Beyond this place (THANH GƯƠM CÔNG LÝ) kể về hành trình đi tìm công lý của chàng thanh niên Paul Mathry nhằm rửa sạch nỗi oan khuất cho cha mình – Rees Mathry - một người vô tội đã bị kết án chung thân khổ sai tại nhà tù Stoneheath (Ái Nhĩ Lan) vì tội giết người mà ông không hề phạm phải.
Trong THANH GƯƠM CÔNG LÝ cái khiến người ta phải ray rứt đó là liệu có nên đẩy một người vô tội - nhưng chẳng có cống hiến gì đặc biệt - vào tù để thế chỗ cho một con người đang tận tâm hiến mình cho việc săn sóc những người nghèo khổ, bệnh tật, dù chính con người tốt đẹp đó mới là kẻ phạm tội? Ray rứt hơn khi chứng kiến những kẻ là đại diện cho luật pháp lại tìm cách kiếm lợi trên những tội lỗi mà họ được giao trách nhiệm xét xử, và sẵn sàng hất bỏ những ai dám nói ngược, lật ngược lại những phán quyết và hành động được coi là đại diện cho công lý của họ.
Cái đẹp nhất trong toàn bộ câu chuyện này chính là niềm tin vào công lý thực sự, lòng can đảm của tuổi trẻ và tình yêu của đứa con với người cha, đã khiến chàng trai trẻ Paul Mathry dấn thân vào công việc tưởng chừng như bất khả thi: tìm lại những nhân chứng, vật chứng của một vụ án đã được xếp lại từ 15 năm trước để cứu cha ra khỏi nhà tù. Thời nào cũng vậy, niềm tin và lòng can đảm luôn có sức mạnh lan tỏa kết nối mọi người để công lý thực sự được hiện diện. Câu chuyện khởi đầu từ thành phố Belfast (Ái Nhĩ Lan) nửa đầu thế kỷ 20 này cũng có một sức mạnh như thế.
Tiểu thuyết Thanh gươm công lý xuất bản lần đầu tiên năm 1953 là một bản cáo trạng hùng hồn lên án guồng máy tư pháp của nước Anh vào thế kỷ XX. Đó là một bộ máy già nua lỗi thời, được dựng lên từ thời Trung cổ và tồn tại suốt bảy thế kỷ nay. Vì thế, tất nhiên nó mắc phải những sai lầm nghiêm trọng và không còn khả năng làm tròn chức năng đảm bảo công bằng tối thiểu về pháp lý theo kiểu tư sản cho mọi người dân.
Một nhược điểm cơ bản của nó là chế độ bồi thẩm đoàn, theo đó quyền biểu quyết có tội hay không có tội là thuộc về các bồi thẩm. (Đây cũng chính là cái dân chủ, công bằng giả hiệu của luật pháp tư sản). Vấn đề đặt ra là liệu các bồi thẩm có đủ khả năng và sáng suốt để làm nhiệm vụ của mình một cách vô tư và công bằng không? Thực tế cho thấy đa số các bồi thẩm thường thiếu kiến thức sâu sắc về tâm lý, thiếu trình độ hiểu biết về luật pháp, thậm chí thiếu cả khả năng suy luận vô tư. Do đó, phía có quyền buộc tội (công tố viện) dễ dàng gây ảnh hưởng với bồi thẩm đoàn bằng những lý luận thiên lệch hết sức tinh vi nhằm đạt mục đích ích kỷ cá nhân là thăng tiến trên đường công danh, bằng những ngôn từ hoa mỹ chủ tâm khích động nơi các bồi thẩm sự tức giận và lòng căm thù vô cùng bất lợi cho các bị cáo. Vốn coi nhẹ sinh mạng con người hơn quyền lợi riêng tư của mình, phía buộc tội vận dụng đủ mọi phương tiện và mánh khóe để áp đặt ý đồ của mình. Trong những điều kiện như thế, bồi thẩm đoán khó lòng biểu quyết trái ý phía buộc tội là một bản án tử hình cho bị cáo.
Vì thế, người ta không chút ngạc nhiên khi thấy tình trạng công lý bị vo tròn, bóp méo trong tay một số giới chức có thẩm quyền điều tra và buộc tội. Và cũng từ đó phát sinh biết bao bi kịch…
***
Archibald Joseph Cronin (19/07/1896 – 06/01/1981) là một tiểu thuyết gia, nhà soạn kịch, tác giả truyện người thật việc thật, nhà văn người Scotland. Ông là một trong những người viết truyện nổi tiếng của thế kỷ XX.
Các tác phẩm nổi tiếng của ông là: The Stars Look Down, The Citadel (Thành trì), The Keys of the Kingdom và The Green Years (Những năm ảo mộng).
Tất cả các tác phẩm này đều đã được dựng thành phim. Ông cũng dựng nên nhân vật Dr. Finlay, người hùng của một bộ truyện dùng cho phim nhiều tập của đài phát thanh và truyền hình BBC dưới tên Dr. Finlay's Casebook.
Trong một phần ba thế kỷ tiếp theo, ông đã sáng tác ngót 20 quyển sách văn học, mà riêng thể loại tiểu thuyết có những tác phẩm sau đây là giá trị hơn cả:
***
Mỗi chiều thứ tư, khi mãn giờ làm việc, mẹ của Paul đều rời Tòa thị sảnh dùng xe lửa điện đến nhà thờ Merrion để dự buổi lễ hàng tuần; đúng năm giờ, Paul đến rước bà sau buổi học triết. Nhưng hôm nay, Paul bận nói chuyện với giáo sư Slade, và khi thấy đã trễ giờ, anh bèn đi thẳng về nhà.
Trời tháng sáu. Chiều xuống rất đẹp trên thành phố Belfast, tô một vẻ hấp dẫn kỳ lạ lên những ngôi nhà u buồn, tường vách nám khói. Dưới khung trời màu hổ phách, đường nét thô kệch của những mái nhà và ống khói trong thành phố lớn Ái Nhĩ Lan biến mất, nhường chỗ cho một vẻ đẹp huyền bí, chỉ tìm thấy trong những giấc mộng huy hoàng.
Paul đi ngược lên đường Larne, một con đường nhỏ yên tĩnh, hai bên có những ngôi nhà gạch xây liền nhau từng đôi một. Nơi đây mẹ con Paul sống trong căn nhà số 29 gồm ba phòng. Paul cảm thấy tim mình rộn lên một niềm vui. Vẻ đẹp của hoàng hôn, niềm tin nơi cuộc sống đầy hứa hẹn làm tâm hồn Paul lâng lâng. Dừng lại trước thềm nhà, chàng tuổi trẻ với đầu trần và bộ y phục bằng nỉ cũ đã sờn, khoan khoái hít một hơi dài, rồi hăng hái mở cửa, nhanh nhẹn bước vào. Từ trong nhà bếp, con chim yến cất tiếng hót mừng. Paul huýt sáo đáp lại, cởi chiếc áo vét-tông ra mắc lên giá, bắc ấm nước lên bếp và chuẩn bị bữa ăn tối. Vài phút sau chiếc đồng hồ treo tường gõ bảy giờ và Paul nghe tiếng chân mẹ bước qua cổng ngoài. Chàng vui vẻ mừng mẹ khi bà vào nhà, dáng người gầy gò trong bộ y phục màu đen u buồn, hơi nghiêng về một bên dưới sức nặng của cái xắc “nhét đủ thứ” mà lúc nào bà cũng mang theo…
- Xin mẹ tha lỗi. Con không đến đón mẹ được. - Paul nở một nụ cười mơn trớn nói với bà. - Giáo sư Slade hứa cho con một chỗ làm. Con có thể tin tưởng nơi ông ta.
Bà Burgess nhướng đôi mắt cận thị nhìn con trai mình rất lâu. Dưới chiếc nón nhỏ đánh sáp bóng, mái tóc bạc lòa xòa làm hiện rõ nét mệt mỏi và nhẫn nại chịu đựng trên gương mặt đã hằn sâu nhiều vết nhăn. Nhưng, trước ánh mắt vui tươi của con, bao vẻ u sầu của bà bỗng tan biến hết. “Đó là một gương mặt trung hậu, có lẽ không được đẹp trai lắm, nhưng cởi mở và thẳng thắn”, bà thầm nghĩ, và cảm tạ Thượng Đế đã tránh cho con mình những tai họa thường đi chung với cái bên ngoài. Paul hơi gầy, hai xương gò má nhô lên quá cao, đôi mắt màu xám tinh anh dưới vầng trán rộng, tóc hớt ngắn. Thân hình liền lạc, vững chắc và có thể nói là khá cân đối nếu một tai nạn trong sân cỏ không làm cho đầu bàn chân phải của anh hơi nghiêng về phía trong một chút.
…
Mời các bạn đón đọc Thanh Gươm Công Lý của tác giả Archibald Joseph Cronin.