Thượng tướng Hoàng Cầm xuất thân trong một gia đình cố nông không một tấc đất cắm dùi thuộc vùng quê Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây (Hà Đông cũ) đến nay đã qua tuổi 80. Mẹ mất sớm, cha bị bọn thực dân phong kiến ức hiếp dồn đẩy vào bước đường cùng phải thắt cổ tự tử. Năm 17 tuổi, đồng chí bỏ làng đi nhiều nơi, làm nhiều việc cực nhọc, vất vả để kiếm sống nhưng vẫn không thoát cảnh nghèo đói; có lúc phải ngửa tay cầu xin lòng thương cảm của khách đi đường vì tìm không ra việc làm trong cái xã hội đầy nhiễu nhương, bất công hồi đó.
Tháng 7 năm 1945, ông gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội, tham gia khời nghĩa đánh chiếm Bắc phủ, làm nhiệm vụ đứng dưới lễ đài bảo vệ Bác Hồ đọc tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 tại vườn hoa Ba Đình lịch sử. Đồng chí đã qua thuở ban đầu Tây Tiến; cỏ mặt hầu hết các chiến dịch lớn ở chiến trường Bắc Bộ thời kháng chiến chống Pháp.
Năm 1965, theo điện yêu cầu trực tiếp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Trung ương Cục, đại tá Hoàng Cầm lên đường vào Nam với nhiệm vụ đặc cách ban đầu là xây dựng và huấn luyện bộ đội chủ lực phục vụ yêu cầu đánh lớn. Ông đã qua các chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 9, Tư lệnh Quân đoàn 4 (các đơn vị chủ lực lớn đầu tiên của Nam Bộ), Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam, uỷ viên Quân uỷ miền; đồng chí cũng là chỉ huy trưởng các trận đánh Mỹ đầu tiên ở Bầu Bàng, Dầu Tiếng, Nhà Đỏ, Bông Trang, các chiến dịch lớn Phước Long, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bù Bông, Kiến Đức, Nguyễn Huệ,v.v.
Trình độ văn hoá ban đầu ở mức thoát nạn mù chữ, nhưng do sự nỗ lực học tập vươn lên của bản thân, học bạn bè, học trường thực tế, sau hết là được Đảng và quan đội giáo dục, bồi dưỡng năng khiếu quân sự bẩm sinh được thăng hoa là những điều kiện không thể thiếu giúp đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quân sự được giao, góp phần vào thắng lợi chung của quân đội.
Năm 1995, nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản cuốn Chặng đường mười nghìn ngày, hồi ửc của Thượng tướng Hoàng Cầm (do Nhật Tiến thể hiện) nhân kỉ niệm 20 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đã được đông đảo bạn đọc hoan nghênh và đón đọc.
Chặng đường mười nghìn ngày in lần thứ hai này có sửa chữa, bổ sung, hy vọng mang đến bạn đọc những tâm đắc những cảm xúc, cảm thụ của người trong cuộc về những chi tiết lịch sử hiện thực mà huyển thoại chưa nói đến trong chính sử.
***
Thế là rõ, nửa tháng trước đây, Toàn là một trong số ít ỏi các viên tướng chống lại chủ trương co cụm, tin vào kế hoạch phòng thủ từ xa có khả năng thắng đối phương vì trong tay Toàn còn có ba sư đoàn “tinh nhuệ” và nhiều lữ đoàn phối hợp, thì giờ đây lại xuống giọng rất nhanh, đưa ra một cầu cứu mà trước đó y chống lại. Và không chờ hồi âm của cấp trên. Ngay hôm đó Toàn và sở chỉ huy của y đã lui về căn cứ thiết giáp Gò Vấp gần sân bay Tân Sơn Nhất để thực hiện ý đồ từ sân bay này đào tẩu, bỏ mặc quân sĩ dưới quyền sau khi gọi điện ra lệnh cho Lê Minh Đảo tư lệnh sư đoàn 18 phải bằng mọi giá thực hiện kế hoạch “trì hoãn chiến”.
Từ thực tế bi hài kịch này, tôi quyết định thông tin kịp thời xuống động viên các đơn vị nhân thời cơ này tiến nhanh vào Biên Hòa, trù trừ là ân hận suốt đời nếu vào Sài Gòn chậm.
Thấy thời cơ quyết định đã tới, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận, thì Quân đoàn 4 vẫn đang vật lộn với địch mở đường vào Biên Hòa. Quân đoàn vừa động viên vừa ra lệnh bổ sung, các đơn vị đều chuyển động với khí thế mới, thi đua nước rút với một mong ước chung về đích đúng thời gian.
Ngày 29 tháng 4, Sư đoàn 341, Sư đoàn 6 tiếp tục đột phá trận địa địch theo trục đường từ Hố Nai đi Biên Hòa. Ngay khi trời vừa sáng, Sư đoàn 341 tiến công luôn với năm xe tăng dẫn đầu đập tan nhiều ổ đề kháng của địch. Mười giờ, đội hình sư đoàn tiến đến ngã ba Hố Nai đi Biên Hòa, phải dừng lại vì gặp bốn tuyến hào(7) phía trước, xe tăng không qua được. Sư đoàn 6 tiến công căn cứ thiết giáp của sư đoàn 18 ở Yên Thế, đến 17 giờ làm chủ căn cứ, địch bỏ chạy, sư đoàn tiếp tục phát triển vào Hố Nai, bị địch chặn lại.
(7) Sau đó mới biết, đây là trận địa chống tăng thuộc loại rắn chắc của địch. Ngoài bốn tuyến hào chống tăng, ở đây còn có sáu mươi tăng từ các nơi dồn về để chặn bộ binh và xe tăng ta, bảo vệ Biên Hòa. Bọn địch ở đây không nhận được lệnh của cấp trên trưa 29 tháng 4 rút về bờ tây sông Đồng Nai để phòng thủ Thủ Đức.
Sư đoàn 7 mãi 23 giờ ngày 29 tháng 4 mới đến cách Hố Nai một nghìn năm trăm mét, phải dừng lại triển khai chiến đấu, diệt một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một bộ phận trung đoàn 52 (sư đoàn 18) và 22 xe tăng địch. Lúc này tuyến phòng thủ Hố Nai đã bị Sư đoàn 341, Sư đoàn 6 đập tan, nhưng vẫn còn tàn quân địch lẩn trốn, trà trộn vào dân, chia thành từng tốp nhỏ chống lại theo kiểu đánh “du kích”. Chúng dùng tiểu liên M.16, súng M.79, M.72 từ trên các nhà cao tầng, các gác chuông nhà thờ bắn lén vào đội hình hành quân, làm cháy một số xe, pháo, buộc Sư đoàn 7 phải xuống xe tổ chức chiến đấu, ảnh hưởng đến tốc độ hành quân.
Khi được tin sở chỉ huy nhẹ của quân đoàn 3 chuyển về Gò Vấp tối 29 tháng 4, qua đài kỹ thuật Lê Minh Đảo cầu cứu Bộ Tổng Tham mưu ngụy, rút quân sang bờ tây sông Đồng Nai, trong khi các lực lượng ta vẫn còn bị địch chặn ở ngã ba Hố Nai đi Biên Hòa, Phó tư lệnh Quân đoàn Bùi Cát Vũ ở sở chỉ huy tiền phương lệnh cho pháo bắn chặn hai bên đầu cầu, không cho địch phá cầu. Đó là một xử trí rất kịp thời.
Sau khi Bộ tư lệnh Quân đoàn thống nhất quyết tâm bằng bất cứ giá nào phải đánh chiếm cho được Biên Hòa trước 0 giờ ngày 30 tháng 4, tôi lệnh cho các đơn vị:
- Sư đoàn 6 bỏ các vị trí, các căn cứ còn lại ở Hố Nai, tiến theo bên trái đường số 1, đánh chiếm sở chỉ huy quân đoàn 3 và cầu Ghềnh, thọc sang bờ tây sông đánh chiếm đầu cầu, giữ bàn đạp.
- Sư đoàn 341 vòng qua phía bắc, đánh chiếm sân bay Biên Hòa.
- Sư đoàn 7 đột phá từ Hố Nai, đập vỡ lá chắn địch ở ngã ba Tam Hiệp, cố gắng đưa đội hình sang tây sông Đồng Nai trong đêm.
Súng nổ dữ dội suốt đêm từ phía Biên Hòa dội về sở chỉ huy quân đoàn và ở đó ánh hỏa châu hắt lên một quầng sáng. Đúng là trận chiến đấu căng thẳng để đưa đội hình qua sông. Khu vực xảy ra trận đánh ác liệt ở ngã ba Tam Hiệp. Ở đây cũng là một trận địa chống tăng, với tuyến hào chống tăng vắt qua đường, bao lấy căn cứ. Lúc ấy đã là 2 giờ sáng 30 tháng 4. Trời sáng mà không thanh toán được cái “lá chắn” này thì làm sao vào được Sài Gòn sớm. Ý thức rõ được vai trò, ý nghĩa của nhiệm vụ thọc sâu, Sư đoàn 7 đã giải quyết xong căn cứ này khi trời sáng.
…
Mời các bạn đón đọc Chặng Đường Mười Nghìn Ngày của tác giả Hoàng Cầm.