửa kiểu đó nữa.
Hay má biết rồi? Mình nghĩ mà quặn cả ruột.
Không có đâu. Hai đứa vô cùng cẩn thận.
Má đang tuổi mãn kinh nên nóng nảy. Chỉ có vậy thôi.
Đĩa Fear of Music của Talking Heads đang nằm trong máy, mình hạ cây kim máy xuống. Vinny mua tặng mình đĩa này, hôm đó là ngày thứ Bảy thứ nhì tụi mình gặp nhau ở tiệm đĩa Magic Bus Records. Đĩa hay tuyệt. Mình thích bài “Heaven” và “Memories Can’t Wait” nhưng nói chung cả album không có lấy một bài dở. Vinny đã từng đến New York, từng xem Talking Heads biểu diễn. Dan bạn của Vinny làm bảo vệ ở đó nên cho Vinny vào sau cánh gà, Vinny đã gặp David Byrne và ban nhạc. Năm sau mà đi tiếp thì chàng sẽ dẫn mình theo. Mình thay đồ, ngắm mấy vết cắn yêu trên người rồi ước gì tối nay lại được đến thăm Vinny, nhưng chàng bận đi gặp bạn ở Dover. Đàn ông rất ghét đàn bà hay ghen, nên mình giả bộ không ghen gì hết. Stella - bạn thân nhất của mình, đã đi London để đi săn đồ cũ ở chợ Camden. Má nói mình còn quá nhỏ, không thể đi London mà không có người lớn, vậy là Stella rủ Ali Jessop. Ngày hôm nay mình chỉ còn trông mỗi việc hút bụi ở quầy bar để kiếm ba bảng tiền tiêu vặt. Chán mớ đời. Rồi phải ôn tập để chuẩn bị thi tuần tới. Thực lòng chỉ muốn nộp giấy trắng, dẹp hết tam giác tam giếc Py-ta-go và tiểu thuyết Chúa ruồi với vòng đời sâu bọ nhảm nhí. Có khi làm vậy luôn.
Ừ, biết đâu đó.
…
Mời các bạn đón đọc Đồng Hồ Xương của tác giả David Mitchell.