Cửa tiệm ấy nằm ở một góc phố vắng vẻ, treo biển Quán Cơm Trà nhưng không bán cơm, tiếng là tiệm cầm đồ nhưng chẳng cầm cố đồ vật. Trái ngược với bề ngoài đìu hiu, bên trong tiệm lúc nào cũng ồn ã tiếng đám vật linh tán gẫu, đôi co, và nhất là hùa nhau chế giễu người duy nhất biết đến sự tồn tại của chúng kiêm tay chủ tiệm nghèo rớt mồng tơi A Lạc.
Trước sự “đe dọa” của người yêu đầu, A Lạc buộc lòng phải tiếp nhận một vụ việc kỳ quái - giúp một họa sĩ mới nổi tìm lại tài năng thiên bẩm đã mất. Đứng giữa mối quan hệ gắn bó mà mâu thuẫn giữa con người và đồ vật, một vật linh sư như gã phải lựa chọn thế nào?
***
### TÁC PHẨM THẤT BẠI, TIẾC NUỐI
Vạn vật đều có linh tính.
Tôi là một vật linh sư. Cái tên này nghe cứ như ông đồng bà cốt, đáng tiếc là, ông đồng bà cốt sống sung sướng phủ phê hơn tôi nhiều.
Cái gọi là vật linh, chính là những sinh linh mang ý thức được sản sinh ra khi một vài đồ vật được chủ nhân dành tình cảm lâu ngày, những sinh linh này mang đủ loại năng lực và hình dạng. Vì người thường không thấy được chúng, không thể trao đổi, nên thường gặp phải những chuyện quái dị hoặc phiền phức.
Công việc của tôi là thay họ giải quyết nhũng phiền phức ấy.
Những điều trên đây không phải quảng cáo nghiệp vụ, mà đơn giản là giải thích về quyền lợi và nghĩa vụ trong nghề của ông tổ nghề kiêm người duy nhất hành nghề là tôi.
Tôi chỉ nói thế thôi, tin hay không tùy bạn.
Nhưng thật đáng tiếc, đa phần mọi người không muốn tin, và tôi thường là kẻ gánh hậu quả cho hành vi đó - ví như chú cảnh sát trung niên hơi hói trước mặt đây.
Chú cảnh sát đã bắt đầu phát tướng đang nhìn tôi đầy cảnh giác, theo tin trình báo của quần chúng lần này, chú khăng khăng cho rằng tôi là một tên lừa đảo.
Hay nói cách khác, trước khi nhận được tin báo, chú ấy đã coi tôi là tên lừa đảo rồi, bởi không phải lần đầu tôi đến đây.
Nghe nói người trình báo là con gái thân chủ cũ của tôi. Cô ta có vẻ là người vô thần, cứ nhất mực cho rằng tôi đã dùng trò lên đồng lừa ông cụ thân sinh của cô ta một món tiền to.
Nhưng tôi muốn nói rằng, tôi cũng là kẻ vô thần… không phải thầy bà gì cả!
"Đã bảo cháu không lừa đảo mà, chú Tề." Tôi ngồi trên ghế trong phòng thẩm vấn, giơ hai tay lên, mặt không đổi sắc trình bày, "Đây là công việc hết sức bình thường."
Đùa chứ, tôi bị mời về đồn biết bao nhiêu lần, đã quen ung dung đối phó rồi. Nói cách khác, mỗi lần trông thấy nốt ruồi đen gồ lên trên chiếc mũi sần sùi đỏ ửng của chú Tề, tôi chỉ muốn phì cười - nhìn cứ như hề.
"Vậy sao lần nào cậu cũng phải vào đây?"
"Nói thật, lần nào cháu chẳng bình yên vô sự đi ra." Vừa dứt lời, tôi đã thấy trán chú Tề nổi đầy gân xanh… chết dở, vô ý chọc trúng tự ái ông chú rồi.
"Tẩn hắn đi! Giận thì tẩn cho hắn một trận! Ông có còn là đàn ông không hả!"
Một giọng choe chóe song không kém phần hào hứng vang lên trên đầu tôi… Phải giải thích ngay rằng không người nào có thể đứng trên đầu tôi cả.
Trừ vật linh trong hình dạng con chuột lang xưa nay vẫn coi tôi như cái gai trong mắt - Bỉm Bự.
Bản thể của nó là một con dao Thụy Sĩ, tôi thường đem theo mỗi lúc ra ngoài, bởi thỉnh thoảng nó rất có ích, đây cũng là nguyên nhân tôi nhẫn nhịn thái độ tai quái của nó.
Đáng tiếc, tôi không thể chạm vào nó nên chẳng có cách nào giật nó từ trên đầu xuống rồi quăng đi thật xa, như tay ném bóng chày ném quả quyết định.
"Chẳng qua chú mày tốt số được người ta bao che cho thôi!" Ông chú hói cười nhạt vẻ ác cảm, cứ như tôi thuộc loại quyền cao chức trọng chuyên lợi dụng quan hệ để lọt lưới pháp luật không bằng.
Tiếc quá, giá được thế thì đã tốt.
"A Lạc, hình như đến rồi kìa." Một giọng nữ dịu dàng cất lên, luồng sáng trắng lóe lên từ túi ngực trái sơ mi tôi, chảy dài như thác, ngưng tụ thành cô gái mặc váy trắng như tuyết.
Cô là Thư Thư, một chiếc kẹp sách.
Cô là vật linh đầu tiên ở bên tôi, cũng là vật linh sẽ ở bên tôi đến tận cuối đời - tôi tin chắc điều này.
Còn người cô nói "đến rồi", là bạn cũ thời đại học của tôi, chúng tôi học khác khoa, tôi học Quản trị kinh doanh, còn nàng học Luật.
Đáng nói là, nàng là người bạn gái duy nhất tôi từng hẹn hò chính thức một thời gian. Thời đại học cũng chẳng rõ ai cưa ai, lớ ngớ thế nào đã ở bên nhau rồi.
Nàng gần như một mối tình đầu hoàn hảo, học giỏi, xinh đẹp, những lúc riêng tư vô cùng đằm thắm nữ tính, chưa kể còn sắc sảo thông minh, khiến người yêu chẳng bao giờ thấy nhàm chán - cho tới khi tôi phát hiện nàng thích con gái hơn.
Phải, nàng là người đồng tính.
Tôi là một kẻ khá đặc biệt, nên cũng không thành kiến gì với người có khuynh hướng tính dục đặc biệt. Nàng đồng tính, còn tôi bị coi là hoang tưởng và cuồng đồ vật… Cũng chẳng sao.
Điều duy nhất làm tổn thương tự ái của tôi chính là, khi được hỏi tại sao đã thích con gái mà lại bằng lòng làm bạn gái tôi, nàng trả lời rằng - vì anh điềm đạm ít nói như một cô gái vậy.
Điềm đạm ít nói nhất định có liên quan đến con gái à? Đến giờ tôi vẫn chưa tiếp nhận nổi logic này.
Cuối cùng chúng tôi chia tay trong hòa bình, lý do là tôi có thể cưa gái, cũng có thể dại gái, nhưng tôi không thích cảm giác đóng vai gái… nhất là lúc nàng dùng ngón tay nâng cằm tôi lên.
Vì những nguyên nhân này, khi được hỏi đã từng yêu ai chưa, tôi đều đáp - tình đầu của tôi còn chưa bóc tem.
Tình đầu là một chủ đề bi thương mà mỹ lệ, thường là kỷ niệm thuần khiết đẹp đẽ nhất trong lòng mỗi người, cảm giác không hoàn mỹ mà nỗi đau tình đầu đem lại, vừa hay tôn lên sự hoàn mỹ của đối phương.
Nhắc tới tình đầu có lẽ lại khiến nhiều người xúc động. Tôi thường nghe những câu thế này:
"Tình đầu luôn là đẹp nhất."
"Bấy giờ còn quá trẻ, thật đáng tiếc."
Không sai, nhưng nếu tôi thành thật kể ra câu chuyện của mình thì điều duy nhất có thể đoan chắc là, sẽ không nhận được những phản hồi như trên.
Bởi thế, tôi không có can đảm kể với người khác rằng, mối tình đầu của tôi đã bị một cô nàng lesbian bóc tem, khăng khăng cho rằng nó vẫn đang nguyên đai nguyên kiện, hơn nữa quan trọng nhất là sự thực - tôi là trai thẳng trăm phần trăm.
"Vì em thích con gái, nên mới thích anh…" Câu này tuyệt đối, tuyệt đối, tuyệt đối không thể để lọt ra ngoài!
Tiếng giày cao gót lộp cộp đến gần, tôi thấy chú Tề nhướng mày, khi tiếng gõ cửa vang lên, chú ta cuối cùng cũng nao núng ngả người vào lưng ghế, bất đắc dĩ khoanh tay lại, "Mời vào."
Cửa mở ra, nhưng cô gái mặc âu phục không bước vào, chỉ vẫy tay gọi tôi, "Đi thôi, không sao rồi."
Nàng tên Mẫn Tư, là luật sư, một luật sư cực giỏi. Tiện thể nói luôn, Thư Thư không ưa nàng.
Mẫn Tư hoàn toàn không coi Tề hói ra gì cá. Mấy tháng nay không gặp, nàng đã thay đổi khá nhiều, mái tóc xoăn nhuộm màu hạt dẻ giờ duỗi thẳng, để đen. Có điều vẻ mặt khi nhìn tôi vẫn vậy - đầy cợt nhả.
Tôi gật đầu, đứng dậy khỏi ghế, đi về phía cửa. Chú Tề im lặng không ngăn lại, song tôi biết chú đang tức nổ đom đóm mắt.
Bởi có những người không thể dây vào được.
Trong xã hội pháp trị, luật sư là một nghề nhiều người phải kiêng dè, bởi họ hiểu luật chơi. Một luật sư có chống lưng, thì đến quỷ thần cũng phải tránh xa.
"Cưng à, sao lần nào gặp anh cũng trong bộ dạng này vậy?" Đang đi, đột nhiên Mẫn Tư quay sang hà hơi vào cổ tôi, làm tôi sởn hết da gà.
Sau đó, tôi nghe Thư Thư cười nhạt.
Hỏng rồi, phải xa cô nàng này ra một chút.
Tôi vội dịch sang bên, lắp bắp, "Em làm thế anh giờ cũng không có tiền trả phí luật sư đâu…"
"Anh đã trả bao giờ đâu?" Mẫn Tư nhướng mày, như ngạc nhiên vì tôi còn dám đả động đến chuyện này, "Em chẳng trông đợi từ lâu rồi."
Nghèo quả là nhục nhã.
"Nhưng em có việc cần nhờ anh đây." Mẫn Tư thản nhiên phủi bụi trên vai tôi, nhe răng cười, "Tiền công trừ vào phí luật sư nhé, thầy Lạc."
"Anh có phải thầy bà gì đâu!" Tôi nghiến răng đáp. Lòng tự trọng không cho phép tôi đầu hàng! Tôi không phải thầy pháp!!!
"Vậy tính theo mức giá nhận case thấp nhất của em đi, tính cả lần này tổng cộng em đã cứu anh bảy lần…"
"… Việc gì nào?" Tôi thản nhiên hỏi. Có câu thế nào ấy nhỉ? À, gặp thời thế thế thời phải thế, đúng đúng, chính là câu này.
Mẫn Tư hài lòng gật gù, vẻ mặt như muốn nói "ngoan lắm".
"Em có đứa em họ xa, là họa sĩ minh họa, gần đây cũng có tí tăm tiếng." Nói đến đó vẻ mặt nàng hơi lạ, gượng gạo liếm môi như cảm thấy mình kể khá ly kỳ, "Nhưng… dạo này nó không vẽ được nữa."
Họa sĩ thỉnh thoảng không có cảm hứng thì không vẽ được, có gì lạ đâu?
Tôi chưa rõ Mẫn Tư muốn nhờ mình việc gì, tuy nàng không tin thuyết vật linh của tôi cho lắm, nhưng hẳn cũng biết tính chất những vụ việc mà tôi hay nhận.
Nói cho vuông thì - những vụ bình thường thế này không nằm trong phạm vi nghiệp vụ của tôi.
"Không vẽ được à?" Tôi nhìn Mẫn Tư, hòng nắm bắt thái độ của nàng, đồng thời bày tỏ sự nghi hoặc của mình.
"Vâng, không vẽ được nữa, nói chính xác hơn là… mất khả năng vẽ." Mẫn Tư cúi đầu nghiêng người, rút trong túi da một cặp tài liệu, mở ra đưa tôi một tờ giấy A4, "Anh xem, đây là tác phẩm của nó."
Tôi nhìn vào tờ giấy được đưa cho, là một bức tranh đầy màu sắc, dường như vẽ một trấn nhỏ ở vùng sông nước Giang Nam, những ngôi nhà đậm phong vị cổ xưa nằm san sát hai bên bờ sông xanh ngắt, nền trời rải chi chít những đốm sáng rực rỡ, mấy con thuyền nhỏ đậu bên bờ tường gạch đỏ tươi, thiếu nữ tóc dài mặc váy liền trắng, đội mũ rộng vành trắng đang đứng xoay người trên thuyền, say sưa kéo violin, nhìn dáng vẻ cô cùng mấy chú chim non ríu rít bên cạnh, hẳn tiếng đàn vô cùng du dương êm ái, nồng đượm như ngụm sữa ấm, khiến cả thế giới tươi đẹp hẳn lên.
Vẽ rất đẹp, màu sắc tươi tắn mà không lòe loẹt, trái lại còn toát lên vẻ ấm áp.
Đáng nói nhất là, tôi từng thấy bức tranh này trong cuốn tiểu thuyết mới phát hành gần đây của nhà xuất bản địa phương, họa sĩ cũng là người bản địa, bút danh Cá Bảy Đuôi.
Sở dĩ tôi ấn tượng là bởi câu chuyện trong đó rất thú vị, không phải kiểu giật gân thịnh hành mà về bát canh cá diếc thơm nức được bưng đến mời du khách tình cờ đi ngang thị trấn nhỏ, bát canh qua bàn tay thiếu nữ nêm nếm mang phép màu, có thể khiến người khách thiếp đi trong khoang thuyền, mơ thấy ký ức của chính mình.
Những ký ức đã lãng quên, vui vẻ, hoặc buồn đau, hay ghi tâm khắc cốt… lần lượt hiển hiện, như khiến người ta lần nữa trải nghiệm lại cuộc đời.
Có người đã thay đổi trong mơ, hoặc chú ý đến những điều trước đây chưa từng chú ý, bù đắp những tiếc nuối trong hồi ức, hoặc buông bỏ chấp niệm nào đó; có người trở nên khoáng đạt, có người lại nhìn thoáng hơn. Tuy giấc mơ không ảnh hưởng được đến đời thực, song sau khi tỉnh lại, con người ta ít nhiều cũng thay đổi thái độ sống.
Câu chuyện không quá phức tạp, chỉ là miêu tả tình cảm giữa người với người và cảm thán về hồi ức, nhưng lại thu hút tôi từ đầu đến cuối, tiếc rằng bộ sách đã sắp đến tập cuối mà mãi chưa ra tiếp, nguyên nhân là họa sĩ có vấn đề về sức khỏe.
"Hóa ra người này là em họ em à? Anh đã xem tranh cậu ấy minh họa, vẽ đẹp lắm… Ồ? Đây là gì vậy?" Đang trên đà tán tụng, tôi lại được Mẫn Tư nhét vào tay một tờ A4 khác, cũng là một bức… ừm, gọi là vẽ bậy thì đúng hơn, trông vô cùng nguệch ngoạc, đường nét lộn xộn, màu mè trộn lại, nặng nề đến nỗi khiến người ta ngột ngạt, thậm chí tôi còn không nhìn ra bức tranh này vẽ gì - trăm phần trăm trình độ mẫu giáo.
Không… ít ra tranh mẫu giáo còn được cái ngây thơ hồn nhiên, tôi phải xin lỗi các bé mẫu giáo rồi.
"Bức này nó mới vẽ hôm kia, gần đây nó toàn vẽ ra những thứ thế này." Nàng búng ngón tay lên bức vẽ nguệch ngoạc nọ, "Nếu không biết từ trước, có lẽ em đã cho rằng những bức tranh khi xưa của nó đều do người khác vẽ thay."
Với họa sĩ, đánh mất khả năng vẽ vời để kiếm sống, quả là một nỗi kinh hoàng khó lòng tiếp nhận.
"Đã đi khám chưa?" Tôi ngước lên, day day huyệt Thái dương, biết đâu chuyện này bắt nguồn từ vấn đề sinh lý, ví như não bị va đập hoặc kích thích gì đó.
"Đi rồi, không vấn đề gì cả." Mẫn Tư lắc đầu, mắt thoáng buồn. Hẳn nàng rất yêu thương cậu em họ này, "Nói thật, nếu chưa hết cách, em cũng chẳng viện đến anh… Dù sao những điều anh kể cũng rất khó tin, lại không chắc chắn cho lắm."
Ra khỏi đồn cảnh sát, tôi nheo mắt nhìn trời. Trông sắc trời và nhiệt độ, chắc khoảng một giờ chiều.
"Giờ là một giờ bốn phút, sao anh vẫn không chịu đeo đồng hồ nhỉ?" Mẫn Tư lấy trong túi một hộp kẹo ngậm, cho tôi mấy viên rồi ngửa cổ dốc hết phần còn lại vào miệng - đây là tật xấu của nàng.
Nàng luôn mua loại đặc biệt the mát, vỏ hộp đen, ngậm một viên đủ khiến người ta lạnh từ đầu đến chân như giữa mùa đông, nếu ngậm liên tục trong thời gian dài thậm chí còn có thể bị tê vòm họng.
Thông thường một lần tôi chỉ ngậm tối đa ba viên, nhưng Mẫn Tư không có chừng mực gì cả, luôn thích dốc tuột một nắm vào miệng. Có lần tôi hỏi lý do, nàng đáp rằng thích cảm giác mát lạnh đến cay xé họng.
Nàng hỏi một câu hệt như ba năm trước, tôi cũng trả lời hệt như ba năm trước, "Đồng hồ đứt dây, anh lười chưa đi sửa, cũng không muốn mua mới."
"Hừm…" Nàng kéo dài giọng mũi, rồi sải bước tới trước mặt tôi, hơi ngước lên nhìn thẳng vào mắt, mặc cho khoảng cách giữa đôi bên đã bắt đầu nhuốm vẻ mờ ám. Nàng hơi nhướng mày trái, nhếch miệng cười, "Chẳng thay đổi gì cả… Đến nếp nhăn cũng không thêm cái nào."
Dĩ nhiên rồi, anh đây mới hai mươi mấy tuổi mà?
Đợi đã, sao tôi cứ thấy độ cong khóe miệng của nàng là lạ nhỉ…
"Em định làm gì… hả?" Mặt nàng ghé sát lại, còn chưa kịp phản ứng, tôi bỗng thấy má trái, hay nói cách khác là gần mép trái chạm phải một vật mềm mềm.
Phải nói rằng đây là một vị trí hết sức nhạy cảm, tôi thậm chí còn không phân biệt được cái chạm nhẹ này của Mẫn Tư là hôn má hay hôn môi nữa.
"Á!?"
"Mắt nhìn người của cô ả quá kém!"
Thư Thư và Bỉm Bự ré lên cùng lúc, nhưng tôi vẫn nghe ra giọng Thư Thư có phần tức tối.
"Chẳng làm gì cả." Mẫn Tư cười hì hì vỗ ngực tôi, "Tim đập chân run hả?"
"Làm gì có."
"Anh đỏ mặt rồi kìa!"
"Đã bảo không mà!" Tôi nghiến răng nghiến lợi đáp, chợt phát hiện bên kia đường có một người đang đứng.
Nói chính xác hơn là, trên đường khá đông người qua lại, nhưng chỉ riêng kẻ đó đứng ngây ra như phỗng, không hề nhúc nhích, nhìn từ xa tôi không trông rõ được nét mặt gã.
Mời các bạn đón đọc Vật Linh Hội Tập 2: Thiên Tài Bút Khôt của tác giả Thiên Xuyên & Ooi Choon Liang