Cuốn sách lấy bối cảnh thời gian thành phố Thượng Hải từ những năm 40 đến cuối thập kỉ 80. Vương Kỳ Dao đang là một cô nữ sinh bình thường bỗng nhiên trở thành một người nổi tiếng nhờ bức ảnh đăng trên bìa tạp chí Đời sống Thượng Hải. Cô tham gia vào cuộc sống ồn ào của những dạ tiệc, giành giải Á khôi trong cuộc thi hoa hậu Thượng Hải rồi sau đó nhanh chóng trở thành tình nhân của một vị quan chức.
Kỳ Dao về Giang Nam sau khi người tình chết trong một tai nạn máy bay. Nhưng nỗi nhớ Thượng Hải trỗi dậy, cô trở về phố Bình An làm tiêm thuê kiếm sống. Cô có mang với một người con trai nhưng đành phải gán cho một người khác và sinh con trong cô độc, chỉ có người chụp ảnh cho cô ngày xưa còn ở cạnh. Vi Vi, con gái cô lớn lên, khác hẳn với mẹ, theo chồng sang Mỹ du học. Kỳ Dao trở thành tình nhân của một người thanh niên kém cô tới 20 tuổi. Chân Sếu, người yêu của Thẩm Vĩ Hồng – bạn thân của Vi Vi – nhờ chiếc chìa khóa mà người con trai kia nhờ trao lại cho Kỳ Dao, đột nhập vào nhà giết chết cô để cướp những đồ tư trang đựng trong chiếc hộp khảm mà cô vẫn gìn giữ.
***
“… Cốt truyện của Trường hận ca rất đơn giản, một cô gái Thượng Hải được sống trong lầu son nhung lụa, bỗng chốc thời cuộc thay đổi, có quan hệ với một thanh niên, về sau bị giết, chết một cách oan khuất. Chuyện rất đơn giản, nghe như một mẩu tin trên mặt báo. Nhưng kể lại câu chuyện, tôi đã đặt nó trong một bối cảnh, cho nên tôi đã viết về ngõ nhỏ, về đàn bồ câu, tất cả những cái đó đều nằm ngoài cốt truyện. Chỉ có bối cảnh ấy câu chuyện mới có giọng điệu riêng.” – Lời tác giả Vương An Ức
“Có những cuốn sách mà ngay từ những trang đầu tiên, qua sự giầu có về ý nghĩa và những liên hệ, qua văn phong đẹp như tạc, ta đã thấy hiện rõ tầm vóc của một tác phẩm cổ điển, đó là trường hợp của Trường hận ca; kiệt tác của Vương An Ức được viết bởi một thứ ngôn ngữ đậm đặc và đa nghĩa đến nỗi luôn luôn là một thách thức cho người dịch đến tận trang cuối cùng. Cuốn tiểu thuyết đã mô tả nhịp sống của một Thượng Hải huyền bí, trải dài trong chằng chịt những ngõ phố, trong xì xào của những đồn đại, dưới những đám mây chim bồ câu mà không một bí mật nào có thể giấu được, trong cả những khuê phòng nơi các thiếu nữ phải kiên nhẫn sống… Mất hút trong cái đô thành vĩ đại ấy là một phụ nữ và số phận của cô: Vương Kỳ Dao, nữ hoàng sắc đẹp của một Thượng Hải rực sáng trong những năm phóng túng cuối cùng trước 1949, với một mối tình bí ẩn với một ông tướng; và rồi nàng phải trốn chạy vào cái “lỗ nẻ của thế giới” khi bóng đêm của Cách mạng Văn Hóa đổ ập xuống đô thành hoa lệ.” – Philippe Piquier
“Hơn chục năm làm công tác biên tập, tôi đã đọc và biên tập hơn hai trăm tiểu thuyết, nhưng Trường hận ca đã để lại ấn tượng sâu sắc khó quên, đúng là một tác phẩm văn học xuất sắc.” – Dương Quỳ (nhà văn Trung Quốc)
***
Vương An Ức sinh năm 1954 tại Nam Kinh, là con gái của nữ nhà văn nổi tiếng Như Chí Quyên. Bắt đầu sáng tác vào năm 1976, sự nghiệp cầm bút của bà rất đáng chú ý với nhiều giải thưởng uy tín: năm 1999, Trường hận ca được tạp chí Asian bình chọn là một trong 100 tiểu thuyết Trung Văn thế kỷ 20, tác giả giải thưởng văn học Mao Thuẫn lần thứ 5 năm 2000, nhà văn xuất sắc trong năm giải Truyền thông Văn học Hoa ngữ 2008.
***
Đã có nhiều cuốn tiểu thuyết đương đại Trung Quốc được dịch ra tiếng Việt thời gian gần đây, trong đó gây ấn tượng hơn cả là những cuốn viết về thời Cách mạng Văn hoá, khi cuộc sống của cả một dân tộc bị xô đẩy bởi những ý tưởng điên khùng tới bao nhiêu thảm hoạ đổ lên đầu mọi người, trước tiên là những phần tử tinh hoa của xã hội.
Tiểu thuyết Trường hận ca mà bạn đọc sẽ đọc sau đây đi theo một mạch khác. Những biến động từng được ghi trong sử sách - từ Thượng Hải trước và sau năm 1949, kéo qua Cách mạng Văn hoá, tới thời kỳ cải cách mở cửa về sau - cũng được phác hoạ làm nền cho câu chuyện, song nói chung chúng có phần lùi về phía sau để nhường chỗ cho những sinh hoạt hàng ngày của con người: làm việc, kiếm sống, gặp gỡ bạn bè, ăn uống, sắm sửa, may mặc, yêu đương, giận hờn… Như tác giả đã có lần nhấn mạnh, có thể nói nhân vật chính của tiểu thuyết là thành phố Thượng Hải nổi tiếng, song đó không phải là cuộc sống sôi nổi của một trung tâm thương mại hàng đầu thế giới, cũng không phải là cái phần hoa lệ của nó, mà là những ngõ nhỏ, những người bình thường với mọi ham muốn đơn giản, những chuyện đồn đại không đâu vào đâu và cả đàn bồ câu âm thầm trên những nóc nhà cái gì cũng biết nhưng không nói được nên lời. Trong cuộc sống có phần mờ mờ xam xám đó, nổi lên nhân vật Vương Kỳ Dao. Những người đẹp, họ là tinh hoa, là niềm kiêu hãnh của một vùng đất, sống ở thời nào họ cũng trở thành biểu trưng của thời ấy, không chỉ người thân của họ mà mọi người bình thường cũng nghĩ về họ mỗi khi muốn nhận diện thời mà mình đang sống. Trong lịch sử trường kỳ của nước Trung Hoa, câu chuyện Tây Thi xưa chói lọi không kém câu chuyện về nhiều hào kiệt thời Xuân Thu, cũng như cuộc đời Dương Quý Phi là một trong những trang đẹp nhất của một thời rực rỡ nhất như thời Đường. Về phần mình, Vương Kỳ Dao trong mức độ nào đó cũng có thể gọi là người đẹp thời nay, bởi đã từng giành được danh hiệu á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp của thành phố. Trong cách miêu tả của tác giả có một điều đáng nói là, ở đây không có những kẻ xấu, kẻ ác như thói thường vẫn nghĩ. Trên đường đời Vương Kỳ Dao đã gặp những người có tâm, không ít thì nhiều yêu nàng, cảm phục trước sắc đẹp và vẻ lịch lãm của nàng. Mà bản thân con người này cũng nhân hậu, biết điều, một thứ con nhà lành, nhạy cảm với những gì tốt đẹp quanh mình, nhẫn nhục trước hoàn cảnh, nói chung là không nhiều thói xấu và cả sự dại dột vẫn thấy ở nhiều phụ nữ xinh đẹp. Vậy mà con người ấy trước sau vẫn bất hạnh và cái chết oan nghiệt cuối cùng đã thực sự là một sự giải thoát, nếu không thì những ngày tiếp theo ấy còn đau khổ không biết đâu là cùng! Phải chăng đường đời của Vương Kỳ Dao đã bao hàm những nét làm nên số phận chung của người đẹp ở mọi thời đại?
Phải thú thực rằng, giữa đời sống bận rộn thường ngày, bản thân tôi vẫn thường để một ít thời gian làm cái công việc tưởng như vô bổ là, một cách rất vô tư, nghĩ về những người đẹp ở cái thành phố mà tôi lớn lên và nay đang sinh sống để cùng vui buồn trước những thăng trầm trong cuộc đời họ. Và thật kỳ lạ, thường tôi có cảm tưởng trừ những vẻ đẹp kiểu Thúy Vân không kể, còn lại phần lớn những người đẹp ấy khổ, người càng sắc sảo càng khổ, mà không ai tìm được lý do cắt nghĩa tại sao lại khổ đến vậy. Bạn đọc thân mến, không cần tự giấu mình làm gì, có phải chính bạn cũng thường có lúc vơ vẩn nghĩ về những con người xa lạ mà rất gần gũi ấy và bạn cũng chia sẻ với tôi điều thắc mắc nói trên? Nếu vậy, xin bạn hãy thanh thản giở tiếp những trang sách sau đây để đọc đến dòng cuối cùng. Tác giả tiểu thuyết Trường hận ca không định bảo ban, khuyên răn ta điều gì, mà chỉ đơn giản ghi lại cuộc đời một con người vừa may mắn, vừa không may là đã trót xinh đẹp hấp dẫn để chúng ta cùng ngẫm nghĩ.
Tên sách Trường hận ca tác giả mượn từ tên một bài thơ dài của Bạch Cư Dị (772 - 846) kể về mối tình bi thảm gữa Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi. Theo học giả Nguyễn Hiến Lê, nguyên tác Trường hận ca có phần hay hơn Tỳ bà hành của cùng một tác giả. Đã có nhiều bản dịch bài thơ Trường hận ca ra tiếng Việt, nổi tiếng nhất là bản dịch của thi sĩ Tản Đà.
Từ vài thập kỷ nay, nữ tác giả Vương An Ức được đánh giá cao trên văn đàn Trung Quốc. Bà sinh năm 1954, người tỉnh Phúc Kiến, trong Cách mạng Văn hoá phải về lao động lâu dài ở nông thôn tỉnh An Huy, năm 1972 gia nhập Đoàn văn công Từ Châu, năm 1978 làm biên tập viên Nhà xuất bản Nhi đồng Thời đại (Thượng Hải), năm 1980 dự lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Trung Quốc. Vương An Ức đã cho in các tiểu thuyết: Tốt nghiệp khoá 69, Dòng cũ Hoàng Hà, Ba mươi sáu chương nước chảy, Mi-ni, Trường hận ca, Phú Bình và các tập truyện vừa, truyện ngắn: Mưa rào, Dòng chảy, Giấc mộng phù hoa trên biển, Ga cuối cùng của chuyến tàu này, Tình yêu phố nhỏ, Chuyện ông chú, Bợm rượu… Tiểu thuyết Trường hận ca của Vương AnỨc kể từ ngày ra đời năm 1996 đến cuối năm 2000 đã được in và phát hành tám lần - không kể lần đăng dài kỳ trên tạp chí Chung Sơn - số in từ 50 ngàn đến 100 ngàn bản, tuỳ lần phát hành.
Năm 2000, Trường hận ca được trao giải thưởng văn chương mang tên Mao Thuẫn - giải thưởng lớn nhất của Hội Nhà văn Trung Quốc dành cho tiểu thuyết.
VƯƠNG TRÍ NHÀN
Mời các bạn đón đọc Trường Hận Ca của tác giả Vương An Ức.