Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Côi Cút Giữa Cảnh Đời - Ma Văn Kháng

Có mẹ, có cha mà hóa ra côi cút. Bao oan khổ, đắng cay, thiệt thòi của chúng cháu đều được bà san lấp, đền bù, an ủi. Những đau tủi, buồn khổ của tuổi ấu thơ đơn côi giữa cảnh đời, nhờ có bà, đã được gột rửa khỏi tâm hồn. Nhờ bà, chúng cháu bước qua vùng tủi hổ, đến với hy vọng và tin yêu. Bà là sự nhẫn nhịn, là lòng hỉ xả, là tuyết sạch giá trong, là tình thương, là lẽ phải, là sự cứng cỏi, kiên trinh. Bà là cổ tích. Bà là bà mụ đỡ nâng trong linh hồn chúng cháu. Bà là Phật bà hay là cô tiên giáng trần đã che chở cưu mang chúng cháu bằng tình thương yêu và các phép màu huyền nhiệm, thần kỳ…”.

Để có được những trang viết xúc động sâu sắc tới người đọc, Ma Văn Kháng, ngoài tài năng còn vằng vặc một tấm lòng nhân ái, độ lượng và bao dung. Tôi tin là tác giả không thể không rơi lệ khi miêu tả tiếng khóc của bé Thảm khi nó mới ba tháng tuổi: “Em Thảm hay tủi thân lắm. Em khóc nhiều hơn những đứa trẻ khác. Em khóc suốt cữ, và tiếng khóc cũng khác những đứa trẻ khác. Có khi đang ngủ, tự nhiên em múm mím môi, rồi nhếch miệng hự hự mấy tiếng rất ảo não. Em mang nỗi ấm ức xót xa trong ký ức non nớt của em. Bà bảo em nhớ mẹ, em tủi phận đấy.

Và đêm nào cũng vậy, không ít hơn một lần, đang ngủ bỗng dưng bừng thức với tiếng khóc hờn dỗi kéo dài khoảng gần một giờ đồng hồ. Khóc vì đói thì chỉ cần cho em ăn là em nín. Vì rét thì ủ thêm chăn cho em. Vì nóng thì bế em ra sân cho em thoáng. Còn vì tủi thì dỗ thế nào em cũng không nguôi”.

Quả thật, những người lớn rất cần đọc tác phẩm này!

***

Nhà văn Ma Văn Kháng (sinh ngày 1 tháng 12 năm 1936 tại làng Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) tên thật là Đinh Trọng Đoàn. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, học trường Sư phạm Hà Nội. Ông từng là giáo viên cấp hai, dạy môn Văn và là hiệu trưởng trường cấp 3 thị xã Lao Cai nay là tỉnh Lào Cai. Ông cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1974.

Từ năm 1976 đến nay ông công tác tại Hà Nội, đã từng là Tổng biên tập, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Lao động. Từ tháng 3 năm 1995 ông là Tổng biên tập tạp chí Văn học nước ngoài của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã 8 lần đệ đơn xin thôi vị trí này.

Tác phẩm

  • Đồng bạc trắng hoa xòe (tiểu thuyết, 1979
  • Vùng biên ải (tiểu thuyết, 1983)
  • Trăng non (tiểu thuyết 1984)
  • Phép lạ thường ngày
  • Thầy Thế đi chợ bán trứng
  • Mưa mùa hạ (tiểu thuyết 1982)
  • Mùa lá rụng trong vườn (tiểu thuyết, 1985)
  • Võ sỹ lên đài
  • Thanh minh trời trong sáng
  • Hoa gạo đỏ
  • Côi cút giữa cảnh đời (tiểu thuyết 1989)
  • Đám cưới không giấy giá thú
  • Đám cưới không có giấy giá thú (tiểu thuyết, 1989)
  • Chó Bi, đời lưu lạc (tiểu thuyết 1992)
  • Ngày đẹp trời (truyện ngắn 1986)
  • Vệ sĩ của Quan Châu (truyện ngắn 1988)
  • Giấy trắng (tiểu thuyết)
  • Trái chín mùa thu (truyện ngắn 1988)
  • Heo may gió lộng (truyện ngắn 1992)
  • Trăng soi sân nhỏ (truyện ngắn 1994)
  • Ngoại thành (truyện ngắn 1996)
  • Truyện ngắn Ma Văn Kháng (tuyển tập 1996)
  • Vòng quay cổ điển (truyện ngắn 1997)
  • Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương (hồi ký 2009)
  • Một mình một ngựa (Tiểu thuyết 2007)
  • Một Chiều Dông Gió
  • Một Nhan Sắc Đàn Bà
  • Trốn Nợ

***

Thật tình tôi không hiểu rằng đời mình sẽ ra sao, nếu như cách đây mười năm, khi tôi năm tuổi, tôi không có bà nội tôi. Bà nội tôi, năm ấy đã ngoại sáu mươi, tóc đã bạc quá nửa, gầy gùa như thân hình tượng La Hán chùa Tây Phương, nhưng gân cốt dẻo dai, tinh anh, nhanh nhẹn. Cả thân hình và cốt cách bà được đúc nên từ cuộc đời lam lũ cực nhọc nhưng tràn đầy hào hứng của bà. Tôi còn nhớ như in gương mặt, vóc hình bà tôi lúc đó. Mặt bà tròn trịa, mảnh dẻ như phiến lá sen. Tóc bà cuộn trong một mảnh khăn nhung thành một vành khăn nhỏ, đặt nghiêng nghiêng trên mái đầu năng chải hiện rő một đường ngôi thẳng tắp chia đều mái tóc sang hai bên. Mặc dù chân tay bà bé nhỏ, gần như chỉ là một làn da bánh mật bọc các lóng xương, bà vẫn thoăn thoắt trong các công việc và dáng đi đứng vẫn rất hoạt bát, tự nhiên, mạnh mẽ. Bà đi đi lại lại nhanh nhẹn, hai ống quần có lúc bên thấp bên cao chạm nhau loạt xoạt, nói lên thói quen tất tả, muốn dứt dóng chóng vánh mọi việc của bà. Trên gương mặt mảnh mai của bà, hàm răng nhuộm đen đều tăm tắp luôn luôn sáng lên một ánh cười ấm áp, hóm hỉnh, tỏa ra một niềm tin đến độ thấy nét cười ấy tôi lại trở lại tin cậy, dẫu đang nao núng trong mung lung.

Trí óc non nớt, con mắt ngờ nghệch của tôi hồi ấy quả thật đã không thể hiểu nổi cái gì đã xảy ra và trở thành một sự kiện xoay đổi cả đời tôi. Người lớn có những bí ẩn riêng mà trẻ thơ chẳng khi nào hiểu nổi.

Tuy vậy, ký ức thơ dại của tôi lúc đó đã in dấu và sau này còn vang vọng mãi tiếng kêu não lòng xé ruột của bà :

- Thụy ơi, thật không ai như con đâu, con ạ !

Thụy là tên mẹ tôi. Tiếng kêu ấy là khúc mở đầu của một đoạn đời bi đát của bà cháu tôi. Tôi có thể nói như thế vì đến hôm nay, thì trí nhớ tuổi thơ đậm đà ấn tượng của tôi đã được rọi chiếu bằng hiểu biết của tuổi mười lăm, tuổi mười lăm biết thao thức, nghĩ ngợi. Tuổi mười lăm cố dựng lại thiên hồi ức với tất cả sắc màu thật của nó, cái đoạn đời tôi chập chững giữa cői đời trong bàn tay dắt dìu, cưu mang của bà tôi.

Tôi còn nhớ rất rõ cái hình ảnh mẹ tôi khựng lại ở ngoài sân khi nghe thấy tiếng kêu đứt ruột ấy của bà. Cái áo mưa xanh cứng quèo mẹ khoác khe khẽ quẫy động trong màn mưa thu xám nhờ. Một tay xách cái túi quần áo lép kẹp, một tay đưa lên gạt nước mắt. Một phút ngần ngừ. Một phút xót xa. Rồi sau đó, mẹ tôi quay ngoắt đi, cắm cúi bước, rồi dún chân chạy gằn ra phía cái dốc đỏ rẽ từ đường cái vào khu nhà ở của chúng tôi - cái cách chạy như là trốn lẩn, đau đớn vật vã, cực chẳng đã thế nào ! ở đỉnh cái dốc đỏ ấy, bà tôi biết, có một chiếc xe tải lớn, loại xe Din cánh trả, đã đậu từ sớm, trên ca-bin có một ông lái ria mép rậm đen như nhọ nồi, ngồi ghếch chân lên cửa kính, đốt thuốc lá liên tục, kiên nhẫn đón chờ mẹ tôi.

Mời các bạn đón đọc Côi Cút Giữa Cảnh Đời của tác giả Ma Văn Kháng.