Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Núi Thần

Nếu như Buddenbrooks là ngôi sao tỏa sáng trong sự nghiệp của Thomas Mann, hay Chết ở Venice là một cuốn tiểu thuyết ngắn nhưng vô cùng hoàn hảo của ông, thì Núi thần lại là kiệt tác thể hiện những tư tưởng lớn lao của nhà văn cũng như những đối lập trong nền văn hóa châu Âu. Lấy bối cảnh là một viện điều dưỡng trên vùng núi cao ở Thụy Sĩ trong những năm trước Thế chiến thứ nhất, Núi thần là bản tổng hòa của một tác phẩm kinh điển trường phái hiện đại, một bildungsroman (tiểu thuyết triết lý) truyền thống, màn kịch đầy đủ những tính cách, và bức tranh về giới tư sản châu Âu đầu thế kỷ 20. Người ta có thể thấy trong Núi thần tư tưởng của chủ nghĩa nhân văn và những tư tưởng cấp tiến, tình yêu và trách nhiệm.

Núi thần còn là cuốn tiểu thuyết về bệnh tật, không chỉ là bệnh tật trong cơ thể mà còn là bệnh tật trong tâm hồn. Và nơi bệnh tật ngự trị cũng là triệu chứng của sự suy thoái của chủ nghĩa tư bản và giới tư sản Âu châu. Ở một cấp độ cao hơn, Núi thần cũng đặt ra câu hỏi về bản chất của thời gian, thời gian là phương tiện và được phản ánh qua trải nghiệm của nhân vật chính, chàng kỹ sư trẻ tuổi Hans Castorp.

Núi thần là cuốn sách đầy sự thông thái với ngòi bút tả thực mỉa mai, đập nhịp cùng sự sống giữa cái chết u ám.

***

Paul Thomas Mann (1875 - 1955) là nhà văn Đức đoạt giải Nobel Văn học năm 1929 và Giải Goethe năm 1949. Ông được coi là nhà văn lớn nhất của Đức thế kỷ 20. Thomas Mann là nhà văn có tư tưởng nhân đạo. Ông tập trung miêu tả quá trình suy sụp của giai cấp tư sản với một ngòi bút hiện thực, mỉa mai, chú trọng phân tích tâm lý. Văn của Thomas Mann chính xác, từ ngữ gọt giũa kỹ lưỡng, đòi hỏi người đọc phải tập trung suy nghĩ; ông sử dụng nhiều kiến thức về triết học, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, y học, xã hội học, phân tâm học.

Năm 1913, cuốn tiểu thuyết ngắn Der Tog in Venedig (Chết ở Venice) được xuất bản, cùng với Tonio Kroger được coi là những tác phẩm xuất sẳc nhất thuộc thể loại này.

Thế chiến thứ nhất đã đẩy nhà văn vào một cuộc khủng hoảng tinh thần trầm trọng, ông viết tập ký 600 trang Betrachtungen eines Unpolitischen (Những suy ngẫm ngoài chính trị, 1918) trong thời gian này. Sau chiến tranh ông trở lại với văn học nghệ thuật, hoàn thành một trong những đỉnh cao sáng tác của minh là Der Zauberberg (Núi thần, 1924). Năm 1929, ông được nhận giải Nobel, chủ yếu vì bộ tiểu thuyết vĩ đại Buddenbrooks - Verfall einer Familie.

Từ những năm 1930, Thomas Mann tích cực tham gia các hoạt động chính tri chống chủ nghĩa phát xít; dưới thời Đức quốc xã sách của ông bị cấm và bị đốt ở Đức, ông bị tước quốc tịch Đức (1936), phải sống lưu vong. Năm 1938 ông sang Mỹ và trở thành công dân Mỹ (1944). Sau chiến tranh ông về thăm cả Đông và Tây Đức, được đón tiếp long trọng nhưng ông không ở lại Đức mà sang định cư ở Zurich (Thụy Sỹ) cho đến khi mất.

Ngoài giải Nobel, ông được cả Đông và Tây Đức trao tặng giải thưởng Goethe năm 1949; ông cũng được Đại học Oxford và Đại học Cambridge trao bằng danh dự.

***

Khi tới nhà điều dưỡng để thăm anh họ của mình, kỹ sư Hans Castorp không biết trước rằng, thay vì ở đó một vài tuần như dự định, anh sẽ ở lại nhiều năm, suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết dày ngàn trang của Thomas Mann.

Với những người bạn Âu châu mà tôi trở nên đủ thân thiết để hỏi: cuốn tiểu thuyết nào là cuốn bạn thích nhất, câu trả lời “Núi thần” xuất hiện với một tần suất lớn đáng ngạc nhiên. Tôi thử tự lý giải như thế này:

Các nhân vật chính hay phụ trong sách: từ Hans Castorp người đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời trong khu điều dưỡng cho những người lao phổi, Joachim Ziemßen người anh họ ốm yếu nhưng chỉ có một hoài bão là được ra trận, bà Chauchat người phụ nữ mà Hans Castorp yêu trong tâm tưởng và ghen tuông, bác sĩ trưởng Behrens, nhà hiền triết Settembrini cho đến ông Pepperkorn, chồng của bà Chauchat người chỉ xuất hiện vào nửa cuối của truyện, đều là những nhân vật vô cùng đặc sắc.

Đây là một cuốn sách đậm đặc phong vị của châu Âu, đầy sự lịch lãm và hài hước, những gì mà người châu Âu coi là sự biểu đạt của văn hóa.

Nhưng cái quan trọng nhất có lẽ lại là cái khác. Đó là thái độ của Hans đối với một cuộc sống tù túng và vô nghĩa, cuộc sống của người bệnh nằm dài ngoài ban công của tòa nhà điều dưỡng, mình cuộn trong tấm chăn mỏng dệt từ lông lạc đà, miệng ngậm hàn thử biểu, nằm để chờ đợi một cái gì khủng khiếp xảy ra, có thể là cái chết, có thể là chiến tranh. Cả chiến tranh và cái chết sẽ đều tới thật. Tiếp nhận cuộc sống như một tấn bi kịch tàn độc và vô nghĩa, với một nụ cười tủm tỉm là lựa chọn của Hans, có lẽ của Thomas Mann và của nhiều người trong số chúng ta.

Ngô Bảo Châu

***

CÁNH CỬA MỞ RỘNG

Tủ sách hợp tác giữa
nhà toán học Ngô Bảo Châu,
nhà văn Phan Việt
với Nhà xuất bản Trẻ

Tủ sách CÁNH CỬA MỞ RỘNG được thực hiện nhằm mục đích giới thiệu những đầu sách có giá trị của thế giới và trong nước đến bạn đọc Việt Nam, đặc biệt là bạn đọc trẻ, góp phần thúc đẩy việc đọc sách, tinh thần hiếu học, coi trọng tri thức và những giá trị sống. Các tựa sách trong tủ do nhà toán học Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt tuyển chọn và giới thiệu.

Tủ sách được phân thành ba mảng: văn học, khoa học xã hội – kinh tế, và khoa học tự nhiên; trước mắt cấu tạo tủ sách gồm 80% các sách có khả năng tiếp cận đông đảo bạn đọc và 20% cho các sách chuyên ngành.

***

Câu chuyện của Hans Castorp mà chúng tôi dự định kể hầu quý vị - không phải kể về bản thân chàng ta (vì quý độc giả sẽ gặp ở đây một chàng trai trẻ rất đỗi bình thường, mặc dù cũng không kém phần đáng mến), mà kể về câu chuyện theo thiển ý của chúng tôi rất đáng lưu truyền (có lẽ cũng nên vì Hans Castorp xin lưu ý quý vị rằng đây là câu chuyện của chàng ta, và không phải bất kỳ ai cũng có được một câu chuyện để kể): một câu chuyện xảy ra đã lâu lắm rồi, có thể nói rằng những lớp rỉ sét lịch sử đã phủ đầy lên đó, và vì vậy phải được kể bằng thời quá khứ xa xưa nhất.

Điều này chẳng phải là một điểm bất lợi cho câu chuyện, đúng ra phải coi đó là lợi điểm; vì đã là chuyện kể thì phải xưa cũ chứ, và có thể nói không ngoa rằng chuyện càng lùi xa vào dĩ vãng lại càng hấp dẫn, càng có lợi cho bản thân câu chuyện lẫn cho người kể chuyện, kẻ rì rầm đọc thần chú gợi lên một thời quá khứ chưa khép lại. Tuy nhiên đối với câu chuyện này, cũng như giờ đây đối với mọi người và dĩ nhiên trong số họ bao gồm cả những người kể chuyện, phải hiểu rằng: nó già cỗi hơn rất nhiều so với tuổi của mình, sự già nua tuổi tác không thể tính bằng ngày bằng tháng, không thể tính bằng những vòng quay của trái đất quanh mặt trời; nói một cách ngắn gọn: mức độ xa xưa của nó đúng ra không được đo bởi thời gian - một nhận định kín đáo ám chỉ và lưu ý ta về tính khả nghi và bản chất tráo trở của cái yếu tố bí hiểm tên gọi thời gian.

Để cho sự việc không bị bao phủ dưới bức màn thiếu tự nhiên, xin được giải thích: tính cổ xưa của câu chuyện này bắt nguồn ở chỗ, chuyện xảy ra trước một ranh giới đồng thời là bước ngoặt lịch sử, một vực thẳm xẻ ra trống hoác trong cuộc sống và trong tiềm thức… Chuyện xảy ra, hay, để tránh dùng thời hiện tại một cách có dụng ý, chuyện đã xảy ra và đã từng xảy ra khi ấy, trước kia, vào những ngày xa xưa, trong một thế giới đứng trước cuộc chiến tranh lớn mở đầu cho biết bao nhiêu sự kiện, và sự mở đầu này cho đến nay vẫn còn chưa kết thúc. Vậy là câu chuyện này đã xảy ra trước đó, mặc dù trước đó chẳng bao lâu. Nhưng phải chăng tính xưa cũ của một câu chuyện càng sâu đậm, trọn vẹn và thần thoại khi diễn biến của nó càng xích lại gần thời điểm “trước đó”, trước cái mốc lịch sử kia? Như vậy thì rất có thể câu chuyện của chúng ta, với nội dung của nó, cũng có chút hơi hướng liên quan với thần thoại.

Mời các bạn đón đọc Núi Thần của tác giả Thomas Mann.