Các nhà nghiên cứu cho biết: bọn trẻ sinh ra đều là những tài năng bẩm sinh, nhưng một trong những điều làm nên sự khác biệt chính là cha mẹ chúng. Những bậc cha mẹ như thế, dù ở bất cứ nơi đâu hay thuộc nền văn hóa nào, cũng đều có cách thức suy nghĩ và hành xử khá giống nhau, được gọi chung là các mô thức của những bậc cha mẹ thành công.
Vậy những mô thức đó có thể áp dụng cho tất cả mọi người, cụ thể là cho bạn hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể, và bạn sẽ nắm được chìa khoá thành công trong việc làm cha mẹ thông qua quyển sách này.
***
Thế là chúng ta đã điểm qua những phương pháp mà bạn có thể áp dụng trong việc phê bình và kỷ luật con cái. Bạn hãy nhớ là bao giờ cũng nói ra cảm nghĩ của mình về một việc làm hay hành vi nào đó, chứ không đưa ra đánh giá về bản thân đứa trẻ. Còn một nguyên tắc nữa: bạn nên phê bình trẻ khi chỉ có hai người với nhau còn khi khen ngợi thì hãy nói trước mặt người khác. Vào một lúc nào đó, khi không có chuyện gì xảy ra, hãy hỏi con cái xem chúng muốn được cha mẹ hay người lớn góp ý như thế nào. Thường thì bọn trẻ chỉ có những ý niệm mơ hồ về việc góp ý phê bình nên bạn cần giải thích cụ thể ý nghĩa của việc này.
Kể cả khi chúng nói rằng mình không ngại nhận những lời góp ý khắt khe, thẳng thắn thì mọi việc cũng không hề đơn giản, vì mỗi người có quan niệm về mức độ khắt khe hay thẳng thắn rất khác nhau. Đối với những đứa trẻ nhạy cảm, đánh giá “Làm vậy thật ngu ngốc!” có thể là hơi nặng trong khi nhận xét “Làm vậy thật không thông minh!” lại có tác dụng hơn. Việc tìm hiểu con cái giúp bạn điều chỉnh cách góp ý phê bình được tốt hơn.
Bạn hãy nhớ nói rõ những gì bạn muốn ở con cái, đừng để cơn giận dữ trong lòng che lấp mọi thứ mà tuôn ra những lời lẽ nóng nảy hoặc làm những cử chỉ có thể gây thương tổn đến con trẻ, vả lại hành động và lời lẽ nóng giận cũng chẳng thể làm bạn vui được.
Hãy nói rõ mong muốn của bạn và bảo trẻ lặp lại để bạn biết chắc rằng chúng hiểu đúng những gì bạn nói. Vì con bạn không còn là những đứa trẻ bé bỏng, chúng cần có trách nhiệm thực hiện những điều chỉnh mà bạn nêu ra mà bản thân chúng cũng cảm thấy là hợp lý.
Hãy giúp con trẻ hiểu rằng chúng có thể làm một bước thay đổi lớn nếu đó là lựa chọn của chúng cùng với việc cha mẹ tạo điều kiện cho chúng thay đổi. Đôi khi trẻ không thể thoát khỏi vấn đề của chúng khi cảm thấy chúng không có quyền lựa chọn và không thể thoái lui. Lý do lớn nhất khiến một số đứa trẻ có thái độ chống đối cha mẹ là vì chúng cảm thấy nếu làm khác đi, chúng sẽ bị mất mặt. Nếu cha mẹ để cho chúng một đường rút lui mà không bị mất mặt, chúng thường đi đến một chọn lựa tích cực hơn. Trong gia đình mình, bạn hãy xây dựng một văn hóa trao đổi hai chiều nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con cái đưa ra thông tin phản hồi về những góp ý, phê bình hay biện pháp kỷ luật của cha mẹ. Hãy cho phép trẻ có quyền được lên tiếng về cảm giác của chúng và cả những điều chúng cho là không đúng, không hợp lý.
Như nhiều người đã nói và rất có thể bạn cũng nghĩ, rằng “nói suông thì dễ lắm”. Phải, sẽ chẳng có gì thay đổi cho đến khi bạn hành động. Khởi thủy là hành động! Vậy thì bước cuối cùng khiến đứa con thân yêu của bạn thay đổi theo chiều hướng tốt hơn là hãy hành động. Hãy làm sao lôi kéo con bạn vào cuộc để chúng có những cam kết hành động xuất phát tận đáy lòng, để chúng tự hoạch định những bước đi cụ thể và thời hạn chính xác cho từng hành động đó. Và như vậy thì còn phải nghi ngờ gì nữa: con cái chúng ta đều giỏi! Việc bạn đã, đang và sẽ làm sẽ giúp tạo ra cho đời những công dân đáng tự hào. Đó là những con người mới không chỉ phát huy hết tài năng tiềm ẩn của mình mà còn biết đem lại hạnh phúc cho mình, cho những người chung quanh và biết cách làm sao cho thế giới này mỗi ngày một tốt đẹp hơn, bao dung hơn, giàu có hơn!
***
Thế là chúng ta đã cùng nhau đi đến những dòng cuối cùng của quyển sách, tôi hy vọng rằng khoảng thời gian bạn dành để suy nghĩ và trò chuyện cùng tôi vừa hữu ích vừa mang lại niềm vui cho bạn. Trong thực tế, những hiểu biết và phương pháp mà tôi chia sẻ với bạn trong quyển sách này là những gì chúng tôi đã thực hành trong nhiều năm qua. Chúng đã thật sự đem đến những kết quả đáng kinh ngạc cho hàng chục ngàn cha mẹ và thầy cô, những người trực tiếp tham gia vào các khóa đào tạo của chúng tôi. Vì vậy, tôi hoàn toàn có cơ sở tin rằng bạn cũng sẽ gặt hái được những kết quả tương tự hoặc hơn thế nữa.
Bên cạnh đó, một lần nữa xin bạn hãy nhớ rằng, không có kỹ thuật hay phương pháp nào màu nhiệm đến mức cho ra kết quả ngay tức khắc và hiệu nghiệm với tất cả mọi người. Nếu bạn không đạt được kết quả như ý trong lần đầu thì điều đó có nghĩa là bạn cần phải cố gắng hơn nữa. Sự nghiệp trồng người và tạo ra một sự thay đổi thật sự trong mỗi đứa trẻ cần có thời gian và lòng kiên nhẫn, nhất là khi mối quan hệ giữa bạn và con cái có những vấn đề nổi cộm trong thời gian qua.
Cũng xin nhớ rằng không có thất bại, chỉ có những kinh nghiệm cần học hỏi. Thế nên, bạn cũng đừng ngại việc thử các phương pháp mới. Điều quan trọng là bạn hãy cố gắng hết mình và tin rằng tình yêu thương cũng như nỗ lực của bạn sẽ được đền bù xứng đáng. Với tất cả tâm huyết mà tôi dành cho mỗi đứa trẻ cũng như cha mẹ của chúng, tôi thật lòng tin rằng đến một ngày nào đó, bạn có thể tự hào mà nói rằng: “Với nỗ lực và tình thương con của mình, tôi đã góp phần mang đến cho đời một con người thông minh, tài giỏi, không chỉ biết cách sống tốt cho mình mà còn giúp cho người khác sống tốt hơn, để cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn”.
Cuối cùng, xin cảm ơn bạn đã đầu tư nhiều thời gian và công sức để cho phép chúng tôi chia sẻ với bạn xung quanh chủ đề: làm thế nào để nuôi dạy con thành công và hạnh phúc. Chúng tôi thật sự hy vọng rằng những nỗ lực của chúng tôi đã và sẽ giúp tạo ra những sự khác biệt tốt đẹp trong cuộc sống của bạn. Một ngày kia, chúng tôi tin rằng sẽ đến lượt mình được nghe câu chuyện thành công của chính bạn. Cho đến lúc đó, tôi chúc bạn thành công trong vai trò làm cha mẹ và niềm vui sẽ đơm hoa kết trái từng ngày trong cuộc sống của gia đình bạn!
Mời các bạn đón đọc Con Cái Chúng Ta Đều Giỏi của tác giả Adam Khoo & Gary Lee.