Nguyễn Huy Thiệp không phải là cái tên lạ lẫm đối với những người yêu văn. Ông từng gây nhiều sóng gió trên văn đàn với những truyện ngắn Tướng về hưu, Con gái thủy thần … Gần đây ông xuất hiện trở lại với nhiều tìm tòi mới, mà như tác giả là "cách tân về ngôn ngữ", tìm tòi trong "địa hạt" tiểu thuyết.
Tác phẩm gây chú ý đầu tiên của ông là Tuổi hai mươi yêu dấu, hay gọi là tiểu thuyết đầu tay cũng được. Tác phẩm viết nhanh, không rườm rà nhưng có phần thiếu nhất quán vì đoạn cuối viết hơi vội.
Trong lần trả lời phỏng vấn Thụy Khuê của Đài RFI , tác giả nhận mình chỉ đạt sáu mươi phần trăm "thành công lực". Có lẽ bởi thế mà nhiều người từng hâm mộ ông trước đây cảm thấy thất vọng. Tuy nhiên, tác phẩm đánh dấu một bước ngoặt về mặt thể loại, từ truyện ngắn sang tiểu thuyết, và đáp ứng phần nào sự đòi hỏi của độc giả, đó là sự làm mới mình của nhà văn.
Một vài người bạn sau khi đọc trả lời khá thẳng thắn. Anhnk thẳng thừng "Truyện gì mà toàn thấy văng tục!", ttkingdom cũng đồng tình "Hơi bệnh hoạn !!?". Đó cũng là lý do mà Tuổi hai mươi yêu dấu chưa được duyệt in ở VN, mặc dù đã được xuất bản tại Pháp, cả bản Việt ngữ và bản dịch Pháp ngữ. Truyện viết chân thực quá, chân thực đến lộ liễu, trắng bệch.
***
Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950, quê quán: Thanh Trì, Hà Nội.
Thuở nhỏ ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Yên … Nông thôn và những người lao động vì thế để lại nhiều dấu ấn khá đậm nét trong nhiều sáng tác của ông. ``Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ra ở nông thôn
Nguyễn Huy Thiệp chịu ảnh hưởng giáo dục chủ yếu của ông ngoại, vốn là người am hiểu nho học và mẹ, vốn là người sùng đạo Phật. Năm 1960, ông cùng gia đình về quê quán và định cư ở xóm Cò, làng Khương Hạ
Nguyễn Huy Thiệp là một bông hoa nở muộn trên văn đàn. Vài truyện ngắn của ông xuất hiện lần đầu tiên trên báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1986. Chỉ một vài năm sau đó, cả làng văn học trong lẫn ngoài nước xôn xao những cuộc tranh luận về các tác phẩm của ông. ``Có người lên án anh gay gắt, thậm chí coi văn chương của anh có những khuynh hướng thấp hèn. Người khác lại hết lời ca ngợi anh và cho rằnh anh có trách nhiệm cao với cuộc sống hiện nay (Lời cuối sách của NXB Đa Nguyên)
Sở trường của Nguyễn Huy Thiệp là truyện ngắn, có thể tạm được phân loại như sau:
Về lịch sử và văn học:
truyện ngắn mang hơi hướm huyền thoại hoặc "cổ tích":
về xã hội VN đương đại:
về đồng quê và những người dân lao động:
Ngoài ra, Nguyễn Huy Thiệp còn viết nhiều kịch, tiêu biểu là Xuân Hồng, Còn Lại Tình Yêu, Gia Đình (hay Quỷ Ở Với Người, dựa theo truyện ngắn Không Có Vua), Nhà Tiên Tri, Hoa Sen Nở Ngày 29 Tháng 4 …; và nhiều thơ (chưa xuất bản tập thơ nào, song thơ xuất hiện khá nhiều trong các truyện ngắn của ông).
Năm 1994, Nguyễn Huy Thiệp gác bút và xoay ra mở nhà hàng ở Hà Nội tên là Hoa Ban, rất ăn khách.
***
Cha ta và Ta là một.
Tân Ước
Vinh quang đẹp đẽ của nhà văn là làm cho những người tư tưởng chịu tư tưởng.
Delaccroix
Con cũng hại ta nữa sao Brutus?
Julex Ce'sar46
Tôi đã rời nhà ra đi hơn một năm trời. Trong khoảng thời gian đầu tiên, thú thực tôi cũng không nhớ gì nhiều về gia đình tôi, có lẽ bởi liên tiếp những sự việc xảy ra đã cuốn tôi đi, như người ta nói cuốn theo chiều gió.
Tôi đã sững sờ vì một lần lên bờ cắt tóc, soi trong gương tôi nhận ra đầu mình bạc trắng! Tôi không tin được là tôi có thể biến đổi đến như ngần ấy. Trong tiệm cắt tóc có một tập báo cũ, vô tình tôi vớ lên xem. Tôi lặng người đi khi đọc báo thấy tin bố tôi vừa mất! Nước mắt tôi trào ra. Những dòng chữ nhảy nhót, nhòa đi trước mắt tôi. Tôi gục xuống như bị một đòn trời giáng, run rẩy hết cả chân tay. Mọi người chạy lại đỡ tôi nhưng tôi gạt đi rồi chạy ra ngoài, vừa chạy vừa khóc nức nở. Trời đất như sụp đổ trước mặt tôi.
Bố!
Bây giờ tôi mới biết khóc như cha chết là khóc thế nào. Chắc chắn đó là cái khóc lớn nhất đời một con người.
…
Mời các bạn đón đọc Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu của tác giả Nguyễn Huy Thiệp.