Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh


Sách Nói Đội Gạo Lên Chùa

Sau một trận càn dữ dội của giặc Pháp, cha mẹ đều chết, hai chị em Nguyệt và An phải rời bỏ quê hương, trốn chạy sự truy lùng và tàn sát gắt gao của giặc. Họ trôi dạt đến một ngôi chùa và được sư cụ trụ trì dang tay cứu vớt. Từ đây, số phận An và Nguyệt gắn bó với chùa Sọ và làng Sọ - quê hương thứ hai của mình.

Làng Sọ, một làng quê bé nhỏ vốn êm đềm và hiền hòa như bao làng quê Việt khác, trong vòng nửa thế kỷ đã trải qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc và những biến động lớn lao. Số phận của ngôi chùa làng và những con người gắn bó với nó rồi sẽ ra sao?

Đội Gạo Lên Chùa được viết theo lối cổ điển, mang tính luận đề về ảnh hưởng và vai trò quan trọng của đạo Phật trong đời sống tâm linh người Việt. Tiểu thuyết khắc họa sâu sắc nét đẹp của văn hóa Phật giáo trong mạch nguồn văn hóa dân tộc và được xem như một sự gợi mở về lối sống Phật giáo trong xã hội hiện đại hôm nay.

***

Nguyễn Xuân Khánh vẫn viết theo lối cổ điển, mạch chuyện chủ yếu theo trình tự thời gian: sau cải cách là sửa sai, rồi hợp tác hóa, tòng quân vào Nam, rồi thống nhất đất nước… Làng xóm, họ tộc, gia đình tan rồi hợp với không ít tình tiết có thể gọi là ly kỳ… Những năm vừa qua, không ít tiểu thuyết đã viết về đề tài tương tự, nhưng khác với các nhà văn khác, Nguyễn Xuân Khánh đặt ngôi chùa và những nhà sư trong bối cảnh đó, lấy Phật giáo làm điểm nhìn để soi rọi, suy ngẫm về các sự kiện đó, các nhân vật không chỉ đối đầu theo kiểu "địch-ta" mà mỗi người còn có cuộc đấu tranh gay go với lẽ sống, đạo lý của mình, nhờ đó, Đội Gạo Lên Chùa có ý nghĩa sâu rộng hơn, chạm đến những vấn đề muôn thuở của kiếp người.

Trong Đội Gạo Lên Chùa, tác giả còn dành nhiều tâm huyết để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ (đẹp cả khi phải chết - như trường hợp cô Rêu đã chọn "giếng thơm" bên ngôi chùa để tự tử) và vẻ đẹp của trí tuệ, của con người có văn hóa, cho dù họ là kẻ ở bên kia chiến tuyến. Sự huyền ảo của tâm linh, những giấc mơ, hồn ma náu mình nơi đàn đom đóm… tái diễn nhiều lần trong Đội Gạo Lên Chùa… Những điều này đã giúp cho những trang văn và nhân vật trong Đội Gạo Lên Chùa mềm mại, sinh động và hấp dẫn hơn.

Rất khó để so sánh Đội Gạo Lên Chùa với hai tiểu thuyết Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng ngàn đã được khẳng định giá trị của Nguyễn Xuân Khánh. Có điều dễ thấy là Đội Gạo Lên Chùa, do đề tài và hiện thực miêu tả gần gũi hơn với bạn đọc hôm nay, nên nhà văn khó đưa trí tưởng tượng bay bổng như hai tác phẩm trước, nhưng mặt khác, Đội Gạo Lên Chùa lại gợi nhiều vấn đề để suy ngẫm hơn và có nhiều trang độc giả sẽ muốn mở ra đọc lại

***

Đêm nay sư cụ khó ngủ. Trằn trọc mãi, hết trở mình sang trái rồi lại sang phải mà hai mắt vẫn cứ chong ra. Đồn tây trên núi Thằn Lằn, bỗng bắn rộ một tràng súng máy. Tiếng súng xa xé rách đêm vắng làm sư cụ giật mình. Rồi tất cả lại rơi vào im lặng. Hình như ở ngoài vườn có tiếng chân người. Cụ lắng nghe song lại chẳng thấy gì. Cụ lẩm bẩm nói với mình: “Không có lẽ… đã lâu rồi… hay là họ lại về…”.

Lúc này, chỉ còn nghe thấy tiếng dế, tiếng ếch nhái ngoài cánh đồng quanh chùa rỉ rả cất lên đều đều, buồn buồn. Bỗng con chó vàng nằm ở thềm nhà tổ cất tiếng sủa. Con vàng sủa trăng ư? Làm gì có trăng mà sủa. Đêm cuối tháng ba lạnh đến xương tủy. Trời tối như mực. Mưa lất phất kéo cái lạnh cuối mùa. Những cơn gió đông cuối cùng làm dựng xù những chiếc lông, bắt con vàng phải rên gừ gừ.

Ô kìa! Sao con chó lại sủa rộ. Nó đã bước xuống hè, đi ra phía cổng chùa. Không phải nó sủa bâng quơ. Chắc có người ngoài ngõ. Con vàng, lúc này, sủa liên tục, sủa ra rả làm sốt cả ruột, đánh thức mọi người trong chùa dậy. Sư thầy Khoan Độ cầm đèn ra cổng. Sư cụ cũng dậy ra ngồi ở tràng kỷ.

Thầy Độ, một lúc sau, cùng mấy người lố nhố bước bào và bẩm:

- Bạch hòa thượng, có hai chị em thí chủ này đứng dưới tam quan mà khóc. Con hỏi chuyện gì? Họ cứ một mực nài xin được gặp sư cụ.

Hòa thượng Vô Úy lúc này mới chú ý nhìn rõ cô con gái đang sụt sùi, thỉnh thoảng lại nâng hầu bao lên chấm nước mắt. Cô gái trạc mười bảy mười tám. Chiếc khăn mỏ quạ màu đen đã tụt xuống vai, để lộ một gương mặt thanh tú, rầu rĩ. Cô gái bận cái áo nâu vá, cái quần đen bạc màu, vấn khăn nâu. Bên cạnh cô là một thằng bé chừng mười tuổi. Cái áo nâu rách toạc vai. Cái quần nâu thủng đầu gối. Rách rưới nhưng không gì giấu được khuôn mặt sáng ngời. Thấy sư cụ chỉ ngắm nhìn mà chẳng nói gì, cô chị bỗng òa khóc to, rồi quỳ xuống rạp đầu sát đất:

- Con cắn cỏ lạy cụ, xin cụ rủ lòng từ bi, rón tay làm phúc, cứu lấy chị em con.

Hòa thượng đứng dậy bước tới đỡ cô gái dậy, rồi ôn tồn bảo:

- Con cứ bình tĩnh kể lể sự tình, xem ta có thể giúp gì con.

- Dạ… Tây nó đi càn. Nó bắn chết bố mẹ con….

- Rõ khổ… Quê con ở đâu?

- Làng con gần chân núi Thằn Lằn. Tây bốt Thằn Lằn bắn bố mẹ con đấy ạ.

Mời các bạn đón đọc Đội Gạo Lên Chùa của tác giả Nguyễn Xuân Khánh.