Cuốn sách gồm 7 bài phóng sự của các nhà báo nổi tiếng thế giới thời chiến tranh Việt Nam.
7 phóng sự của các nhà báo nổi tiếng in trên các tờ The New York Times, St.Louis Post Dispatch, The Sunday Evening Post, The New Yorker, The New Republic Wachington Post từ năm 1963 đến 1972, do dịch giả Phạm Viêm Phương chuyển ngữ cùng lời giới thiệu của cố nhà văn Nguyễn Khải. Phần cuối sách có phụ lục giới thiệu ngắn về các tác giả này.
“Các ký giả này vốn là những người đã tin vào sức mạnh quân sự của Mỹ, và tin cả những mục tiêu chính trị của Mỹ khi tiến hành chiến tranh ở mảnh đất này…Các bải viết của họ, dẫu đã thuộc về những năm tháng xa xôi, nhưng vẫn khiến chúng ta vừa đau thương vừa kiêu hãnh về nhiều thế hệ người Việt Nam trong cả nước, ở mọi phía đã dám hy sinh tất cả cho nền độc lập và tự do của Tổ quốc.”
***
• Tom Buckley (2.1.1930-) Tên thật là Thomas F.S.Buckley, ra đời ở Charham, New York. Tốt nghiệp Đại học Columbia năm 1950, sau đó phục vụ hai năm trong quân đội. Về làm cho The New York Times năm 1953 trong vai trò biên tập tin, viết lại tin, và phóng viên (tại Việt Nam 1966-68). Về làm ban biên tập tờ The New York Times Magazine từ 1968 đến 1973, sau đó phụ trách trang mục và viết chuyên luận. Từ 1980 ông trở thành phóng viên tự do và in cuốn Violent Neighbor: El Sai-vador, Central America, and the United States năm 1984.
• Bernard B.Fall (11.11.1926-21.2.1967) Sinh tại Vienna, Áo. Phục vụ trong phong trào Kháng chiến Pháp và Sư đoàn 4 miền núi Morocco trong Thế chiến 2; sau chiến tranh làm điều tra viên tội ác chiến tranh và làm trong Tòa án Tội ác chiến tranh Nuremberg (l946-50) rồi về làm quản lý cho tờ Stars and Stripes ở Nuremberg (1950-51). Học tại Đại học Paris và Munich (1948-50), rồi học chương trình hải ngoại của Đại học Maryland, và Đại học Syracuse và nhận bằng tiến sĩ tại đây năm 1955. Dạy tại các đại học Mỹ từ 1954, giảng về Châu Á học ở Đại học Cornell, trợ giảng ở Đại học American, và giáo sư về bang giao quốc tế ở Howard (1956-67). Nhận giải thưởng George Polk năm 1966. Tác giả của The Viet-minh Regime (1954), Street Without Joy: Indochina at War, 1946-54 (1961), Two Viet-nams: A Political and Military History (1963), Viet-nam Witness, 1953-66 (1966), Hell in a Very Small Place (1967), và biên tập cuốn Ho Chi Minh on Revolution: Select Writtings 1920-1966 (1967). Bị chết vì mìn. Những bài viết chưa xuất bản của ông được in sau khi ông mất trong Last Reflections on a War (1967).
• Seymour M.Hersh (8.4.1937-) Ra đời tại Chicago, Illinois, học ở Đại học Chicago. Bắt đầu sự nghiệp báo chí với nghề phóng viên tội phạm cho Phòng tin tức thành phố Chicago, 1959-60. Sau đó làm thông tín viên cho hãng UPI ở Piene, Nam Dakota, 1962-63; thông tín viên cho hãng AP tại Chicago và Washington, 1963-67, và tại Lầu Năm Góc từ 1966. Rút khỏi hãng AP năm 1967 sau khi một mẩu tin về chiến tranh vi trùng bị biên tập tan nát; rồi làm thư ký báo chí một thời gian ngắn trong chiến dịch tranh cử sơ khởi của Eugene Mccarthy tại New Hampshire. Đoạt giải Pulitzer 1970 với phóng sự về vụ thảm sát Mỹ Lai. Tác giả của Chemical and Biological Warfare: America's Hidden Arsenal (1969), Mỹ Lai 4: A Report on the Massacre and Its Aftermath (1970), The Price of power: Kissinger in the Nixon White House (1983), The Target Is Destroyed. What Really Happened to Flight 007 (1986), The Sam son Option: Ismel Nuclear Arsenal and America's Foreign Policy (1991), và The Dark Si de of Camelot (1998).
• Stanley Karnow (4.2.1925-) Sinh tại New York City. Phục vụ trong Không quân Mỹ ba năm từ 1943; sau đó học tại Harvard, Sorbone, và Học viện Chính trị học của Pháp. Bắt đầu sự nghiệp ở Paris trong vai trò thông tín viên cho tờ Time (1950-57); sau đó làm trưởng văn phòng tập đoàn Time-life ở Bắc Phi (1958-59) và Hồng Công (1959-62), thông tín viên đặc biệt cho tờ London Observer (1961-65) và Time (1962-63), và phóng viên nước ngoài cho tờ The Saturday Evemng Post (1963-65). Vào ban biên tập của tờ The Washington Post năm 1965 với vai trò thông tín viên ở Trung Đông, tường thuật về Việt Nam, Đông Nam Á, và Trung Quốc; là thông tín viên ngoại giao cho tờ Post năm 1971 và 1972. Làm thông tín viên cho hãng NBC News từ 1973 đến 1975; đồng thời làm phụ tá biên tập cho The New Republic (1973-75), giữ mục Kinh Features (1975-88), và phụ trách chuyên mục cho Newsweek (1977-81). Là thông tín viên trưởng cho các loạt phim của hãng PBS Vietnam: A Television History (1983; Việt Nam: Thiên sử truyền hình) và The US and the Philippines: In Our Image (1989). Những sách của ông có Southeast Asia (1963), Mao and Chia: From Revolustion to Revolution (1972), Vietnam: A History (1983), In Our Image: Amenca's Empore in the Philippines (1989, đoạt giải Pulitzer về sách lịch sử), và Paris in the Fifties (1997).
• Robert Shaplen (22.3.1917-15.5.1988) Tên đầy đủ là Robert Modell Shaplen, sinh tại Philadelphia; học tại Đại học Wisconsin (lấy bằng BA năm 1937). Sau khi nhận bằng thạc sĩ báo chí ở Đại học Columbia (1938), ông làm phóng viên cho tờ Herald Tribune ở New York (1937-43). Tường thuật về chiến tranh Thái Bình Dương cho tờ Newsweek, 1943-45; sau đó về làm trưởng văn phòng Viễn đông cho tờ này (1946-47). Rời tờ Newsweek để làm thành viên quỹ Nieman ở Harvard (1947-48), viết cho tờ Fortune (1948-50) và thông tín viên châu Á cho tờ Collier's (1950-52). Gia nhập ban biên tập tờ The New Yorker năm 1952, và làm ở đây cho đến khi mất, từ 1962 đến 1978 ông làm thông tín viên cho tờ này ở Viễn Đông. Các sách của ông có A Corner of the World (1949), Free Loe and Heavenly Sinners: The Story of the Great Henry Wrard Beecher Scandal (1954), A Forest of Tigers (tiểu thuyết, 1956), Kreuger: Gemus and Swindler (1960), The Lost Revolution (1965), Time out of Hanh. Revolution and Reaction in Southeast Asia (1969), The Road from War: Vietnam 1965-1970 (1970), A Tuming Wheel (1979), và Bitter Victory (1986).
• Neil Sheehan (27.10.1936-) Tên thật là Comelius Mahoney Sheehan, sinh tại Holyoke, Massachusetts, tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1958. Làm trưởng văn phòng Saigon cho hãng tin AP từ 1962 đến 1964. Về tờ The New York Times năm 1964, làm phóng viên tại New York, thông tín viên hải ngoại ở Indonesia 1965) và Việt Nam (1965-69) và phóng viên điều tra đặc biệt tại Washington (1969-72). Có vai trò quan trọng trong việc công bố Hồ sơ Lầu Năm Góc. Mấy cuốn sách của ông là The Amheiter Affairs (1972), A Bright Shinmng Lie: John Paul Vann and America in Vietnam (1988, đoạt giải Pulitzer và National Book), và After the War Was Over: Hanoi and Saigon (1992).
• Peter Braestrup (8.6.1929-10.8.1997) Sinh tại New York City. Sau khi tốt nghiệp Đại học Yale năm 1951, ông gia nhập TQLC Mỹ đóng tại Triều Tiên; giải ngũ năm 1953 sau khi bị thương tại trận địa. Bắt đầu sự nghiệp báo chí khi gia nhập ban biên tập Time (1953-57). Sau đó làm phóng viên cho tờ Hemld Tnbune ở New York, thông tín viên cho The New York Times ở Angiers, Bangkok và Paris, phóng viên và trưởng văn phòng Saigon cho tờ The Washington Post (1968-73). Sáng lập tờ Wilson Quanterly năm 1975và làm biên tập chính và giám đốc liên lạc cho Thư viện Quốc Hội Mỹ (1989-97). Tác giả của Big Story: How the American Press and Television Reported and Interpreted the Crisis of Tet in Vietnam and Washington (1977) và Battle Lines: Report of the Twentieth Century Fund Task Force on the Militay and the Media (1985). Ông qua đời tại Rockport, Maine.
***
Ngày 30-4-1977, kỷ niệm hai năm ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân cho phát hành tập kí sự Tháng Ba ở Tây Nguyên của tôi vừa viết xong. Tôi đưa cuốn sách đó tới tặng một ông anh họ, vốn là viên chức thời Pháp tạm chiếm Hà Nội ở lại làm việc cho chính quyền cũ, thường chê văn của tôi là văn tuyên truyền, không đủ để ông tin. Tôi nói: “Một nửa cuốn sách này là tư liệu tôi thu thập được từ bàn làm việc của Nguyễn Văn Thiệu, trong các hồ sơ của Bộ Tổng tham mưu và quân khu II của chính quyền Sài Gòn. Người thật việc thật cả chứ không phải văn hư cấu tuyên truyền đâu”. Ông anh tôi nhìn tôi không nói gì rồi tủm tỉm cười: ”Việc quái gì tôi phải đọc sách của chú mới đủ tin. Quân ta không tài giỏi, không mưu lược dễ gì mà đánh thắng thằng Mỹ phải cút, thằng nguỵ phải nhào?”. Tôi cũng chỉ cười và chẳng cần nói gì thêm.
Nói thế, chứ sau 30 năm ngồi đọc lại những bài báo của những cây bút nổi tiếng trong giới báo chí thông tấn của Mỹ vẫn cảm thấy thích thú, để được sống lại một thời đau thương và anh dũng của nhân dân cả nước ta, nhất là của bà con, anh em ta ở mảnh đất anh hùng phía Nam trong suốt 20 năm phải đối mặt từng ngày với kẻ thù. Các ký giả này vốn là những người đã tin vào sức mạnh quân sự của Mỹ, và tin cả những mục tiêu chính trị của Mỹ khi tiến hành cuộc chiến tranh ở mảnh đất này. Họ ủng hộ cái “sứ mạng thần thánh” của đội quân viễn chinh Mỹ và cũng hy vọng miền Nam Việt Nam sẽ là một mẫu hàng trưng bày đủ sức thuyết phục của Mỹ về tự do dân chủ, về ổn định và giàu sang theo kiểu Mỹ. Mỹ chẳng đã từng cứu cả một châu Âu nghèo đói và một nước Nhật hoang tàn vì chiến tranh sau Thế chiến 2 đó sao? Hơn nữa tại miền Nam Việt Nam, những người cộng sản đã không còn súng, không còn cả quân đội, đang là người thắng mà thành người thua do cái trớ trêu của lịch sử, phải thi hành nghiêm chỉnh hiệp Giơneo. Còn Mỹ thì có đủ mọi sức mạnh ở phần đất mới mẻ này, có thể tự do đuổi Pháp đi, tự do đưa cố vấn vào, tự do huy động quân lính và hậu cần từ những nước vừa là con nợ vừa muốn chạy theo cuộc chiến tranh của Mỹ để kiếm lời. Mỹ phải thắng là điều chắc chắn. Nên lính Mỹ và các ký giả nổi tiếng đi theo đoàn quân viễn chinh vào cuộc chiến hết sức vô tư, có thể cười cợt được, như một chuyến du lịch dài ngày không mất tiền. Nhưng nào có ai ngờ thoạt đầu là một đội quân thơm tho và lịch thiệp của một nước rất văn minh, chỉ qua vài năm đối mặt với những người kháng chiến vô hình lập tức trở thành những tên xâm lược đã mất hết nhân tính, đốt nhà, giết những người già, phụ nữ và trẻ em, mặt mũi u sầu, mắt nhìn điên loạn, bám chạy theo nhau từ năm này qua năm khác trong rừng già, trong bãi lầy, trong muôn vàn cái chết mỗi bước chân đi, càng đánh càng u mê, càng tối tăm, như đã chìm sâu dưới chín tầng địa ngục. Chả còn ai vô tư được nữa, những câu hỏi nghiêm chỉnh đã được đặt ra, người lính Mỹ tự hỏi, và các nhà báo Mỹ cũng phải tự hỏi. Và họ đã dần dần tìm được những câu trả lời giản dị và xác thực. Có một mẩu chuyện do ký giả Mỹ Neil Sheehan viết trên tờ The New York Times năm 1966, khiến tôi đã nổi gai lên như nghe chuyện một vị thần. Neil viết, có một ông tướng Mỹ đã nói với ông ta về một du kích VC, chỉ một người đã cầm chân cả một đại đội bộ binh Mỹ suốt một tiếng trong khu rừng phía Bắc Sài Gòn. Anh ấy là người sống sót cuối cùng của một nhóm người cố thủ trong một công sự chiến đấu. Anh đã bắn hết số đạn của mình, cả đạn của đồng đội đã chết, ném trả lại những trái lựu đạn Mỹ đã thẩy vào công sự. Sau cùng anh ấy đã lượm đá ném vào kẻ thù như một thách thức cuối cùng. Ông tướng than thở: “Nếu một trong những người lính của chúng tôi chiến đấu được như thế…”.
Nước Mỹ đã từng có những người lính như thế trong Thế chiến 2, còn sau này… thì như các ký giả Mỹ đã thuật cho chúng ta nghe trong các bài viết của họ, dầu đã thuộc về những năm tháng xa xôi nhưng vẫn khiến mỗi chúng ta vừa đau thương vừa kiêu hãnh về nhiều thế hệ người Việt Nam trong cả nước, ở mọi phía đã dám hy sinh tất cả cho nền độc lập và tự do của Tổ quốc.
Nguyễn Khải
Mời các bạn đón đọc Những Phóng Sự Về Chiến Tranh Việt nam.