- Quái thế! Lại có tiểu thuyết toán hiệp ư?
- Có đấy!
- Hừm, làm thế nào để đường thẳng với compas với khai căn trở thành một câu chuyện?
- Hơ, thế mới tài, mà lại không chỉ dành riêng cho tụi si toán, yêu toán, đần vì toán đâu nhé!
- Để ta đoán nhé, anh Châu và anh Văn muốn làm một điều tương tự các cuốn nhập môn triết học triết toán triết lý như Sophie's World của Jostein Gaarder ấy…
- Trúng phóc!
- Nhưng dốt toán như ta có đọc được không?
- Mi tốt nghiệp cấp 2 rồi nhỉ!? Mi cũng đâu đến nỗi dốt như con tốt!? Cố mà đọc: chẳng lẽ mi không muốn biết tới sự huyền bí của các con số, chiêm ngưỡng thế giới vô biên cương của tư duy và phương pháp và vẻ đẹp của…
- Thôi! Ta can. Mỗi lần nghe mi nói năng cầu kỳ ta lại thấy rét…
- Mà này, câu chuyện có hấp dẫn không, lãng mạn không, yy không?
- Xời, mi tò mò đáng sợ! Có chớ: có con rồng phun lửa, có con dế thủy chung, có âm mưu và tình yêu, có cả Steve Jobs, rồi một lão vua tên là Ka Cơ nắm quyền khai căn tất cả mọi thần dân…
- Stop! Mi dừng ở đó! Để tự ta đọc…
*im lặng*
- Này, bọn học toán sướng nhỉ!
*cùng mơ màng*
- Haizzz… Sau này ta có con, nhất định sẽ cho nó học toán.
***
Lời khen tặng dành cho cuốn sách:
"Cuốn sách là một câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp, với nắng vàng trên bãi cát, với bầu không khí trong vắt của trí tuệ và tình người, với những nghịch lý và âm mưu. Ta chợt nhận ra rằng, thế giới của những con số cũng huyền ảo, kỳ bí và lãng mạn như cuộc đời." - GS Hà Huy Khoái
"Tôi đọc cuốn sách của hai tác giả trẻ mà đôi lúc lại cảm giác như đọc thi thoại của các bậc thâm niên." - Nhà thơ Vũ Quần Phương
"Một thế giới trong vắt, không gợn những toan tính thiệt-hơn, thua-thắng sẽ còn ám ảnh người đọc Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình mãi. Ai và Ky đã đem vô vàn số hữu tỉ bạn đọc đến một thế giới diệu kỳ, thế giới của tình yêu tri thức và toán học." - Nhà giáo Phạm Toàn
"Cuốn sách giản dị đến mức ai đọc cũng được, kể cả những người không biết gì về toán như tôi. Và rồi, qua cuộc dạo chơi trong xứ sở những con số tàng hình, ta cũng dần hiểu được phần nào vẻ đẹp kỳ diệu của toán học." - Nhà thơ Trần Đăng Khoa
***
Bên cạnh niềm vui được thưởng thức văn tài của một nhà toán học đã giành giải thưởng Field, về mặt kiến thức Ai và Ky ở xứ xở những con số tàng hình có phải một thách thức với với nhóm độc giả trẻ không phải dân chuyên toán?
Cuốn Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình (Gs Ngô Bảo Châu, Nguyễn Phương Văn) sau 2 tuần ra mắt độc giả, hiện vẫn giữ vị trí best-seller số 1 trên thị trường sách. Tuy nhiên, hai tác giả Ngô Bảo Châu và Nguyễn Phương Văn cũng đưa ra một giới hạn rất cụ thể về đối tượng độc giả của cuốn sách, đó là học sinh, sinh viên từ cuối cấp 3 đến năm thứ hai đại học.
Hai tác giả Ngô Bảo Châu, Nguyễn Phương Văn ban đầu định viết Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình như một cuốn lịch sử toán học, sau đó phát triển thành một câu chuyện sinh động, đồng thời “phát minh” ra thể tài mới: “tiểu thuyết toán hiệp”.
Anh Nguyễn Phương Văn bày tỏ: “Trong quá trình viết, nội dung đã chuyển hướng, song những gì chúng tôi mong muốn từ đầu vẫn không thay đổi. Ấy là cố gắng khơi gợi niềm vui tìm tòi tri thức, ít nhất là làm sao cho bạn đọc tò mò về các nhân vật, muốn biết họ là ai ngoài đời, họ đã sống thế nào và cống hiến những gì”.
Đọc kỹ và có nhiều cảm nhận sắc sảo về cuốn sách, bạn Phạm Ngọc Hà (độc giả diễn đàn mạng tiki.vn) cho hay “rất thích không khí truyện, bởi chất chứa vẻ đẹp xa xưa và ấm cúng của một châu Âu cổ điển (biển cát với bầu trời đầy sao, giàn nho, bánh mì mật ong và sữa…). Nội dung toán học thì: Vừa đủ cơ bản và vừa đủ sự khó hiểu để người đọc bị cuốn hút.”
Không ít triết lý về cuộc sống được lồng trong tư duy toán học, cho thấy toán học chính là cuộc đời. “Thích triết lý giản dị về sự từng bước. Sự từng bước là thận trọng, nhưng không bao chứa thái độ rụt rè nghi hoặc, mà đầy niềm tin. Cái gì cũng thế, cứ từng bước mà làm thì sẽ làm được hết”, Ngọc Hà cảm nhận.
Có thể khẳng định, cái tên Ngô Bảo Châu đang là một yếu tố thu hút khó lòng cưỡng nổi với độc giả, bởi danh tiếng của người Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Field. Nhưng tìm đọc là một chuyện, đọc được hay không lại là một chuyện khác.
Như lời bậc thầy trong cuốn sách đã dặn chú bé Ai: chân lý chỉ mở ra cho những ai sẵn sàng tìm hiểu, Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình chắc hẳn không phải cuốn sách dễ dàng. Cái khó của nó, có thể khiến người ta phải trở lại một loạt kiến thức toán liên quan, khiến người ta phải tự mình tìm tòi thêm để lấp những chỗ trống trong tưởng tượng, lập luận của chính mình trong suốt quá trình đọc, để cảm nhận cho đầy đủ những vẻ đẹp của toán, vẻ đẹp của suy luận siêu hình, rồi ngộ ra những mối liên hệ phổ quát trong thế giới. Có thể nói, những độc giả trẻ, với lời gợi ý từ sách, mà nỗ lực chạm tới được những điều đó, thì họ đã giành được những món quà không nhỏ!
Mời các bạn đón đọc Ai Và Ky Ở Xứ Sở Những Con Số Tàng Hình của tác giả Ngô Bảo Châu & Nguyễn Phương Văn.