Yukio Mishima (1925-1970) được đánh giá là một trong những tác giả quan trọng nhất trong nền văn học Nhật Bản thế kỷ 20. Trước tác của ông bao gồm 40 cuốn tiểu thuyết, 20 tuyển tập truyện ngắn và khoảng vài chục vở kịch cùng với một số bài thơ. Ông là nhà văn 3 lần được coi là ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Văn học.
Những tác phẩm xuất sắc của Mishima có The Temple of the Golden Pavilion (Ngôi đình tạ bằng vàng -1956), bộ bốn tác phẩm The Sea of Fertility (Biển cả muôn màu - 1965-70)…
Mishima sinh năm 1925, con trai của một quan chức chính phủ. Tên thật của ông là Kimitaka Hiraoka. Bố ông vốn không muốn con trai mình đi theo nghiệp văn chương chữ nghĩa nên ông phải đổi tên để viết trộm. Hiraoka được nuôi nấng và trưởng thành dưới sự giám sát chặt chẽ của bà nội. Trong thế chiến II, nhà văn được miễn nghĩa vụ quân sự, ông làm việc trong một nhà máy. Đây là điều khiến Mishima day dứt suốt cuộc đời. Nhà văn cho rằng mình đã sống sót một cách đáng xấu hổ trong khi rất nhiều người khác phải đổ máu ngoài chiến trường.
Sau chiến tranh thế giới II, Mishima học luật tại Đại học Hoàng gia Tokyo. Trước khi dấn thân vào sự nghiệp văn chương, ông làm việc một năm trong Bộ Tài chính. Năm 1946, ông gặp gỡ Kawabata Yasunari, người sau đó đã giới thiệu những truyện ngắn đầu tay của ông với một vài tạp chí văn học uy tín. Confessions of a Mask (Lời thú nhận của người đeo mặt nạ - 1949) là tác phẩm đầu tiên ghi lại dấu ấn tên tuổi của Mishima trên văn đàn. Cuốn sách chính là một lối thoát giúp nhà văn giải tỏa những cảm xúc của chính mình khi phát hiện bản thân là người đồng tính. Trong truyện, nhân vật người kể chuyện thú nhận, ông đã phải tự trang bị cho mình một chiếc mặt nạ "bình thường" để tránh sự xoi mói của xã hội.
Mishima chịu ảnh hưởng lớn của chủ nghĩa yêu nước trung quân truyền thống và tinh thần võ sĩ đạo samurai của Nhật Bản, tuy ông vẫn diện đồ tây và ở nhà tây. Năm 1968, ông thành lập Hiệp hội Shield (Tate no Kai - Hội lá chắn) - một tổ chức bán quân sự tập hợp khoảng 100 thanh niên trai tráng với mục đích chấn hưng tinh thần võ sĩ đạo Bushido, tán dương chủ nghĩa quốc gia và bảo vệ Hoàng đế Nhật. Không biết do đâu, Hội lá chắn cũng được quyền tham gia huấn luyện cùng quân đội Nhật. Ngày 25/11/1970, ông cùng những người bạn bao vây Cục Phòng vệ Nhật Bản ở Tokyo, bắt giam Tướng Kanetoshi Mashita và xúi giục quân sĩ tiến hành chính biến. Lời thỉnh cầu này của ông gặp sự phản ứng dữ dội của quân đội. Thất bại, tuân thủ tinh thần võ sĩ đạo, ngày 25/11/1970, ông đã tự sát bằng cách tự mổ bụng moi gan theo nghi thức seppuku. Trước khi chết nhà văn còn hô to: "Hoàng đế muôn năm".
Cũng trong ngày cuối cùng của cuộc đời mình, ông giao nốt cho nhà xuất bản những trang viết còn lại của bộ cuốn tiểu thuyết The Sea of Fertility.
Cái chết của Mishima được tác giả Christopher Ross miêu tả trong cuốn sách Mishima's Sword (Lưỡi kiếm của Mishima) như sau: "Lưỡi kiếm đã ngập sâu vào khoang bụng cỡ 10 cm, ông ấn lưỡi kiếm chầm chậm từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, mở toác từng lớp da. Máu tràn ra lênh láng trên sàn nhà. Một cuộn nội tạng màu hồng hồng xam xám nhờ nhờ thòi ra từ vết thương. Mùi tanh nồng xông lên khắp căn phòng". Không thanh lịch, không tao nhã, nghi thức chết của Mishima cũng không hề khoa trương. Nhà văn từng gợi ý cho một nhà báo là nên quay lại cảnh ông tự sát. Nhưng họ cũng không chuẩn bị gì trước để đón nhận sự kiện này. Khoảng 2 giờ trước khi tiến hành nghi thức tự sát, ông gọi điện cho hai phóng viên và úp mở với họ rằng: "Có chuyện sắp sửa xảy ra".
Cái chết của nhà văn lúc bấy giờ đã gây nên một chấn động dữ dội không chỉ với Nhật Bản mà đặc biệt là đối với người phương Tây. Nhiều học giả phương Tây đã đến Nhật Bản để tìm hiểu ý nghĩa cái chết của ông: Liệu đó là một bức thông điệp chính trị của nhà văn hay là một tác phẩm nghệ thuật cuối cùng của ông theo tinh thần võ sĩ đạo. Cho đến nay, hầu như họ không có được câu trả lời như mong đợi.
Người dân Nhật hiện đại ngày nay coi cái chết phi thường của nhà văn là vô nghĩa, là "ngớ ngẩn" và "không đáng". Tác giả của cuốn sách Mishima's Sword - Christopher Ross - kể: Trong một lần Ross đang ngồi đọc các tác phẩm của Mishima trong một hàng cà phê sách, một nhân viên cửa hàng bảo ông: "Mishima là quá khứ, không phải là hiện tại và càng không phải là tương lai".
Dẫu vậy, Yukio Mishima vẫn là một tên tuổi quan trọng trên văn đàn Nhật thế kỷ 20.
***
Bây giờ thì Shinji đã có thể công nhiên đến chơi gia đình Miyata. Một tối, sau khi đi đánh cá trở về, anh đứng trước cổng réo tên Hatsue mà gọi. Anh chàng mặc cái quần mới giặt, chiếc áo thể thao trắng bong, mỗi tay xách lủng lẳng một con cá điêu to tướng.
Hatsue đã sửa soạn sẵn sàng và đang chờ đợi anh chàng. Hai người đã hẹn cùng nhau tới thần xã Yashiro dâng lễ tạ rồi đến ngọn hải đăng báo tin đính hôn.
Bóng chiều tăm tối trong căn phòng nền đất chợt rực sáng hẳn lên khi Hatsue bước ra. Nàng mặc tấm áo mỏng mùa hè - may bằng thứ vải mua của ông lão bán hàng rong ngày nọ - in hình lá triêu nhan trên nền trắng - màu vải trắng tinh đến nỗi ban đêm cũng nhìn thấy nổi bật.
Dựa lưng vào cổng, Shinji đứng chờ, thế nhưng lúc Hatsue từ trong nhà đi ra, anh chàng lại vội vã cúi mặt nhìn xuống, đưa đẩy một bàn chân đang đi guốc làm như thể đang xua đuổi côn trùng và lẩm bẩm:
“Muỗi ghê quá!”
“Thế hả?”
Hai cô cậu cùng sóng vai đi lên những bậc thềm đá dẫn tới thần xã Yashiro. Họ có thể chạy thẳng một mạch lên tới nơi thực nhẹ nhàng nhưng lòng tràn trề hạnh phúc, họ chậm rãi bước lên từng bậc như để thích thú, say sưa tận hưởng niềm sung sướng của từng bước chân đi. Lên tới bậc thềm thứ một trăm, chàng và nàng dừng lại như tiếc rẻ không muốn lên ngay tới đỉnh. Chàng muốn cầm tay nàng nhưng hai tay vướng hai con cá điêu nên lại đành thôi.
Cả thiên nhiên cũng ban ân sủng cho chàng và nàng. Khi lên tới đỉnh rồi, chàng và nàng quay nhìn chung quanh rồi đưa mắt về phía vịnh Ise. Bầu trời ban đêm đầy những sao nhưng chỉ có một vài áng mây thấp vắt ngang chân trời phía bán đảo Chita; những ánh chớp im lìm thỉnh thoảng lại lóe lên, ngoằn ngoèo phía đó. Ngay cả tiếng sóng cũng không ồn ào mà chỉ lùa tới đều đều, êm ả như thể mặt biển đang thở nhẹ trong giấc ngủ ngon lành.
Đi qua khu rừng thông nhỏ, chàng và nàng tới ngôi thần xã, ghé vào lễ tạ. Chàng thanh niên cảm thấy kiêu hãnh ngập lòng khi nghe tiếng đôi bàn tay người yêu chắp lại, đập vào nhau vang vang ròn rã, ngân xa. Thế rồi chàng cũng chắp tay vái lạy.
Hatsue đã cúi đầu lễ bái và đang khấn khứa thì thầm. Nổi bật trên cổ áo trắng bong, phần thịt da sau gáy nàng trông tuy xạm nắng không được trắng trẻo nhưng lại làm Shinji say sưa ngây ngất hơn là bất cứ cái cần cổ nào trắng nhất trên đời.
Một lần nữa, chàng thanh niên lại nhắc nhở lại cho lòng mình niềm hạnh phúc tràn trề mà thần linh đã thực sự ban cho theo đúng những lời mình cầu nguyện.
Chàng và nàng nguyện cầu, khấn vái một lúc lâu nữa. Vì chưa bao giờ nghi ngờ sự gia hộ của thần linh nên hai người có thể cảm thấy cả sự gia hộ ấy bao trùm quanh khắp thân mình.
Phòng việc của thần xã thắp đèn sáng choang. Shinji cất tiếng gọi và ông thủ từ liền thò mặt ra bên khung cửa sổ. Shinji trình bày qua loa mấy nét chính của câu chuyện nhưng vì anh chàng nói năng có vẻ mơ hồ nên trong một lúc, ông thủ từ chẳng hiểu rõ đầu đuôi hai cô cậu định kéo nhau lên đây làm gì. Nhưng cuối cùng nghe mãi cũng hiểu nhất là khi Shinji đưa ông con cá điêu bảo để làm lễ vật dâng lên thần linh. Nhận món quà biếu từ biển cả đưa lên, ông thủ từ còn được nhắc nhở là ông sẽ được mời dự lễ cưới của chàng và nàng; ông tỏ lời chúc tụng nồng nhiệt cho cả hai cô cậu.
Vượt con đường mòn qua khu rừng thông nhỏ phía sau ngôi thần xã, chàng và nàng lại đắm mình trong hương đêm mát dịu êm đềm. Tuy mặt trời đã lặn từ lâu nhưng những con ve sầu hãy còn kêu ra rả. Con đường đất nhỏ dẫn lên ngọn hải đăng dốc tuột thực là nguy hiểm, lúc này một tay rảnh rang không còn vướng mắc gì nữa, Shinji mới nắm tay Hatsue trong tay mình và nói:
“Anh đang tính sẽ học thi lấy bằng đệ nhất hàng hải phó quan. Mình có thể học để lấy bằng khi trên hai mươi tuổi, Em ạ!”
“Ồ! Như vậy thì hay tuyệt!”
“Đến lúc lấy được bằng, anh nghĩ chúng mình cưới nhau là vừa đẹp”.
Hatsue không đáp, chỉ e thẹn mỉm cười.
Họ đi vòng theo Dốc Bà tới nhà ông trưởng đài hải đăng. Chàng thanh niên lên tiếng chào hỏi như thường lệ ngay khi vừa tới khung cửa kính - nơi họ có thể nhìn thấy bóng bà chủ nhà đi qua đi lại trong lúc làm cơm.
Bà chủ nhà mở cửa. Đứng trong tối nhìn ra bà thấy chàng thanh niên và vị hôn thê của anh chàng đang đứng dùng dằng nửa vào, nửa không.
“Ồ! hai cô cậu đây rồi, vào nhà đi!” Bà vợ lớn tiếng gọi ra rồi đưa cả hai tay đón nhận con cá to mà Shinji chìa về phía mình. Rồi bà gọi vói vào trong nhà:
“Bố nó ơi! Chú Shinji lại đem cho mình con cá điêu đẹp quá là đẹp!”
Đang ngồi nghỉ thoải mái trong phòng, ông trưởng đài hải đăng nói vọng ra nhưng vẫn chưa đứng dậy:
“Cảm ơn vô cùng. Và lần này, có lời chúc mừng nữa đấy. Hãy vào nhà chơi, vào nhà chơi một lúc đã nào”.
Bà trưởng đài nói thêm:
“Vào một chút đã nào! Ngày mai em Chiyoko nó cũng về thăm nhà nữa đấy!”
Chàng thanh niên chẳng hề hay biết chút gì về những cảm động mình đã khơi dậy trong lòng Chiyoko cùng những khắc khoải nội tâm mà nàng đã chịu đựng vì mình, nên anh đã nghe câu nói đột ngột của bà mẹ mà cũng chẳng thấy một ý nghĩa gì đặc biệt.
Vì bị giữ lại ăn cơm tối, chàng và nàng đã nấn ná thêm tới hơn một tiếng đồng hồ. Sau đó ông trưởng đài hải đăng lại quyết định dẫn cả hai cô cậu đi một vòng xem ngôi hải đăng trước khi ra về. Vì mới trở về đảo nên Hatsue chưa được thấy bên trong ngôi hải đăng một lần nào cả.
Thoạt tiên, ông trưởng đài dẫn họ lên xem căn phòng trực nho nhỏ. Muốn đi từ khu nhà ở tới đây, họ phải đi men theo mảnh vườn rau nhỏ bé, nơi vừa mới gieo hạt thìa là hôm trước, rồi trèo lên những bậc thềm xi-măng. Trên cao là ngọn hải đăng dựa lưng vào vách núi và cái phòng trực ngay mép vách đá dốc tuột, dựng đứng, đâm thẳng xuống mặt biển.
Ánh ngọn đèn pha trên ngôi hải đăng trông giống như một cột sương mù óng ánh, quét từ bên phải sang bên trái qua gồi phòng trực, phía trông ra ngoài biển. Người gác mở cửa phòng trực, bật đèn lên. Ba người trông thấy những cây thước tam giác định quy treo lủng lẳng trên khung cửa sổ, cái bàn giấy thu xếp hết sức ngăn nắp với tấm bảng ghi tàu bè qua lại và cái kính viễn vọng đặt trên một cái giá ba chân quay mặt về phía các cửa sổ.
Ông trưởng đài hải đăng mở một cửa sổ, điều chỉnh viễn vọng kính rồi hạ xuống cho vừa tầm mắt Hatsue.
Nàng nhìn qua kính viễn vọng, dừng lại một lúc, lấy tay áo lau ống kính rồi nhìn lại lần nữa, buột một tiếng kêu vui thích:
“Ôi, đẹp quá chừng!”
Thế rồi trong khi Hatsue xoay ống kính về các đốm sáng ở nhiều phương giác khác nhau, Shinji dùng ngay đôi mắt thị lực mạnh mẽ, sắc bén của mình mà nhìn theo và giải thích cho nàng nghe.
Dán chặt mắt vào kính viễn vọng, Hatsue trước tiên chỉ về hàng chục điểm sáng lốm đốm trên mặt biển về phía Đông nam:
Những điểm sáng ấy ư? Đó là ánh đèn trên ngọn đèn trên mặt biển đều tìm thấy một hình ảnh chiếu ứng trong vô số các vì sao ở một nơi nào đó trên bầu trời. Ngay trước mặt là ánh đèn từ ngọn hải đăng trên mỏm Irako. Phía sau ngọn hải đăng ấy là ánh đèn rải rác khắp thành phố trên mỏm Irako và ở phía trái những ánh đèn trên đảo Shino lấp lánh tỏ mờ.
Thật xa về phía trái, họ có thể nhìn thấy ngọn hải đăng trên mũi Noma tại bán đảo Chita. Bên phải ngọn hải đăng này là những chùm ánh sáng trên hải cảng Toyohama - ở ngay giữa là ngọn đèn trên cái đê ngăn sóng của hải cảng. Và xa hơn, chếch sang bên phải là ngọn đăng đài hàng không lung linh nhấp nháy trên đỉnh núi Oyama.
Hatsue một lần nữa lại buột ra một tiếng kêu thích thú. Một chiếc tầu chở hàng vượt đại dương to lớn vừa đi vào tầm kính viễn vọng. Đối với mắt thường thực khó mà nhìn ra, tuy nhiên trong lúc con tầu hiên ngang tiến vào tầm viễn vọng kính, thì nó ghi vào ống kính một ảnh tượng uyển chuyển, đẹp đẽ, nổi bật đến nỗi chàng thanh niên và nàng thiếu nữ phải thay phiên nhau ghé mắt vào ống kính mà ngắm nhìn.
Hình như đó là một chiếc tầu chở cả hàng hóa lẫn hành khách trọng tải đến hai ba ngàn tấn. Trong một căn phòng bên ngoài boong đi dạo mát họ có thể nhìn thấy rõ ràng nhiều chiếc bàn trải khăn trắng và một số ghế ngồi. Không thấy một bóng người ở đó. Căn phòng có vẻ là phòng ăn và trong lúc họ đang ngắm nghía bức vách lát gạch hoa men trắng thì bất thình lình, một người bồi bàn mặc quần áo trắng từ bên phải bước vào rồi đi về phía những khung cửa sổ. Trong khoảnh khắc, con tầu thắp đèn xanh ở đằng mũi cũng như đằng đuôi, vượt ra ngoài tầm viễn vọng kính rồi lướt vào thủy đạo Irako đi ra Thái Bình Dương.
…
Mời các bạn đón đọc Tiếng Sóng của tác giả Yukio Mishima.