Khuất Nguyên, tên Bình, biệt hiệu Linh Quân (340 TCN - 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của Trung Quốc. Ông là người trong hoàng tộc nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hoài Vương. Ông học rộng, nhớ dai, giỏi về chính trị, lại có tài văn chương. Lúc đầu ông được vua yêu quý, sau có quan lại ganh tài ông, tìm cách hãm hại. Vua Sở nghe lời gièm pha nên ghét ông. Ông âu sầu, ưu tư viết thiên Ly Tao để tả nỗi buồn bị vua bỏ. Ngoài tập Ly Tao là tập thơ bất hủ của ông để lại, ông còn có nhiều sáng tác thơ khác như Sở từ, Thiên Vấn (Hỏi trời).v.v.
Đến cuối đời ông bị vua Tương Vương (người nối ngôi Sở Hoài Vương) đày ra Giang Nam (phía nam sông Dương Tử). Ông thất chí, tự cho mình là người trong sống trong thời đục, suốt ngày ca hát như người điên, làm bài phú "Hoài Sa" rồi ôm một phiến đá, gieo mình xuống sông Mịch La tự tử.
Ông cũng chính là nhân vật trong sự tích tết Đoan Ngọ (Đoan Dương). Theo truyền thuyết này, để tưởng nhớ về con người và cái chết bi ai của ông, hàng năm người ta tổ chức vào ngày mồng năm tháng năm là ngày tết Đoan Dương ở Trung Quốc và một số nước khác ở Châu Á.
***
Nói đến Khuất Nguyên, người ta nhớ đến ngay thể Từ (hay còn gọi là Sở Từ), và nhắc đến thể Từ, người ta không thể không nghĩ ngay đến tác phẩm Ly Tao nổi tiếng của ông. Có thể nói, trong lịch sử văn học Trung Quốc, tên tuổi và địa vị của Khuất Nguyên là không thể thay thế, làm rạng rỡ cả một nền văn học. Thể Từ cũng được coi là cơ sở của Hán Phú sau này, là bước đột phá trong lịch sử văn học Trung Quốc khi phá vỡ quy luật thông thường của tác phẩm trong tuyển tập Kinh Thi. Thể Từ, hay còn gọi là Sở Từ, cùng với những giá trị mỹ học, giá trị lịch sử gắn liền với văn hóa, chính trị của nước Sở thời Chiến Quốc và nhất là tấm gương bất khuất kiên cường của Khuất Nguyên đã để lại dấu ấn vô cùng riêng biệt.
Bộ Trung Quốc văn học sử do Viên Hành Bái Chủ biên, in lần thứ nhất 1999, lần thứ sáu 2001, có cách viết khác hẳn khi chỉ nói đến văn học Trung Quốc như những gì trước nay đã thừa nhận (không có văn học các dân tộc thiểu số chen lẫn), đặt văn học dân gian ra ngoài văn học sử (trừ Kinh thi vốn định hình văn bản từ rất sớm, thần thoại, được hiểu như là ngọn nguồn của văn học viết, và dân ca Nam Bắc triều vốn được văn bản hóa trong sách vở sưu tập nhạc phủ của Triều đình và sự khu biệt sắc thái trữ tình giữa chúng có ảnh hưởng khác biệt đến văn học viết đời sau rõ rệt). Về chỗ này Viên Hành Bái hoàn toàn thống nhất với Dư Quán Anh, Lưu Ðại Kiệt và nhiều nhà nghiên cứu khác như Trịnh Chấn Ðạc, Tiền Chung Thư, coi thời kỳ văn học truyền thống và thời kỳ văn học bắt đầu chịu ảnh hưởng của phương Tây là hai đối tượng loại biệt trong văn học sử, đòi hỏi sự vận dụng quy luật để soi sáng cho hai tiến trình cũng không thể giống nhau.
Mời các bạn đón đọc Sở Từ của tác giả Khuất Nguyên.