Cuốn tiểu thuyết miêu tả số phận của những người phụ nữ Trung Quốc trong một thời kì dài của lịch sử Trung Quốc. Cốt truyện xoay quanh cuộc sống của một gia đình trí thức trong những năm tháng bi đát nhất của cuộc Cách mạng Văn Hóa. Khiêu - cô gái nhân ái và trong sáng, cùng em gái theo cha mẹ từ Bắc Kinh về tây nam Phúc An. Mẹ cô không chịu nổi cuộc sống vất vả, bị áp chế mọi nhu cầu tinh thần và thể xác, đã tìm cách ở lại thành phố, phản bội lại chồng và hai đứa con. Khiêu và Phàm, hai đứa trẻ sống xa cha mẹ, tìm mọi cách hòa nhập với người xung quanh nhưng chẳng thay đổi tình trạng sống được bao nhiêu. Bên cạnh chị em cô còn có Đường Phi, một cô gái đầy phức tạp, xinh đẹp, kiêu kì nhưng biết bao đau khổ. Thời gian trôi qua, cuộc sống của họ đã chia theo nhiều ngả, Đường Phi lao vào những mối quan hệ với đàn ông, chịu bao cay đắng, tủi nhục; Khiêu đau khổ với những mối tình dang dở; Phàm lấy một người chồng nước ngoài và chấp nhận cuộc sống của người lạ trên đất khách… Nhưng dù cuộc sống khắc nghiệt với họ, họ vẫn tìm mọi cách giữ gìn tới cùng lòng tự trọng, cho dù phải nỗi cô độc để tự bảo vệ mình.
***
Nhận định
"…tôi không hi vọng với Những người đàn bà tắm tôi đã trả xong món nợ thế kỉ, nhưng lại thiển nghĩ, hoặc giả xen giữa những dòng chữ cũng có những từ ngữ như "kiểm điểm", "truy hỏi", "chất vấn", "cứu chuộc". Tôi thử với tinh thần dũng cảm để kiên nhẫn nhìn lại và thận trọng xem xét những âu lo và khổ đau của một nhóm linh hồn giữa những năm tháng đặc biệt ấy ở Trung Quốc, đồng thời mong rằng trong sự nhìn nhận và xem xét, tâm linh tan vỡ lại được lắng trong và hoàn chỉnh hơn trái tim tan vỡ? Những suy nghĩ trên có thể là một trong những thái độ chân thật của một nhà văn ở cuối thế kỉ, cùng với văn học đối diện trước thể kỉ mới"
(Lời tựa cho bản tiếng Việt tái bản)
Tác phẩm của Thiết Ngưng mở ra cho người đọc thế giới tâm lý của những người phụ nữ với tất cả những chiều kích. Đó là suy nghĩ của những đứa trẻ, những cô gái vừa mới lớn, những người phụ nữ đã trưởng thành, đó là tình yêu, sự ghen tuông, nỗi cô đơn, sợ hãi, lòng tự tin… với vô vàn cung bậc. Nhân vật của bà phức tạp, dường như luôn luôn phải cố gắng kìm giữ những khát khao, những nỗi niềm đang nổi sóng trong tâm hồn, ẩn giấu nỗi buồn bằng sự điềm nhiên, lạnh lùng. Những người đàn bà tắm là bức chân dung kết hợp giữa những nét bút sắc sảo với gam mầu trầm, thế giới tinh thần của những người phụ nữ hiện lên trong đó vừa thăm thẳm một đại dương, đa diện như một khối rubic khiến cho người đọc phải ngỡ ngàng.
- Nhã Nam
"Đi vào thế giới tác phẩm của Thiết Ngưng như đi vào một vườn hoa tâm linh rộng mở, vô bờ, ở đó có hoa thơm và rộn tiếng chim, với những nhân vật có xương và có thịt và cả tầng tầng chúng sinh không được con người chú ý. Thiết Ngưng yêu thương con người bằng cả trái tim yêu thương của mình, phanh phui đến tận cùng thế giới tâm linh và trạng thái sinh tồn của nhân vật…"
- Nhân dân Nhật báo
"…Trong hoàn cảnh của một người viết phê bình văn học loanh quanh ở HN và không đọc được bao nhiêu, sao tôi vẫn muốn tin rồi tác phẩm này của Thiết Ngưng sẽ không bị phôi pha rất nhanh như nhiều cuốn sách "nổi loạn" đương thời, mà, không biết chừng, sẽ gia nhập vào kho tàng cổ điển của nền văn học Trung Hoa vốn giầu truyền thống lịch sử"
- Vương Trí Nhàn
***
Thiết Ngưng, (sinh năm 1957) là nhà văn nữ Trung Quốc. Ngày 12 tháng 11 năm 2006, bà được Đại hội lần thứ 7 Hội Nhà văn Trung Quốc bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc (trẻ nhất từ trước đến nay), kế nhiệm nhà văn Ba Kim, và đồng thời bà cũng là ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tác phẩm tiêu biểu
***
Con người hiện đại ở nước Trung Hoa sau cách mạng văn hóa đã được miêu tả trong nhiều bộ phim, cuốn sách, trong đó, nhịp sống của họ được đẩy lên tới mức hối hả. Người ta mở công ty sôi sục làm ăn; rồi buôn lậu, hối lộ, tham nhũng; rồi mưu mô với nhau, ghen ghét nhau, hành hạ nhau, và cũng hối hả uống rượu, hát karaoke, đi du lịch, vui chơi, hưởng thụ. Câu chuyện của các nhân vật chính trong tiểu thuyết mà trên đây bạn đọc đã đọc được khai thác theo một hướng khác. Đời họ được dồn lại trong những xung đột tình cảm, từ đó tác giả đẩy nó lên bình diện văn hóa. Chất bản năng của các nhân vật được miêu tả trong tiểu thuyết không phải là không mãnh liệt (so với một Vệ Tuệ không hẳn chịu kém!). Chỉ có một điều khác: bản năng trong họ quyện chặt với lý trí, được sự hướng dẫn của lý trí cao đẹp. Đường Phi có thể ngủ với nhiều người đàn ông từ già đến trẻ nhưng không tự nguyện chấp nhận Phương Kăng. Khiêu cũng đã nhiều phen lăn lóc với những người đàn ông khác nhau và đó đều là những người mà Khiêu yêu tận đáy lòng, nhưng cuối cùng Khiêu chẳng lấy ai trong số họ, mà lý do thì bao giờ cũng xác đáng. Sở dĩ như vậy là vì ngày tháng của Khiêu kéo dài như một quá trình liên tục đi tìm mình. Khiêu phóng chiếu con người lý tưởng trong mối quan hệ với Phương Kăng. Khiêu tưởng sẽ thay đổi đời mình trong quan hệ với Mark. Khiêu tin chắc sẽ tìm thấy bản thân do đó tìm thấy cái tôi đích thực trong việc quay lại với người bạn từ lúc lớn lên là Trần Tại. Rồi Khiêu thấy mình lầm cả. Nhưng chính trong cái lầm ấy chúng ta thấy Khiêu mạnh mẽ và bản lĩnh đến thế nào. Quả thật ở Khiêu chất lý trí quá đậm, nó làm khổ Khiêu, nhưng cô biết mình không thể nào khác. Để hiểu Khiêu, không thể bỏ qua một chi tiết. Có đến mấy lần tác giả để Khiêu tự nhận là Khiêu hay thay đổi ý kiến, làm gì cũng phân vân nghĩ rằng lẽ ra phải làm khác. Cái sự hay nghĩ tới nghĩ lui làm nên ở Khiêu một cốt cách tri thức. Con người là gì, là có một đời sống tinh thần phiền phức, mà phiền phức nhất là luôn luôn muốn đi tìm cái cao đẹp lý tưởng. Khiêu nghĩ vậy, tác giả cũng muốn chúng ta nghĩ vậy. Trong lời giới thiệu cuốn Thành phố không mưa của cùng một tác giả, chúng tôi đã lưu ý rằng Thiết Ngưng chủ tâm miêu tả con người Trung Quốc hiện đại mạnh lên đến như thế nào trên phương diện lý trí. Những người đàn bà tắm cho thấy điều dự đoán của chúng tôi không phải là vô lý.
Trong mối liên hệ với toàn nhân loại
Không ít tác giả tiểu thuyết Trung Hoa gần đây đặt nhân vật vào mối quan hệ với người nước ngoài, từ đấy khai thác trình độ làm người mà các nhân vật bộc lộ. Điều đã xảy ra với các tác giả Quạ đen, Điên cuồng như Vệ Tuệ… đối với Thiết Ngưng càng trở nên thiết yếu và được sử dụng trên một bình diện lớn. Phương Kăng, Trần Tại đều có qua học và làm việc ở nước ngoài; Phàm em gái Khiêu còn sang ở hẳn bên Mỹ… Cho đến giai đoạn cuối, chúng ta thấy gì? Một quan chức cỡ lớn của địa phương, ông Thanh, nguyên phó trị trưởng, cầm trên tay cuốn sách viết về người Do Thái. Sau khi về hưu, có những vấn đề cơ bản của đời sống khiến ông đặc biệt bận tâm và ông đã phải tìm đến kinh nghiệm sống của người Do Thái để dựa vào mà suy ngẫm thêm. Sở dĩ ông muốn gặp Khiêu cũng là để trao đổi may ra tìm được câu trả lời cho cái câu hỏi còn bị bỏ lửng.
…
Mời các bạn đón đọc Những Người Đàn Bà Tắm của tác giả Thiết Ngưng.