Bạn đọc thân mến!
Lịch sử văn hóa của một dân tộc không phải của riêng cá nhân nào, chính vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển lịch sử văn hóa cũng không phải riêng một người nào có thể gánh vác được, nó thuộc về nhận thức chung của toàn xã hội và vai trò của từng nhân tố trong mỗi chặng đường lịch sử. Lịch sử là một khoa học. Lịch sử không phải là việc thống kê sự kiện một cách khô khan rời rạc. Bởi mỗi sự kiện trong tiến trình đó đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau bằng sợi dây vô hình xuyên suốt không gian và thời gian tạo nên lịch sử của một dân tộc.
Dân tộc Việt Nam trải hơn một nghìn năm Bắc thuộc, gần trăm năm dưới ách cai trị của thực dân, đế quốc, nhưng con cháu bà Trưng, bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… vẫn kiên trì bền chí, tin tưởng ở quá khứ hào hùng, không ngừng tranh đấu hướng tới tương lai rộng mở vì độc lập tự do của đất nước.
Một dân tộc, một quốc gia muốn trường tồn và phát triển, ngoài việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật, điều quan trọng hơn nữa là phải có một nền tảng giáo dục vững chắc. Trong đó, giáo dục về lịch sử và lòng tự hào dân tộc là cần thiết để ghi khắc trong tâm trí các thế hệ, đặc biệt là tầng lớp thanh niên ý thức về nguồn gốc dân tộc, truyền thống văn hóa và nội lực quốc gia, đồng thời giúp định hình góc nhìn thấu đáo về vai trò của từng giai đoạn, triều đại và nhân vật - dù gây tranh cãi - tạo nên lịch sử đó.
Chính vì những giá trị to lớn đó, vấn đề học tập, tìm hiểu lịch sử nước nhà hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của Nhà nước và toàn xã hội. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam, Tạp chí Xưa và Nay… và rất nhiều những tổ chức khác đã và đang kiên trì con đường thúc đẩy sự phát triển của nền khoa học lịch sử quốc gia, phổ biến tri thức lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc tới toàn xã hội.
Đồng hành với mối quan tâm của toàn xã hội, Công ty Cổ phần Sách Alpha - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, với tôn chỉ “Tri thức là sức mạnh” - đặc biệt quan tâm tới việc góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về truyền thống văn hóa lịch sử đất nước.
Theo nhiều kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu của bạn đọc cho thấy, “lỗ hổng lịch sử” ở không ít người trẻ hiện nay hoàn toàn có thể bù lấp một phần dựa trên nhiều nguồn tư liệu, công trình nghiên cứu, sách cổ sách quý hiện đang được các Viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân lưu giữ. Để chung tay tái hiện một cách rõ nét những mảnh ghép lịch sử dân tộc, Công ty Cổ phần Sách Alpha đã triển khai dự án xuất bản mang tên Góc nhìn sử Việt với mục đích xuất bản lại và xuất bản mới một cách có hệ thống các công trình, tư liệu, sách nghiên cứu, sách văn học có giá trị… về lịch sử, bước đầu hình thành nên Tủ sách Alpha Di sản.
Xin trân trọng giới thiệu.
Công ty CP Sách Alpha
***
Bộ Tang thương ngẫu lục 桑滄偶錄 này do hai ông Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án cùng soạn về năm Gia Long, chép những chuyện lặt vặt trong triều, ngoài nội mà hai ông đã nghe hoặc thấy từ khoảng cuối Lê trở về trước.
Toàn bộ gồm có 90 chuyện, chia làm hai quyển, quyển trên 40 chuyện, quyển dưới 50 chuyện. Hai ông sinh hồi cuối Lê, cái khoảng đời đã xảy ra rất nhiều những việc bể dâu biến đổi, mà bộ sách này chép nhiều câu chuyện biến thiên của hồi ấy, cho nên tên sách đặt là Tang thương ngẫu lục, nghĩa là những câu chuyện ghi chép tình cờ trong cuộc bể dâu.
Ban đầu sách này chỉ có bản viết trong một thời gian gần trăm năm. Đến năm Bính Thân niên hiệu Thành Thái thứ 8 (1896), ông Nghè Gia Xuyên Đỗ Văn Tân, Tổng đốc Hải Dương, quyên tiền khắc ván, từ đấy mới có bản in mà sự lưu hành mới được rộng hơn trước.
Vì nghĩ là một bộ sách xưa, có bổ trợ cho nền sử học, nên chúng tôi đem phiên dịch in ra.
Ngòi bút thô lậu của chúng tôi, không biết khỏi có những chỗ sai lầm chăng, còn chờ ở các bậc cao minh chỉ giáo.
Người dịch
Mời các bạn đón đọc Tang Thương Ngẫu Lục của tác giả Phạm Đình Hổ & Nguyễn Án.