Cuốn sách kể về cuộc đời của Lara Cameron, một phụ nữ đã thành công rực rỡ trong nghiệp kinh doanh địa ốc. Xuất phát từ một gia đình rách nát ở Nova Scotia, nàng đã tự hứa với bản thân sẽ thâu tóm thật nhiều quyền lực để chứng tỏ với cha nàng rằng ông cụ đã sai khi nói về nàng. Đẹp nhưng không diêm dúa, quyền lực nhưng không bạo lực, Lara đã đấu tranh hết mình vì mục tiêu đó. Nàng đã thành công, nhưng nàng vẫn muốn nhiều hơn… Trong bối cảnh toàn cầu, từ London đến New York, từ Reno đến Rome, nàng tìm thấy mọi điều khát khao, và nàng đã chiến thắng.
Theo cá nhân tôi, cùng với cuốn Nếu còn có ngày mai, If tomorrow comes, đây là một trong những cuốn truyện hay nhất của Sidney Sheldon. Mọi chuyện đều diễn tiến hợp lý trong cái bất hợp lý của nó. Một người phụ nữ khôn ngoan, mạnh mẽ, tham lam và nhiều mánh khóe.
***
Sidney Sheldon, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết thuộc hàng Best-selling được người đọc Việt Nam yêu thích như "Nếu còn có ngày mai", “Âm mưu ngày tận thế”, "Thiên thần nổi giận"…
Warren Cowan, một trong những cố vấn của Sheldon cho biết nhà văn từ trần vào chiều ngày 30/12 tại Bệnh viện Eisenhower ở Rancho Mirage (Mỹ) vì bệnh viêm phổi. Vợ ông, bà Alexandra, con gái Mary Sheldon đồng thời cũng là một nhà văn, đã có mặt bên cạnh Sheldon trong lúc lâm chung. Cowan xúc động nói: “Tôi đã mất một người bạn lâu năm và thân thiết nhất. Trong suốt những năm tháng được làm việc cùng Sheldon, tôi chưa bao giờ nghe thấy ai đó nói một từ không hay về ông”. Sidney Sheldon từng có thời gian làm việc tại Hollywood và là tác giả của nhiều kịch bản phim nhựa và phim truyền hình nổi tiếng.
Tuy nhiên, bước sang 50 tuổi, tức là vào khoảng những năm 1967, ông lại chuyển sang viết tiểu thuyết và nổi tiếng với hàng chục tác phẩm ăn khách nhất hành tinh, được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau trên toàn thế giới. Những cuốn sách của Sheldon, như “Thiên thần nổi giận”, “Phía bên kia nửa đêm”, “Nếu còn có ngày mai” đã khiến tên tuổi của nhà văn Mỹ luôn tồn tại trong lòng bạn đọc.
Ông là một nhà văn có tài thực thụ. Bằng cách viết và diễn tả tình tiết câu chuyện rất ly kỳ với giọng văn hóm hỉnh nhưng đầy trí tuệ, những tác phẩm của Sheldon thường nói về những nhân vật thành đạt, nổi tiếng nhưng không có thật và thường là phụ nữ.
***
Tiểu thuyết
Kịch
***
Glace Bay, Nova Scotia 10 tháng Chín, 1952
James Cameron đang nằm trong một nhà thổ, say khướt, vào đúng cái đêm vợ ông sinh đôi, một trai một gái. Ông nằm trên giường, kẹp giữa hai ả gáỉ điếm cũng sinh đôi thì Kirstie, mụ chủ nhà chứa đập cửa thình lình.
- James! - Mụ hét lên, đẩy mạnh cửa, bước vào.
- Bà làm cái trò gì thế, - James giận dữ quát. - Tôi đã chui vào tận trong này mà vẫn không được yên ổn sao?
- Xin lỗi đã gián đoạn thú vui của ông, James. Nhưng bà vợ ông…
- Mặc xác mụ ta, - James Cameron gầm lên.
Vợ ông đang đẻ…
- Vậy hả? Thì cho mụ đẻ. Đấy là chuyện đàn bà các người.
- Nhưng bác sĩ gọi điện đến. Ông ta tìm hỏi mãi mới biết ông ở đây. Vợ ông đang nguy kịch lắm. Ông nên đến với bà ấy xem sao.
James lồm cồm ngồi dậy, trườn ra khỏi giường, mắt đờ đẫn, cố tỉnh lại.
- Mụ khốn khiếp. Không để cho người ta được yên nữa - ông ngước nhìn mụ chủ chứa. - Thôi được rồi. Tôi đi. - Rồi đưa mắt nhìn hai ả gái điếm loã lồ trên giường. - Nhưng tôi không trả tiền hai cô này đâu. Tôi chưa làm được gì.
Được! ông hãy mau về nhà trọ đi đã, - mụ chủ quay sang hai ả điếm:
- Còn hai đứa, đi theo tao.
James Cameron là một gã đàn ông mặt mũi trông như đã có thời là người dòng dõi cao quý, nhưng bây giờ thì sa đoạ đến mức không còn gì là tư cách nữa.
Ông đã ngoài năm chục tuổi và làm quản lý một trong những nhà trọ của lão chủ ngân hàng Sean McAllister.
Trong năm năm qua, James Cameron cùng với vợ là Peggy chia nhau số công việc nặng nhọc tại đấy. Bà thì lau dọn nhà và nấu ăn cho hai tá khách trọ. James thì lo thức uống cho họ. Thứ Sáu nào ông cũng làm nhiệm vụ đi thu tiền thuê trọ của khách ở cả bốn nhà trọ khác nữa trong thị trấn Glace Bay về nộp cho chủ là lão McAllister. Ngoài ra còn một việc nữa là khi nào thấy cần giải sầu, ông lại uống rượu say khướt.
James Cameron hận đời. Dường như ông đã nếm đủ mọi nỗi uất hận của kẻ thất thế và không còn thấy cuộc đời có gì thú vị nữa. Năm ông mới một tuổi, gia đình ông bỏ quê hương ở Scotlanđ bên Anh, di cư sang đây với hai bàn tay trắng và cha mẹ ông phải vật lộn vất vả với cuộc sống.
Cha ông bắt con vào làm thợ trong mỏ than từ lúc James mới mười bốn tuổi. Năm mười sáu tuổi, ông bị tàn tật vì một tai nạn nhỏ và thôi việc. Năm sau, cha mẹ ông qua đời trong một tai nạn đường sắt. Vì vậy James thấy nỗi khổ cực của ông đâu phải do ông. Ông đổ cho số phận ông hẩm hiu. Nhưng ông có hai ưu thế lớn. Hình dáng ông đẹp trai và khi cần ông có thể làm người xung quanh mến mộ.
Trong một lần nghỉ cuối tuần ở Sydney, một thị trấn gần Glace Bay, ông gặp một cô gái Mỹ trẻ tuổi, dễ thương, tên là Peggy Maxwell. Cô đến đó nghỉ hè cùng với gia đình. Peggy không xinh đẹp gì lắm nhưng cha mẹ cô rất giầu, trong khi James đang nghèo xác, James bèn chài cô gái. Và bất chấp cha mẹ phản đối, Peggy đã lấy James.
- Tôi sẽ cho con Peggy một khoản hồi môn là năm ngàn đô la, - bố Peggy nói với chàng rể. Anh hãy dùng khoản tiền đó để làm vốn làm ăn. Anh có thể đầu tư vào bất động sản và chỉ sau năm năm số tiền sẽ tăng gấp đôi. Tôi sẽ giúp anh.
Nhưng James không đợi được đến 5 năm. Không hỏi ý kiến ai hết, ông bỏ số tiền bố vợ cho, chung vốn với một người bạn kinh doanh dầu lửa bất hợp pháp.
Sau mười ngày, công việc tan tành, mất sạch cả vốn lẫn lãi. Bố vợ ông nổi cáu, kiên quyết không chịu giúp con rể lần nữa.
- Anh là thằng ngu, James. Tôi không bỏ tiền ra cho thứ ngu như anh nữa?
James lấy vợ định để đào mỏ ai ngờ lại đâm thành cực nhọc thêm. Bởi từ nay ông có thêm một cái miệng nữa phải nuôi mà ông lại đang thất nghiệp.
Chính lão Sean McAlhster đã cứu ông. Lão chủ nhà băng này tuổi đã gần sáu mươi, dáng thấp tè và béo múp míp, có một đồng hồ quả quít vàng đeo trên sợi dây cũng bằng vàng. Lão đến sống ở thị trấn Glace Bay này cách đây hai chục năm và lập tức thấy ngay những thuận lợi ở vùng này. Thợ mỏ và dân nghèo từ khắp các nơi ùn ùn kéo đến thị trấn và không tìm ra nhà để ở. McAllister có thể cho họ vay tiền để xây nhà nhưng lão không làm thế.
Lão thấy cách rẻ tiền hơn là xây những nhà trọ cho họ ở thuê. Hai năm sau lão đã có trong tay một khách sạn cùng năm nhà trọ, và tất cả đều chật ních.
Rất khó tìm người quản lý các nhà trọ đó, bởi công việc của quản lý hết sức vất vả. Phải trông nom ngần ấy căn phòng, nấu ăn cho khách trọ và làm sao thu được đủ tiền của khách. Trong khi đó lão không muốn trả công cao.
Vừa mới có một người quản lý đòi thôi việc, lão McAllister bèn phát hiện ra James Cameron có thể làm thay. Ông thường vẫn đến nhà băng của lão vay tiền và luôn trả chậm. Lão bèn sai người đến gọi James.
- Tôi có việc làm cho anh đây, - McAllister nói.
- Ông nói thật đấy chứ?
- Anh gặp may. Tôi đang có một công việc tuyệt vời, mở ra nhiều triển vọng.
- Làm ở nhà băng phải không? - James Cameron hỏi, trong lòng khấp khởi mừng. Nhà băng là nơi lắm tiền, làm ở đó thế nào chẳng kiếm được chút gì rơi vãi.
- Không - McAlhster nói. - Anh là người có cái mã đẹp lại biết cách ăn nói. Anh nên làm công việc tiếp xúc với nhiều loại người. Tôi muốn thuê anh làm quản lý cho nhà trọ của tôi ở phố Cablehead.
- Ông bảo làm quản lý nhà trọ ư? - James khó chịu hỏi.
- Chứ sao nữa, - lão chủ nhà băng nói. - Anh chị đang chưa có chỗ ở tử tế. Bây giờ trông nom nhà trọ cho tôi, trước hết anh chị có nơi ăn chốn ở đàng hoàng, lại thêm một khoản tiền lương nhỏ nữa.
- Nhỏ là bao nhiêu?
- Tôi rộng tay với anh, James. Tôi trả anh hai mươi nhăm đô la một tuần.
- Hai mươi nhăm thôi à?
- Tuỳ anh thôi. Nhận hay không tuỳ anh. Còn khối người muốn làm chân này.
Cuối cùng James không còn sự lựa chọn nào khác.
- Thôi, cũng được.
…
Mời các bạn đón đọc Sao Chiếu Mệnh của tác giả Sidney Sheldon.