Trong cuốn tiểu thuyết Chết đi cho rồi, Leonard Peacock, tác giả của Về phía mặt trời kể về một cậu bé tài giỏi, nhưng gặp nhiều vấn đề ở trường và phải sống với một bà mẹ vô tâm chỉ quan tâm tới thời trang. Cậu đi đến quyết định tự sát, và trước khi tự sát, cậu đã tặng những người cậu yêu quý một món quà. Sử dụng biện pháp flashback (kể về những người bạn thân của cậu bé, về người bạn người Iran chơi violon thần sầu, về cô giáo dạy Anh văn và thầy giáo dạy lịch sử) xen lẫn những bức thư gửi từ tương lai (của bản thân cậu bé, của người vợ và con gái tưởng tượng), câu chuyện dần hé lộ về cuộc sống và các mối quan hệ cá nhân của Leonard, qua đó đặt ra những câu hỏi thực tế, mang tính thời sự cao về cả một thế hệ trẻ, về hệ thống giáo dục và về cách người lớn nhìn nhận trẻ con, cũng như những ước mơ vô cùng bình dị.
Một cuốn sách khiến người ta nhớ đến Catcher in the Rye, The Perks of Being a Wall Flower và Mysterious Skin.
***
Khẩu súng lục P-38 của phát xít Đức từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai trông thật kỳ cục gần cái tô ngũ cốc trên bàn. Một sự giao thoa đồ dùng công nghệ nhìn hết sức trật chìa. Nhưng nếu nhìn kỹ vào báng súng thì có thể thấy một cái dấu thập ngoặc nhỏ xíu và con đại bàng đậu trên đỉnh, trông thật vãi.
Tôi lấy iPhone chụp một phát cho cái “cặp đôi hoàn hảo” đó, để lưu lại vật chứng kiêm tác phẩm nghệ thuật hiện đại.
Đến khi ngó vào màn hình điện thoại, tôi bò lăn ra mà cười, bởi cái “cục” tác phẩm nghệ thuật ấy nhìn gớm không thể tả.
Chứ gì nữa, cái tô ngũ cốc và một khẩu P-38 cứ như cái thìa nằm chình ình bên cạnh – một vụ “dàn cảnh” như thế lên khuôn hình trông có vẻ như nghệ thuật sắp đặt hiện đại đấy chứ?
Nhảm vãi.
Mà cũng nhí nhố ra phết.
Hồi đi tham quan mấy bảo tàng nghệ thuật, tôi thấy lắm thứ còn kinh hơn, chẳng hạn như trên tấm toan trắng toát chỉ có mỗi một vạch đỏ bé tí quẹt qua.
Có lần tôi đã đốp thẳng vào mặt Herr Silverman về cái bức tranh đó rằng vẽ vời kiểu thế thì tôi cũng làm được. Thế rồi bằng giọng điệu siêu tự tin, thầy vặc lại tôi thế này: “Nhưng mà em có làm đâu.”
Phải thừa nhận là cái câu phản pháo đó hơi bị đúng. Biết vậy tôi ngậm quách miệng lại cho rồi.
Đây, giờ thì tôi đang sáng tạo nghệ thuật hiện đại trước khi ngủm đây.
Biết đâu sau này họ lại chả đặt cái iPhone này vào trong Viện bảo tàng nghệ thuật Philadelphia với bức hình khẩu súng phát xít và tô ngũ cốc vẫn còn trên đó ấy chứ.
Họ có thể đặt cho nó một cái tên thật kêu như Bữa điểm tâm của sát thủ choai choai hay mấy cái tên vớ vẩn và gây sốc kiểu kiểu như vậy.
Tôi cá là giới nghệ thuật và thông tấn sẽ khoái lắm đây.
Họ sẽ khiến cho tác phẩm nghệ thuật hiện đại của tôi đùng một cái mà nổi như cồn.
Nhất là sau khi tôi trừ khử xong thằng ôn con Asher Beal và tự khai tử tôi luôn.
Giá trị các tác phẩm nghệ thuật lúc nào mà chả tăng vọt khi người ta phát hiện ra người nghệ sĩ đã làm vài việc dở hơi nào đó, chẳng hạn như ông họa sĩ Van Gogh cắt cụt cả tai mình, tác gia Poe thì cưới ngay cô em họ vị thành niên, ca sĩ Manson thì sai thuộc hạ đi ám sát người nổi tiếng, không thì cũng kiểu như ông nhà báo Dr. Thompson đòi người ta phải bỏ tro cốt của mình sau khi tự sát vào trong nòng pháo mà bắn, hoặc đòi mẹ mặc áo váy con gái như nhà văn Hemingway, hay diện nguyên cả bộ đồ làm bằng thịt sống như cô ca sĩ quái chiêu Lady Gaga, nói chung là lắm thứ khó nói xảy ra với một nghệ sĩ tới nỗi mà người này phải giết cả bạn cùng lớp rồi tương luôn một phát súng vào đầu mình như kiểu hôm nay tôi sẽ làm đây.
Vụ việc ám sát lẫn tự sát của tôi sẽ khiến cho tác phẩm Bữa điểm tâm của sát thủ choai choai trở thành một kiệt tác vô giá bởi vì ai mà chả thích mấy kiểu nghệ sĩ điên điên lập dị. Anh mà cứ chán chán, xinh xinh, bình bình – giống tôi từng thế - thì anh rớt lớp nghệ thuật là cái chắc và suốt đời chỉ là một nghệ sĩ xoàng xĩnh mà thôi.
…
Mời các bạn đón đọc Chết Đi Cho Rồi, Leonard Peacockcủa tác giả Matthew Quick .