Mùa lá rụng trong vườn là một tiểu thuyết của nhà văn Ma Văn Kháng, hoàn thành vào tháng 12 năm 1982 và được xuất bản lần đầu vào năm 1985.
Lấy bối cảnh một gia đình truyền thống vào những năm 80 của thế kỉ XX, khi đất nước bắt đầu có những bước chuyển mình mạnh mẽ sau chiến tranh, gây ra nhiều thay đổi tốt có, xấu có; truyện đã phản ánh chân thực những biến động trong xã hội thời bấy giờ và những ảnh hưởng to lớn của nó tới gia đình - tế bào của xã hội.
Truyện đã giành giải thưởng loại B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986.
Mùa lá rụng trong vườn kể về gia đình ông Bằng, một nhân viên bưu điện đã nghỉ hưu tại Hà Nội. Ông Bằng có năm người con trai. Anh cả Tường đã hi sinh ngoài mặt trận, vợ anh là Hoài đã tái giá nhưng vẫn thường xuyên viết thư thăm hỏi gia đình. Đông là anh hai, trung tá đã xuất ngũ, sống cuộc sống đơn giản và thậm chí là hơi lười biếng với Lý, cô con dâu đảm đang, nhanh nhẹn. Con trai thứ ba của ông là Luận, một nhà báo có nhiều trăn trở, suy tư về cuộc sống. Vợ anh là Phượng, một người tốt bụng, luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Trái ngược với các anh em, người con thứ tư - Cừ, lại hư hỏng, không nghe lời cha mẹ, đã từng bị đuổi khỏi quân đội. Cuối cùng, em út Cần đang đi học ở Liên Xô, sắp về nước.
Ông Bằng cùng với gia đình Đông và Luận sống trong căn nhà đầu phố tĩnh mịch, cách khá xa sự ồn ào, hỗn loạn của chốn thị thành. Tuy nhiên, trong ngôi nhà yên tĩnh ấy, bi kịch ập tới khi Cừ bỏ việc ở xí nghiệp, trốn ra nước ngoài, bỏ lại vợ và hai con nhỏ. Đối với ông Bằng, người cha vốn rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái, vốn đề cao những giá trị tinh thần truyền thống, đề cao đạo đức thì đây là một cú sốc quá lớn. Sau khi trốn sang Canada, Cừ mới nhận ra lỗi lầm của mình thì đã muộn. Anh liền gửi bức thư cuối cùng về nhà trước khi uống thuốc tự tử. Nhận được thư, bệnh cao huyết áp của ông Bằng tái phát, khiến ông phải nhập viện, rồi qua đời. Đồng thời, vợ và hai con trai của Cừ vô cớ bị sa thải khỏi nông trường, phải đến ở nhờ nhà ông Bằng, rồi nhà chị Hoài. Trước tình cảnh khó khăn, Luận, Phượng và Hoài đã tỏ rõ mình là những người có tinh thần trách nhiệm cao đẹp, thương người như thể thương thân.
Chuyện của Cừ chưa nguôi ngoai thì bi kịch khác lại đến. Lý cảm thấy quá mệt mỏi và chán chường khi sống cạnh Đông, người chồng lôi thôi, tối ngày chỉ biết đánh tổ tôm, không quan tâm tới vợ. Chị bị ông trưởng phòng vật tư ở cơ quan dụ dỗ. Vốn là con người ít học, nhiễm lối sống thị thành xô bồ từ nhỏ, Lý dần dần bị cám dỗ. Chị đã có lần đi công tác Sài Gòn gần tháng trời với ông ta, sống cuộc sống ăn chơi, hưởng lạc, bỏ bê gia đình. Rồi cuối cùng chị bỏ chồng, theo ông ta vào Sài Gòn hẳn. Chỉ tới lúc đã đi khỏi nhà chị mới nhận ra lỗi sai của mình, viết thư tỏ ý muốn quay trở về. Câu chuyện kết thúc vào một đêm giáp Tết, khi mọi người nhận được thư của Lý.
***
Nhà văn Ma Văn Kháng (sinh ngày 1 tháng 12 năm 1936 tại làng Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) tên thật là Đinh Trọng Đoàn. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, học trường Sư phạm Hà Nội. Ông từng là giáo viên cấp hai, dạy môn Văn và là hiệu trưởng trường cấp 3 thị xã Lao Cai nay là tỉnh Lào Cai. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1974.
Từ năm 1976 đến nay ông công tác tại Hà Nội, đã từng là Tổng biên tập, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Lao động. Từ tháng 3 năm 1995 ông là Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã 8 lần đệ đơn xin thôi vị trí này.
Tác phẩm
***
Chợt có ngày hai mẹ con đang đi giữa phố cái Nga bỗng kêu: "Mẹ ơi, khói ở đâu ra thế này?" và cả hai mẹ con chìm trong một làn sương xám như bụi tro bay. Cái cảnh tượng như chỉ thấy ở miền núi vào những ngày mù sa làm cho con bé ngỡ ngàng. Nó ngỡ ngàng với tất cả. Kể cả việc nó được về thành phố ở với mẹ và bố. Phải mất gần một năm trời, mọi việc mới thu xếp xong, Phượng mới đưa được nó về đây. Con bé bị thiệt thòi nhiều quá. Nhưng nó đã được đền bù ngay: nó về đến thành phố thì cái Tết vừa chớm tới. Tết đang chầm chậm về, càng chầm chậm càng vui nôn nao.
Cái Tết đến theo tiếng pháo dẫn đường. Thoạt đầu, pháo nổ đì đẹt, thưa thớt, ở xa lắc. Rồi gần dần, đặc dầy dần. Tới khi đường phố đã lấm tấm xác giấy hồng hồng và ở các cổng chợ, các ngã ba ngã tư, các quầy lá dong dựng lều bán mái thì đã là hăm ba tháng chạp - cái Tết thật sự đã có hình bóng. Cái văn phòng Xí nghiệp In có bà trưởng phòng tính nết thất thường của Phượng - cái thế giới sinh động vui vẻ ấy đón nhận cái Tết sớm hơn hẳn nơi khác. Vì cách đó mấy tuần, những tính toán chi tiêu sắm sửa cho cái Tết dân tộc đã lầm rầm chen lẫn vào công việc thường ngày, rồi mỗi ngày tiếng nó càng to, đến nỗi đã có lúc nó lấn át cả tiếng nói công việc. Và bà trưởng phòng, đã phải liên tục mở miệng quát tháo để giảm bớt sự nhiễu loạn và kéo sự chú ý của các cô vào công việc. Câu nói cửa miệng của bà lúc này là: "Tết với nhất, tốn tiền, mệt xác! Rồi lại còn dửng mỡ nữa chứ! Tôi yêu cầu! Tết năm nay cô nào còn đẻ nữa sẽ cắt thưởng. Sao mà ham đẻ thế!”
Phượng bận rộn với công việc cuối năm. Hăm nhăm, hăm sáu Tết rồi vẫn còn hàng đống chứng từ hoá đơn chưa thanh toán, vào sổ. Còn quyết toán cả năm. Còn báo cáo tài chính với Liên hiệp xí nghiệp, với Ngân hàng. Năm nay xí nghiệp hoàn thành kế hoạch trước gần tháng, tiền thưởng khá to, nhưng làm cách nào rút được tiền mặt. Các cô đi qua, ghé lại bàn Phượng: "Chị Phượng ơi, Tết năm nay vợ chồng con cái em trông cậy cả vào chị đấy!” Và hình như chỉ chờ có vậy là bà trưởng phòng giật lên đùng đùng:
- Hỏi cô thủ quỹ nhà các cô kia kìa! Bụng đã vượt mặt thế kia, còn có mà chạy được tiền mặt khối ra đấy! Tết năm nay cứ chuẩn bị mà treo niêu! Chửa với đẻ gì mà cứ như gà thế!
Tháng trước xí nghiệp đã đứng ra làm lễ cưới cô thủ quỹ lấy ông Trưởng phòng Kỹ thuật.
Giờ bụng cô đã to sề sệ. Rõ ràng là chửa trước ngày cưới chứ còn gì. Và Phượng thì bước đi đã thấy kềnh kệnh. Bà trưởng phòng nhằm vào hai cô tha hồ ngấm nguýt, móc máy, nhưng ngấm nguýt móc máy mà bà ngấm ngầm hả hê. Nhất là với cô thủ quỹ. Chửa đẻ thế, bị công luận coi thường là cái chắc, thì làm gì còn khả năng mà dám ganh với cái chức Trưởng phòng của bà.
Một hôm bà đến bàn Phượng lúc cô đang bận làm quyết toán. Phượng nghĩ, chắc bà lại cự nự về việc mình trừ lương ông giám đốc từ tháng tới, hoặc là phàn nàn việc mình tự động lên gặp giám đốc đề nghị một số cải tiến trong việc kinh doanh của xí nghiệp hôm vừa rồi. Nhưng, không. Nghiêng nghiêng đầu, nhìn Phượng, mặt bà lồ lộ vẻ hí hửng rất trẻ con:
- Này, đã có tin tức gì thằng Cừ chưa?
Hơi bị bất ngờ, Phượng lắc đầu thật thà buồn rầu khe khẽ đáp:
- Chú ấy không còn nữa, chị ạ.
- Cái gì? Cậu nói cái gì! Nó có mà chết khối ra đấy! - Hai con mắt nổi phồng như mắt sư tử giấy, bà trưởng phòng, bỗng như nổi cơn hùng hổ, tiếp. - Này, nói để cô biết, phải cảnh giác nhé. Thằng Tàu nó bắt bọn di tản huấn luyện biệt kích rồi tung về ta làm gián điệp ối ra kia kìa.
Quái, Cừ ở Canađa, chú ấy đã thất vọng và đã tự tử rồi. Sao bà lại nhằng chuyện nọ sang chuyện kia thế? Bà nói vậy là có ý gì?
Đã tưởng bà đi, Phượng cúi xuống quay cái máy tính. Nhưng bà cũng lại cúi xuống theo và chống khuỷu tay lên mặt bàn Phượng, ghé sát vào mặt Phượng, toang toang như cố tình để người khác nghe thấy:
- Này, thế bà vợ tay Đông ra sao rồi? Tớ biết ngay là con mẹ ấy nó sẽ bỏ lão Đông mà. Này, hồi nó viết thư đến xí nghiệp tố cáo cậu lăng nhăng với lão Đông, tớ mà không đứng ra bênh cậu thì còn lôi thôi to. Mụ ấy giờ ở đâu rồi?
…
Mời các bạn đón đọc Mùa Lá Rụng Trong Vườn của tác giả Ma Văn Kháng.