Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Nho Giáo - Trần Trọng Kim

Chữ Nhu còn có nghĩa là chờ đợi, tức là người trí thức chờ đợi người ta cần dùng gọi đến thì đem tài sức ra giúp đời. Như vậy, Nho là những hạng người học thông đạo lý của Thánh Hiền, biết được lẽ Trời Đất và Người, để hướng dẫn người phải ăn ở và cư xử thế nào cho hợp với Đạo Trời, hợp với lòng người.

Sách Pháp Ngôn có câu : “Thông Thiên định Địa viết Nho”. Nghĩa là : Người biết rõ cả Thiên văn, Địa lý, thì mới gọi là Nho. Phàm những người Nho học thì chuyên về mặt áp dụng thực tế, chớ không chú trọng nhiều về mặt lý tưởng. Bởi vậy, từ xưa đến nay, họ là những người sẵn sàng nhập thế cuộc, gánh vác việc đời, làm ích nước lợi dân, khác hẳn với những tu sĩ Phật giáo hay Lão giáo, chỉ biết xuất thế, lo tu độc thiện kỳ thân. Giáo : Dạy, tôn giáo, một mối đạo.

Nho Giáo là một tôn giáo hay một học thuyết có hệ thống và có phương pháp, dạy về Nhơn đạo, tức là dạy về đạo làm một con người trong gia đình và trong xã hội. Hệ thống của Nho giáo thì theo chủ nghĩa : “ Thiên Địa Vạn vật đồng nhứt thể” , nghĩa là : Trời Đất và muôn vật đều đồng một thể với nhau.

***

Sử gia Trần Trọng Kim (1882 - 1953), bút hiệu Lệ Thần, quê xã Đan Phổ (nay là Xuân Phổ), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân là nhà giáo, tốt nghiệp Sư phạm ở Pháp (1911), về nước dạy học tại trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi, nay là trường THPT Chu Văn An - Hà Nội). Trần Trọng Kim là Thủ tướng đầu tiên Nội các độc lập của Đế quốc Việt Nam.

***

Một cái nhà cổ rất đẹp, lâu ngày không ai sửa sang, để đến nỗi bị cơn gió bão đánh đổ bẹp xuống. Những người xưa nay vẫn ở cái nhà ấy, ngơ ngác không biết làm thế nào. Dẫu có muốn dựng lại, cũng không dựng được, vì người không có mà của cũng không. Vả thời thế đã xoay vần, cuộc đời biến đổi, người trong nước đang háo hức về sự bỏ cũ theo mới, không ai nghĩ gì đến cái nhà cổ ấy nữa. Song cái nhà cổ ấy tự nó là một bảo vật vô giá, không lẽ để đổ nát đi, mà không tìm cách giữ lấy di tích. Không gì nữa, thì ta cũng vẽ lấy cái bản đồ để người đời sau biết rằng cái nhà ấy khi xưa đẹp đẽ là thế, mà sau đổ nát là thế. Ấy cái tình cảnh văn hóa của Nho giáo hiện thời bây giờ cũng như cái nhà cổ ấy vậy.

Việc làm quyển sách nói về Nho giáo tức là việc vẽ lấy cái bản đồ của Nho giáo. Đáng lẽ là việc của những người đã sinh trưởng trong cái không khí Nho giáo, đã tiêm nhiễm cái tinh thần Nho giáo. Nhưng khốn thay, người đời lãnh đạm, ai nấy thấy cái học cũ đã đổ thì thôi, không ai lưu ý đến nữa. Vậy nên chúng tôi vì chút lòng hoài cổ, không quản sự khó khăn, không sợ việc to lớn, đem cái sức nhỏ mọn mà tự nhận lấy việc làm sách này, đêm ngày tìm kiếm, nghĩ ngợi, cố tả cho rõ cái chân tướng của Nho giáo, để họa may có bổ ích cho sự học của người mình được chút nào chăng. Dẫu tả không được đúng cái chân tướng ấy cho lắm, nhưng cũng là một việc làm để giữ lấy di tích về sau. Chúng tôi nghĩ như thế, cho nên phải gắng sức tạm nhận lấy cái gánh nặng, chủ đích là để cho những kẻ hậu học sau này, ai muốn biết cái tinh thần của xã hội ta khi xưa bởi đâu mà sinh ra, và cái tinh thần ấy về sau tại làm sao mà hư hỏng đi. Tưởng đó là một điều rất mật thiết đến việc học ngày nay. Vì rằng việc tiến hóa của một dân tộc không phải là chỉ cần lấy học cho biết cái biết của người mà thôi, lại cần phải biết rõ những cái của mình đã có, để đem dung hòa cái mới với cái cũ mà gây thành ra cái tinh thần mới, có thể thích hợp với hoàn cảnh của mình, thích hợp với trình độ và tâm tính của mình. Đó là sự mong mỏi của chúng tôi, tấm lòng thành thực cứ đinh ninh như thế vậy.

Đã nói rằng quyển sách này tựa cái bản đồ vẽ cái nền Nho giáo cũ, thì dẫu hay dở thế nào mặc lòng, cốt nhất là phải vẽ cho đúng. Vậy nếu trong sách này chúng tôi thường trích lục những lời nguyên văn của thánh hiền đã ghi chép trong các Kinh, Truyện cùng những điều của tiên nho lưu truyền ở trong các sách vở, đem phiên dịch ra quốc âm cho rõ ràng, để làm minh chứng cho cái học thuyết của Nho giáo. Còn những lời nghị luận, thì chúng tôi vẫn cố giữ thái độ khách quan mà nói, chứ không theo ý riêng mà làm mờ tối mất sự thực. Giản hoặc có điều gì không được chính đáng, ấy cũng là xuất ư ý ngoại, xin độc giả thể tình mà dung thứ cho.

Trước khi đem xuất bản quyển sách này, chúng tôi xin có lời cảm tạ hai ông bạn là ông Phó bảng Bùi Kỷ và ông Cử Trần Lê Nhân đã giúp đỡ chúng tôi trong khi khảo cứu, thường gặp những chỗ khó hiểu, cùng nhau bàn bạc được rõ hết mọi ý nghĩa.

Làm quyển sách này, bản ý của chúng tôi là mong bày tỏ được cái đạo của thánh hiền ra, dẫu mất bao nhiêu công phu cũng không ngại, miễn là được thỏa tấm lòng lạc đạo thì thôi, trước sau chỉ một niềm cúc cung tận tụy về việc học. Ước ao rằng cái công phu này không đến nỗi bỏ uổng vậy.

TRẦN TRỌNG KIM

Mời các bạn đón đọc Nho Giáo của tác giả Trần Trọng Kim.