Cuốn sách dày 396 trang, giới thiệu 25 truyện ngắn, từ những truyện làm nên tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp như "Sang sông", "Thương nhớ đồng quê", "Chuyện tình kể trong đêm mưa", “Đưa sáo sang sông”… đến những truyện được viết gần đây: "Cà phê Hàng Hành", "Quan Âm chỉ lộ"…
Truyện “Tướng về hưu” là một câu chuyện về gia đình nhưng lắng đọng trong đó là rất nhiều bi kịch và mâu thuẫn của những con người trong thời kỳ Đổi mới. Trong bức tranh gia đình ông Thuần, ta không thấy sự đói khổ, thiếu thốn về vật chất như những gia đình khác mà ở đó là sự dằn vặt trong nội tâm của từng thành viên trong gia đình.
Tập truyện ngắn Tướng Về Hưu gồm có:
***
Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 tại Thanh Trì, Hà Nội. Từ nhỏ ông đã cùng gia đình lưu lạc khắp các miền nông thôn đồng bằng Bắc Bộ vì vậy những hình ảnh về con người, cảnh vật nơi thôn quê đã in đậm trong ký ức của ông.
Ông được nhận xét là một bông hoa nở muộn trên văn đàn văn học Việt Nam. Những truyện ngắn đầu tiên của ông xuất hiện trên báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam năm 1986. Không lâu sau đó các tác phẩm của ông được bàn luận sôi nổi trong làng văn cả trong lẫn ngoài nước. Có nhiều nhận xét trái chiều về văn phong của Nguyễn Huy Thiệp, người chê, kẻ khen ngợi nhưng cho tới nay cái tên Nguyễn Huy Thiệp vẫn gây ấn tượng trong lòng độc giả bởi những truyện ngắn đặc sắc và ấn tượng.
Không chỉ viết văn Nguyễn Huy Thiệp còn biên kịch, những vở kịch của ông có thể kể đến là Xuân hồng, Còn lại tình yêu, Gia đình, Nhà tiên tri, Hoa sen nở ngày 29 tháng 4…
Ông còn là người rất có khiếu làm thơ và kinh doanh. Tuy chưa có một tập thơ nào được xuất bản nhưng độc giả có thể tìm thấy khá nhiều bài thơ trong các truyện ngắn của ông. Năm 1994 ông gác bút và mở nhà hàng kinh doanh ở Hà Nội tên là Hoa Ban, hiện tại rất đông khách.
Các sách đã xuất bản
- Những ngọn gió Hua Tát, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1989. - Tác phẩm và dư luận, Tạp chí Sông Hương - Nhà xuất bản Trẻ, Huế, 1989. - Nguyễn Huy Thiệp - Tác phẩm và dư luận, tác giả: Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Ngọc Hiến, Tạ Ngọc Liễn, Thùy Sương, Đỗ Văn Khang, Nhà xuất bản Trẻ, 1990. - Tác phẩm và dư luận tái bản, Nhà xuất bản Hồng Lĩnh, California, 1991. - Con gái thủy thần, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1993. - Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nhà xuất bản Trẻ, 2003. - Xuân Hồng, Nhà xuất bản Tân Thư, California, 1994. - Như những ngọn gió, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1995. - Truyện ngắn chọn lọc Nguyễn Huy Thiệp, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995. - Thương cả cho đời bạc, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000. - Mưa Nhã Nam, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 2001. - Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 2001. - Suối nhỏ êm dịu (kịch), Báo Văn nghệ, California, 2001. - Mổ nhà văn (kịch), Trang mạng Talawas, Thích Thiện Ngân (bút danh). - Tuổi hai mươi yêu dấu (tiểu thuyết), Nhà xuất bản E’ditions de l’Aube, 2002. - Tuyển tập kịch Nguyễn Huy Thiệp, Nhà xuất bản Trẻ, 2003. - Như những ngọn gió (tuyển tập), Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1995. - Tiểu Long Nữ (tiểu thuyết), Nhà xuất bản Công an nhân dân, 1996. - Giăng lưới bắt chim, Đông A - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 2006. - Gạ tình lấy điểm (tiểu thuyết), Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2007. - Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết (tập truyện ngắn), Nhà xuất bản Đa Nguyên
***
Như một cánh cung, phố Hàng Hành bên hồ Hoàn Kiếm dài hơn trăm mét có đến mấy chục hàng ăn, hàng café, gallery, shop quần áo. Nghe nói ngày xưa đây là nơi bán hành tỏi, sau chuyển sang nghề tiện gỗ. Đền thờ tổ nghề tiện gỗ ở trong nhà số 11. Nghề tiện gỗ vốn là nghề truyền thống của làng Nhị Khê quê hương Nguyễn Trãi.
Ở phố Hàng Hành có mấy di tích cổ là đình và đền làng Tả Khánh Thuỵ ở trong nhà số 23. Ngoài ra ở nhà số 40 còn đền Trúc Lâm là đền thờ các ông tổ của nghề thuộc da giầy là các ông Phạm Đức Chính, Phạm Sĩ Bân và Phạm Thuần Chính. Trước cửa đền Trúc Lâm bây giờ là nơi rửa xe máy.
- Hà Nội đất Thánh!- Ông Vũ nhà ở phố Hàng Giầy trước đây vẫn ngồi ở gác hai nhà café Nhân thường nói- Hà Nội là đất Thánh nên đi đến đâu cũng là di tích!
Ông Vũ là khách đặc biệt của café Nhân. Ông biết rõ café Nhân từ khi mới lập, cách đây năm mươi năm, khi ấy chỉ là một gian nhà hẹp ở phố Cầu Gỗ. Một dạo, ông Vũ chuyển sang uống ở café Lâm phố Nguyễn Hữu Huân. Lâm nổi tiếng vì chơi với nhiều văn nhân nghệ sỹ, về già lại hay cúng tiền công đức lên cho các chùa. Lâm mất, ông Vũ chuyển về uống ở café Mai phố Lương Ngọc Quyến. Năm 2000, Mai bị bắt vì buôn ma tuý, ông Vũ chuyển về uống ở café Nhân Hàng Hành. Ngày nào cũng vậy, cứ 9 giờ sáng và 5 giờ chiều, ông Vũ đều đặn hai lượt đến ngồi ở trên ban công gác hai nhìn xuống mặt đường, uống một ly café đen đá và hút thuốc lá Camel, đôi mắt xa xăm nhìn ngắm bóng chiều cứ xuống dần dần qua tán lá bàng. Thời gian trôi đi, tất cả rồi mất hút vào trong quên lãng, qua khói thuốc, qua ly café. Chớp mắt hốt nhiên đã hết veo một đời người : ông Vũ chết vì bệnh ung thư ác tính vào năm 2003 thọ sáu mươi tuổi.
Café Nhân là nơi bọn giai phố và đám thanh niên trẻ rất thích ngồi. Một nhóm họa sĩ thời thượng ở Hà Nội để râu xồm xoàm cũng hay ngồi đây, có một bàn đặt hẳn hoi được trả tiền trước. Bên cạnh bàn đặt của nhóm hoạ sĩ là bàn của hoa hậu Mai Phương Thuý và đám thuộc hạ của cô thỉnh thoảng cũng hay đến tán phét. Khách thập phương và Tây ba –lô cũng thích đến đây ăn sáng với món bánh mỳ sốt vang và trứng ốp –lếp.
…
Mời các bạn đón đọc Tướng Về Hưu của tác giả Nguyễn Huy Thiệp.