Đã năm ngày nay trời mưa tầm tã, cả năm ngày không có một tí ánh nắng nào, ai cũng có cảm giác như đang phải sống những ngày trong hang, trong lỗ, ngột ngạt đến tức thở. Mọi người bần cùng lắm mới ra đường, nhất là đối với người già. Ông Giang vốn là người ưa hoạt động, ngày nào ông cũng phải đi ra ngoài vài tiếng đồng hồ. Nào là đi tập thể dục buổi sáng, buổi chiều; nào là đi gặp gỡ bạn bè đàm đạo thơ phú; nào là đi sinh hoạt hội đồng hương, hội người cao tuổi, hội Cựu chiến binh… Mấy ngày nay ông phải ngồi lì trong nhà, trông ông luôn hiện lên gương mặt cau có, bức bối như bị kiến cắn khắp người. Ngoài cái khổ không đi đâu được, ông còn cái khổ nhà dột, ẩm thấp. Ngôi nhà thuê ba tầng gần một trăm mét vuông nhưng lại có tới tám người ở của ba thế hệ; chỉ riêng việc phơi quần áo cho mọi người đi làm về bị ướt cũng đã khổ rồi. Mấy đứa cháu ngoại đang cùng ở với ông bà thì chẳng biết sợ là gì, mỗi ngày vài ba lần chúng chạy ra sân để hứng nước mưa, lại còn xô đẩy nhau ngã lấm hết cả. Ông bảo chúng nó không nghe, có lần ông phải đem roi ra dọa bọn chúng mới chịu vào.
Bà Nhân - vợ ông, thấy các cháu đùa quá làm ông phải cáu, bà nói:
- Bao giờ có được cái nhà để không phải đi thuê, để san sẻ bớt chúng nó ra cho đỡ khổ.
Nghe bà nói vậy, ông Giang nói ngay:
- Kể nhiều lúc cũng bực, nhưng nhiều khi có lũ trẻ cũng vui. Nếu không có chúng nó đánh cãi nhau thì làm sao bà lại trở thành quan Tòa xử kiện; không có chúng nó múa hát, đóng kịch thì làm sao tôi với bà có được những trận cười vỡ bụng. Nói cho công bằng, chúng nó có công to lắm, chúng nó làm cho mình trẻ lại, có đúng không bà?
- Vâng, tất nhiên rồi, nhưng về lâu dài chắc chúng nó cũng không ở mãi như thế này đâu, vừa chật chội, vừa mất tự do của chúng nó.
- Tôi cũng hiểu như bà nhưng với hoàn cảnh nhà mình hiện nay muốn tách cũng khó lắm, tôi với bà chỉ trông vào mấy đồng lương hưu, các con cũng chưa tích lũy được bao nhiêu, nếu có làm nhà thì phải đi vay, vay nhiều thì chết, nhà và đất bây giờ đắt lắm.
Ông đang nói thì có tiếng chuông điện thoại, ông vội cầm ống nghe.
- Ai gọi tôi đấy ạ?
Từ đầu dây bên kia có tiếng người phụ nữ trả lời.
- Tôi là Bao đây, ông có cần tiền lương sang mà lấy.
Nghe vậy ông vội vàng mặc áo mưa để đi. Bà hỏi: “Có việc gì mà ông phải đi vội thế?”
- Bà Bao điện tôi sang mà lĩnh lương hưu.Ông thừa hiểu hoàn cảnh của gia đình rồi nhưng ông vẫn hỏi “bà cần tiêu chưa để tôi đi lấy?”
Bà nhìn ông với con mắt ái ngại, vì thương ông phải đi lúc mưa gió nhưng bà vẫn phải nói. Không lĩnh lấy gì mà tiêu, mấy ngày nay ở chợ cái gì cũng đắt, từ con cá mớ rau, đến cân gạo, củ khoai…
Ông Giang bước vào sân nhà bà Bao, đã thấy trong nhà có mấy ông bà cùng cảnh đến lĩnh lương, đang chuyện trò rôm rả. Ông Giang cất tiếng chào bà Bao và mọi người, mọi người cũng đồng thanh chào lại. Ông Thành, một ông cụ vui tính, đến trước đã nhìn ông Giang và nói: “Mưa gió thế này cứ đắp chăn mà ngủ, ông đến đây làm gì?” Ông Giang trả lời hóm hỉnh: “Tôi cũng như các ông, nhớ bà Bao quá nên phải đến”… mọi người đều cười. Bà Bao đang phát tiền phải ngừng tay nói xen vào: “Các ông nhớ Bác Hồ chứ nhớ gì tôi, nói như ông Giang, nhà tôi nghe thấy thì chết”. Mọi người lại cười… Lâu ngày gặp nhau lĩnh lương ai cũng thấy vui, nhưng rồi ai cũng mong lĩnh xong để về còn lo chuyện mưa bão ở nhà.
Lấy được đồng lương hưu về đưa cho bà, thấy bà tươi hẳn lên vì ngày mai đã có tiền ra chợ. Ông Giang vừa đưa mấy đồng lương cho bà, cái vui nho nhỏ vừa chợt đến thì bà lại lộ ra nét mặt lo âu, bà nói: “Lúc ông vừa đội áo mưa đi ra cổng thì ông Tường chủ cho thuê nhà vừa đến, ông ấy đến để lấy tiền thuê nhà tháng tới, ông ấy nói từ tháng tới mỗi tháng phải tăng thêm năm trăm ngàn, tức là tăng thêm 10%. Tôi có nói ông cháu đi lĩnh lương hưu chưa về nên chưa có tiền nhà đưa ông, tôi có đề nghị ông ấy cân nhắc lại giá thuê như thế thì cao quá, lấy đâu trả được. Tôi vừa nói xong ông ấy nói ngay với thái độ dứt khoát: “Tùy ông bà, bây giờ thị trường giá thuê nhà lên rồi, không tin ông bà đi mà khảo giá, nếu ông bà không thuê tôi lấy lại cũng được, hiện nay khối người hỏi thuê nhà nhưng không có nhà mà cho thuê. Vừa nói ông ấy vừa nhìn quanh nhà như muốn tìm kiếm điều gì, sau đấy ông ấy nói luôn: “Tôi cũng muốn lấy lại để sửa chữa nâng cấp thêm, sau khi nâng cấp giá thuê phải gấp rưỡi hiện nay.”
…
Mời các bạn đón đọc Gặp Ma của tác giả Phan Văn Đà.