Những độc giả trung thành của David Grossman hẳn sẽ sửng sốt khi đọc tên cuốn tiểu thuyết này. Con ngựa bước vào quán bar ư? Câu mở đầu quen thuộc của các truyện cười ư? David Grossman đây sao- một người viết nghiêm nghị đầy lòng trắc ẩn, một người cha mất con trai vì chiến tranh?
Một con ngựa bước vào quán bar. Gã pha chế hất hàm, “Ê, sao mặt dài thuỗn ra vậy?”
Không, cuốn sách này sẽ không khiến bạn cười. Cho dù câu chuyện gói gọn trong buổi diễn hài độc thoại hơn hai tiếng đồng hồ. Cho dù nhân vật chính, Dovaleh Greenstein, một diễn viên hài hết thời, sắp trao cho các bạn một buổi diễn độc nhất vô nhị, sô diễn kết thúc sự nghiệp, khi anh nhìn lại cuộc đời, di sản, cùng một mất mát đã định hình nên con người mình. Một lần nữa, đừng trông đợi tiếng cười, bởi chỉ có sự ngượng nghịu, nỗi chán ghét bản thân, cơn choáng váng, và nỗi đau.
Bởi ở đây nỗi đau, chứ không phải tiếng cười, chính là liều thuốc chữa lành.
***
Grossman sinh ra ở Jerusalem. Ông là anh cả của hai anh em.
Mẹ của ông, Michaella, được sinh ra tại Ủy trị Palestine; Cha của ông, Yitzhak, di cư từ Ba Lan với mẹ góa ở tuổi lên chín. Gia đình của mẹ ông là người Do Thái và người nghèo, ông nội của ông đã trải nhựa đường trong Galilee và bổ sung thu nhập của mình bằng cách mua và bán thảm. Bà ngoại của ông là một thợ làm móng. Bà nội của ông đã để lại Ba Lan sau khi bị cảnh sát quấy rối, chưa bao giờ rời khỏi khu vực nơi bà sinh ra. Cùng với con trai và con gái của mình, cô đã đi đến Palestine, nơi cô trở thành người làm sạch trong những khu phố giàu có.
Cha của Grossman là tài xế xe buýt, sau đó là một thư viện, và thông qua anh ta rằng David - "một đứa trẻ đọc sách" - đã có thể xây dựng sự quan tâm đến văn học, và sau này trở thành sự nghiệp của anh. Grossman nhớ lại: "Ông ta đã cho tôi rất nhiều thứ, nhưng những gì ông ta cho tôi là Sholem Aleichem". Aleichem, người sinh ra ở Ukraine, là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của Yiddish, mặc dù bây giờ ông được biết đến như một người đàn ông với những câu chuyện có nguồn cảm hứng cho Fiddler on the Roof. Ở tuổi 9, Grossman đã giành được một cuộc thi quốc gia về kiến thức về các tác phẩm của Sholem Aleichem, và sau đó đã từng làm diễn viên trẻ cho đài phát thanh quốc gia. Ông tiếp tục làm việc cho Israel Broadcasting trong gần 25 năm[3].
Năm 1971, Grossman bắt đầu dịch vụ quốc gia của mình làm việc trong tình báo quân đội. Mặc dù ông đã ở trong quân đội khi chiến tranh Yom Kippur nổ ra vào năm 1973, ông đã không thấy hành động nào.
Grossman học triết học và sân khấu tại Đại học Hebrew ở Jerusalem. Sau đại học, anh bắt đầu làm việc trong đài phát thanh, nơi anh đã từng là một diễn viên nhí. Cuối cùng, ông đã trở thành một neo trên Kol Yisrael, dịch vụ phát thanh quốc gia của Israel. Năm 1988, ông bị đuổi việc vì từ chối chôn những tin tức rằng lãnh đạo Palestine tuyên bố chính quyền của họ và thừa nhận quyền tồn tại của Israel.
Grossman sống ở Mevasseret Zion ở ngoại ô Jerusalem. Ông kết hôn với Michal Grossman, một nhà tâm lý học trẻ em. Họ có ba người con, Jonathan, Ruth, và Uri. Uri là một người chỉ huy xe tăng, bị giết năm 2006 tại Li-băng trong chiến tranh giữa Israel và Hizbollah.[4] Cuộc đời của Uri sau đó được tổ chức trong cuốn Falling Out of Time của Grossman.
***
“XIN CHÀO BUỔI TỐI! Chào toàn thể quý vị! Cho tôi gửi lời chào đến thành phố Caesarea lộng lẫyyyyyy!”
Sân khấu trống không. Tiếng reo hò như sấm từ hai bên cánh dội lại. Khán giả lắng dần và cười rạng rỡ trông đợi. Người đàn ông thấp bé, mảnh khảnh, đeo kính, lảo đảo bước lên sân khấu từ cánh cửa hông như thể bị ai đó xô vào. Anh loạng choạng vài bước thì vấp ngã, nhưng kịp chống tay lên sàn gỗ, rồi đột ngột chổng ngược mông lên trời. Từ phía khán giả phát ra tiếng cười và tiếng vỗ tay rải rác. Đám đông vẫn đang ổn định chỗ ngồi, trò chuyện rôm rả. “Thưa quý ông quý bà!” anh chàng đứng ở bàn điều khiển âm thanh ánh sáng thông báo với giọng nghèn nghẹt. “Hãy chào đón Dovaleh G!” Người đàn ông trên sân khấu vẫn chồm hỗm như khỉ, cặp kính to vẹo trên sống mũi. Anh chầm chậm quay về khán phòng, nhìn quét một đường hồi lâu không chớp mắt.
“Ồ, đợi đã,” anh làu bàu, “đây đâu phải Caesarea nhỉ?” Tiếng cười phá lên. Anh chậm rãi đứng thẳng người dậy và phủi tay. “Có vẻ như tôi lại bị ông bầu chơi khăm rồi.” Vài người trong khán giả hô lên, và anh nhìn họ với vẻ mặt khiếp hoảng: “Sao? Cô nói gì? Mời cô bàn số bảy, đúng rồi, cô nàng có cặp môi mới làm lại đó - nhân tiện, trông xinh đấy.” Cô gái cười khúc khích và lấy tay che miệng. Người diễn viên đứng ở mép sân khấu, hơi đu đưa tới lui. “Đừng đùa chứ tình yêu, cô vừa nói Netanya thật đấy ư?” Mắt anh mở to như choán cả mắt kính: “Để xem tôi hiểu có đúng không nào. Các vị định ngồi đó mà bảo rằng ngay giây phút này tôi đang thực sự ở Netanya, Chúa ơi cứu con, trong khi tôi còn không biết để mặc áo chống đạn ư?” Anh bắt tréo tay trước hạ bộ, vẻ mặt khiếp đảm. Đám đông cười rổn rang. Vài người huýt gió. Một số đôi vẫn đang bước vào, theo sau là nhóm thanh niên ồn ào trông như một toán lính nghỉ phép. Khán phòng nhỏ kín dần chỗ ngồi. Vài người quen vẫy chào nhau. Ba cô bồi bàn mặc quần soóc, áo sát nách màu tím hường, bước từ phía bếp ra và tản về các bàn.
“Nào, Môi Mọng” - anh cười với cô gái bàn bảy – “ta chưa xong đâu. Nói chuyện tí nhé. Phải công nhận cô mang dáng vẻ một phụ nữ đoan trang và xinh đẹp đấy, và đương nhiên cô có gu thời trang sành sỏi. Nếu tôi đoán đúng thì quả tóc quyến rũ kia được thực hiện bởi -đoán thử nhé: nhà thiết kế đã mang lại cho chúng ta giáo đường Núi Đền và lò phản ứng hạt nhân ở Dimona?” Khán giả cười rộ. “Và nếu tôi không nhầm thì có mùi của cả đống tiền toát ra từ phía ấy. Tôi đoán đứng hay tôi đoán không sai thế ạ? Eau de… một phần trăm? Không ư? Không chút nào ư? Tôi hỏi vì còn phát hiện ra một choác Botox chống lão hóa tuyệt hảo, chưa kể liệu pháp thu nhỏ ngực bất thành. Nếu cô hỏi ý kiến tôi, xin phép cho ý kiến là tay bác sĩ ấy đáng bị tước giấy phép lắm.”
Cô ta bắt tréo tay trước ngực, giấu mặt, những tiếng cười ré lên thích thú lọt qua kẽ ngón tay. Trong khi nói, người đàn ông nhanh nhẹn sải bước từ bên này sang bên kia sân khấu, xoa tay và nhìn lướt qua đám đông. Anh mang đôi bốt cao bồi đế bục, khi di chuyển gót giày gây ra tiếng lộc cộc khô khốc. “Điều tôi đang cố để hiểu, cưng ạ,” anh la lên nhưng không nhìn cô gái kia, “là làm sao một phụ nữ thông minh như cô lại không thấy rằng đấy là loại thông tin mà mình cần phải nói với người khác thật thận trọng, phải cân nhắc và suy xét cho kỹ. Cô không thể cứ thế mà đập vào mặt ai đó cái tin ‘Anh đang ở Netanya đấy.’ Rầm! Thế là cớ làm sao? Cô phải cảnh báo trước đã chứ, nhất là khi người anh ta trông như cây sậy.” Anh vén chiếc áo thun phai màu và khán giả bên dưới ồ lên. “Không hề bốc phét nhé!” Anh xoay bộ ngực trần về phía hai bên sân khấu và cười toe toét. ”Thấy chưa? Chỉ toàn da bọc xương. Chủ yếu là sụn. Thề có Chúa, tôi mà là ngựa thì nhẽ tôi đã bị đem nấu cao rồi, quý vị đồng ý không?” Đáp lại là tiếng cười rụt rè và tiếng thở ra kín đáo. “Điều tôi muốn nói, em gái à,” anh quay về cô gái, “lần sau khi báo cho ai một tin như thế này, em phải thận trọng. Gây tê người ta trước đã. Làm cho người ta tê đi, Chúa ơi. Và dịu dàng thỏ thẻ với người ta thế này: Xin chúc mừng Dovaleh, chàng trai khôi ngô tuấn tú nhất trần, anh đã chiến thắng! Anh được chọn tham gia vào một thí nghiệm đặc biệt ở miền đồng bằng duyên hải, không lâu lắm đâu, chỉ chín mươi phút thôi, cùng lắm là hai giờ, khoảng thời gian tối đa một người phàm có thể tiếp xúc với vùng này mà không gặp nguy hiểm.”
Khán giả cười rộ lên và anh sửng sốt. “Mấy kẻ ngốc này, sao các vị lại cười? Tôi đang nói chính quý vị đó!” Cười to hơn. “Gượm đã, để tôi làm cho rõ nhé, người ta đã nói với các vị, rằng nhiệm vụ của các vị chỉ là hâm nóng bầu không khí, trước khi lớp khán giả thực thụ xuất hiện chưa nhỉ?” Có tiếng hú huýt, cười chớt nhả ở đây đó, tiếng la ó rải rác, vài người dộng tay xuống bàn, nhưng đa phần đám đông tỏ ra thích thú. Một đôi cao ráo, mảnh khảnh bước vào, cả hai đều có những lọn tóc vàng mềm mại rủ trước trán. Họ là một đôi nam nữ trẻ, mà cũng có thể là hai nam, vận đồ đen bóng lộn, mũ bảo hiểm kẹp bên hông. Người đàn ông trên sân khấu liếc nhìn họ và hơi cau mày.
Dovaleh di chuyển liên tục. Cứ vài phút anh lại đấm nhanh vào không khí, né một đối thủ vô hình, giả vờ như là tay đấm bốc thành thục. Khán giả thích trò đó. Anh khum tay trên trán và lướt mắt qua căn phòng tối.
Tôi chính là người anh đang tìm.
“Giữa chúng mình với nhau thôi nhé, có lẽ tôi nên đặt tay lên ngực và quả quyết với quý vị rằng tôi đang phát cuồng - đúng nghĩa là phát cuồng! - vì Netanya, đúng chưa ạ?” “Đúng!” lác đác khán giả trẻ la lên. “Tôi nên cắt nghĩa tại sao mình ở đây với quý vị vào tối thứ Năm, trong khu công nghiệp diễm lệ này, lại còn ở tầng hầm, gần như chạm vào một vỉa radon phóng xạ tới noi, để gieo cho quý vị tiếng cười bằng một dây chuyện cười thổ tả - đúng chưa ạ?” “Đúng!” khán giả hô lên đáp lại. “Không…” anh khẳng định và xoa tay khoái trá. “Toàn chuyện ba xàm, chỉ đúng khoản thổ tả, vì thành thật là tôi chán thành phố các vị lắm rồi. Tôi đến phát rồ bởi cái thành phố Netanya chán phè này. Ai đi trên đường trông cũng như ở trong chương trình bảo vệ nhân chứng, và tất cả đám người còn lại trông như sắp sửa bắt túm người đó vào bao rác nhét cốp xe. Và tin tôi đi, nếu tôi không phải trả tiền cấp dưỡng cho ba cô vợ yêu và một-hai-ba-bốn-năm đứa trẻ - đếm cho đúng nhé: năm đứa tất cả - thì thề có Chúa, đứng trước quý vị tối nay là người đàn ông đầu tiên trong lịch sử mắc chứng trầm cảm sau sinh. Năm choác cả thảy! Mà đứng ra là bốn, vì hai đứa sinh đôi. Nhưng thực sự là năm nếu tính cả lượt trầm cảm sau khi tôi ra đời. Nhưng mớ nhùng nhằng ấy rốt cuộc lại có lợi cho quý vị, Netanya yêu dấu ạ, vì nếu không vì bầy ma cà bông răng sữa bé nhỏ của mình, thì không đời nào - không thẳng thừng! - tôi có mặt ở đây vì bảy trăm rưỡi shekel vặt vãnh mà Yoav trả không kèm theo phụ phí hay hồng ân nào khác. Vì thế các bạn của tôi ơi, tình yêu của tôi ơi, hãy nhiệt lên tối nay! Quẩy tung nóc lên nào! Hãy tay trong tay vì Nữ hoàng Netanya!”
Khán giả vỗ tay. Mặc dù trò nói ngược kia khiến họ có hơi lúng túng, họ vẫn bị lôi cuốn bởi tiếng hoan hô nhiệt liệt cùng nụ cười ngọt ngào làm sáng bừng khuôn mặt và thay đổi cả dung mạo anh. Vẻ nhàu nhĩ nhạo báng chua chát biến mất, như thể chỉ sau một cú nháy đèn, thế chỗ bằng vẻ ân cần, nhã nhặn của một tay trí thức. Khó mà tin được những câu nói kia vừa phát ra từ mồm anh.
Rõ ràng anh thích thú mối với nghi hoặc mà mình gieo rắc. Anh xoay người chầm chậm trên một chân như compa, và khi xoay xong một vòng, gương mặt anh nhàu nhĩ chua chát trở lại: “Tôi muốn báo một tin thú vị, Netanya ạ. Quý vị không tin là mình may mắn đến thế nào đâu, nhưng hôm nay, hai mươi tháng Tám, chính là sinh nhật tôi. Cảm ơn, cảm ơn nhé, quý vị tốt quá.” Anh nghiêng mình. “Đúng, chính xác, năm mươi bảy năm trước, thế gian đã trở thành một nơi khó sống hơn một chút. Xin cảm ơn các tình thương mến thương.” Anh đi nghênh ngang qua sân khấu và hứng mặt vào một cái quạt tưởng tượng. “Quý vị đúng là tuyệt vời, không cần đến thế đâu, khách sáo quá. Cứ bỏ séc vào hộp lúc đi ra là được, tiền mặt thì dúi vào ngực tôi sau khi hạ màn đây này, hoặc nếu có phiếu thưởng làm tình thì đưa ngay cho tôi bây giờ đi.”
Một số người nâng ly chúc mừng anh. Vài cặp khách vẫn bước vào ồn ã - những người đàn ông vừa đi vừa vỗ tay - và ngồi xuống đám bàn kế quầy bar. Họ vẫy tay chào anh, các cô gái gọi to tên anh. Anh nheo mắt nhìn và vẫy tay lại dù có vẻ mơ hồ không nhìn rõ lắm. Hết lần này đến lần khác anh quay nhìn về phía bàn tôi ở cuối phòng. Ngay từ lúc bước lên sân khấu, anh đã tìm ánh mắt tôi. Nhưng tôi không thể nhìn thẳng vào anh. Tôi không thích không khí ở đây. Tôi không thích bầu không khí anh hít thở.
“Ai trong số quý vị đã qua năm mươi bảy?” Vài cánh tay giơ lên. Anh săm soi họ và gật đầu vẻ sửng sốt. ”Ấn tượng đấy, Netanya ạ! Sống cũng lâu gớm ha! Ý tôi là không dễ mà đạt được tuổi ấy ở một nơi như thế này, đúng không? Yoav, xoay đèn về hướng khán giả để tất cả đều thấy. Thưa bà, tôi nói năm mươi bảy, không phải bảy mươi lăm ạ… Chờ đã, các anh chị, từng người một, sẽ có đủ Dovaleh đi vòng quanh. Vâng, bàn số bốn, ông nói sao? Ông cũng sắp năm mươi bảy ư? Năm mươi tám? Tuyệt diệu! Quá dừ! Vượt trước thời đại! Bao giờ vậy, thưa ông? Ngày mai ư? Xin chúc mừng sinh nhật! Ông tên là gì? Gì cơ ạ? Nhắc lại xem nào? Yor - Yorai? Ông đùa hay thật đấy? Ôi trời ạ, ông bà bô rõ là phỉnh ông rồi!”
Ông tên Yorai cười ngặt nghẽo. Bà vợ mũm mĩm nghiêng sang vuốt ve cái trán hói của ông ta.
“Còn bà cạnh ông, người đang đánh dấu lãnh thổ, có phải bà Yorai không ạ? Mạnh mẽ lên, người anh em. Có lẽ ông đang mong ‘Yorai’ là cú phỉnh sau cùng của đời mình đứng không? Ngay từ năm ba tuổi ông đã nhận ra tai họa ông bà bô giáng cho mình” - anh bước từ tốn trên sân khấu, giả vờ chơi violon - “ngồi cô quạnh ở góc nhà trẻ, nhai tóp tép củ hành sống mẹ bỏ vào hộp ăn trưa, nhìn những đứa trẻ khác chơi với nhau mà lòng tự nhủ: Yorai ơi đừng tuyệt vọng, sét không đánh cùng một chỗ hai lần. Bất ngờ chưa! Nó lại đánh hai lần vào đúng một chỗ! Chào buổi tối, bà Yorai! Nói tôi nghe nào, thưa phu nhân, chỗ bạn bè với nhau, bà có thể chia sẻ cho chúng tôi về mối bất ngờ bà dành cho chồng mình vào ngày đặc biệt này không ạ? Ý tôi là, tôi chỉ cần nhìn là biết ngay trong đầu bà nghĩ gì: ‘Dù gì hôm nay cũng là sinh nhật chàng, Yorai yêu dấu, nên tối nay em chịu, nhưng cấm chàng lặp lại cái ngày 10 tháng Bảy năm 1986 đấy!” Khán giả cười rầm rĩ, kể cả bà Yorai, bà cười rưng cả người, miệng méo xệch. “Nào, thưa bà Yorai” - anh chuyển sang giọng thì thầm - “Chỉ giữa tôi với bà, bà thực sự nghĩ rằng sợi dây chuyền và chuỗi hạt có thể che giấu được quả cằm kia đấy à? Không, hãy thú thực, bà có thấy công bằng khi vào thời thắt lưng buộc bụng này, khi bao nhiêu cặp đôi trẻ Israel vật lộn để có được một quả cằm hoàn chỉnh” - anh vuốt cái cằm lẹm của mình, thỉnh thoảng nó khiến anh có bộ dạng của một loài gặm nhấm gớm ghiếc - “thì bà hoan hỉ với những hai - ồ, gượm đã: ba cái cằm! Thưa bà, chỉ riêng làn da bọc bướu giáp ấy thôi là đủ dựng lều cho cả phong trào Chiếm đóng Tel Aviv[1] rồi!”
Vài tiếng cười rải rác. Nụ cười của bà vợ càng căng ra mỏng dính bên trên hàm răng.
“Và nhân tiện, Netanya ạ, nhắc đến lý thuyết về kinh tế, tôi muốn nhấn mạnh ở điểm này nhằm loại bỏ mọi nghi hoặc, rằng tôi ủng hộ cải cách toàn diện thị trường tư bản.” Anh dừng lại, nín thở, chống nạnh và khịt mũi. “Phải nói tôi đúng là thiên tài, từ ngữ cứ trôi ra khỏi miệng trong khi chính tôi còn không hiểu. Chẳng hạn nhé, ít nhất trong mười phút vừa qua tôi thành thực tin rằng thuế phải được tính dựa vào cân nặng người đóng thuế - ta gọi là thuế bị thịt!” Lại thêm một ánh mắt chĩa về phía tôi, nấn ná, gần như hoảng hốt, cố tìm cách bóc tách khỏi tôi hình bóng cậu bé gầy gò mà anh còn giữ trong ký ức. “Còn gì hay hơn thế, tôi hỏi các anh chị? Đấy là điều hợp lý nhất trên thế gian!” Anh lại vén áo, lần này cuộn lên chậm rãi như thể mời gọi, để lộ cho khán giả thấy cái bụng hõm với một vết sẹo ngang, lồng ngực lép và mấy xương sườn lồ lộ phát sợ, làn da nhão, nhăn nheo và lốm đốm nhọt. “Hoặc dựa vào số lượng cằm, như ta đã bàn, nhưng theo như tôi được biết thì có nhiều khung thuế.” Chiếc áo vẫn vén lên. Một số người nhìn miễn cưỡng, một số quay đi và huýt gió khe khẽ. Nhưng anh cứ tỉnh rụi và nói sôi nổi. ”Tôi đề xuất thuế bị thịt lũy tiến! Thuế sẽ được tính dựa trên mức độ phệ bụng, mỡ bụng, xệ mông, mỡ đùi, mỡ dưới da, chảy ngực, và cái thứ nhúc nhắc dưới cẳng tay phụ nữ! Lọi ích của phương pháp này là không ai có thể bịp bợm hay hiểu nhầm: cứ tăng cân là tăng phí!” Cuối cùng anh cũng hạ áo xuống. “Nhưng nói thật, đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao lại đánh thuế vào người làm ra của cải. Logic nào trong chuyện đó? Hãy nghe tôi, Netanya, và nghe cho kỹ: thuế chỉ nên đánh vào những ai mà nhà nước có lý do để tin rằng họ đang hạnh phúc. Những người đang tự mỉm cười, những ai còn trẻ, khỏe, lạc quan, những người ban ngày huýt sáo, tối đến nồng nàn. Chính họ là những kẻ khốn kiếp phải đóng thuế, và họ phải bị tước hết những gì họ sở hữu!”
Phần đông khán giả vỗ tay nhiệt hệt, nhưng một số, đa phần là người trẻ, trề môi và hò huýt. Anh lau mồ hôi trên trán và mặt bằng chiếc khăn mùi xoa lớn màu đỏ như của chú hề rạp xiếc, và cứ để hai nhóm hằm hè nhau một lúc, trông ai cũng hừng hực. Trong lúc đó anh lấy lại nhịp thở, khum tay che trên mắt và tìm tôi lần nữa, kiên quyết lần dò ánh mắt tôi. Cú chạm mắt đây rồi - tôi mong là chỉ có hai chúng tôi nhận ra. Cậu đã đến, ánh mắt anh như muốn nói. Hãy xem thời gian làm chúng ta thay đổi thế nào, giờ thì tôi đã ở trước mắt cậu, đừng có động lòng thương hại tôi đấy nhé.
Mời các bạn đón đọc Con Ngựa Bước Vào Quán Bar của tác giả David Grossman.