Những người thích đi là những người muốn khám phá những mảnh đất khác, những con người khác. Nhưng hiểu người khác và sống cuộc sống của họ thật khó làm sao. Dù có mở lòng đến đâu, mình vẫn là mình còn người ta vẫn là người ta.
Sách bạn đang cầm trên tay là quyển nhật ký hư cấu của Victor Segalen ghi lại những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của René Leys trong bối cảnh một triều đại Mãn Thanh suy tàn.
Chàng trai trẻ Leys có những tố chất mà Segalen không có để thâm nhập vào thế giới quyền quý Mãn Thanh. Để thực hiện giấc mơ của mình là vào Tử cấm thành, quan sát thâm cung từ bên trong, Segalen tự đặt mình vào vai của Leys bằng liệu pháp tưởng tượng. Làm như vậy Segalen không ngờ rằng sống một cuộc sống khác theo lời kể của người khác là một quá trình đầy rủi ro và nguy hiểm, cho cả người nghe và người kể chuyện.
Khi đọc quyển sách này, bạn đang tự đặt mình vào vai của Segalen, người tự đặt mình vào vai Leys để khám phá thế giới Mãn Thanh qua hai lần liệu pháp tưởng tượng. Một chút rủi ro nguy hiểm còn lại, bạn hãy lấy nó làm niềm vui.
Segalen không phải là một nhà văn được nhiều người biết đến. Dòng văn học lữ hành phương Tây, tiêu biểu là Loti, có xu hướng mô tả phương Đông như một mảnh đất đầy hứa hẹn để phát triển kinh tế du lịch. Có lẽ chính vì Segalen không viết những gì người ta mong đợi ở một nhà văn lữ hành mà ông ít được biết đến. Nhưng số ít những người biết ông lại rất yêu văn ông, và đặc biệt yêu René Leys.
***
CÁNH CỬA MỞ RỘNG
Tủ sách hợp tác giữa
nhà toán học Ngô Bảo Châu,
nhà văn Phan Việt
với Nhà xuất bản Trẻ
Tủ sách CÁNH CỬA MỞ RỘNG được thực hiện nhằm mục đích giới thiệu những đầu sách có giá trị của thế giới và trong nước đến bạn đọc Việt Nam, đặc biệt là bạn đọc trẻ, góp phần thúc đẩy việc đọc sách, tinh thần hiếu học, coi trọng tri thức và những giá trị sống. Các tựa sách trong tủ do nhà toán học Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt tuyển chọn và giới thiệu.
Tủ sách được phân thành ba mảng: văn học, khoa học xã hội – kinh tế, và khoa học tự nhiên; trước mắt cấu tạo tủ sách gồm 80% các sách có khả năng tiếp cận đông đảo bạn đọc và 20% cho các sách chuyên ngành.
***
Bắc Kinh, 20 tháng 3,1911 – Thế là tôi sẽ không biết gì hơn nữa. Tôi không cố nài; tôi sẽ lui ra… một cách kính cẩn, cứ cho như vậy, và tất nhiên đi thụt lùi theo Triều nghi, vì đây là Tử Cấm Thành; một cuộc bệ kiến đã không được ban, và sẽ không bao giờ được ban nữa…
Chính bằng lời thú nhận này – lố bịch hay khách khí, tùy theo cách nhìn nhận – mà tôi đành kết thúc cuốn nhật ký này, trước khi viết quá nhiều, dù tôi từng hy vọng biến nó thành một cuốn sách. Sách cũng sẽ không có. (Vậy thì một quyển sách chết đi chỉ còn lại một cái tựa đẹp: “Cuốn Sách chưa từng hiện hữu!”).
Tôi cứ tưởng là đã nắm được nó, “hoàn chỉnh” hơn, dễ bán được hơn bất cứ cuốn tiểu thuyết có bản quyền nào, cô đọng hơn bất kỳ sự kết tụ nào khác của những cái gọi là tư liệu con người. Hay hơn bất cứ câu chuyện tưởng tượng nào, mỗi cú nhảy vào thực tại của nó sẽ mang quyền năng của toàn bộ ma lực bị giam hãm trong những bờ thành này… nơi tôi sẽ không bao giờ vào được.
Không ai có thể phủ nhận Bắc Kinh là một kiệt tác của sự thành tựu đầy bí ẩn [1]. Và trước hết, tam trùng thành quách của nó thì không tuân theo các qui tắc của các đám đông đã vào sổ bộ, cũng như không đáp ứng các nhu cầu cư trú của những con người ăn ở nơi đây. Bởi vậy, kinh đô của Đế chế lớn nhất Thiên hạ đã được xây dựng cho chính nó, được vẽ ra như một bàn cờ ở cực bắc vùng bình nguyên hoàng thổ, với những bức tường thành ngay ngắn bao quanh, với những con đường rộng cắt ngang, lại được kẻ ô với những ngõ ngách thẳng góc, rồi được kiến tạo liền một mạch từ đầu đến cuối một cách hoành tráng…
Tiếp theo, những người sống bám vào nó, các thần dân Trung Hoa đó mà, đến cư ngụ, rồi cuối cùng thì họ tràn ra các khu ngoại ô ám muội. Nhưng cái hình vuông chính, tức Khu thành Thát Đát - Mãn Châu tới nay vẫn còn là một nơi trú ngụ tốt đẹp cho những người Chinh phục – và cho giấc mơ này…
Bên trong, tận cùng trung tâm của Hoàng Cung có một khuôn mặt: một đứa trẻ con - người lớn, Hoàng đế, Vua cõi trần và Con trời (mà mọi người, và các nhà báo trên thế giới cứ ngoan cố gọi tên là “Quang Tự” [2], đó chỉ là niên hiệu trong thời gian ông ở ngôi thôi, tức là từ năm 1875 đến 1908). Ông đã sống thực sự, dưới cái tên sinh thời của mình mà không ai dám gọi [3]… Ngài – và vì không thể gọi tên ông, tôi đành thêm vào cái đại từ châu Âu đó tất cả sự tôn kính của điệu bộ Mãn Châu (hai ống tay áo đưa lên cao cùng hai nắm tay chắp lại trước trán cúi thấp) để chỉ ngài… Trong cõi nhân sinh, ngài vẫn là hình ảnh và biểu tượng hóa thân của kẻ bi thống nhất và tất phải chết hơn bất kỳ ai khác. Người ta quy cho ngài những hành động bất khả… và cũng có thể ngài đã thực sự làm những việc này.
…
Mời các bạn đón đọc René Leys - Người Tình Trẻ Trong Tử Cấm Thành của tác giả Victor Segalen & Quế Sơn.