Phúc lành của đất đã đoạt giải Nobel Văn học năm 1920. Tác phẩm đồ sộ này viết về những người nông dân Na Uy gắn bó hàng đời với đất đai, trung thành với những truyền thống cổ xưa. Tác giả kêu gọi con người trở về với đất. Con người cá nhân chủ nghĩa kiêu hãnh trước kia tưởng có thể "làm rung chuyển thế giới bằng sự va chạm của vài tư tưởng phi lý" đã kết thúc đời mình trong chủ nghĩa bi quan và bị cái chết ám ảnh. Với văn phong trong sáng, cách diễn đạt gây bất ngờ, Knut Hamsun được coi là một trong những người cách tân văn xuôi Na Uy.
Trong bài phát biểu tại lễ trao giải, đại diện Viện Hàn Lâm Thụy Điển nói: "Những ai muốn tìm trong văn học sự mô tả chân thật hiện thực đều tìm thấy trong Phúc lành của đất câu chuyện về cuộc đời của mỗi một con người, dù anh ta ở nơi đâu, lao động ở nơi đâu".
***
Nhà văn Knut Hamsun (4/81859 – 19/2/1952) tên thật là Knud Pederson. Ông chào đời tại xã Lom, huyện Gudbrandsdalen, (nay thuộc tỉnh Oppland) miền Nam Na Uy; là con thứ tư trong một gia đình nghèo đông con (bảy người con). Năm ông lên bốn, cả gia đình chuyển tới sinh sống tại quận Hamarøy, tỉnh Nordland, miền Bắc Na Uy.
Từ năm lên chín, ông phải tới giúp việc cho ông chú đang làm việc tại một bưu cục, thường xuyên bị đánh và bỏ đói. Những chấn thương tinh thần và thể xác này đã khắc sâu dấu ấn trong ông và là nguyên nhân của những di chứng thần kinh mãn tính về sau.
Năm 1874, ông bỏ trốn trở về Lom, và từ đó bắt đầu một cuộc sống lang thang phiêu bạt khắp đó đây, hai lần sang Mỹ (1882-1884 và 1886-1888); nếm trải đủ mùi khổ ải, làm đủ mọi thứ nghề ngỗng trên đời: thư ký tiệm tạp hóa, bán hàng rong, phụ chữa giày, phụ tá cho quan chức hành chánh xã, giáo viên tiểu học, và hàng chục thứ nghề không tên khác. Từ năm mười bảy tuổi, ông cũng bắt đầu tập tành viết lách.
Năm 1890, tác phẩm Sult (Đói) của ông được xuất bản, gây chấn động lớn trong văn giới bấy giờ với một bút pháp lạ lùng sâu thẳm, mô tả rất xác thực, tinh vi, nhưng đôi khi cũng khá hài hước những cảm xúc và ý tưởng của một nhà văn trẻ đang hồi khốn khó. Có lẽ đây là tác phẩm gây ấn tượng sâu sắc nhất cho giới phê bình học giả cũng như bạn đọc toàn cầu kể từ ngày nó ra đời cho tới nay. Tác phẩm này cũng đã được dựng thành phim hai lần. Lần thứ nhất năm 1966, do Henning Carlsen (sinh 1929) nhà sản xuất phim lừng danh người Đan Mạch đạo diễn; lần thứ hai năm 2001 do đạo diễn, biên kịch người Mỹ Maria Giese đạo diễn.
Từ đó trở đi, bút lực của ông ngày càng dồi dào sung mãn. Về mặt bút pháp, ông là một trong những nhà văn cùng thời khác như James Joyce (1882-1941), Marcel Proust (1871-1922) và Virginia Woolf (1882-1941)… đã khai thác một cách tài tình thủ pháp Dòng ý thức ; hình thành nên trào lưu văn học hiện đại.
Tổng cộng ông đã viết trên ba mươi cuốn tiểu thuyết và nhiều tác phẩm kịch, thơ… Trong đó nổi bật nhất là: Đói (Sult-1890); Những điều bí ẩn (Mysterier-1892); Pan (Pan-1894); Victoria (Victoria -1898); Dưới ánh sao thu (Under Høststjærnen -1906); Gã lang thang chơi đàn không dây (En Vandrer spiller med Sordin-1909) ; Niềm vui cuối cùng (Den sidste Glæde-1912); Phúc lành của đất (Markens Grøde-1917); Trên lối mòn hoang (Paa gjengrodde Stier-1949)…
Năm 1917, ông mua một điền trang ở Nørholm, miền Nam Na Uy, lui về đó sống một cuộc đời ẩn dật, viết văn và làm việc nông điền.
Năm 1920, ông đoạt giải Nobel văn chương nhờ bộ tiểu thuyết Phúc lành của đất .
Xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, sự oán ghét chủ nghĩa tư bản hiện đại của bản thân và do hâm mộ truyền thống tư tưởng Nietzche trong chủ nghĩa Phát xít cũng như đã có sẵn cảm tình với Đức do chính nghĩa của nước này trong Thế chiến I, trong lúc đó công luận tại Na Uy lại nghiêng về Anh và Pháp, dần dần trong ông đã hình thành một cảm tình sai lệch với chủ nghĩa xấu xa này.
Năm 1932, ông gặp Hitler và Joseph Goebbels – Bộ Trưởng Tuyên truyền của Đức Quốc Xã. Dù không bao giờ gia nhập Đảng Phát xít, ông đã có những hành động và phát ngôn bày tỏ rõ rệt thái độ ủng hộ Đức của mình, chẳng hạn như tuyên bố với những người đồng bào rằng: “Tất cả chúng ta đều là người Đức” trong thời gian Đức chiếm đóng Na Uy, hoặc công khai viết lời ca tụng Hitler khi nghe tin ông này chết rằng: “Ông ấy là một chiến binh, một chiến binh của nhân loại, và một nhà tiên tri của nền công lý đối với mọi quốc gia.”
Sau Thế chiến II, ông bị công chúng ghét bỏ; do được coi là bị bệnh tâm thần nên ông không phải ngồi tù mà chỉ bị phạt tiền 80.000 đô la Mỹ (1947). Kể từ đó cho tới khi lìa đời, ông sống trong cảnh lẻ loi nghèo khổ, bị mọi người xung quanh xa lánh.
Ngày 19-2-1952, Knut Hamsun qua đời ở thị trấn Grimstad, miền Nam Na Uy, hưởng thọ 92 tuổi.
Hồi đầu năm 2009, khi Na Uy phát hành đồng tiền mệnh giá 200 Kroner (khoảng 500.000 đồng VN) in hình ông và tiếp sau đó là những hoạt động trọng thể tưởng niệm 150 năm ngày sinh của Hamsun, đã có nhiều quan điểm gay gắt phản đối từ nhiều nước trên thế giới. Dĩ nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến đồng tình, biện minh cho những hoạt động nói trên.
Nếu không xét tới quan điểm chính trị của Knut Hamsun – vốn đã trăm phần trăm sai trái, không có gì cần bàn cãi nữa (có lẽ bản thân Knut Hamsun cũng đã nhận ra những sai lầm của ông trong quãng thời gian cuối đời), có thể khẳng định đa phần những di sản văn học mà ông để lại cho nhân loại là vô cùng quý báu. Và người đọc chúng ta có thể tri ân ông ở khía cạnh này.
Sài Gòn, 3-2010
Nguyễn Thành Nhân
Mời các bạn đón đọc Phúc Lành Của Đất của tác giả Knut Hamsun.