Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Giữa Trong Xanh - Nguyễn Thành Long

Nguyễn Thành Long sinh tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nguyên quán ở Quy Nhơn, Bình Định, con một gia đình viên chức nhỏ. Năm 18 tuổi ông chuyển ra học ở Hà Nội và có viết cho báo Thanh Nghị (1943). Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Thành Long tham gia hoạt động văn nghệ trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954) ở Nam Trung Bộ và bắt đầu viết văn vào thời gian này.

Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên viết về truyện ngắn và ký. Nét đặc sắc trong truyện ngắn của ông là luôn tạo được hình tượng đẹp, ngôn ngữ giàu chất thơ, trong trẻo, nhẹ nhàng.

Nguyễn Thành Long đã cho xuất bản nhiều truyện ngắn, trong đó nổi bật là các tập: Bác cơm Cụ Hồ (1952), Gió bấc gió nồm (1956), Hướng điền (1957), Chuyện nhà chuyện xưởng (1962), Trong gió bão (1963), Gang ra (1964), Những tiếng vỗ cánh (1967), Giữa trong xanh (1972), Nửa đêm về sáng (1978), Lý Sơn mùa tỏi (1980), Sáng mai nao, xế chiều nào (1984),…

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa viết năm 1970, sau chuyến đi thực tế Lào Cai của nhà văn, được in trong tập Giữa trong xanh (1972). Đây là truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Thành Long. Qua câu chuyện về những nhân vật không tên, tác giả muốn giới thiệu với người đọc về một vùng đất lặng lẽ mà thơ mộng, ở đó có những con người được lao động thầm lặng, say mê hiến dâng tuổi trẻ và tình yêu của mình cho quê hương, đất nước.

Ngoài sáng tác, ông còn là dịch giả hai tác phẩm của Antoine de Saint-Exupéry: Em bé con nhà trời và Quê xứ con người (nguyên tác: Terre des hommes).

***

LÂU lắm họ mới lại gặp nhau. Và cùng đi công tác. Chuyến trước ở một vùng trung du. Phùng và Hân quen nhau, có dịp trao qua đổi lại một số ý kiến về những công việc hiện nay, hai người đánh giá thầm nhau kha khá, nhất là ở sự thành thật. Điểm thành thật ấy, mọi người xung quanh không biết, họ chỉ biết hai người có cái gì hợp nhau đấy, và bắt đầu nửa đùa nửa thật cặp ghé đôi bên, như thói thường vẫn thế, khi hai người nữ và nam đều còn đang tự do, cho dù Hân chỉ mới quá hai mươi và Phùng thì đã bốn mươi rồi. Chắc chắn là Phùng và Hân đều có nghe nhưng bỏ qua, cũng chẳng bỏ qua đâu, thật ra cũng có dừng lại ngẫm nghĩ một chút, nhưng việc ấy không ảnh hưởng gì đến cái tình bạn xa xa — xa đến nỗi tưởng không gọi được là tình bạn, nhưng lại có cái vốn quí trọng mà tình bạn hời hợt thường không có.

Trong đám đông nhà báo ăn nói rất bạo dạn, Hân nhìn thấy Phùng thì mừng quá. Cô bước tới, xiết tay anh và thấp giọng hỏi dịu dàng:

— Anh cũng đi Điện Biên lần đầu ạ?

— Lần thứ ba đấy cô ạ — Anh trả lời tươi cười và bất giác nói luôn — lần trước năm nhăm, nhân dịp lập khu tự trị Tây Bắc.

— Anh là chiến sĩ Điện Biên ư?

Không hiểu sao cô gái lại kêu lên thế. Phùng “vâng” một cách sẽ sàng, và đỏ mặt. Chừng như tiếng “vâng” ấy vẫn còn ồn áo quá, anh xóa bớt đi bằng một câu giảng giải xuề xòa:

— Tôi cũng là nhà báo như bây giờ thôi mà.

Nói xong, lại như thấy mình nhỡ miệng mà hở hang thêm. Anh nín thinh.

Đi thăm chiến trường cũ hôm nay, đoàn nhà báo có ý đi bằng cả một đội xe tải chở hàng lên Tây Bắc. Đây là một đôi xe tiên tiến, chỉ chênh với đội được phong là anh hùng có một tí. Nghe kể cuộc đời của mỗi anh đội trưởng ngẫu nhiên cũng là chiến sĩ Điện Biên cũ, cũng đã loang loáng thấy lóe lên, rền lên biết bao bom đạn, bao hiểm nghèo, bao gan dạ. Các nhà báo từng nhóm hai người chia nhau ngồi trong các lái, Hân và Phùng cùng lên một xe. Lái cho hai người là một người trai trẻ bề ngoài lù khù nhưng đã trải qua sáu năm đánh Giônxơn và Níchxơn thật sôi động, đuôc làm lễ vào Đảng cách đây chỉ nửa tiếng đồng hồ. Chuyện này vừa xảy ra trước mắt các nhà báo, làm cho ai nấy đều kích động lắm. Hân bắt tay anh lái trước rồi mới vòng lại để bước lên xe.

Mời các bạn đón đọc Giữa Trong Xanh của tác giả Nguyễn Thành Long.