Thượng Chi văn tập (Tập văn của Thượng Chi - bút hiệu của Phạm Quỳnh) bao gồm các bài viết về các đề tài: triết học, khái niệm làm báo, tư tưởng Đông Tây, văn hóa Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam, một số câu chuyện cá nhân…
Đây là những tác phẩm quan trọng của Phạm Quỳnh - một nhân vật lịch sử đặc biệt. Bấy lâu người ta vốn dè dặt khi nhắc đến Phạm Quỳnh bởi ông làm việc cho Pháp, làm báo tiếng Pháp, cộng sự với Pháp suốt trong thời Pháp thuộc đầu thế kỷ 20. Nhiều người biết đến Phạm Quỳnh qua tạp chí Nam Phong do ông làm chủ bút từ 1917-1932 và qua câu nói nổi tiếng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”.
***
Học giả Phạm Quỳnh (30.1.1893–7.9.1945), còn có các bút danh Thượng Chi, Hoa Đường, Hồng Nhân; sinh tại Hà Nội; quê quán ở làng Lương Ngọc, tổng Ngọc Cục, phủ Bình Giang (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).
Từ giai đoạn Đổi mới (1986) đến nay, nhiều tác phẩm quan trọng của ông đã lần lượt được sưu tập, công bố trở lại: Mười ngày ở Huế (2001), Luận giải văn học và triết học (2003), Pháp du hành trình nhật ký (2004), Du ký Việt Nam – Tạp chí Nam phong (1917-1934) (2007), Thượng Chi văn tập (2007), Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp (2007), Hoa Đường tùy bút và 51 bản dịch thơ Đỗ Phủ (2011), Phạm Quỳnh – một góc nhìn, Tập I (2011), Tập II (2012), Phạm Quỳnh trong dòng chảy văn hóa dân tộc (2012),…
Bộ sách Thượng Chi văn tập gồm 5 tập, in ở giai đoạn 1943-1945 tại Nxb Alexandre de Rhodes (hay Đắc Lộ Thư Xã, Hà Nội). Nội dung bộ sách được tổng hợp từ các bài viết của Phạm Quỳnh đã đăng trên tạp chí Nam Phong (ra đời năm 1917 và chấm dứt hoạt động năm 1934, hai năm cuối, do Nguyễn Tiến Lãng phụ trách), Phạm Quỳnh là người tự tay tuyển chọn và nhuận chính để cho ra đời bộ sách này, công việc được ông bắt tay làm từ năm 1943.
Các lựa chọn của Phạm Quỳnh rất phong phú, tập trung ở 3 chủ đề lớn: học thuyết Á Đông, Âu Tây và văn hóa Việt, như: Nghĩa vụ là gì?, Văn quốc ngữ, nghĩa vụ làm báo, triết học là gì?, đẹp là gì?, chữ Nho với chữ quốc ngữ, đạo đức đã đến ngày từ chức chăng?, thế lực của đồng tiền, mỹ thuật Việt Nam, vấn đề tiến hóa các dân tộc, truyện Kiều, bàn về tiểu thuyết, bàn về diễn thuyết, Đông Á Tây Âu và văn minh có thể dung hòa được không?, Phật giáo lược khảo, Khổng giáo luận, văn minh luận, lăng tẩm Huế cùng văn hóa cũ nước Nam, một nhà văn tả thực: Guy de Maupassant, tiếng Việt nam có cần phải hợp nhất không?, Descartes, tổ triết học nước Pháp, thơ Baudelaire,… Qua đó bạn đọc có dịp chiêm ngưỡng chân dung Phạm Quỳnh tài hoa với các vai phê bình, dịch thuật, khảo cứu,… mà ở vai trò nào ông cũng làm rất tốt công việc của mình.
Thượng Chi văn tập có thể nói là bộ sách để đời của học giả Phạm Quỳnh với những bài viết mà ông khiêm nhường cho là “nghe được”. Việc tái bản bộ sách là một việc làm cần thiết nhằm cung cấp cho độc giả hôm nay những “tài liệu phong phú, vừa có giá trị tham khảo, vừa đánh dấu một giai đoạn văn học sử nước nhà”.
***
Nhiều bạn độc-giả có bụng yêu thường nói với tôi rằng :
- Báo Nam-Phong bây giờ ít người giữ được trọn bộ. Những bài luận-thuyết-cứu của ông đăng trong báo, nhiều bài còn có giá-trị. Chúng tôi muốn đọc mà tìm kiếm rất khó. Ông nên cho lựa chọn những bài hay, tái bản thành sách, thật là ích lợi cho chúng tôi lắm.
Tôi ngần ngại, tự nghĩ : những bài đăng báo là phần nhiều vì câu chuyện hiện-thời mà viết ra, cách mười-lăm, hai-mươi năm về sau không còn thích-hợp nữa. Vả tựu-trung vàng thau lẫn lộn, lựa chọn cho được toàn-bích, đáng để lưu-truyền cũng khó lắm.
Song lại nghĩ rằng : báo Nam-Phong cũng là tiêu biểu cho một thời-kỳ trong công-cuộc cải-tạo quốc-văn, đề-xướng quốc-học. Quốc-văn sau này còn tấn-tới nhiều, quốc-học sau này còn mở-mang rộng. Nhưng cái bước đầu khó-khăn cũng nên ghi nhớ lấy, để có thể so-sánh trước sau hơn kém thế nào. Sau hơn trước là lẽ cố-nhiên, nhưng có trước mới có sau thời trước đối với sau cũng không phải là tuyệt-vô quan-hệ.
Cho nên tôi cũng vui lòng lựa lấy ít nhiều bài gọi là nghe được, cho in thành sách, đề là Thượng-Chi văn-tập để cống-hiến các độc-giả có bụng chiếu-cố.
Chỉ xin nhớ cho rằng những bài này là viết tự khoảng trên dưới mười-lăm hai-mươi năm trước, chỉ có nhuận-sắc đính-chính lại một đôi chút mà thôi.
Hoa đường PHẠM QUỲNH
Cẩn chi
Huế, ngày tháng 6 năm 1943
Mời các bạn đón đọc Thượng Chi Văn Tập của tác giả Phạm Quỳnh.