Người Cát là một câu chuyện quái đản tiêu biểu của nền văn chương quái đản Đức Quốc, một câu chuyện do ngòi bút đặc sắc của E.T.A Hoffmann sáng tạo. Đáng lý nhà văn E.T.A Hoffmann đã là một nhà diễn tấu vĩ cầm nhưng sau ông chuyển qua văn chương. Ông đã đoạt được một thành tích đáng kể về những mẫu chuyện quái đản Đức Quốc. Không thể kể hết ra đây những tác phẩm của ông. Chúng ta ghi lại được một số truyện sau đây: Le magnétiseur; Ingace Denner; Le vase d’or; Les Elixirs du Diable; L’église des Jésuites; Krespel; Le Majorat; La masion hantée; Les Mines de Falun; Maitre Puce v.v…
Với Hoffmann, chúng ta vẫn còn hoàn toàn ở trong lĩnh vực tiểu thuyết lãng mạn nhưng đã có một sự cố gắng đi vào thực tại hơn. Chúng ta không biết những nước non, xứ sở trong câu chuyện nằm ở những phương hướng nào trên quả đất nhưng luôn luôn chúng ta vẫn được mục kích những cảnh thần tiên mộng mị. Nhân vật trong câu truyện của Hoffmann thường có được trang phục, dáng điệu, nói năng của những kẻ đương thời với ông; Hoffmann luôn luôn không tránh sự bành trướng một cách dễ dàng những sự việc lạ lùng rùng rợn, Ông ta còn tỏ ra là một đứa bé khôn lanh, biết cười nụ, mỉa mai, thoi thúc người đọc, áp dụng những thể thức khiến người đọc được yên lòng thỏa mãn. Qua tấn bị kịch xảy ra giữa nhân vật của câu truyện và sự xúc động của người đọc, hình ảnh của tác giả luôn luôn hiện ra để xen nhập vào. Tác giả là một con người khéo léo và ít nhiều mang tính chất hài hước. Tính chất quái đản chưa thoát hẳn tính chất thần tiên mộng mị và sự phong phú của câu chuyện làm giảm rất nhiều về chất lượng.
“Lúc còn thơ ấu, Nathanael phải đi ngủ trước khi Người Cát đến. Người Cát nầy không phải người bán cát điềm đạm như chúng ta vẫn thường thấy, mà là một nhân vật dữ tợn, một kẻ móc mắt trẻ con để mang về cho bầy cháu hắn, bầy cháu quay quần trong một cái tổ ở cung trăng. Nhiều đêm, mẹ của Nathanael buồn, khi những bước nặng nề vang lên trên bực thang. Đó là những bước chân của Người Cát. Một đêm nọ, đứa bé Nathanael nấp vào căn phòng bào chế của cha để rình xem Người Cát và em đã nhận ra được Người Cát không ai xa lạ, chính là nhà luật sư Coppelius thường ngày vẫn lui tới nhà em và kẻ nầy đã gây nơi đứa bé một sự ghê tởm thật sự. Con người kia muốn móc đôi mắt của Nathanael và may nhờ cha em cầu xin hắn nên hắn mới chịu tha, và đứa bé Nathanael lâm bịnh nặng. Coppelius chỉ trở lại có một lần tại căn phòng bào chế và sau đó, một tiếng nổ dữ dội đã giết chết cha của Nathanael. Sau này, lớn lên trở thành sinh viên, Nathanael tiếp xúc với một người bán phong vũ biểu và kính đeo mắt tên là Coppola. Những kính đeo mắt mà người bán kính kia sắp ra trên bàn và gọi rằng: những “kong mác” (đọc trại con mắt) khiến người thanh niên sợ hãi và rốt cuộc, chàng cũng bỏ tiền ra mua một loại kính viễn vọng nhỏ. Dụng cụ kỳ ảo nầy đã cho phép người thanh niên nhận thấy Olympia, con gái của G.S Spalanzani đẹp một cách kỳ dị. Người thanh niên Nathanael đem ra yêu nàng say đắm. Nhưng đúng ngày mà Nathanael chuẩn bị xong xuôi để hỏi nàng làm vợ, thì chàng phải chứng kiến một cuộc xô xát xảy ra giữa Spalanzani và Coppola, hai kẻ này đang tranh dành xâu xé thân hình của Olympia. Nàng chỉ là một pho tượng được cấu tạo bởi Spalanzani và chính Coppola đã gắn đôi mắt cho pho tượng ấy. Người thanh niên lại ngã xuống lâm một thứ bệnh mới và sau đó gần như được bình phục hẳn. Nhưng một ngày nọ, khi cùng với vị hôn thê Clara đứng trên mái cầu một thành cao, Nathanael đã khờ dại đem ra dùng lại cái kính dòm viễn vọng kia. Chàng nhìn thấy Coppelius. Cơn điên tái phát, người thanh niên vừa ngã vật vừa ré lớn và nát thân trên thảm đất khô”
Người Cát vừa là một câu chuyện chỉ giáo y khoa, vừa là một câu chuyện quái đản. Địa hạt của sự “điên cuồng” và sự “lạ lùng” gặp nhau. Những ảo giác, ảo tưởng không phải là những hình thức có thể được chấp nhận trong cách nhìn của con người hay sao? Con người văn minh không thể tin một cách dễ dàng rằng ma quỉ xuất hiện chập chờn dưới mái nhà họ nhưng con người văn minh có thể chấp nhận rằng những kẻ điên có thể bị ám ảnh bởi những ảo giác, ảo tưởng. Đằng nào, con người văn minh cũng được thỏa mãn: qua câu truyện của Hoffmann, họ không tin rằng có ma quỉ thật sự và những ảo giác, ảo tưởng không thể xảy ra trong cuộc sống của họ.
Một bên là câu truyện cổ tích và một bên khác là những khảo luận về y học. Sự khôn khéo của tác giả là biết dung hòa hai sự kiện trên, bằng cách quan niệm những ảo giác, ảo tưởng kia như những sự việc xảy ra một cách hiển nhiên do những bóng ma làm “chủ động”. Vì vậy, người đọc không phải mất thì giờ với một cốt truyện cũ kỹ lỗi thời, với sự tường thuật một trường hợp chỉ giáo y khoa mà thôi. Độc giả còn tham gia vào bên trong sự tan vỡ của mổ tâm hồn, độc giả sẽ hòa mình với nhân vật chính bị tai nạn, độc giả sẽ cảm thấy sự lo lắng, niềm băn khoăn.
Sinh viên Nathanael vừa bị cám dỗ, vừa bị đe dọa bởi một “sức mạnh âm u”. Chàng thanh niên loạng choạng giữa hai thái cực chống đối, mâu thuẫn của sức suy tưởng. Nhưng câu truyện của Nathanael đưa đến hai lối nhận định:
Theo Clara, vị hôn thê của chàng, Nathanael bị ám ảnh bởi những con ma bên ngoài mà chàng có thể tự ý xua đuổi được nếu biết luyện tập ý chí của mình. Nhưng đối với lối nhận định tương đối lạc quan này, một lối nhận định kêu gọi đến can đảm và lý trí. Nathanael muốn chống lại bằng một quan niệm bi quan và chính cái quan niệm nầy đã lôi cuốn chàng đến một niềm tuyệt vọng thụ động: “Sức mạnh âm u” kia từ ngoài mà vào, sức mạnh kia làm chủ tình hình, quyết định số mệnh của những kẻ do nó điều khiển.
Điểm mà Clara chỉ thấy toàn là bệnh hoạn gây nên bởi những ngẫu nhiên tai biến, Nathanael lại tưởng nhìn thấy được ở đấy bàn tay của Định mệnh. Theo Clara Người Cát là ai. Một nhân vật huyền hoặc, hoang đường. Sự trùng nhau giữa Người Cát – Coppelius? Sản phẩm của sự liên tưởng hợp lý tưởng trong tâm trí một đứa bé. Sự buồn bã của bà mẹ? Bà ta tiếc tiền phải phung phí trong những cuộc tìm tòi, nghiên cứu chưa có kết quả. Cái chết của ông cha? Một rủi ro do sự bất cẩn trong công việc phân hóa kim khí. Sự giống nhau giữa Coppelius và Coppla? Sự gần giống nhau về cái tên? Hoàn toàn là những ngẫu nhiên, ngẫu hợp mà thôi.
Nhưng Nathanael muốn nhận định qua một ý nghĩa tổng quát những điều mà Clara chỉ thấy toàn xảy ra là do những nguyên nhân bất ngờ bất thình lình mà thôi. Sự liên hợp tư tưởng trở thành những tương hợp huyền bí. Coppelius và Coppola làm thành nhân vật suy nhất với cái tên của hai nhân vật này cùng thoát từ nguyên âm “Coppa”, cái ổ của con mắt người. Chúng nó là Người Cát trong sự nhận định mơ hồ của Nathanael: khi thì móc mắt trẻ nhỏ, khi thì làm vật bất động, làm kính đeo mắt, đóng vai những con mắt bằng thịt, bằng máu.
Chúng ta đi trên cái ranh giới đáng sợ của sự sinh hoạt và sự bất động: Olympia, sinh vật kinh khủng kia, có phải là cái máy không? Có phải là một thiếu nữ đáng mến, có quả tim vàng, có tâm hồn sâu sắc không?
Sự đảo ngược lạ lùng của “sâu xa” và “nông cạn” ở nơi mà lý luận sáng suốt nhận ra những ngẫu nhiên, ngẫu hợp, tư tưởng huyền bí và mê hoặc, vì tưởng lĩnh hội được một chân lý duy nhất nấp dưới cát bụi của sự phức tạp, lại nhận thấy hiện ra những gì còn sâu sắc bí hiểm hơn.
Clara, người thiếu nữ đã dấu ở tận đáy tâm hồn những kho tàng về tình yêu trong sáng, bị xem là “con người máy hạ cấp” trong khi con “người máy Olympia” chỉ biết lặp đi lặp lại hai tiếng A!A! lại được Nathanael xem như là một tâm hồn bí hiểm, thanh cao.
Nội dung của câu truyện thật quả là quá sức lý sự, điều nầy tưởng không ai phải phản đối. Nhưng cái mà người ta để ý tới, chính là điểm mà vì quá lý sự nên câu truyện trở thành ghê gớm. Những trường hợp oái oăm của hồn thơ, những hoàn cảnh oái oăm của sự thần bí thật là hết sức khủng khiếp bởi vì những trường hợp, hoàn cảnh kia bị đánh đổ, đè bẹp. Đó là cuộc đấu tranh của ký trí chống lại với những giây phút điên loạn ấy, và do sự tranh đấu nầy đã phát sinh ra nguồn suy tưởng, thuận lợi cho một niềm thống khổ đắng cay. Gạt bỏ đi sự tranh chấp và chỉ lại những sự kiện đã xảy ra trong câu chuyện, hoặc giả bạn đọc sẽ tìm thấy sự trong sáng tầm thường mà Clara đã quen thuộc trong đoạn kết: “Cuối cùng nàng đã tìm được hạnh phúc êm đềm dưới mái gia đình, nàng đã sống cuộc sống hợp với bản chất vô tư và quan niệm của nàng” hoặc giả bạn đọc sẽ khám phá sự trong sáng huyền hoặc đã tạo cho Anselme, nhân vật chính trong “Le vase d’or” – sự đắm say thanh khiết của hồn thơ.
Tâm hồn của Hoffmann nhất định đã chan hòa trong Kater-murr, sự trong sáng trưởng giả và sự kích thích mãng mạn của những Aufklarer thay phiên nhau diễn tiến một cách khôi hài. Trong câu truyện La vase d’or hồn thơ độc nhất đã nổi bật còn trong Người Cát thì lối hành văn suông vậy. Xin mời các bạn bắt đầu đi vào câu truyện.
***
Câu chuyện tình này đen tối như những con đường hẽm của một bến tầu ở cửa thành phố Luân Đôn. Trong những con đường đìu hiu kia, bước chân người không vang lên được một tiếng động nhỏ. Những cánh cửa sổ khép nép không đón được một chút gió lành, và chiều xuống, cảnh trí trở nên lạnh lùng hoang vắng làm sao!
Ở những xóm quạnh quẽ thê lương này, những cảm xúc êm dịu sáng tươi có thể mất hẳn nhưng tình yêu và lòng hy sinh vẫn tồn tại và còn mãnh liệt biết chừng nào! Những cảnh huy hoàng lộng lẫy bất công của Đô Thị hình như muốn thiêu hủy những gì cao đẹp, những gì gọi là Nghị lực, là Can đảm của xóm bùn nhơ ướt át. Không, ở những nơi nầy, cái Đẹp vẫn đương đầu, đương đầu với bao nhiêu sự lấn át trên.
Tình yêu bén rễ trong cảnh bùn lầy tăm tối và vẫn tạo nên được khúc nhạc êm đềm, tạo nên được những cảnh vườn chang nắng đượm hương hoa, tạo nên được những đêm trăng sáng như pha lê, và những bài ca xuân thanh thót dịu dàng như suối chảy.
Trong một của những con đường vắng vẻ này, cách xóm bến tầu một khoảng, có một tiệm giặt ủi do một người Trung Hoa làm chủ tên là Ng. Vong. Trong nhiều năm qua, một người đàn bà, gương mặt nửa Âu nửa Á, ngồi sau tấm cửa sổ của tiệm giặt.
Nàng ngồi đấy, hết ngày nầy đến ngày khác, hết tháng này lại đến tháng khác. Những kẻ bần cùng của xóm nghèo mà sự khốn cùng không làm mất tình trắc ẩn, đã để ý và thương hại nàng. Nhưng người ta chỉ biết được một phần nhỏ của câu chuyện. Người đàn bà ấy là vợ của Ng. Yong chủ tiệm giặt và nàng câm.
Suốt ngày, nàng ngồi ở cửa sổ và sự cô đơn hình như đã làm mất hẳn những nét buồn vui, gương mặt trở nên lạnh lùng một cách kỳ lạ. Nàng không nhìn ai và có lẽ cũng chẳng nghe ngóng gì. Nàng ngồi không nhúc nhích và im lặng như một pho tượng Tàu. Riêng đôi mắt nàng có vẻ mơ màng nhưng dữ tợn, đôi khi còn chiếu ra một sự hải hùng ghê rợn. Những lúc đó nhìn nàng, những người lạ chưa biết nàng rão bước đi mau để thoát khỏi cái nhìn của người đàn bà ấy, thoát khỏi cái đường hẽm tối tăm, mong gặp được con đường lớn sảng sủa, rộng rãi thênh thang hơn.
Người ta sẽ không bao giờ biết được những tư tưởng hắc ám nào qua gương mặt thản nhiên đến ghê sợ kia. Người ta chỉ có thể tưởng tượng chút ít thôi. Một sự căm hờn, một niềm sợ hải, một mối thù, một sự trốn tránh, hoặc một kỷ niệm hắc ám của cuộc đời đã diễn lại trong cái tâm hồn ấy? Tất cả những việc đó, chúng ta đều không thể nói lên được.
Thỉnh thoảng, không báo trước, vùng một cái, nàng đứng thẳng dậy, chạy ra cửa lớn của tiệm giặt. Trong phút đó, gương mặt nàng trở nên hoạt động và mất vẻ bình thản lạnh lùng thường ngày. Hình như nàng phải vận dụng tất cả sức lực để nói lên một điều gì. Trong khi nàng làm những cử chỉ tuyệt vọng về hướng bến tàu Antilles, ở miệng nàng chỉ thốt ra những loạt âm thanh ấm ớ líu lo không ai hiểu nổi. Lúc đó, người chồng chạy lại bên nàng, cầm tay nàng, dịu dàng mà cứng cỏi, để đưa nàng về chỗ ngồi cũ. Những người hàng xóm láng giềng tỏ ỷ thương hại cho người chồng, và có ý thầm phục bản chất của người đàn ông như Ng. Yong trong việc đối xử với một người vợ tàn tật.
Ng. Yong đã giải thích cái họa đã xảy đến cho gia đình y. Khi nghe câu chuyện, hàng xóm khuyên y nên chăm sóc đến vợ kẻo tội nghiệp. Ng.Yong rất chăm sóc vợ. Ng.Yong luôn luôn ở bên cạnh vợ, mỗi khi nàng đi dạo chơi trong xóm. Trong những lúc đi dạo, nhiều khi nàng dừng bước, nhìn quanh quất tứ phía như muốn chạy tìm một nơi mà chỉ mình nàng biết. Nhận thấy gương mặt cầu xin, van lơn, đau xót của nàng, nhất là nhìn đôi môi run rẩy không thốt ra lời, tất cả những kẻ qua đường đều dừng chân như muốn dò hỏi căn nguyên. Trong phút đó, chồng nàng cầm tay dắt nàng đi. Trong số người chứng kiến sự việc trên, những kẻ không quen biết gia đình Ng.Yong thì đành bỏ đi, còn những người quen biết thì bước lại gần để an ủi cặp vợ chồng đáng thương đó.
…
Mời các bạn đón đọc Người Cát của tác giả E.T.A Hoffmann.