Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Con Mèo Tự Dưng Biết Nói - Claude Roy

Bí mật của mọi bí mật, đó chính là tất cả các con mèo đều biết nói.

Có những loài mèo biết nói ngay từ khi mới sinh ra. Và tất nhiên, có những con mèo chậm nói hơn… vào thời điểm này của cuộc đời, chúng chẳng còn gì là không biết cả, kể cả lời nói. Đúng vậy đấy, loài mèo biết nói. Nhưng chúng chỉ quá khôn ngoan và quá kín đáo không để chúng ta nhìn thấy. Quá thận trọng và quá khiêm nhường không để chúng ta biết.

Loài mèo nói - mỗi khi chúng ta không có ở đó. (Con mèo tự dưng biết nói)

***

Claude Roy sinh ra tại Paris ngày 28 tháng 8 năm 1915. Thuở nhỏ, ông sống tại Jarnac, rồi sau đó chuyển tới Paris và bắt đầu học luật. Trong chiến tranh, ông tham gia vào tổ chức Kháng chiến và đã gặp gỡ nhiều đại văn hào Pháp như Louis Aragon, Elsa Triolet, André Gide và Jean Giraudoux. Sau cách mạng, ông là một trong những trí thức nổi tiếng nhất tại Pháp

Là một nhà thơ, một tiểu thuyết gia, và một người ưa chu du khám phá, ông không cho rằng một nhà văn phải nói với trẻ em giống như là với những kẻ chậm hiểu và nói với người lớn như là họ đã mãi mãi hết tuổi thơ. Các tác phẩm dành cho người lớn của ông, và bộ tác phẩm dành cho độc giả từ 4-104 tuổi: Ngôi nhà biết bay, Chú mèo dễ thương, Con mèo tự dưng biết nói…

Năm 1985, Viện hàn lâm Goncourt đã trao giải nhất Goncourt Thơ cho ông, và đến năm 1995, ông đã nhận giải Guillaume Apollinaire cho sự nghiệp sáng tác của mình.

Claude Roy mất ngày 13 tháng 12 năm 1997.

***

Chàng mèo Gaspard Mac Kitycat, bạn chí cốt của Thomas, một hôm bỗng tự dưng biết nói. Chuyện đến tự nhiên như không. Gaspard mang dòng máu Scotland thừa hưởng từ bố, một danh miêu tiếng nổi như cồn trong loài Mèo Xanh của Anh, còn ở Pháp thì được gọi là mèo sác-trơ, thế nhưng màu lông lại xám xịt chứ không như cái tên. Tristram Mac Kittycat, tức công tước thứ mười ba của dòng họ Garth (một dòng họ lâu đời xứ Ê-cốt), ngay từ cái nhìn đầu tiên đã phải lòng một nàng mèo Pháp màu xám cũng dòng sác-trơ quyến rũ bậc nhất thiên hạ tên là Mouflette de Vaneau, nam tước Flon. (Nàng là hậu duệ của ngài Flonflon lừng danh đã tham gia chuyến tàu chở quân trang phục vụ Đại Quân. Vị tướng mèo này được Napoléon Đệ nhất đích thân phong tước nam tước trên chiến trường Austerlitz. Vinh dự này tưởng thưởng việc ngài đã có công giúp thống chế Murat diệt trừ lũ chuột đã dám to gan ra răng nghiến ngấu cả toa yến mạch của quân đội.) Cuộc hôn nhân mỹ mãn của công tước Tristram xứ Scotland và nữ nam tước Flon lần lượt cho ra đời bốn nhóc mèo nhà nòi. Gaspard Mac Kitycat, kẻ được định sẵn sau này sẽ kế tục cương vị Công tước thứ mười bốn dòng họ Garth, là anh cả. Người thân gọi cậu là Gaspard. Gaspard là một chú mèo can trường có bộ lông màu xám sac-trơ đặc trưng. Những kẻ ngù ngờ vẫn hay bảo: “Đó là một con mèo xám lông chuột”, dù rằng thật thiếu văn hóa mới đi so sánh một chú mèo với một con chuột.

Gaspard mê tít trò vờn nhay-rí rách-nhấm nháp đám cỏ mọc cuối vườn.

Một buổi sớm giống như bao buổi khác, Gaspard ngồi ăn sáng với Thomas. Khi Thomas đi học, Gaspard còn tiễn cậu chủ nhỏ ra tận cửa và đúng thủ tục tạm biệt hàng ngày, chú nói “Tạm biệt!” bằng một tiếng meo khe khẽ và một tiếng gừ gừ mãnh liệt. Gaspard nổi tiếng trong giới mèo là được trời phú một chất giọng mê ly. Tuy nhiên, có vẻ ý kiến của loài người về vấn đề này lại không được thống nhất cho lắm. Thomas quả quyết rằng Gaspard có một điệu meo meo tuyệt vời, và một âm meo hay lịm người. Nhưng bố của Thomas, lúc nào đang đọc báo mà nghe tiếng Gaspard nhặng lên đòi ăn tối là y như rằng khăng khăng: “Con mèo này có tiếng kêu y như tiếng cửa xát.” Nhưng dù gì, Thomas cũng luôn bảo vệ Gaspard đến cùng mỗi khi có ai nói xấu mèo cưng của cậu. Ngay từ hồi còn bé, Thomas đã luôn đối xử tốt với Gaspard. Cậu không bao giờ kéo đuôi, giật râu hay vuốt ngược lông Gaspard. Cậu cho Gaspard ăn, nói chuyện với Gaspard bằng giọng tôn trọng và trìu mến. Tóm lại, cậu đối xử với chú mèo của mình chẳng khác gì một con người, mà lại còn như người bạn thân nhất.

Vậy là, sáng hôm đó, sau khi Thomas ra khỏi nhà, Gaspard lang thang trong vườn và lại bắt đầu chơi trò vờn nhay-nhấm nhẳng-nhí nhách với đám cỏ. Có một loại cỏ cậu chàng chưa bao giờ nhìn thấy nhưng trông lại có vẻ đúng loại khoái khẩu. Gaspard xông vào vờn, nhai, nhí nhách, nhấm nháp và cuối cùng nuốt chửng lấy nó. Vừa nuốt qua khỏi cổ họng, Gaspard đột nhiên thấy như có một dòng điện kỳ lạ chạy rần rật từ vòm miệng xuống dạ dày. Một giây sau, một con bướm bay vèo qua râu chú ta và Gaspard, khi nhảy lên bắt bướm, nghe thấy một giọng nói nhỏ giống hệt tiếng một cây vĩ cầm đồ chơi. Cái giọng đó thì thầm: “Bướm kia, tao mà bắt được mày, tao chén thịt không tha!”

“Ai đang nói thế nhỉ?” Gaspard nhìn quanh quất, tự hỏi. Chú chẳng thấy bóng ai, nhưng lại nghe thấy giọng khe khẽ nói tướng lên suy nghĩ thầm kín của chú: “Ai đang nói thế nhỉ?”

“Chẳng có ai đang nói cả, vì làm gì có ai”, Gaspard tự nhủ. Và cùng lúc đó, chú vẫn lại nghe thấy cái tiếng nói bé tí, hao hao tiếng cây vĩ cầm đồ chơi. Nó lại nhại: “Chẳng có ai đang nói cả, vì làm gì có ai.”

“Chả đúng thế còn gì. Gaspard tự nhủ. Chẳng ai nói gì bởi vì làm gì có ai ngoài mình, và bởi vì mình thuộc họ nhà mèo, là mèo thì làm sao nói được chứ. Ấy thế mà mình lại nghe thấy ai đó nói: “Chẳng có ai nói cả, vì làm gì có ai.” Thế thì phải có một ai đó. Vì theo lẽ thường mà nói, không có người làm sao có tiếng.”

Mời các bạn đón đọc Con Mèo Tự Dưng Biết Nói của tác giả Claude Roy.