Một cô gái trẻ bị bắt cóc từ năm 10 tuổi, trải qua 8 năm sống trong ngục tù, bị hành hạ cả về mặt thể xác lẫn tinh thần nhưng nghị lực phi thường của cô khiến bất cứ ai cũng phải nể phục.
Bạn sẽ làm gì khi đột nhiên bị bắt cóc khi 10 tuổi, bị giam giữ trong hầm tối và phải chịu đủ mọi sự hành hạ về cả thể xác lẫn tinh thần? Bạn có thể chịu đựng được một cuộc sống của nô lệ tình dục hay không? Vậy mà cô bé Natascha Kampusch, đến từ nước Áo đã phải chịu đựng điều đó trong suốt 8 năm - từ năm 10 tuổi cho đến năm 18 tuổi. Tuổi thơ của cô gái bỗng nhiên trở thành quãng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời với đủ mọi cung bậc cảm xúc sợ hãi, ghê tởm, đau đớn…
Năm 2006, Natascha trốn thoát khỏi nơi giam cầm, kết thúc một trong những vụ bắt cóc dài nhất trong lịch sử hiện đại, nơi tuổi thơ của cô bé đã trôi qua trong "địa ngục trần gian".
Một kết thúc có hậu xứng đáng đã đến với Natascha. Thậm chí, điều còn tuyệt vời hơn là vào năm 2010, ở độ tuổi 22, Natascha đã tốt nghiệp đại học. Đối với, một cô gái không nhận được sự giáo dục chính qui nào từ năm 10 đến 18 tuổi, đó là một thành tích đáng kinh ngạc. Làm sao cô có thể làm được việc ấy? Câu trả lời nằm trong cuốn sách này.
Hiện nay, Natascha Kampusch sống hạnh phúc bên gia đình và đứng đầu một quỹ từ thiện chuyên cứu giúp những phụ nữ bị lạm dụng.
Cô không chấp nhận việc mọi người nói mình mắc Hội chứng Stockholm – một hội chứng mà giới tâm lí dùng để nói về sự thông cảm của nạn nhân dành cho người bắt cóc mình. Cô cho rằng việc dán nhãn như vậy đã làm đơn giản hóa quá mức mối quan hệ phức tạp giữa cô và Priklopil. Trong Ác mộng 3096 ngày, độc giả có thể thấy được sự cố gắng nghiên cứu tâm lí, phân tích, suy xét về những tháng ngày gian khó, những cảm xúc khi ấy của cô gái trẻ này cả sau khi cô tự do. Thay vì cố gắng quên đi 8 năm đó, cô đã nỗ lực hết sức có thể để tìm ra ý nghĩa cho tội ác tưởng chừng như phi lí mà cô là nạn nhân phải gánh chịu. Và cô tìm ra được kết luận rằng dù thế nào, xã hội cũng cần những con quái vật vì: “Cần có hình ảnh về những căn hầm giam để không còn phải thấy nhiều gia đình mà sự bạo lực ẩn đằng sau những cái đầu bảo thủ, trưởng giả.” Với Ác mộng 3096 ngày, người đọc sẽ phải một lần nữa suy nghĩ về cái gọi là trắng, đen, thiện, ác… Mọi thứ đều khó có thể tách biệt rạch ròi. Tất cả đan xen lẫn nhau tạo nên cuộc sống. Đó cũng là sự nhìn nhận lí tính khách quan thật đáng quí, công tâm của cô gái dũng cảm Natascha Kampusch.
***
MẸ TÔI ĐỐT ĐIẾU THUỐC rồi rít một hơi dài. “Ngoài trời tối rồi. Ai biết được chuyện gì có thể xảy ra!” Mẹ lắc đầu.
Kỳ cuối tuần cuối cùng của tháng 2/1998, hai bố con tôi về nghỉ mát tại ngôi nhà ở Hungary mà bố tôi đã tậu được trong một ngôi làng nhỏ gần biên giới. Ngôi nhà này hoàn toàn bị bỏ trống, tường vách đều ẩm ướt và vôi vữa long ra. Nhiều năm qua, bố tôi đã bỏ công trùng tu lại căn nhà, trang bị bàn ghế xinh đẹp kiểu cổ, biến nơi đây thành một chỗ hầu như có thể cư ngụ được. Thế nhưng, tôi vẫn chẳng mấy thích lui tới đó. Bố tôi có một số bạn bè ở Hungary mà ông tha hồ bù khú và rượu chè no say với họ nhờ vào tỉ giá hối đoái chênh lệch giữa hai nơi. Trong các hàng quán mà hai bố con tôi lui tới vào các buổi tối, tôi là đứa trẻ con duy nhất trong nhóm. Tôi thường ngồi cạnh im như phỗng, trong bụng chán ngấy.
Lần này tôi cũng đi Hungary với bố một cách miễn cưỡng. Thời gian dường như trôi qua chậm chạp kinh khủng, và tôi tức giận vì mình còn quá nhỏ nên chẳng được phép có ý kiến gì về thời gian của chính mình. Thậm chí khi đến chỗ spa nóng trong vùng vào ngày chủ nhật ấy, tôi cũng chẳng mấy thích thú. Trong tâm trạng ức chế, tôi thả bộ trong khu vực spa thì được một phụ nữ quen biết lên tiếng mời, “Cháu uống soda với cô không?” Tôi gật đầu và theo cô ta vào trong quán café. Cô là một diễn viên sống tại Vienna. Tôi ngưỡng mộ cô vì cô luôn toát ra vẻ thanh thản và tự tin.
Thú thực từ lâu tôi vẫn ôm ấp giấc mơ thầm kín trở thành diễn viên. Một chốc sau, tôi hít một hơi thở sâu và bộc bạch, “Cô biết không, cháu cũng muốn trở thành diễn viên. Cô nghĩ cháu có khả năng không?”
…
Mời các bạn đón đọc Ác Mộng 3096 Ngày của tác giả Natascha Kampusch.