Lắng Nghe Trong Gió - Tác phẩm đạt giải Mao Thuẫn 2008 của tác giả Mạch Gia đi sâu vào miêu tả những gì sâu sắc nhất thuộc về nhân tính và trí tuệ con người. Tác phẩm là câu chuyện về đề tài phản gián, phần 1 của Phong Thanh, mang đến cho người đọc những kiến thức mới mẻ về hoạt động của đơn vị làm công tác thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc.
Bằng những chi tiết ly kỳ, những logic chặt chẽ và cách kể chuyện hấp dẫn như một mê cung huyền bí, Mạch Gia đã đưa người đọc vào một không gian đóng đến cực độ và đột ngột mở ra những khả năng phong phú của câu chuyện. Từ Lắng Nghe Trong Gió đến Phong Thanh, Mạch Gia giống như một người điều tra tinh thần tài tình, từ những góc độ mà người khác không thể tưởng tượng, từ những chỗ tưởng chừng như đã kết thúc, ông đã đem lại những kì tích cho bạn đọc. Ông đã dùng trí tuệ của mình để đặt những bước chân vững chắc lên mảnh đất nhân tính của con người…
***
Một người mười năm không gặp, bỗng một hôm gặp lại ở ngoài phố, hoặc một người không quen biết, bỗng một hôm trở thành bạn tâm giao, sau đấy cuộc đời anh như nước gặp nước, hoặc như nước gặp lửa, sự thay đổi không thể nào hiểu nổi bắt đầu xuất hiện. Tôi tin rằng, những chuyện như vậy ai cũng có. Tôi cũng có. Nói thẳng ra, quyển sách này bắt nguồn từ một lần gặp gỡ tình cờ của tôi.
Cuộc gặp gỡ tình cờ này thật sự rất có ý nghĩa.
Chuyện xảy ra vào mười hai năm trước, khi đó tôi còn là một thanh niên chưa đầy 30 tuổi, làm công việc bình thường, đi công tác chưa có tiêu chuẩn đi máy bay. Nhưng có một lần, sếp của tôi lên Bắc Kinh báo cáo công việc với cấp trên, nội dung báo cáo đã được viết trên giấy trắng mực đen, chỉ cần sếp dọc đường đọc đi đọc lại cho nhớ, khỏi cần tôi đi theo. Nhưng sau đấy cấp trên thay đổi ý kiến, muốn nghe báo cáo trực tiếp, sếp tôi lúng túng, vội vã triệu tôi “bay” tới, để tôi chuẩn bị tài liệu tại chỗ cho ông. Vậy là lần đầu tiên tôi được bước lên máy bay. Giống như các nhà thơ vẫn nói, nhờ vào sức mạnh của bầu trời, chỉ hai tiếng đồng hồ sau tôi đã đến Bắc Kinh. Sếp cuối cùng vẫn là sếp, ông ra tận sân bay đón tôi, tất nhiên không phải vì yêu quý gì nhau mà, chủ yếu là để tôi “nhanh chóng nắm bắt tình hình”. Nhưng vừa ra khỏi sân bay, một đồng chí công an rất ngang nhiên đứng chắn giữa chúng tôi, không cần hỏi lôi thôi, yêu cầu tôi đi theo anh ta. Tôi hỏi có chuyện gì, anh ta bảo cứ đi rồi sẽ biết. Nói xong, anh ta đẩy tôi đi, khiến vị sếp còn bối rối hơn cả tôi. Dọc đường, ông hỏi tôi có chuyện gì xảy ra, tôi đâu biết. Có thể khẳng định đây là cuộc “đưa đi” đầy bí mật, nếu không chỉ là chuyện nhầm lẫn. Tôi phải nhắc đi nhắc lại với “hai vị” công an tên tôi là Mạch Gia - Mạch là lúa mạch, Gia trong chữ gia đình, chứ không phải gia giảm. Thật ra, bố tôi đặt tên cho tôi trước tiên là do kém hiểu biết, không biết trên đời này có Thánh địa Mecca[1], thứ nữa để tỏ ra khiêm tốn, ông yêu cầu tôi phải khiêm tốn, vì ý nghĩa của hai chữ Mạch Gia, nói thẳng ra là đồng ruộng, là cày cấy, là nông dân, rất chất phác.
…
Mời các bạn đón đọc Lắng Nghe Trong Gió của tác giả Mạch Gia.