Nhà văn Georges Simenon sinh ngày 13.2.1903 mất ngày 4.9.1989. Năm 16 tuổi, Simenon là chàng phóng viên trẻ viết tin vắn cho tờ La Gazette de Liège. Mỗi ngày, ông đạp xe đến các bót cảnh sát, nhà băng, sở cứu hỏa, những cuộc thi thể thao để lấy tin cho báo. Năm 1922, ông tới Paris hoa lệ.
Tiểu thuyết đầu tay Trên Chiếc Cầu Vòm Cung được xuất bản tại Liège (Bỉ) với bút danh Georges Sun. Nhưng sự thành công chưa vội đến với cây bút trẻ có hàng chục bút danh khác nhau này (Jean du Perry, Gom Gut, Christian Brull…). Mười năm miệt mài viết như người lao động khổ sai giúp ông thành thạo trong “tốc độ” sáng tác. Đây chính là thế mạnh của tác giả “bậc thầy trinh thám” sau này. “Suốt thời kỳ 1928-1931, ông chỉ viết những tác phẩm về Maigret, trung bình mỗi tháng một cuốn”, ông nổi tiếng như cồn khi tiểu thuyết trinh thám Con Chó Vàng (Le chien jaune, 1931) được xuất bản, với tên thật Georges Simenon. 11 tác phẩm in năm đó thì 10 cuốn là tiểu thuyết với nhân vật sáng tạo Thanh tra Maigret.
Một đời văn với hơn 300 tác phẩm viết bằng tiếng Pháp đã được xuất bản, người ta không khỏi thán phục năng lực sáng tác bền bỉ và trí tưởng tượng phong phú của nhà văn Georges Simenon. Bậc thầy tiểu thuyết trình thám thật sự chinh phục hàng triệu người đọc tại nhiều nước trên thế giới. Hơn 80 tiểu thuyết Thanh tra Maigret không nằm trong thể loại truyện hình sự tầm thường. Giá trị văn học của tác phẩm đã được các nhà phê bình nhìn nhận. Sau ngày ông mất, Đại học Liège ở Bỉ đã thành lập Trung tâm nghiên cứu Georges Simenon và đã xuất bản các tác phẩm nghiên cứu về ông.
***
Jeanne là một cô gái điếm bị hành hung, bị rạch mặt một buổi tối xế trước cửa nhà gã, gần một ngôi nhà chứa. Gã đã chứng kiến cảnh đó và đã đưa nàng về nhà mình một cách vô tư, không chút ẩn ý, không lợi dụng mà hoàn toàn vì nhân tính. Khi thanh tra cảnh sát Gordes đến khám nhà vì biết Jeanne trú ở đó, và nói cho gã biết Jeanne là gái điếm có thẻ hành nghề, và đã hai lần trốn khám sức khỏe định kỳ. Gã đã hỏi thanh tra Gordes nếu Jeanne muốn thôi không hành nghề nữa có được không? Tất nhiên gã sẽ đứng ra bảo lãnh vì gã có việc làm ổn định. Thanh tra Gordes đã hướng dẫn gã tiến hành các thủ tục pháp lý nhưng không quên giễu cợt và cảnh cáo gã: “Cái trò này, nó chỉ thành công được một phần nghìn, và cần có quyền thử vận may…” Tám năm trời sống với nhau, có thể gọi là hạnh phúc, mặc dầu là một thứ hạnh phúc khép kín trong một tiểu vũ trụ. Nhưng khi Jeanne hỏi “Anh hạnh phúc chứ Bernard?” thì gã lại chỉ có thể trả lời “Anh không bất hạnh”. Đó là nguyên nhân của mọi sự chăng? Đó là lý do khiến nàng phải sụt sịt khóc thầm khóc vụng, không thành tiếng chăng? Phải chăng vì thế mà nàng mất tích? Phải chăng vì thế mà gã đã để tuột mất cái một phần nghìn nhỏ nhoi trong việc biến Jeanne thành một người vợ bình thường, trong việc tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng gã lại không chịu thua cuộc với thanh tra Gordes. Gã vẫn tin ở cái phần nghìn nhỏ nhoi đó của mình. Rốt cuộc, khi được phát hiện việc nàng tự vẫn trong bộ quần áo sang trọng trên chiếc giường hoa của một khách sạn đắt tiền, gần như đã bị hoàn toàn thất bại, gã lại bấu víu vào một cái phao nhỏ khác, đó là bức thư nàng để lại, chắc chắn là để cho gã, nhưng bức thư cũng đã biến mất. Từ thất bại này sang thất bại khác, cuối cùng gã cũng không tin là thư đó gửi cho mình mà rất có thể là cho kẻ đã thuê phòng hàng tháng cho nàng hơn một năm nay.
Phải chăng vì lòng tốt, vì thiện ý mà hai người hiểu lầm nhau. Jeanne coi Jeantet như một vị phúc thần, gã quá tốt. Còn Jeantet không muốn Jeanne phải chạm đến quá khứ, cái quá khứ bất hạnh đã để lại một vết sẹo trên má nàng mà có lẽ vì vậy gã rất thích cái mái tóc rủ xuống một bên che đi vết sẹo đó. Gã không biết Jeanne đã phải miễn cưỡng, lén lút bước tiếp cái quá khứ nhơ nhuốc và bất hạnh đó mỗi thứ tư hàng tuần, thời gian duy nhất gã vắng nhà, vì nàng còn có một đứa con trai phải mướn nuôi, phải trả tiền mổ ruột thừa, tiếp đó tiền ăn, tiền trọ học cho nó.
Jeantet muốn cùng Jeanne khép mình trong bốn bức tường tạo thành một thế giới riêng nhỏ bé để hạnh phúc của hai người, không ai có thể lọt vào cản trở. Thế nhưng Jeanne lại lén lút phá rào bởi Jeanne không thể, không chịu rời bỏ một người tốt như gã, bởi Jeanne thấy mình cần thiết cho gã.
Gã quá tốt, nhưng theo Beaudoin, một chủ doanh nghiệp điện tử lớn của nước Pháp, đầy quyền thế, người tình đầu tiên của Jeanne, là cha đứa con trai của Jeanne, kẻ đã rạch mặt trừng phạt Jeanne vì đã bỏ hắn, lòng tốt của gã đã biến gã thành một con quỷ đồng thời vẫn tỏ ra là một người mộ đạo.
Có thật lòng tốt của Jeantet đã buộc Jeanne phải phạm tội, hổ nhục, khốn khổ, vì nhu cầu sống của con người còn mạnh hơn tất cả?
Nếu thế sao Jeanne lại tự vẫn?
Nếu quả thật Jeantet biến thành một con quỷ sao gã lại nhận con nàng làm con nuôi, chứ không để mặc việc đó cho cha nó, Beaudoin giải quyết sau khi nàng tự vẫn? Đến đây quả thực bức thư gửi cho ai không còn cần thiết nữa, và thực tế là nó đã bị nát trong chậu giặt.
Quả thật lý giải lòng tốt, thói xấu, cái thiện, cái ác chẳng để làm gì.
Có thể đặt ra một giả thuyết: Cả Jeanne và Jeantet đều cởi mở hơn, nói với nhau tất cả, có khi không cần tốt đến thế họ cũng có thể đạt được hạnh phúc và tránh được cái kết cục bi thảm chăng?
Giữa thanh tra cảnh sát Gordes và Jeantet Bernard ai là người thua cuộc, xin dành cho độc giả.
Hà Nội, mùa Hè 2002 Nhà Xuất Bản Công An Nhân Dân
Mời các bạn đón đọc Kẻ Góa Vợ của tác giả Georges Simenon.