Ở Trung Quốc có quan niệm cho rằng làm việc dễ, làm người khó. Làm người thì rất vô cùng, nhưng làm việc, nhất là việc làm quan, có những bước đi mà theo đúng sẽ thành công. “Bí quyết làm quan tham hiệu quả” là chủ đề của cuốn tiểu thuyết Ôsin nhà bộ trưởng.
Cuốn sách bắt đầu khi Cùng Hoa, một cô gái mới hai mươi tuổi, từ vùng quê nghèo xa tít tắp quyết định ra thành phố lớn kiếm tiền. Nhờ xinh đẹp, cô được Vương Hãn Đông chọn để gửi đến làm người giúp việc cho gia đình bộ trưởng Từ Văn Tuấn. Cô gái quê đâu ngờ làm ôsin nhà bộ trưởng không hề dễ.
Thời thế tạo anh hùng, quan hệ tạo cán bộ
Vương Hãn Đông là giám đốc chi nhánh ngân hàng, đang muốn leo lên cao. Chương Kiến Quốc muốn bỏ chữ “phó” trong chức phó cục trưởng Cục Giao thông của mình. Hai người này trông chờ vào “tấm lòng” của bộ trưởng Từ Văn Tuấn, vì vậy đã cùng nhau giăng ra một cái bẫy dành cho công tử nhà họ Từ.
Vương Hãn Đông từng không ngần ngại tặng người tình của mình cho Từ Thẩm Bình, con trai Từ Văn Tuấn, kèm theo căn hộ cao cấp, nhưng lần này Cùng Hoa không đơn giản là một món quà khác. Vương Hãn Đông muốn tiện thể bắt cô theo dõi các mối quan hệ của nhà bộ trưởng Từ để sắp xếp thêm một kế hoạch B khi có biến.
Trong giới quan trường đó là yếu tố hàng đầu, đúng như lời dạy bảo ân cần của Chương Kiến Quốc đối với Từ Thẩm Bình: “Người với người, ngoài quan hệ huyết thống là trời sinh, các quan hệ khác đều phải tự mình xây dựng, theo như cách nói hiện đại là “kinh doanh”. Thực ra cả đời người không thoát khỏi hai chữ “kinh doanh”… Trong lịch sử là thời thế tạo anh hùng, xã hội hiện thực bây giờ là quan hệ tạo cán bộ”.
Nhờ có quan hệ tốt mà khi đoàn kiểm tra đến Cục Giao thông, nhân viên đều nhận xét về Chương Kiến Quốc đại loại như: “Cục trưởng Chương làm việc chăm chỉ quên cả ăn uống, không biết rằng sức khỏe của mình chính là tài sản của cách mạng”…
Có tài có đức là thượng phẩm, có tài vô đức là độc phẩm, có đức vô tài là thứ phẩm, vô đức vô tài là phế phẩm - nhưng chỉ cần sắp xếp được quan hệ, đám “độc phẩm” và “phế phẩm” sẽ có không ít cơ hội ngoi lên. Mạng lưới các nhân vật mở rộng dần, để lộ vô số ngõ ngách cực kỳ tinh vi trên con đường phấn đấu làm quan tham.
Tác giả Phạm Gia Khánh là một người dân của thành phố Thượng Hải sôi động bậc nhất, từng làm nhiều công việc như nghiên cứu khoa học, giáo viên, kinh doanh và truyền thông. Ông đã viết nhiều sách về các lĩnh vực đó và có thể coi Ôsin nhà bộ trưởng là cách dùng văn học để tổng hợp kinh nghiệm về cuộc sống của ông. Không có ngôn ngữ văn chương độc đáo hay kết cấu mới lạ, nhưng cuốn sách ngồn ngộn chất hiện thực và lôi cuốn trong từng chi tiết.
Ôsin nhà bộ trưởng khá tiêu biểu cho văn học đương đại Trung Quốc, đặt ra nhiều vấn đề về con người và xã hội thời đổi mới, đồng thời là một tiểu thuyết giải trí đáng đọc.
***
Cùng Hoa năm nay hai mươi tuổi.
Cùng Hoa sinh ra trên mảnh đất nghèo cằn cỗi sát biên cương. Đó là khu cách mạng cũ và là khu dân tộc thiểu số, vô cùng nghèo khổ. Quê hương của Cùng Hoa có tới ba phần tư số dân là người dân tộc thiểu số, nhưng tổng kết lại thì đây cũng là điểm nổi bật nhất của khu vực này. Người dân địa phương có một bài vè vui là: “Giao thông bằng hai chân, trị an bằng con chó, thông tin bằng đường miệng, vui chơi bằng đôi tay”.
Mẹ Cùng Hoa qua đời từ rất sớm, trong nhà chỉ có cha của Cùng Hoa là Ngô Giải Phóng và năm chị em gái sàn sàn tuổi nhau. Ngô Giải Phóng đặt cho năm cô con gái của mình năm cái tên rất dễ nghe: Kim Hoa, Ngân Hoa, Đào Hoa, Mai Hoa, Cùng Hoa. Ngô Giải Phóng đặt tên hai cô con gái đầu là Kim Hoa và Ngân Hoa là vì nhà nghèo quá, sợ nghèo nên phải đặt tên có vàng có bạc, nhưng mấy cô con gái sau liên tục ra đời, nếu cứ đặt theo thứ tự là Kim, Ngân, Đồng, Thiết, Tích, không những càng ngày càng không đáng tiền mà cũng không hợp lắm với tên con gái. Ngô Giải Phóng vốn lanh lợi, lại nghĩ ra cách đặt tên khác. Cô con gái thứ ba sinh vào mùa xuân nên đặt là Đào Hoa, cô con gái thứ tư sinh vào mùa đông nên đặt là Mai Hoa.
Cô con gái thứ năm của Ngô Giải Phóng có tên là Cùng Hoa lại là vì một nguyên nhân khác.
Vợ Ngô Giải Phóng năm lần sinh con đều sinh ở nhà, trừ lần sinh Kim Hoa và Ngân Hoa có mời bà đỡ tới giúp, những cô con gái sau này đều tự đỡ vì không muốn tốn tiền. Thứ nhất là vì bà sinh con đã quen, thứ hai là thai của bà nhỏ, không lớn như những đứa trẻ nhà thành phố nên lúc sinh cũng không tốn mấy sức. Do đó lúc sinh Đào Hoa và Mai Hoa, bà đều sinh ở nhà, hơn nữa hai lần sinh con đều rất thuận lợi. Nhưng lúc sinh Cùng Hoa, bà lại gặp trục trặc. Không biết vì giấy vệ sinh không sạch, hay vì kéo cắt rốn không được khử trùng triệt để nên bị băng huyết sau khi sinh. Vì chút tiền ít ỏi có trong nhà khiến họ không đủ dũng khí đi tới bệnh viện nên Ngô Giải Phóng đành để vợ nằm nhà vài ngày rồi tính sau, tới lúc thấy vợ sắp không trụ được nữa, Ngô Giải Phóng mới vội vã tìm người khiêng vợ tới trạm y tế xã. Bác sĩ xem xét bệnh tình xong nói, điều kiện của trạm y tế quá sơ sài, thuốc men cũng không đủ nên phải lập tức đưa tới bệnh viện lớn xem thế nào, nhưng người bệnh đã bệnh tới mức này rồi mới đem đi chữa chỉ sợ bệnh viện lớn cũng phải trả về.
Ở trạm y tế về được một ngày, vợ Ngô Giải Phóng đã nhắm mắt xuôi tay.
Ngô Giải Phóng làm hậu sự cho vợ xong, nhìn mấy đứa con gái mất mẹ chen chúc đứng trước mặt, không biết sau này phải sống như thế nào. Chỉ mười ngày sau, Ngô Giải Phóng đã như già đi mười tuổi. Do vợ mất vì sinh con, nên ông gọi cô con gái cuối cùng không có mẹ là Cùng Hoa.
Những ngày tháng sau này của Ngô Giải Phóng không còn niềm vui hay nỗi buồn. Ngày nào ông cũng nhìn thấy mặt trời mọc lên ở đằng đông và lặn xuống ở đằng tây, cứ như vậy suốt hai mươi năm trời.
Cùng Hoa lớn lên ở cái thôn núi ấy bằng ăn gạo cứu tế của nhà nước, mặc quần áo quyên góp của người thành phố suốt hai mươi năm ròng.
…
Mời các bạn đón đọc Ôsin Nhà Bộ Trưởng của tác giả Phạm Gia Khánh.