Cách nghĩ để thành công là một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. Đã hơn 60 triệu bản được phát hành với gần trăm ngôn ngữ trên toàn thế giới và được công nhận là cuốn sách tạo ra nhiều triệu phú hơn, một cuốn sách truyền cảm hứng thành công nhiều hơn bất cứ cuốn sách kinh doanh nào trong lịch sử.
Tác phẩm này đã giúp tác giả của nó, Napoleon Hill, được tôn vinh bằng danh hiệu "người tạo ra những nhà triệu phú". Đây cũng là cuốn sách hiếm hoi được đứng trong top của rất nhiều bình chọn theo nhiều tiêu chí khác nhau - bình chọn của độc giả, của giới chuyên môn, của báo chí.
Lý do để Cách nghĩ để thành công có được vinh quang này thật hiển nhiên và dễ hiểu: Bằng việc đọc và áp dụng những phương pháp đơn giản, cô đọng này vào đời sống của mỗi cá nhân mà đã có hàng ngàn người trên thế giới trở thành triệu phú và thành công bền vững. Điều thú vị nhất là các bí quyết này có thể được hiểu và áp dụng bởi bất kỳ một người bình thường nào, hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào. Qua hơn 70 năm tồn tại, những đúc kết về thành công của Napoleon Hill đến nay vẫn không hề bị lỗi thời, ngược lại, thời gian chính là minh chứng sống động cho tính đúng đắn của những bí quyết mà ông chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình nghèo vùng Tây Virginia, con đường thành công của Napoleon Hill cũng trải qua nhiều thăng trầm. Khởi đầu bằng chân cộng tác viên cho một tờ báo địa phương lúc 15 tuổi, đến năm 19 tuổi Hill trở thành nhà quản lý mỏ than trẻ tuổi nhất, sau đó bỏ ngang để theo đuổi ngành luật. Napoleon Hill còn kinh qua nhiều nghề như kinh doanh gỗ, xe hơi, viết báo về kinh doanh… Đó là những công việc ông từng nếm trải trước khi 25 tuổi! Song khác với những người thành đạt khác, ông cẩn thận phân tích từng sự kiện trọng đại trong đời mình, rút ra những bài học, rồi tiếp tục rút gọn chúng thành các nguyên tắc căn bản, tổ chức các nguyên tắc ấy thành triết lý sống và rèn luyện… Cơ hội đặc biệt đã đến với Hill trong một lần phỏng vấn để viết về chân dung Andrew Carnegie - ông "vua thép" huyền thoại của Mỹ đã đi lên từ hai bàn tay trắng. Từ lần phỏng vấn đó, Napoleon Hill có dịp tiếp cận với những con người thành đạt và có quyền lực nhất tại Mỹ để tìm hiểu và học hỏi những bí quyết thành công của họ, trong thế so sánh và kiểm chứng với những công thức thành công của Andrew Carnegie. Ông muốn qua đó có thể đúc kết và viết nên một cuốn sách ghi lại những bí quyết giúp biến các cá nhân bình thường thành những người thành công trong xã hội.
Để thực hiện cuốn sách này, Napoleon Hill dành hầu như toàn bộ thời gian và công sức trong suốt gần ba mươi năm để phỏng vấn hơn 500 người nổi tiếng và thành công nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng hàng ngàn doanh nhân khác - cả những kẻ thất bại và những người thành công. Kết quả của những nghiên cứu không mệt mỏi đó là Cách nghĩ để thành công - công thức, hay "cẩm nang" để trở thành vượt trội và được xã hội nể trọng. Cuốn sách cũng đưa Napoleon Hill vào danh sách một trong những tác giả có tác phẩm bán chạy nhất thế giới từ trước đến nay.
Được viết ra từ vô số những câu chuyện có thật, tác phẩm có một sức thuyết phục và lay động rất lớn. Bạn không chỉ được biết bí quyết về sự thành công của các tên tuổi như Edison - nhà phát minh lỗi lạc mà thời gian rèn luyện trong trường học chỉ… vỏn vẹn 3 tháng; như Henry Ford - người bị coi là không có học vấn nhưng đã trở thành ông trùm trong nền công nghiệp xe hơi với một gia tài kếch xù… mà còn của rất nhiều cá nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau đã đi lên từ con số không.
Chẳng hạn, Darby, một người thành công sau khi đã bước qua cánh cửa của "trường đại học thất bại" là bài học sâu sắc về việc kiên định với mục tiêu. Trong một dự án tìm kho báu dưới lòng đất, Darby và đồng sự đã nản lòng sau một chuỗi ngày tháng dài đào bới cật lực mà không chạm được tới vàng. Họ bán hết máy móc cho một người thu gom phế liệu, nhưng người này đã quay lại mỏ vàng, nhờ một kỹ sư hầm mỏ tư vấn và ông đã tìm được kho báu khổng lồ cách nơi Darby đào khoảng gần 1 thước. Sau khi tâm niệm bài học sâu sắc đừng bao giờ bỏ cuộc giữa chừng và mọi thất bại chỉ là tạm thời, Darby đã thành công trong nghề bán bảo hiểm nhân thọ, với doanh số bán hàng trên 1 triệu đô-la mỗi năm….
Câu chuyện về con trai của chính Napoleon Hill - một cậu bé không có đôi tai ngay từ khi mới chào đời song đã vượt lên số phận để thành công là một bài học cho chúng ta hãy biết khát khao. Cậu bé không thể nghe được nhưng người cha đã gieo vào tâm hồn cậu một khao khát mãnh liệt là được nghe những âm thanh trong cuộc sống, cho cậu bé niềm tin rằng cậu không chỉ có thể nghe được mà sẽ thành công nếu biết tận dụng ngay cả điểm yếu của mình. Sự thành công của cậu bé như một minh chứng hùng hồn cho chân lý: những khát khao cháy bỏng rồi sẽ trở thành hiện thực….
Và còn rất nhiều những câu chuyện sinh động khác hé lộ cho chúng ta thấy những người bình thường đã đạt được thành công như thế nào…
Cách nghĩ để thành công là cuốn sách đầu tiên đưa ra triết lý thành đạt - một triết lý đầy đủ và toàn diện về thành công của cá nhân, đồng thời cung cấp cho bạn phương pháp để tạo một ý thức thành công cũng như đưa ra kế hoạch sơ bộ và chi tiết để đạt được thành công đó.
Các bí quyết thành công được đề cập đến trong cuốn sách này có thể được đúc kết ngắn gọn: tất cả bắt nguồn từ cách nghĩ. Do đó, cuốn sách này không chỉ thay đổi những điều bạn nghĩ mà còn có thể thay đổi cả cách nghĩ của bạn; không dừng lại ở việc chỉ ra cho bạn thấy bạn phải làm gì mà còn vạch cho bạn biết phải làm điều đó như thế nào để đạt được khát vọng của mình.
- PACE và FIRST NEWS
***
Bạn đọc đang cầm trên tay cuốn sách mà mỗi chương đều đề cập đến một bí quyết đã giúp hàng ngàn người trên thế giới thành công và trở thành triệu phú. Trong suốt một thời gian dài, tôi đã bỏ biết bao công sức để nghiên cứu tỉ mỉ tư tưởng cũng như con đường sự nghiệp của những người giàu có và thành đạt. Tôi nhận ra rằng không ai trong số họ thành công mà không áp dụng những bí quyết này cho dù họ có ý thức được điều đó hay không.
Mọi chuyện bắt đầu khi ông "vua thép" của nước Mỹ Andrew Carnegie kể cho tôi nghe về những bí quyết thành công của ông. Những ý tưởng độc đáo đó đã ngay lập tức khiến tôi chú ý. Ông già người Scotland khôn ngoan và đáng mến ấy đã vô tình giảng giải cho tôi nghe về những bí quyết thành công đó khi tôi còn rất trẻ. Sau khi nói xong, ông ngồi dựa lưng vào thành ghế rồi nhìn tôi dò xét bằng ánh mắt tươi cười đầy ẩn ý, như muốn xét xem liệu tôi có đủ thông minh để hiểu đầy đủ ý nghĩa những điều ông vừa nói hay không.
Khi dường như thấy tôi đã hiểu phần nào, ông mới hỏi liệu tôi có sẵn lòng dành hai mươi năm của cuộc đời mình hay thậm chí lâu hơn nữa để giúp ông giới thiệu những bí quyết đó ra thế giới, cho những người mà nếu không nắm được chúng có thể sẽ phải mãi sống một cuộc đời thất bại. Tôi trả lời với Carnegie rằng tôi rất sẵn lòng, và với sự giúp đỡ của ông, tôi đã thực hiện được lời hứa của mình.
Cách nghĩ để thành công là cuốn sách viết về bí quyết thành công của Carnegie, những bí quyết đã được kiểm chứng qua thời gian bởi hàng ngàn (cho đến giờ có lẽ là hàng triệu) người trong khắp các ngành nghề khác nhau. Bí quyết kỳ diệu được viết trong cuốn sách đã giúp Carnegie có được một tài sản khổng lồ và ông muốn truyền bá kinh nghiệm đó cho những người không có đủ thời gian để tìm hiểu bí ẩn thật sự phía sau mỗi thành công. Ông hy vọng tôi có thể kiểm nghiệm và chứng minh tính đúng đắn của công thức đó qua cuộc đời và sự nghiệp của chính những người thành đạt. Carnegie cũng mong muốn bí quyết mà ông đúc kết được bằng cả cuộc đời mình sẽ được giảng dạy trong các trường phổ thông và đại học. Ông tin rằng bí quyết này khi được giảng dạy rộng rãi sẽ cách mạng hóa toàn bộ hệ thống giáo dục và thời gian sinh viên phải đến trường sẽ giảm xuống chỉ còn một nửa.
Trong Chương 2 - "Niềm tin", bạn sẽ tìm hiểu câu chuyện về sự hình thành và phát triển vượt bậc của Tập đoàn Thép Hoa Kỳ khổng lồ. Điều đáng kinh ngạc là Tập đoàn đã được ra đời từ ý tưởng của một chàng trai còn rất trẻ. Qua câu chuyện đó, Carnegie muốn chứng minh rằng bí quyết của ông sẽ áp dụng thành công cho bất kỳ ai quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Một trong những người đã áp dụng thành công bí quyết đó là Charles M. Schwab. Bí quyết này đã mang lại cho ông một gia tài đồ sộ trị giá 600 triệu đô-la Mỹ.
Những ví dụ thực tế đó sẽ giúp bạn hiểu được giá trị thật sự mà cuốn sách mang đến cho bạn, giúp bạn nhận thức rõ hơn điều mình thật sự mong muốn trong cuộc đời.
Hàng ngàn người khác đã áp dụng bí quyết này và họ đã thành công. Một số người đã trở nên giàu có. Số khác chỉ đơn giản đã áp dụng thành công bí quyết này để tạo dựng một bầu không khí hòa thuận trong gia đình họ. Một giáo sĩ đã có mức thu nhập hàng năm 75.000 đô-la Mỹ (tương đương với khoảng 1,5 triệu đô-la bây giờ) nhờ vào bí quyết trên.
Arthur Nash là một thợ may tại Cincinnati. Ông đã biến công việc kinh doanh đang trên bờ vực phá sản của mình thành "vật thí nghiệm" cho bí quyết của Carnegie. Chính nhờ bí quyết ấy mà việc kinh doanh hồi phục dần dần, không những vậy còn đem lại cho ông một tài sản rất lớn. Sự kiện đáng kinh ngạc này nổi bật đến mức giới báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để giới thiệu rộng rãi đến công chúng.
Một ví dụ khác là trường hợp của Stuart Austin Wier, người thành phố Dallas, bang Texas. Sau khi được nghe giảng giải về bí quyết của Carnegie, ông cảm thấy thực sự bị lôi cuốn đến mức bỏ ngang công việc chuyên môn hiện tại của mình để theo học luật. Ông có thành công không? Bạn sẽ tìm thấy câu trả lời trong Chương 4 - "Kiến thức chuyên môn".
Khi tôi còn làm điều hành cho bộ phận quảng cáo của trường Đại học mở LaSalle, tôi đã có dịp chứng kiến hiệu trưởng của trường - ông J. G. Chapline - sử dụng bí quyết của Carnegie để biến LaSalle thành một trong những trường đại học mở danh tiếng nhất nước Mỹ.
Bí quyết mà tôi đề cập trên đây sẽ được nhắc đến hơn một trăm lần trong cuốn sách. Nhưng tôi sẽ không đặt cho nó một tên gọi cụ thể. Ý nghĩa đích thực của bí quyết tiềm ẩn ở bên trong. Chính vì thế, chỉ những ai thật sự sẵn sàng và quyết tâm tìm kiếm thì mới lĩnh hội được hết ý nghĩa và giá trị của nó. Carnegie khi giảng giải cho tôi về bí quyết cũng không gọi nó ra bằng một cái tên cụ thể.
Nếu như bạn đã sẵn sàng tìm hiểu và ứng dụng bí quyết này, tự bạn sẽ cảm nhận được ý nghĩa đích thực của nó qua từng chương sách. Nhưng tôi sẽ không giải thích làm thế nào để bạn biết được mình đã sẵn sàng hay chưa. Nếu tôi làm thế thì đồng thời tôi đã tước đi của bạn rất nhiều giá trị hữu dụng mà đáng ra bạn có thể thu lượm được nếu tự khám phá, tư duy theo cách của riêng mình.
Nếu như bạn từng thất vọng, nếu như bạn gặp phải những khó khăn thử thách khiến bạn cảm thấy gần như không đủ nghị lực để vượt qua, nếu như bạn đã cố gắng nhưng vẫn luôn thất bại, nếu như bạn thiệt thòi so với người khác do hoàn cảnh - vì ốm đau bệnh tật hay tai nạn…, thì câu chuyện về quá trình khám phá và áp dụng bí quyết Carnegie của con trai tôi có thể sẽ là một ốc đảo thực sự giữa Sa mạc Tuyệt vọng mà bạn đang gắng công kiếm tìm.
Bí quyết này cũng được Tổng thống Woodrow Wilson áp dụng rộng rãi trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất và được Tổng thống Roosevelt áp dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Bí quyết được truyền đạt cặn kẽ tới từng người lính trong những buổi luyện tập trước khi ra mặt trận. Tổng thống Wilson nói với tôi rằng bí quyết còn góp phần quan trọng trong việc gây quỹ phục vụ cuộc chiến.
Điểm đặc sắc của bí quyết này là ở chỗ bất kỳ ai lĩnh hội và ứng dụng được nó đều tự nhận thấy rằng mình đang lướt tới những bến bờ vinh quang. Tuy nhiên, mọi thứ đều có cái giá của nó. Không ai đạt được bí quyết này mà không phải trả giá, mặc dù cái giá đó kém xa giá trị thật khi đạt được.
Một điểm thú vị khác là mặc dù bí quyết Carnegie không phải là thứ cho không, nhưng cũng không phải là thứ có thể mua bán bằng tiền. Những người không bỏ tâm huyết tìm kiếm sẽ không thể mua được nó dù với bất cứ giá nào. Bởi bí quyết này gồm hai phần, nếu như bạn khao khát tìm hiểu và thực hành nó thì phần thứ nhất đã nằm trong tay của bạn.
Bí quyết này sẽ mang lại thành công cho tất cả những ai sẵn sàng tìm hiểu và ứng dụng nó cho dù trình độ học vấn của họ ở mức nào đi chăng nữa. Rất lâu trước khi tôi ra đời, Thomas A. Edison đã ứng dụng bí quyết này một cách tài tình và trở thành nhà phát minh tài năng hàng đầu thế giới mặc dù ông chỉ mới ngồi trên ghế nhà trường vẻn vẹn chưa đầy ba tháng.
Edwin C. Barnes, trợ lý kinh doanh của Edison, cũng là một trường hợp điển hình trong việc ứng dụng thành công bí quyết Carnegie. Ông đã áp dụng bí quyết này để tích lũy được một gia sản kếch xù và từ bỏ sự nghiệp kinh doanh đang phát đạt khi còn rất trẻ. Câu chuyện về ông ở ngay chương đầu tiên sẽ chứng minh cho bạn thấy sự thành đạt và giàu có không nằm ngoài tầm tay của bạn. Bạn vẫn có thể trở thành người bạn hằng mong muốn cho dù bạn ai đi nữa. Tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc và sự thừa nhận của những người xung quanh đều là những điều có thể đạt được nếu như bạn thật sự sẵn sàng và quyết tâm đạt được những điều đó.
Bạn có thể sẽ đặt câu hỏi làm sao tôi dám khẳng định như vậy? Bạn sẽ có câu trả lời khi đọc hết cuốn sách này. Bạn có thể tìm ra nó ở ngay chương đầu tiên hoặc cũng có thể là ở trang cuối cùng.
Trong khi tiến hành công trình nghiên cứu về bí quyết thành công theo đề nghị của Carnegie, tôi đã tiến hành tìm hiểu, phân tích tư tưởng và con đường sự nghiệp của hàng trăm người nổi tiếng. Nhiều người trong số họ thừa nhận rằng sở dĩ họ tích lũy được lượng tài sản khổng lồ như vậy là do áp dụng bí quyết Carnegie. Tôi có thể liệt kê ra đây một vài tên tuổi trong số họ mà có lẽ nhiều người đã biết.
Henry Ford (Người sáng lập Tập đoàn xe hơi Ford)
William Wrigley Jr. (Người sáng lập công ty sản xuất kẹo nổi tiếng Wrigley)
John Wanamaker (Người được gọi là "Ông Hoàng Lái Buôn" đã lập ra cửa hàng bách hóa bán lẻ đầu tiên trên thế giới)
James J. Hill (Người được đặt danh hiệu "Người xây dựng Đế chế" ở nước Mỹ: Xây dựng tuyến đường sắt vĩ đại xuyên lục địa về phía Bắc; thiết lập hệ thống đường biển nối liền châu Mỹ với châu Á…)
George S. Parker (Người sáng lập Công ty bút máy Parker) E. M. Statler (Người sáng lập chuỗi Khách sạn Statler nổi tiếng bởi sự sang trọng và phong cách "phục vụ với nụ cười")
Henry L. Doherty (Người đạt được 140 bằng sáng chế về khí đốt thiên nhiên và cách sản xuất dầu)
Cyrus H. K. Curtis (Người sáng lập các tờ tạp chí nổi tiếng thế giới: Ladies' Home Journal, Saturday Evening Post)
George Eastman (Nhà phát minh và là người sáng lập Công ty Eastman Kodak)
Charles M. Schwab (Chủ tịch Công ty thép Carnegie, sáng lập Công ty thép Bethlehem)
Theodore Roosevelt (Tổng thống thứ 26 của nước Mỹ)
John W. Davis (Luật gia, nhà lãnh đạo chính trị)
Elbert Hubbard (Nhà triết học, người xuất bản tạp chí "The Fra")
Wilbur Wright (Cùng với em trai là Orville trở thành người Mỹ đầu tiên phóng chiếc máy bay nặng-hơn-không-khí, là những người tiên phong trong ngành hàng không)
William Jennings Bryan (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dưới thời
Tổng thống William McKinley, luật sư bảo vệ chủ nghĩa sáng tạo)
David Starr Jordan (Tiến sĩ, nhà giáo dục - khoa học, tác giả của hơn 50 cuốn sách, chủ tịch đầu tiên của Đại học Standford)
J. Odgen Amour (Chủ sở hữu của Chicago Cubs, giám đốc National City Bank)
Arthur Brisbane (Nhà báo nổi tiếng được các hãng tin tức "săn đuổi", người viết xã luận được trả lương cao nhất và được đọc nhiều nhất trong thời đại ông)
Frank Gunsaulus (Tiến sĩ, Chủ tịch Viện công nghệ Armour)
Daniel Willard (Chủ tịch Đường sắt B&O trên 30 năm, được lấy tên đặt cho thành phố - Willard - bang Ohio)
King Gillette (Người tạo ra loại dao cạo an toàn và sáng lập Công ty Gillette)
Ralph A. Weeks (Chủ tịch hệ thống trường quốc tế Correspondence)
Daniel T. Wright (Luật sư, Giảng viên Trường Luật Georgetown)
John D. Rockefeller (Ông trùm về xăng dầu - là một trong những người giàu nhất thế giới)
Thomas A. Edison (Nhà phát minh, sở hữu trên 1.000 bằng phát minh)
Frank A. Vanderlip (Nhà báo, nhà cải cách xã hội, chủ tịch National City Bank, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ)
F. W. Woolworth (Người đưa ra sáng kiến và làm thay đổi phong cách bán lẻ với hệ thống cửa hàng Woolworth kiểu "5 đô-la và 10 xu")
Robert A. Dollar (Người thiết lập Công ty Tàu thủy Dollar - hãng tàu thủy chở khách hạng sang lớn nhất nước Mỹ)
Edward A. Filene (Người sáng lập các cửa hàng ở Boston) Edwin C. Barnes (Cộng tác viên duy nhất của Thomas A.
Edison, tỷ phú) Arthur Nash (Nhà sản xuất quần áo ở Cincinnati)
Clarence Darrow (Luật gia chuyên bảo vệ những nạn nhân của sự bất công)
Woodrow Wilson (Vị Tổng thống thứ 28 của nước Mỹ, 1913-1921)
William Howard Taft (Vị Tổng thống thứ 27 của nước Mỹ, 1909-1913)
Luther Burbank (Người làm vườn nổi tiếng khắp thế giới đã giới thiệu trên 800 loại cây mới trong nỗ lực cải thiện chất lượng các loại cây)
Edward W. Bok (Người biên tập Tạp chí Ladies' Home Journal, phát triển nó thành tờ báo phát hành rộng khắp thế giới)
Frank A. Munsey (Chủ một đế chế báo chí với các tờ: Argosy, Washington Times, New York Herald)
Elbert H. Gary (Chủ tịch tập đoàn thép lớn nhất thế giới lúc đó - U.S. Steel)
Alexander Graham Bell (Tiến sĩ, người phát minh ra điện thoại…)
John H. Patterson (Chủ tịch hãng National Cash Register…) Julius Rosenwald (Cùng với Richard Sears biến công ty
Sears, Roebuck & Co. thành một mẫu mực của nền kinh doanh Mỹ về dịch vụ đặt hàng qua thư)
Stuart Austin Wier (Kỹ sư, tham gia vào việc xuất bản "Tạp chí của Napoleon Hill")
Frank Crane (Tiến sĩ, Nhà tâm lý học - tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng)
J. G. Chapline (Chủ tịch trường Đại học mở rộng LaSalle) Jennings Randolph (Thượng nghị sĩ nước Mỹ vùng Tây Virginia)
Những tên tuổi được nhắc đến ở trên chỉ là một phần nhỏ trong số hàng ngàn người Mỹ nổi tiếng và thành đạt. Thành tựu mà họ đạt được xét về mặt tài chính hay các mặt khác đã chứng minh rằng bất kỳ ai thấu hiểu và áp dụng tốt bí quyết Carnegie đều thành công và có được địa vị cao trong xã hội.
Tôi chưa từng biết ai được truyền cảm hứng từ bí quyết này mà không đạt được thành công đáng kể trong cuộc đời họ. Mặt khác, tôi cũng chưa từng biết ai nổi tiếng hay giàu có trong bất cứ ngành nghề nào mà không nhờ vào bí quyết này. Từ hai thực tế đó, tôi có thể rút ra kết luận rằng: Bí quyết Carnegie góp phần quan trọng giúp bạn tìm được hướng đi cho cuộc đời mình hơn bất cứ điều gì khác mà bạn có thể thu nhận được từ ghế nhà trường.
Nếu bạn sẵn lòng đón nhận bí quyết Carnegie thì khi đọc đến một trang nào đó trong cuốn sách này, bí quyết sẽ tự hiển hiện rõ ràng trước mắt bạn. Vào lúc nó xuất hiện, bạn sẽ nhận ra ngay. Dù bạn nhận ra ngay ở chương đầu tiên hay chương cuối cùng, xin hãy dừng lại trong giây lát, hãy khắc ghi trong tâm trí bạn thời gian và cảm xúc đó, tư duy đó. Đây sẽ là thời khắc đánh dấu bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời bạn.
Trong quá trình đọc cuốn sách này, bạn hãy nhớ rằng tất cả các câu chuyện được đề cập đến đều có thật chứ hoàn toàn không phải là hư cấu. Mục đích của cuốn sách là chuyển tải đến cho người đọc một chân lý phổ quát. Nếu bạn sẵn lòng đón nhận, bí quyết đó sẽ giúp bạn biết mình phải làm gì và làm như thế nào để ứng dụng nó trong thực tế. Bạn cũng sẽ nhận được sự khích lệ cần thiết để bắt đầu.
Lời sau cùng, cho phép tôi được gợi ý đôi chút để bạn dễ dàng nhận ra bí quyết kỳ diệu này hơn. Lời gợi ý của tôi chỉ đơn giản thế này thôi: Thành đạt hay giàu sang đều bắt nguồn từ cách nghĩ! Nếu bạn sẵn sàng đón nhận bí quyết này thì bạn đã sở hữu được một nửa nó rồi đấy. Vì thế, chắc chắn bạn sẽ nhận ra ngay nửa còn lại trong giây phút đầu tiên mà bí quyết Carnegie chạm vào tâm hồn bạn.
- Napoleon Hill
Nghèo khó hay giàu sang đều là sản phẩm của tư duy.
Mời các bạn đón đọc Cách Nghĩ Để Thành Công của tác giả Napoleon Hill.