• Cuốn sách này được NXB Hội Nhà Văn chia làm bảy tập, từ 1 đến 5. Ebolic gộp lại thành một khi chế bản ebook. Mục lục được chia lại theo từng tập. Bìa mỗi tập được chèn ở đầu chương lớn, bìa ở đầu tác phẩm do chúng tôi thiết kế.
• Tất cả lỗi dịch sai, lỗi chính tả, viết sai tên, cách trình bày dấu câu, trình bày đoạn văn, hình minh họa bị thiếu đều được chúng tôi sửa lại và bổ sung, đối chiếu nguyên tác The Fellowship of the Ring.
• Chú thích đề Tornad là của người làm ebook; chú thích không đề gì là của dịch giả Nguyễn Nam. Phần Phụ lục I trình bày lại từ mục Câu lạc bộ ở cuối mỗi tập. Phụ lục II là sản phẩm của Ebolic sáng tác và thêm vào.
• Để giữ mức độ trung thành nhất có thể với bản in, Ebolic chỉ sửa những lỗi dịch sai từ vựng sao cho vẫn mang văn phong cũ, còn những lỗi sai cả câu văn và đoạn văn thì chúng tôi không sửa. Tinh thần của bản gốc là dịch nhân danh và địa danh, bản dịch này không làm thế, nhưng chúng tôi cũng không dịch lại. Do đó cuốn sách này không mang đến sự chính xác tuyệt đối về thế giới Trung Địa và tinh thần tác phẩm đến cho bạn đọc. Chúng tôi khuyến cáo chỉ nên coi cuốn sách này như một bản dịch tham khảo.
Ban đọc thân mến,
“Liệu Chúa Tể những chiếc Nhẫn có thể dựng thành phim?” Câu hỏi ấy hôm nay nghe thật ấu trĩ, nhưng mới gần đây thôi, giới phê bình và biên kịch phương tây đều thống nhất là: “Không!”
Đạo diễn Peter Jackson của New Line Cinema đã thực hiện một “nhiệm vụ bất khả” – dựng lại Chúa Tể những chiếc Nhẫn thành 3 tập trên màn ảnh lớn. Kết quả cũng thật mỹ mãn: 11 đề xuất, 04 giải Oscar 2002 cùng doanh số trên 400 triệu USD riêng cho tập 1 Hiệp hội bảo vệ chiếc nhẫn. Cùng thể loại, nhưng Chúa Tể những chiếc Nhẫn đã đẩy bật Harry Potter xuống phía sau trên cả quầy sách lẫn trên màn ảnh lớn. Những tập tiếp theo sẽ ra mắt trong dịp Giáng Sinh năm nay và năm sau chắc chắn sẽ còn làm tốn khối giấy mực của giới phê bình.
Thật may cho Peter Jackson, bởi anh đã chạm vào đúng mạch. Nên nhớ, thế giới của Chúa Tể những chiếc Nhẫn đã ăn đậm trong tâm trí người đọc từ lâu, chưa nói đến 50 triệu bản phát hành toàn cầu bằng 37 thứ tiếng (tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 38), chưa nói đến chuyện được bình chọn là “Cuốn sách hay nhất thế kỷ 20” (Britain Channel 4 và WaterStones bình chọn; Amazon cũng cho cùng kết quả), riêng đối mặt với hằng hà sa số game điện tử: War Craft, Heroes Of Might and Magics, Age Of Wonders, Heroes Chronicles dựa trên cốt truyện Chúa Tể những chiếc Nhẫn cũng đã đủ mệt lắm rồi. Thế giới huyền ảo Trung Địa (Middle Earth) đã được tác giả Tolkien và trí tưởng tượng của độc giả khắc hoạ từ bao thập niên nay. Jackson đã không phạm “húy”, và anh đã thành công.
Vậy điều gì đã tạo nên sự bất tử cho vùng Trung Địa của giáo sư đại học Oxford J. R. R. Tolkien?
Bạn đọc sẽ có thời gian đế khám phá điều này khi phiêu bạt cùng những người Hobbit nhỏ bé, trung hậu nhưng bất khuất, đối mặt với bao hiểm nguy rình rập trên đường thực hiện những “sứ mệnh bất đắc dĩ” của mình.
Để tiện theo dõi, chúng tôi xin giới thiệu sơ qua về Trung Địa vào thời trước khi câu chuyện này diễn ra.
Vào thời hồng hoang, Eru Ilúvatar, chúa tể của vạn vật đã khai sinh và tạo ra những người Ainur – những người thần thánh. Người Ainur đã tấu lên khúc nhạc của mình, và thế giới Trung Địa đã được sinh ra trong tiếng nhạc này. Những tộc người cũng đã nối nhau xuất hiện trên Trung Địa, những người Elf thông thái rồi người lùn rậm râu Dwarf cao ngạo, người Hobbit hiền lành, loài Người can đảm… Nhưng những thế lực quỷ thuật dưới tay Chúa Tể Hắc Ám đầu tiên Melkor cũng theo nhau lộ diện: bọn Rồng của Glaurung – Cha của loài Rồng, bọn quỷ khổng lồ Troll – những con quái vật ù lì của bóng đêm, bọn Goblin tàn độc…
Cuộc chiến gìn giữ Trung Địa đã bắt đầu ngay từ trước Niên Kỷ Thứ Nhất. Những trận giao tranh tàn khốc đã diễn ra. Những pháp sư cao quý của Hội Đồng Bạch Đạo đã đôi lần đánh bại Melkor và kẻ kế thừa của hắn – Chúa Tể Sauron. Nhưng họ cũng phải chịu vô số tổn thất. Chỉ biết rằng Chúa Tể Hắc Ám Sauron đã biến mất vào đầu Niên Kỷ Thứ Ba. Có thể hắn đang thâu thập thêm lực lượng, bởi những kẻ bộ hạ của hắn vẫn còn nguyên đó: bọn Goblin, bọn Rồng, bọn quỷ núi khổng lồ…
Nhưng các pháp sư thuộc Hội Đồng Pháp Sư Bạch Đạo Tối Cao có những suy nghĩ khác…
Và như vậy, vào năm 2941 Niên Kỷ Thứ Ba, vào một buổi sáng đẹp trời ở xứ Shire, xứ sở an lành và biệt lập của những người Hobbit, câu chuyện đã bắt đầu…
***
John Ronald Reuel Tolkien sinh năm 1892 tại Bloemfontein, Nam Phi. Ký ức thời thơ ấu của ông luôn gắn liền với thành phố này và trang trại của gia đình. Cha chết sớm do thấp khớp, ông cùng mẹ và em trai quay về Anh Quốc. Gia đình ông sống tại Anh trong cảnh nhà không dư dả. Niềm vui lớn của Tolkien lúc này là đọc sách. Những tác gia lớn của Anh thời đó như H. G. Wells, G. K. Chesterton rất được ông ngưỡng mộ. Năm 16 tuổi, ông đã có được học bổng của Đại học Oxford danh tiếng.
Trong suốt cuộc đời mình, Tolkien luôn có một niềm đam mê ám ảnh, đó là niềm say mê ngôn ngữ, nhất là những ngôn ngữ cổ. Ông nhuần nhuyễn trong những sử thi Iceland, Na Uy, Phần Lan. Ngay tên một số nhân vật như những người Dwarf trong cuốn Người Hobbit này cũng được mượn từ Sử thi Bắc Âu. Thorin Khiên Sồi vốn chẳng phải ai xa lạ, mà chính là Thần Thor của những người Viking đấy.
Năm 1914, Thế Chiến Thứ Nhất nổ ra, Tolkien gia nhập quân ngũ với vai trò một sỹ quan tại Trận Somme, nơi ông đã chứng kiến sự hy sinh của bao bạn hữu. Ông bị thương năm 1917 và được đưa về hậu cứ. Không khi nào Tolkien có dịp ra tiền tuyến nữa.
Năm 1925, cùng một số đồng nghiêp, ông cho công bố bản dịch Lãnh chúa Gawain và Hiệp sĩ xanh. Tác phẩm có tiếng vang lớn, và Tolkien được mời làm giáo sư ngôn ngữ của Đại học Oxford.
Người Hobbit – tập sách đã làm Tolkien nổi tiếng ra đời năm 1936. Ông bắt đầu viết tập sách này khi đang chấm một bài thi quá tệ của sinh viên. Cuốn sách khi viết xong đã được gửi cho NXB Unwin. Thật thú vị, người chấp thuận cho cuốn sách được in lại là cậu con trai mười tuổi của ông chủ NXB.
Nhanh chóng, Người Hobbit trở thành bestseller và mang lại danh vọng cho Giáo sư Tolkien. Cùng với C. S. Lewis, tác giả Alice ở xứ sở diệu kỳ, một giáo sư đồng nghiệp, Tolkien gia nhập nhóm Inklings, một nhóm sáng tác nổi tiếng lúc này.
Cũng như những người Hobbit của mình, Tolkien hiếm khi nào rời tẩu thuốc. Ông cũng thích đố chữ, thích ngủ trễ như anh chàng Bilbo Baggins hiền lành. Và bạn hãy nhìn xem, ngôi nhà của ông bà Tolkien đây liệu có giống cái lỗ của những người Hobbit?
Cuối những năm 30, ông đặt bút viết tiếp 3 tập tiếp theo của Chúa Tể những chiếc Nhẫn. Chiến tranh thế giới thứ hai, cùng những ảnh hưởng của thời kỳ đen tối này đã buộc Tolkien ngẫm nghĩ lại nhiều điều, và tác phẩm chỉ ra mắt độc giả vào năm 1953.
Cậu con trai mười tuổi khi nào của NXB Unwin, nay đã trưởng thành, một lần nữa là người ấn hành tác phẩm của Tolkien.
Chúa Tể những chiếc Nhẫn được in thành 3 phần, và là một trong những cuốn sách được ưa chuộng nhất trong mọi thời đại.
Danh tiếng và sự giàu có vừa là sự hài lòng, vừa là nỗi khổ của Tolkien. Tuy nhiên, ông chấp nhận sự nổi tiếng này và luôn phải bận rộn với việc quan tâm của công chúng ái mộ.
Bà Edith vợ ông qua đời năm 1971. Mất mát này giáo sư Tolkien không chịu nổi; ông đau đớn suốt hai năm ròng và qua đời năm 1973, ngày mùng hai tháng Chín.
***
Thuở nọ, có một Hobbit1 sống trong “lỗ” nhà mình dưới lòng đất. Bạn chớ nghĩ đó là một cái “lỗ” bẩn thỉu và ẩm thấp, nơi đuôi giun và rễ cây thò ra từ bốn phía, bốc mùi khó ngửi. Mà đó cũng chẳng phải một “lỗ” trong vùng cát khô, nơi không có gì ăn được và cũng chẳng ăn được thứ gì. Không, “lỗ” của chúng ta là một lỗ Hobbit, và điều đó có nghĩa là no đủ.
Nó khởi đầu từ một cánh cửa rất tròn, giống lỗ mạn thuyền, được sơn màu xanh lá, với tay nắm đồng sáng lấp lánh ở giữa. Cửa mở vào trong, thẳng tới một hành lang dài, gần giống như một đường hầm xe lửa ngày nay. Nhưng đường hầm này không có khói, cũng chẳng có bụi, lại rất ấm cúng: tường được lát gỗ tấm, sàn lát gạch và có thảm phủ trên; dọc theo tường là những ghế gỗ bóng xếp hàng, khắp nơi đóng đầy mắc áo để treo mũ và áo khoác – dân Hobbit vốn rất hiếu khách. Đường hầm này cứ kéo dài, kéo dài mãi xuống dưới, nhưng chưa đến tâm của Vùng Đồi, như dân nhiều dặm quanh đây quen gọi. Dọc hai bên đường hầm có nhiều, rất nhiều những cửa tròn, cái này kế tiếp cái kia. Hobbit không ưa cầu thang: tất tật nào phòng ngủ, phòng tắm, nào kho chứa đồ (cả dãy kho chứa đồ), phòng chứa quần áo (hobbit dành hẳn vài phòng để giữ quần áo), nào nhà bếp và nhà tắm, đều nằm gọn ở một tầng, nói cho đúng thì cùng nằm trong hành lang trên cả. Những phòng tốt nhất nằm bên tay trái, và chỉ riêng những phòng này có cửa sổ bên trong – những cửa sổ sâu, hình tròn, nhìn ra vườn và những trảng cỏ xanh chạy dài xuống mé sông.
Gã Hobbit của chúng ta là một Hobbit “con nhà lành” thuộc họ Baggins. Nhà Baggins đã sống ở vùng ven Đồi từ thuở nảo thuở nào tới giờ và luôn được coi như một gia đình danh giá. Phần vì đa số họ giàu có, phần vì họ chưa từng rơi vào những cảnh éo le hay chơi trò lập dị. Không hỏi, bạn cũng biết trước dân họ Baggins sẽ đáp những gì.
Nhưng tôi sẽ kể bạn nghe chuyện về một gã trong họ Baggins, người cuối cùng cũng đã bị cuốn vào một cuộc phiêu lưu, hắn đã miệng nói tay làm những việc khó ngờ. Có thể hắn sẽ mất đi sự kính trọng của xóm giềng, nhưng bù lại hắn lại có đủ… À vâng, tự bạn sẽ thấy kết cục hắn có được gì chăng.
…
Mời các bạn đón đọc Người Hobbit của tác giả J. R. R. Tolkien.