Lặng lẽ đoạt giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết và ký do Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam tổ chức năm 1999 - 2002 với tác phẩm "Một thế giới không có đàn bà", Bùi Anh Tấn đã bình thản đặt những bước đi của mình vào ngôi đền văn học, giành lấy cho mình một chút dư vang. Ở người đàn ông này có một cái gì đó cứ âm trầm, da diết chảy, một cái gì đó - dù rất nhỏ nhoi trong sâu khuất các ý niệm - đang cọ cựa. Tác giả như muốn chống lại sự lãng quên, như muốn thổi tung lớp bụi cũ kỹ của thời gian và bạc bẽo của nhân thế đang bao phủ lên từng mảng lớp của cuộc đời.
(Nhà báo Nguyễn Vịnh)
Dùng hình thức tiểu thuyết hình sự để viết về một đề tài gai góc, tế nhị, nhà văn Bùi Anh Tuấn đã thành công trong việc lôi cuốn người đọc và tạo được sự cảm thông với những dân Gay.
(Nhà văn Đoàn Thạch Biền)
***
Nhà văn Bùi Anh Tấn: "Gay" hay "Les" tôi đều thích cả!
Bùi Anh Tấn là nhà văn đầu tiên viết về đề tài đồng tính nên anh đã vấp phải nhiều luồng dư luận đối kháng. Kẻ này hoan nghiênh đề tài lạ nhưng chưa phải là mới, kẻ khác lại cho rằng viết như thế vẽ đường cho hươu chạy! Bất chấp mọi ý kiến, tuần qua Bùi Anh Tấn bắn tiếp một phát đạn thứ hai bằng tiểu thuyết "Les - Vòng tay không đàn ông".
Với "Một thế giới không có đàn bà" anh gặp quá nhiều dư luận khen chê, thậm chí đặt dấu hỏi to đùng về giới tính của anh. Bây giờ anh tiếp tục "tái xuất" với một tiểu thuyết cùng đề tài nhưng "trái dấu" đó là "les" (đồng tính nữ). Anh không ngại búa rìu dư luận sao?
Bùi Anh Tấn: Đối với một người cầm bút viết văn, điều sợ hãi nhất là lặp lại chính mình, thà không viết nữa còn hơn viết lại những gì mình đã viết. Chính vì vậy, với "Les - Vòng tay không đàn ông" tôi tự coi là trách nhiệm viết một tác phẩm cho những người đồng tính, vì họ cũng cần được quan tâm. Tôi viết nhiều về đề tài đồng tính vì tôi hiểu họ, tôi tôn trọng họ. Gay hay les gì tôi đều yêu cả. Bạn bè tôi cứ nói thế này "Bùi Anh Tấn đã viết một thế giới không có đàn bà, rồi đến một thế giới không có đàn ông. Thôi mai mốt viết nốt luôn "Thế giới không có người" cho đủ bộ".
Trước đây khi viết "Một thế giới không có đàn bà" tôi gặp rất nhiều khó khăn vì mình chỉ là người vô danh, chưa đủ độ tin cậy cho một gay nào đến cung cấp tư liệu. "Les - Vòng tay không đàn ông" tôi được những bạn đọc là người đồng tính tìm đến tâm sự, cung cấp những tình tiết mà nhiều khi tôi không tưởng tượng nổi trên đời này có việc ấy xảy ra. Nói thuận lợi cũng không phải là hoàn toàn. Vì sao à? Để hiểu một người đàn bà bình thường là vô cùng khó, để hiểu một người đàn bà "les" thì còn khó hơn gấp nhiều lần.
Anh có vẻ bi quan khi cho số phận các nhân vật đồng tính của mình có một kết cuộc buồn, thảm khốc. Đỉnh điểm là nhân vật Cô Út trong "Les - Vòng tay không đàn ông", một người đàn bà sống nghiêm túc đến độ khô khan lại phải chết vì hoảng loạn khi chỉ mới thoáng nghĩ mình có vấn đề về giới tính dù ít hay nhiều.
Cái chết này chỉ là một tai nạn chứ không phải cô này tự đi tìm cái chết, cô không cố ý tìm đến cái chết. Vì cô Út sống trong một gia đình vô cùng nghiêm khắc do vậy khi mà phát hiện ra những sự thật chính tàn nhẫn nơi chính bản thân mình, cô ta không chịu nổi nên hoảng loạn chạy ra đường… Đây quả là điều đáng tiếc, nhưng tôi muốn nói: còn nhiều người vẫn chưa trả lời được câu hỏi "Tôi là ai?" ngay cả chính bản thân mình. Đôi lúc trai cũng thích mà gái cũng thích, ngủ với vợ mà mơ đàn ông, nhưng "đi" với với đàn ông lại cảm thấy sợ hãi, hoảng loạn. Quả là bi kịch của con người, không biết mình là ai đấy mới là đau khổ.
Anh có nghĩ mình sẽ làm phật lòng những người đồng tính nam khi anh cho rằng "Là một người đồng tính nam thì trước sau gì cũng nhanh chóng bộc lộ bản thân mình…
***
Còn đó một chút hư vô, còn đó một chút phiêu du, cánh sen hồng phai bay theo làn mây bay… bay…”
Thật lạ cho một nhạc sĩ tuổi đời còn khá trẻ mà lại có thể viết nên những ca từ mang đầy hơi thở phiêu du lãng đãng đến như vậy. Và được vang lên từ chiếc cassette du lịch nhỏ, trong một buổi chiều đông Đà Lạt giá lạnh 12 độ. Gió len vào từng chân tơ kẽ tóc dưới bầu trời xám xịt với những hạt mưa phùn bay bám lên những cành lá rũ xuống làm tăng thêm vẻ mênh mông buồn của bản nhạc. Nếu chưa từng biết nhạc sĩ trẻ này thì Cường không thể nào nghĩ rằng anh ta chính là tác giả của bài hát, bởi hiểu theo lẽ thông thường, để viết được lời ca này phải là người từng trải, cuộc đời qua nhiều sóng gió truân chuyên ngọt bùi đắng cay và một ngày kia, tóc bạc, dựa cửa ngắm mây bay, chiêm nghiệm đời để mà viết. Cường lý luận như vậy mà phì cười tự giễu mình sao dạo này đa cảm quá. Cũng không hiểu sao, chỉ một lần thôi khi anh vô tình được nghe bài hát này qua giọng ca một nam ca sĩ thuộc hàng ngôi sao của một thành phố trong một quán cà phê nhạc mà anh bất chợt ghé qua trú mưa, thì từ đó, Cường luôn thấy mình bị ám ảnh bởi những lời ca phiêu lãng ấy đến tận bây giờ. Luôn luôn là một nỗi buồn dịu dàng không tên, len lén, nhoi nhói trong tim anh với những cảm giác của mơ hồ dịu ngọt mà bồng bềnh chơi vơi mong được bay xa, bay mãi.
Rặng thông già vươn cao, trầm ngâm suy tư, xòe tay đan vào nhau dắt hàng chạy dài dọc theo con đường đá nhỏ uốn khúc từng bậc thang cheo leo bên vách núi đá đi lên một tu viện nhỏ thuộc Đan viện Cát Minh nằm ở tận gần trên đỉnh núi. Gọi núi hay đồi cũng được bởi không cao lắm, một bên là vách đá dựng đứng, di tích những cuộc khai thác lấy đá đến vô độ của những thập niên trước, bên này thì thoai thoải rừng thông chạy tràn dài xuống tận phía dưới. Thông xanh muớt, vi vu vui đùa với mây gió qua bao năm tháng thăng trầm của đời người lẫn thời cuộc. Con người từ tóc xanh thành tóc bạc rồi về với cát bụi hư vô mà rừng thông thì bao nhiêu năm rồi vẫn thế. Tạo hóa mới thật vô thường làm sao, những tiếc nuối trăng trở ưu tư rồi cũng như gió mây phù du lãng đãng của trời đất. Từ một đồi thông hoang vắng thì nay nó đã trở thành một nơi thiêng liêng của Thiên Chúa. Người dân quanh đây sùng kính gọi nơi này là đồi Thánh nữ bởi sự vinh danh vị Thánh Teresa thành Avila. Cuộc đời bà là sự thánh thiện hy sinh vô biên của những đau khổ bị giày xéo và những ân sủng thần bí mà nữ thánh này chấp nhận trong quá trình cải tổ những dòng kín, với châm ngôn “Muốn không để bất cứ ai mất linh hồn, tôi sẵn sàng thí mạng tôi cả ngàn lần” mà bất kỳ con dân nào của Chúa cũng biết đến. Dọc hai bên đường từng bậc than đá đi lên, Cường để ý thấy có rất nhiều những bông hoa nhỏ bé li ti manh mảnh như những đầu ngón tay xinh xinh, không rõ tên, nhiều màu tím, vàng, đỏ, chen lẫn nhau mọc đầy dọc ven con đường đất xen kẽ, lốm đốm như thảm hoa trải dài, nhìn thật đẹp. Và đứng phía dưới, nhìn lên trên đỉnh ngọn đồi có thể thấy được “Mẹ Thiên Chúa” tức đấng “Đồng Công Cứu Chuộc” đang chắp tay hướng lên trời cao, nét mặt bình thản an nhiên một mình trong chiều tà gió lạnh với ánh mắt tràn đầy tình yêu thương đang dõi về một phương xa vô tận nào đấy. Khi lên đến nơi có thể thấy rõ Đức Mẹ Maria mặc áo dài trắng, đầu quấn khăn tấm ba vành nhìn rất Việt Nam, cho thấy dường như tượng Đức Mẹ được dựng sau Công đồng II với quan điểm, hướng về bản sắc văn hóa của từng dân tộc có sự kết nối hài hòa giữa niềm tin Thiên Chúa và tính bản địa trong bối cảnh thời đại đang có những phát triển vượt bậc. Nhìn kỹ sẽ thấy đây là một gương mặt phụ nữ Á Đông đẹp trầm tĩnh và khó có thể biết được Mẹ của Thiên Chúa đang nghĩ gì nếu không có một niềm tin kính sâu sắc để nguyện ngẫm. Tượng nét tạc tinh xảo thể hiện rõ qua ánh mắt, làn môi lẫn nét áo dài nhìn hài hòa, sống động cho thấy những người làm tượng đã làm ra được cái thần cho tượng khiến đây xứng đáng một tác phẩm nghệ thuật đẹp có giá trị.
…
Mời các bạn đón đọc Phương Pháp Của A.C.Kinsey của tác giả Bùi Anh Tấn.