Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Nhà Tây Sơn - Quách Tấn & Quách Giao

Kỷ niệm lần thứ 200 chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða lịch sử, dân tộc ta nhớ lại chiến công oanh liệt của nghĩa quân Tây Sơn với Quang Trung bách chiến bách thắng, quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược ra khỏi bờ cõi, giữ vững độc lập và thống nhất tổ quốc vừa được lập lại với sự nổi dậy bão táp của phong trào Tây Sơn. Kỷ niệm lần thứ 200 chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða, không chỉ ôn lại cuộc tiến công thần tốc và chiến tích bình Thanh, mà còn làm sống dậy hùng khí Tây Sơn gắn liền với tên tuổi các lãnh tụ kiệt xuất Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và tên tuổi các tướng lĩnh anh hùng đã xây dựng phong trào từ trứng nước, cũng như các tướng lĩnh quy tụ với phong trào sau khi nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa.

Trên tinh thần đó, tác phẩm Nhà Tây Sơn của nhà văn lão thành Quách Tấn và con trai là anh Quách Giao do Sở Văn hóa Thông tin Bình Ðịnh xuất bản ra mắt bạn đọc trong dịp này góp phần kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Ðống Ða lịch sử. Tác phẩm này là kết quả của một tâm huyết lớn, khao khát thể hiện lại sự thật lịch sử trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của tác giả: “Những gì tôi được nghe, được thấy, được biết trong đời mà còn nhớ lại trong tuổi già, nếu không viết ra cho quê hương, con cháu, e rằng sẽ vĩnh viễn mang theo xuống ba tấc đất”. Với nguyện vọng và niềm ưu tư đó, trong những năm cuối đời, tuy hay đau yếu, bị mất một mắt và mắt còn lại rất mờ, nhà văn lão thành Quách Tấn đã trên 80 tuổi vẫn làm việc mê say và nghiêm túc với sự giúp đỡ đắc lực của con trai để thực hiện tác phẩm Nhà Tây Sơn và tự mình mò mẫm viết nhiều tác phẩm giàu tính tư liệu khác về quê hương Bình Ðịnh.

Lịch sử nhà Tây Sơn là vấn đề lớn được giới nghiên cứu sử học và toàn thể nhân dân ta quan tâm tìm hiểu. Nhiều tác phẩm đã viết về thời đại Tây Sơn, viết về những anh hùng dân tộc thời Tây Sơn, tuy chưa thật đầy đủ, nhưng những gì đã được công bố và tổng kết trong các bộ sách là rất công phu và chính xác. Nhưng khi đọc Nhà Tây Sơn, bên cạnh những chi tiết mới và tỉ mỉ chỉ có ở tác phẩm này, còn có những chi tiết khác hẳn so với các tài liệu và sách báo đã có, về tên cha mẹ của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, hay việc xác định quê quán của Đô đốc Trần Quang Diệu, mối liên quan giữa các tướng lĩnh Tây Sơn như Bùi Thị Xuân và Ngô Văn Sở, Đô đốc Ðặng Văn Long và Đô đốc Ðặng Tiến Ðông… Chúng tôi đã trực tiếp làm việc và trao đổi với tác giả trước khi in Nhà Tây Sơn. Nhà văn Quách Tấn cho biết rằng tác phẩm này đã được viết với phương châm ghi chép lại các sự kiện lịch sử chính xác theo sự phản ánh của nhân dân địa phương, cụ thể là theo lời truyền của các bậc trưởng thượng từng sống thời Tây Sơn ở đất Tây Sơn, và chính xác theo các tư liệu lịch sử đáng tin cậy gồm 12 bộ sử ký về Tây Sơn được nhân dân bảo tồn qua sự trả thù ghê gớm của triều đình nhà Nguyễn. Cùng với các tài liệu lịch sử trong và ngoài nước có liên quan tới phong trào Tây Sơn (xem bảng kê sách tham khảo). Nói như vậy, không có nghĩa Nhà Tây Sơn là một quyển sử ký. Ðây chỉ là, như ý kiến khiêm tốn của tác giả, một tập ghi chép chuyện đã xảy ra trong lịch sử về một thời đại vẻ vang của dân tộc với sự đầy đủ nhất định các chi tiết thật, con người thật cùng những huyền thoại mà ba anh em Tây Sơn dựng nên để thu phục nhân tâm buổi đầu dấy nghĩa. Ở đó, chi tiết thật và chuyện hoang đường không bị nhòa lẫn vào nhau, các sự việc được ngòi bút tác giả đảm bảo ở tính cụ thể và công bằng.

Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu Nhà Tây Sơn với bạn đọc. Nhân đây, chúng tôi xin tỏ lòng chân thành biết ơn đối với tác giả và kính mong bạn đọc gần xa có ý kiến đóng góp về tác phẩm này.

HỒNG NHÂN

Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình

***

Vừa dựng cờ khởi nghĩa, nhà Tây Sơn đã được nhiều anh hùng nghĩa sĩ xa gần phò tá.

Bên võ có:

- Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu được anh em Tây Sơn Vương coi như cật ruột.

- Nguyễn Văn Tuyết, Võ Ðình Tú, Nguyễn Văn Lộc, Lê Văn Hưng được coi như tay chân.

- Nhưng Huy và Tứ Linh là hai tay lục lâm mới quy thuận, lòng dạ chưa lường được, nhưng võ nghệ cao cường, nên vẫn được trọng dụng.

Tất cả đều là tướng tài. Mỗi người có một môn sở trường vô địch.

• Võ Văn Dũng người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn (Bình Khê). Nhà giàu. Rước thầy về học văn học võ từ nhỏ đến lớn. Học văn thì tối, còn học võ thì dạy đâu nhớ đó, mỗi năm phải rước một thầy mới để thay.

Ðến 20 tuổi theo người buôn ngựa vào Phú Yên. Duyên may gặp được lão trượng họ Lương dòng dõi Lương Văn Chánh ở Tuy Hòa, dạy cho môn trường kiếm và môn đoản đao, dạy cách đánh trên đất, cách đánh ngựa, lúc dùng một món, lúc dùng cả đôi. Về nhà Võ Văn Dũng tập luyện ngót năm năm trời mới thành thục. Nhớ lời thầy dặn: “Học võ là để phòng thân và dẹp nỗi bất bình khi gặp, chớ không phải để đấu sức khoe tài”. Võ giấu kín nghề riêng, cho nên ngoài Nguyễn Nhạc là bạn cố giao, khách võ lâm không mấy ai biết Võ thuộc hàng cao thủ.

• Bùi Thị Xuân con của Bùi Ðắc Chí gọi Bùi Ðắc Tuyên bằng chú, người thôn Xuân Hòa, một thôn nằm về phía đông Phú Phong(21), vừa có sức mạnh vừa có sắc đẹp. Nữ công khéo, chữ viết đẹp. Nhưng thích “làm con trai”, thích múa kiếm đi quyền. Nghe kể chuyện bà Trưng bà Triệu cưỡi voi đánh giặc, Bùi Thị Xuân náo nức muốn được theo gương bà Triệu bà Trưng. Còn những chuyện Tô Tiểu Muội cùng chồng xướng họa, chuyện bà Mạnh Quang “cử án tề mi”(22) thì Bùi Thị Xuân cho là nhảm nhí. Lúc nhỏ đi học, thường mặc áo con trai. Lớn lên tự chế kiểu áo các nữ hiệp vẽ trong sách mà mặc. Cha mẹ chiều con, không nỡ lời trách cứ, còn tiếng chê khen của người ngoài thì Bùi Thị Xuân không bận tâm.

Năm 12 tuổi, Bùi Thị Xuân đến trường học chữ. Một hôm anh em giễu cợt ra cho nhau câu đối:

Ngoài trai trong gái, dưa cải dưa môn.

Có người đối:

Ðứng xuân ngồi thung, lá vông lá chóc

Rồi vỗ tay cười ầm!

Bùi Thị Xuân cả thẹn, vùng quyền đánh vào mặt hai người sanh sự, rồi trở về nhà. Từ ấy bỏ học chữ. Ở nhà chuyên học võ.

Trước kia không biết Bùi Thị Xuân học võ với ai và học vào lúc nào. Nhưng từ khi bỏ học văn thì đêm đêm có một lão bà đến dạy. Dạy từ đầu hôm đến gà gáy lần thứ nhất thì bà lão lui gót. Không ai hiểu lai lịch ra sao. Suốt ba năm trời, trừ những khi mưa gió, đêm nào bà lão cũng đến cũng đi đúng giờ giấc. Dạy quyền, dạy song kiếm. Rồi dạy cách nhảy cao nhảy xa. Nhảy cao thì cột hai bao cát nơi chân mà nhảy, ban đầu bao nhỏ, rồi đổi bao to dần, cuối cùng mới nhảy chân không. Còn nhảy xa thì ban đầu dùng sào, sau dùng tre tươi ngoài bụi, níu đọt uốn cong xuống thấp rồi nương theo sức bung của cây mà nhảy. Ðêm học ngày tập. Ðến 15 tuổi thì tài nghệ đã điêu luyện.

Một hôm bà lão đến, cầm tay Bùi Thị Xuân khóc và nói:

- Ta có duyên cùng con chỉ bấy nhiêu. Ðêm nay ta đến từ biệt con.

Bùi Thị Xuân khóc theo và nài nỉ xin cho biết tánh danh và quê quán. Bà lão đáp:

- Ta ở gần đây. Trong ba hôm nữa con sẽ biết tin tức. Nhưng con phải giữ bí mật.

Nói rồi, vụt một cái biến mất.

Mời các bạn đón đọc Nhà Tây Sơn của hai tác giả Quách Tấn & Quách Giao.