Tiểu thuyết kể câu chuyện về một gia đình đại tư sản ở miền Bắc nước Đức đã giúp tác giả Thomas Mann giành giải Nobel văn chương năm 1929.
Gia đình Buddenbrook kể về sự suy tàn của hãng xuất nhập khẩu ngũ cốc Johann Buddenbrook, thực chất là kể về gia đình, tổ tiên của Thomas Mann ở thương cảng nổi tiếng Lubeck. Bốn thế hệ của dòng họ Buddenbrook - một dòng họ tư sản thương nghiệp cứ dần dần lụn bại trên thương trường, suy sụp trong đạo lý, văn hóa. Thomas Mann đã dựng lên một bức tranh toàn diện và chân thực về đời sống của tầng lớp trung lưu: kết hôn và ly hôn, sinh ra và chết đi, thành công và thất bại. Những sự kiện ấy lặp đi lặp lại qua nhiều thế hệ, trong khi gia đình Buddenbrook dần bị cuốn vào vòng xoáy hiện đại dẫn đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của cả dòng họ.
Chủ nghĩa bi quan được thể hiện rõ trong tiểu thuyết. Trong tác phẩm, Thomas Mann miêu tả cảnh buôn bán tấp nập, đồng thời là cảnh suy tàn của thương nghiệp ở thành phố cảng nổi tiếng của Đức.
Với hơn 400 nhân vật, câu chuyện giàu chi tiết và đầy tính nhân văn, Gia đình Buddenbrook vượt qua các tác phẩm văn chương viết về gia đình vốn thịnh hành ở châu Âu thời điểm đó, và trở thành một hình mẫu của thể loại này.
Gia đình Buddenbrook đứng thứ 7 trong top 100 cuốn tiểu thuyết Đức ngữ hay nhất thế kỷ 20. Cứ 10 người Đức thì có một người đọc tác phẩm này. Ở Trung Quốc, Gia đình Buddenbrook được coi là phiên bản Đức ngữ của Hồng lâu mộng. Cũng giống như độc giả Hồng lâu mộng, người đọc tác phẩm này của Thomas Mann thường vẽ cây phả hệ của gia tộc Buddenbrook nhớ quan hệ của các nhân vật và tiện theo dõi tác phẩm.
***
Paul Thomas Mann (1875 - 1955) là nhà văn Đức đoạt giải Nobel Văn học năm 1929 và Giải Goethe năm 1949. Ông được coi là nhà văn lớn nhất của Đức thế kỷ 20. Thomas Mann là nhà văn có tư tưởng nhân đạo. Ông tập trung miêu tả quá trình suy sụp của giai cấp tư sản với một ngòi bút hiện thực, mỉa mai, chú trọng phân tích tâm lý. Văn của Thomas Mann chính xác, từ ngữ gọt giũa kỹ lưỡng, đòi hỏi người đọc phải tập trung suy nghĩ; ông sử dụng nhiều kiến thức về triết học, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, y học, xã hội học, phân tâm học.
Năm 1913, cuốn tiểu thuyết ngắn Der Tog in Venedig (Chết ở Venice) được xuất bản, cùng với Tonio Kroger được coi là những tác phẩm xuất sẳc nhất thuộc thể loại này.
Thế chiến thứ nhất đã đẩy nhà văn vào một cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng, ông viết tập ký 600 trang Betrachtungen eines Unpolitischen (Những suy ngẫm ngoài chính trị, 1918) trong thời gian này. Sau chiến tranh ông trở lại với văn học nghệ thuật, hoàn thành một trong những đỉnh cao sáng tác của minh là Der Zauberberg (Núi thần, 1924). Năm 1929, ông được nhận giải Nobel, chủ yếu vì bộ tiểu thuyết vĩ đại Buddenbrooks - Verfall einer Familie.
Từ những năm 1930, Thomas Mann tích cực tham gia các hoạt động chính tri chống chủ nghĩa phát xít; dưới thời Đức quốc xã sách của ông bị cấm và bị đốt ở Đức, ông bị tước quốc tịch Đức (1936), phải sống lưu vong. Năm 1938 ông sang Mỹ và trở thành công dân Mỹ (1944). Sau chiến tranh ông về thăm cả Đông và Tây Đức, được đón tiếp long trọng nhưng ông không ở lại Đức mà sang định cư ở Zurich (Thụy Sỹ) cho đến khi mất.
Ngoài giải Nobel, ông được cả Đông và Tây Đức trao tặng giải thưởng Goethe năm 1949; ông cũng được Đại học Oxford và Đại học Cambridge trao bằng danh dự.
***
Thomas Mann đã muốn thông qua sự sụp đổ của gia đình Buddenbrook về các mặt kinh tế, đạo đức và địa vị xã hội để nói lên sự hủy diệt tất yếu của giai cấp tư sản ăn bám, tàn nhẫn và mục nát. Các nhà nghiên cứu cho biết rằng ông đã miêu tả chính gia đình ông trong cuốn truyện này. Ông nội Thomas Mann cũng là một thương gia kinh doanh lương thực, y như cụ Johann Buddenbrook trong truyện. Thân sinh ông cũng là một cổ đông trong công ty lương thực và cũng kiêm chức tham nghị như ông tham Buddenbrook. Tác giả còn dùng cả gia phả, thư tín, giấy tờ của gia đình mình, lấy những người họ hàng thân thích của mình làm mẫu để xây dựng các nhân vật trong truyện. Tòa nhà cũ của tác giả ở Lübeck cũng được đem vào truyện, cho nên khi cuốn tiểu thuyết này ra đời, tòa nhà đó đã được người đời mệnh danh là “nhà Buddenbrook”. Đọc tác phẩm này, chúng ta thấy ngòi bút của Thomas Mann rất sinh động, không chút giả tạo, hấp dẫn từ đầu chí cuối. Ông đã vẽ lên bức tranh xã hội Đức thời bấy giờ với đủ các mẫu người như thương gia, học giả, nghị viện, mục sư v.v… đặc biệt ông đã phản ánh đầy đủ những đặc điểm chung của tầng lớp thị dân đang trên bước đường suy sụp. Thế lực ngự trị trong xã hội là đồng tiền. Có thể nói khi đụng đến tiền, thì mọi thứ quan hệ trong xã hội đều rạn nứt, đổ vỡ, kể cả quan hệ ruột thịt. Gia đình Buddenbrook sống rất hòa thuận, êm đềm, nhưng đến khi đụng đến gia tài, tiền bạc thì tranh giành cãi cọ nhau, xung đột nhau rất kịch liệt. Tình cảm giữa ông tham Buddenbrook và bác Gotthold, người anh cùng cha khác mẹ; hay giữa Thomas và Christian, hai anh em ruột thịt đã sứt mẻ vì đồng tiền. Khi bà cụ tham lấy tiền cho con rể là mục sư Tiburtius, theo yêu cầu của con gái út lúc hấp hối, Thomas đã to tiếng cãi nhau với mẹ. Hay khi bà cụ tham vừa qua đời, chưa khâm liệm, anh em trong nhà này đã tranh giành của cải, không ai chịu ai, thậm chí còn chửi mắng nhau, đến nỗi Tony phải van xin: “Anh Tom… Anh Christian, me còn nằm đấy chưa khâm liệm…”.
Sức mạnh của đồng tiền còn bộc lộ cả trong việc hôn nhân. Họ lấy vợ lấy chồng không phải vì thương yêu nhau mà là lấy tiền lấy của. Cụ Johann Buddenbrook lấy cụ bà thuộc dòng họ Duchamps ở Hamburg, ông tham Buddenbrook lấy bà Elisabeth Kröger hay Thomas lấy Gerda Arnoldsen đều vì được thu về những khoản hồi môn rất lớn. Antonie, con gái yêu quý của ông tham Buddenbrook yêu Morten, sinh viên trường thuốc, nhưng không lấy được vì anh chỉ là con một viên chức thường, ông tham không bằng lòng gả, trái lại cô phải lấy Grünlich, một tên bịp bợm, cuối cùng hạnh phúc tan vỡ. Bên cạnh đó có một số con gái lớn tuổi, không lấy chồng được cũng chỉ vì không có của hồi môn (như ba chị em con ông Gotthold Buddenbrook ở phố Breiten, hay Klothilde và một số người khác).
…
Mời các bạn đón đọc Gia đình Buddenbrook của tác giả Thomas Mann.