Tôi được gặp Thiệu Vũ vào cuối năm 2007, không thể không thừa nhận một điều rằng, Thiệu Vũ là một nhà nghiên cứu luôn phấn đấu không ngừng. Trong khoảng thời gian gần bốn năm, việc tìm tòi và nghiên cứu của Thiệu Vũ đã trải qua mấy lần lột xác, từ nghiên cứu tư tưởng quản lý phương Tây mà cuối cùng Thiệu Vũ đã chọn đi theo con đường văn hóa truyền thống Trung Quốc. Trong khoảng thời gian này, với nghị lực và tốc độ làm việc cao, Thiệu Vũ đã cho ra đời mấy chục tác phẩm chuyên ngành nghiên cứu, thể hiện sức sáng tác đến khó tin. Khi rất nhiều người vẫn còn đang say sưa trò chuyện về khái niệm “Sức mạnh quản lý và điều hành” do Thiệu Vũ đưa ra năm 2008 thì Thiệu Vũ đã sớm đi vào nghiên cứu vấn đề mới. Sau khi đọc xong Luận Ngữ ứng dụng trong kinh doanh và Kinh Dịch ứng dụng trong kinh doanh, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, tác giả hy vọng mỗi nhân viên đều có thể trở thành quân tử để xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp.
Là một tập đoàn giáo dục đào tạo hàng đầu tại Trung Quốc, Quần Phong đã có bốn năm tổ chức lớp học thuật truyền thống. Trong bốn năm, chúng tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều chuyên gia, học giả về lĩnh vực nghiên cứu học thuật truyền thống, trong đó có một số còn là những cây đại thụ ở Trung Quốc, thậm chí là cả những người đức cao vọng trọng. Những lớp học thuật truyền thống do chúng tôi tổ chức nhận được sự hoan nghênh của rất nhiều học viên, nhưng bên cạnh đó, các học viên cũng đưa ra một số vấn đề, trong đó, vấn đề quan trọng nhất và cũng là hay gặp nhất chính là: Làm thế nào để dễ học, dễ hiểu và vận dụng kiến thức quản lý trong học thuật truyền thống?
Chính vì vấn đề này, chúng tôi cùng với các giảng viên trong lĩnh vực học thuật truyền thống đã tiến hành trao đổi rất nhiều, cho đến nay vẫn chưa có được phương án giải quyết hữu hiệu, công bằng xác đáng. Nhưng, vào mùa xuân năm 2010, Thiệu Vũ đưa ra Luận Ngữ ứng dụng trong kinh doanh, Kinh Dịch ứng dụng trong kinh doanh”, hai quyển này đã áp thuật lại những kiến thức quản lý trong Luận Ngữ và Kinh Dịch, đồng thời kết hợp với việc vận hành của doanh nghiệp, đưa ra kim chỉ nam cho hành động thiết thực. Tôi không thể nào dự đoán được sức mạnh của hai quyển sách này tạo ra sẽ lớn như thế nào, nhưng có một điểm có thể khẳng định là, hai quyển sách này đã mang đến một góc nhìn mới cho lĩnh vực nghiên cứu quản lý học thuật truyền thống.
Điều quan trọng nhất là, chúng thực sự là một cuộc thử nghiệm đầy mạnh dạn, dễ học, dễ vận dụng về tri thức quản lý học thuật truyền thống.
Lật mở từng trang của hai quyển sách này, các bạn nhất định sẽ có một cảm giác nhẹ nhàng khoan khoái, bạn chưa hề nghĩ rằng quản lý trong học thuật truyền thống lại được viết ra gần gũi, dễ hiểu đến thế, ở đó bạn không hề thấy bất kì hơi thở nào mang âm hưởng nghiên cứu Nho giáo, càng không hề thấy chỗ nào khó hiểu cả. Đáng quý hơn là, bạn sẽ thấy mỗi một điểm trong quyển sách này đều liên quan mật thiết đến công việc của bản thân mình, mỗi một quan điểm, mỗi một kiến giải trong đó đều giúp chúng ta thoát ra khỏi khó khăn và cản trở để trưởng thành trong công việc.
Hoa Mẫn
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Giáo dục
Quần Phong, Giang Tô
***
Bắt đầu từ năm 2009, tôi quyết định giúp đỡ mọi người vận dụng những trí tuệ, tri thức có trong Luận Ngữ. Do đó, mới có cuốn Luận Ngữ - Nhật kí của nhà quản lý. Có điều tôi nhanh chóng nhận ra rằng, cuốn sách này vẫn không thể nào thực hiện được mục tiêu của tôi: đối tượng độc giả của cuốn sách này chỉ là những nhà quản lý cấp cao và cấp vừa trong các doanh nghiệp, có sự giới hạn nhất định; trong khi tôi hy vọng là có thể khiến nhiều người hơn nữa (đặc biệt là đông đảo mọi người) đọc hiểu Luận Ngữ, đồng thời ý thức được mối quan hệ mật thiết giữa việc đọc hiểu Luận Ngữ với cuộc sống và sự nghiệp của bản thân mình. Cho nên, trên cơ sở của Luận Ngữ - Nhật kí của nhà quản lý, tôi đã đào sâu phát triển thêm, cuối cùng đã tìm ra được quyển Luận Ngữ ứng dụng trong kinh doanh vừa gần gũi, vừa nhẹ nhàng.
Thứ nhất, tôi muốn định nghĩa về “công sở”: Xã hội chính là một công sở lớn, mỗi người đều phải suy nghĩ và làm việc, mỗi người đều là người của công việc. Vì vậy, tôi cho rằng Luận Ngữ ứng dụng trong kinh doanh thích hợp với mọi độc giả.
Thứ hai, những điều đáng học tập trong Luận Ngữ vô cùng nhiều, nhưng do Luận Ngữ có kết cấu chữ viết đặc biệt, khiến cho độc giả khó mà hình thành nên hệ thống lôgic nhất định, mà tôi thì mong muốn có thể tạo lập nên một hệ thống, hy vọng là những độc giả có tâm huyết sẽ hiểu được sự cố gắng của tôi.
Thứ ba, hệ thống mà tôi tạo lập nên luôn xoay quanh một hạt nhân, đó là “phẩm chất”, tôi loại bỏ hết tất cả những nội dung không liên quan đến phẩm chất đi, nên quyển sách này mới ngắn gọn và đơn giản như vậy. Nhưng để chọn lọc ra được sáu phẩm chất từ trong đó, tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian, hơn nữa đã không ít hơn mười lần sửa đổi mục lục, mục đích thì rất rõ ràng: tôi hy vọng có thể tìm ra được sự tinh túy của Luận Ngữ. Còn về việc có làm được như vậy hay không, xin nhường lại cho độc giả đánh giá!
Thứ tư, có rất nhiều “nhân sĩ” đã đưa ra cho tôi những kiến nghị xuất sắc, từ đó khiến cho việc đọc cuốn sách này trở nên nhẹ nhàng, dễ hiểu, thậm chí còn có một số điều rất gần gũi, giản dị nữa. Có lẽ như vậy lại đi ngược lại với những thưởng thức học thuật nhất quán của tôi, song đối với các độc giả, điều đó chắc chắn là một phương thức dễ chấp nhận. Phương thức này khiến tôi có thêm niềm tin vào việc phổ biến những quan điểm, tư tưởng của Luận Ngữ.
Thứ năm, Luận Ngữ thực sự liên quan rất mật thiết đến cuộc đời và sự nghiệp của chúng ta, một khi thực sự hiểu được Luận Ngữ, cuộc đời và sự nghiệp của chúng ta sẽ đạt được sự vượt bậc và nâng cao về chất, đây là nhận thức của riêng tôi, hy vọng tất cả độc giả cũng nhận thức giống như vậy.
Thứ sáu, chúc cho tất cả độc giả đều có thể tiếp thu được những tinh túy từ trong Luận Ngữ, cũng hy vọng tất cả độc giả đều có thể yêu thích cuốn Luận Ngữ ứng dụng trong kinh doanh này.
Ngày 16 tháng 5 năm 2010.
Thiệu Vũ
Mời các bạn đón đọc Luận Ngữ Ứng Dụng Trong Kinh Doanh của tác giả Thiệu Vũ.