Alain nói về hạnh phúc là tập hợp những đoản luận của Alain - một triết gia nổi tiếng và quan trọng của Pháp vào đầu thế kỷ thứ 20, về một trong những câu hỏi lớn nhất của nhân loại: hạnh phúc. Ta khám phá, hoặc tái khám phá, thông qua những bài viết sâu sắc của ông, những thái độ sống khôn ngoan nhưng không phải ai cũng từng nghĩ đến, hoặc giả, đã từng nghĩ đến nhưng không đủ kiên trì và dũng cảm để làm theo và phát huy đến cùng. Sách dành cho tất cả những ai từng ít nhất một lần tự đặt cho mình câu hỏi sau: "Hạnh phúc là gì?"
"Tôi chúc bạn có nhiều niềm vui. Đó mới đúng là thứ cần được trao đi và nhận lại. Đó mới đúng là phép lịch sự đích thực khiến tất cả mọi người đều phong lưu, trước tiên là cho chính người đi tặng. Đó mới đúng là kho báu mà càng được trao đổi bao nhiêu thì càng được nhân lên bấy nhiêu. Bạn có thể rải nó khắp phố phường, trên toa xe điện, hay trong các quầy báo; nó sẽ không vì thế mà suy suyển đến một nguyên tử. Bạn vứt nó ở đâu, nó sẽ mọc lên và trổ hoa ở đấy.
"Hạnh phúc không phải là kết quả của hòa bình, mà chính là nền tảng của hòa bình."
"Đúng là chúng ta phải nghĩ đến hạnh phúc của người khác, nhưng người ta ít khi nhắc cho ta nhớ rằng cái tốt đẹp nhất mà ta có thể làm cho những người yêu thương mình chính là biểu cảm sự hạnh phúc có ở trong ta."
"Hãy cởi trói, hãy giải thoát, và đừng run sợ. Người nào tự do, người ấy sẽ không mang vũ khí."
***
Alain tên thật là Émile Chartier (1868-1951), là một nhà triết học, giáo sư và nhà báo lớn của Pháp nửa đầu thế kỷ XX. Ông từng dạy và tạo được sự ảnh huởng sâu sắc lên một lớp thế hệ học trò ưu tú như: Simone Weil, Georges Canguilhem, André Maurois, Julien Gracq… Alain nổi tiếng với những bài trao đổi ngắn (tạm dịch từ "propos") bàn về mọi vấn đề trong cuộc sống, những vần đề mà ông đã được đọc, nghe, hay tận mắt chứng kiến, và suy ngẫm. Alain nói về hạnh phúc là một trong những tập trao đổi nổi tiếng nhất của ông.
***
Không sao dỗ được đứa bé đang khóc, cô bảo mẫu bèn nghĩ tới nhiều nguyên nhân, tính nết của bé, những thứ nó thích hay không thích, rồi viện đến cả di truyền học, nhận ra trong bé tính nết của bố nó. Những thử nghiệm tâm lý học của cô bảo mẫu còn tiếp tục cho tới khi cô ta phát hiện ra một cái kim băng, lý do thật làm cho đứa bé khóc.
Khi người ta đem con ngựa Bucéphale tới chàng Alexandre, không một ky sĩ nào ngồi vững trên lưng con vật đáng gờm này được. Kẻ thô thiển sẽ nói: “Con ngựa này thật là dữ tợn”. Nhưng chàng Alexandre thì đi tìm cái kim băng và chóng tìm thấy. Chàng nhận ra ngựa Bucéphale hoảng sợ trước cái bóng của chính mình. Rồi mỗi khi nó lồng lên sợ hãi thì cái bóng của nó lại chồm lên theo, và tạo thành một cái vòng luẩn quẩn. Thấy vậy, Alexandre hướng Bucéphale về phía mặt trời và cứ giữ yên con ngựa trong vị trí đó, bằng cách này chàng đã trấn an và quy phục được nó. Người học trò của Aristote hiểu rằng ta không có chút quyền lực nào với sự giận dữ một khi ta chưa biết lý do đích thực của nó.
Có người biết phủ nhận nỗi sợ bằng những lý lẽ vững vàng, thế nhưng người đang sợ thì đâu có lắng nghe lý lẽ, anh ta chỉ nghe thấy tim mình đang đập và máu mình đang sôi mà thôi. Kẻ thông thái rỏm suy luận rằng nguy hiểm dẫn đến sự sợ hãi, người bị cảm xúc chế ngự thì cho là sự sợ hãi dẫn đến nguy hiểm. Cả hai đều nghĩ mình có lý, nhưng cả hai đều lầm, kẻ thông thái rỏm lầm tới hai lần vì anh ta bỏ qua nguyên do đích thực của nỗi sợ và không hiểu sự nhầm lẫn của người đầy cảm xúc kia. Một người đang sợ sẽ tự nghĩ ra một mối nguy hiểm nào đó để giải thích cho nỗi sợ rất có thực mà mình cảm thấy. Một cái gì đó bất ngờ có thể làm ta sợ hãi, mặc dù bản thân nó không nguy hiểm, chẳng hạn như một tiếng súng nổ rất gần, hoặc chỉ đơn giản là sự hiện diện của ai đó không trông đợi. Thống chế Masséna[3] đã từng hoảng sợ chỉ vì một pho tượng trong cầu thang tối tăm, để rồi phải ba chân bốn cẩng bỏ chạy.
Đôi khi sự mất kiên nhẫn và tâm trạng khó chịu của một người xuất phát từ chỗ anh ấy phải đứng quá lâu. Xin chớ tranh luận với tâm trạng của anh ấy mà hãy đem đến một chiếc ghế. Khi nói rằng phong cách quyết định mọi thứ, Talleyrand đã biểu đạt được nhiều hơn ông ấy nghĩ. Ông ấy chịu khó đi tìm cái kim băng để không phải tạo ra sự khó chịu cho người khác và rốt cuộc cũng tìm thấy nó. Các nhà ngoại giao thời nay dường như đều bị một cái kim băng nằm ở đâu đó dưới lớp áo lót làm cho khó chịu, khiến biết bao nhiêu chuyện rắc rối nảy sinh ra ở châu Âu. Ai cũng biết rằng một đứa trẻ khóc sẽ làm cho những đứa trẻ khác khóc theo. Còn tệ hơn nữa, nhiều khi người ta gào lên chỉ để mà gào. Cô bảo mẫu, bằng một động tác chuyên nghiệp, sẽ đặt đứa trẻ nằm sấp xuống, ngay lập tức đứa bé sẽ phản ứng theo một cơ chế khác. Đó chính là nghệ thuật thuyết phục người khác, rất bình dị, của cô bảo mẫu. Tôi cho rằng những thảm họa của năm 1914[5] xảy ra vì những nhân vật quan trọng bị rơi vào thế bất ngờ, và chính vì vậy mà họ sợ. Một người khi đang sợ thì dễ rơi vào trạng thái giận dữ, sự cáu giận thường đến sau những cơn kích động. Thật không dễ chịu cho ai đó đột nhiên bị quấy rầy khi đang nghỉ ngơi hay tiêu khiển; khi đó, anh ta sẽ rất dễ nổi khùng. Cũng giống như một người bị đánh thức đột ngột khi đang ngủ, anh ta sẽ tỉnh dậy trong cơn hoảng hốt. Đừng vội gọi một người nào đó là kẻ dữ tợn, khoan hẵng gán cho anh ta tính cách đó. Hãy đi tìm cái kim băng trước đã.
Mời các bạn đón đọc Alain Nói Về Hạnh Phúc của tác giả Emile Chartier.