Như nhà ẩm thực mới tìm lại được vị giác, sau một thời gian dài gắng gượng nhai nuốt những món ăn tồi tệ, tôi bỗng được hưởng một hương vị độc đáo và thơm ngon vô cùng - mà tôi ghi lại dưới đây: Vụ án cuối cùng mà quý ông vĩ đại của sân khấu kịch Shakespeare, ngài Drury Lane đã cống hiến tất cả nỗ lực phi thường của mình.
Đây là vinh hạnh dành cho tôi dưới danh nghĩa người ghi chép thầm lặng những khám phá của ngài Lane; và chắc chắn không ai có thể nghi ngờ - trừ khi có mâu thuẫn với cá nhân Lane - sự linh hoạt đáng ngưỡng mộ trong tư duy mà ông thể hiện trong những vụ điều tra mà tôi đặt tên là Tấn Bi Kịch X, Tấn Bi Kịch Y và Tấn Bi Kịch Z. Không chỉ là vinh dự mà đây cũng là trọng trách của tôi - ghi lại lại cuộc điều tra cuối cùng của con người phi thường này, trong cuốn sách mà tôi đã đặt tên là Bi Kịch 1599, bởi một lí do sẽ được làm sáng tỏ ngay sau đây. Tôi nói đây là một ‘trọng trách’, vì Lane không chỉ làm công chúng ở thời đại mình ngưỡng mộ nhờ sự cao ngạo trong cách tư duy suốt ba vụ án đã khám phá trước đó mà còn làm họ bất ngờ và thích thú bởi những khám phá đã khẳng định tên tuổi ông như một người bảo vệ công lý xuất sắc. Bởi vậy, nếu tôi ngăn cản độc giả - những người đã kiên nhẫn, hào hứng, đầy nhiệt huyết theo sát tất cả những cuộc phiêu lưu khác của Lane - tiếp cận với vụ án đỉnh cao này, đó sẽ là một tội lỗi không thể tha thứ.
Đây chỉ là ý kiến của riêng tôi về một sự vụ kì lạ và đặc biệt bậc nhất không hề có tiền lệ trong lịch sử tội phạm học, sẽ xảy ra trong cuốn truyện này.
ELLERY QUEEN
Bộ Râu Của Joseph
Đó là một bộ râu kì cục, khác người, nhìn khá khôi hài. Được tạo hình giống một chiếc khiên cách điệu, nó được uốn cong phình ra từ phần cằm đã bị che phủ hoàn toàn xuống và phủ lên luôn cả phần cổ áo. Có nét gì đó vừa mềm mại vừa cao quý trong những lọn râu hoàn hảo đó, giống như chòm râu uy nghiêm của thần Zeus. Nhưng, vẻ đẹp thu hút mọi ánh nhìn lại không nằm ở cái phần cong phình ra hai bên ấy; mà điều kì diệu thực sự nằm ở màu sắc của bộ râu.
Đó thực sự là bộ râu của Joseph*, được nhuộm sắc đen, xanh da trời và xanh lá cây theo từng vệt cũng giống chiếc áo của Joseph mà ta thường thấy trong tranh vẽ. Phải chăng nó đã phai màu dưới ánh mặt trời rực rỡ? Hay nó nhạt màu vì những lí do bí hiểm, giả như ông đã dành hàng giờ bên bàn thí nghiệm, chải chuốt bộ râu của mình trong một chậu hóa chất? Một bộ râu như của một vị thần như thế không thể có một xuất thân tầm thường. Bộ râu đó phải được ghi vào lịch sử; dứt khoát phải cho vào viện bảo tàng để gìn giữ đến muôn đời sau.
Bây giờ thì thám tử Thumm, từng làm việc ở Sở cảnh sát New York, đã nghỉ hưu, nhưng vốn quen bận rộn, đang đắm chìm trong công việc tại phòng thám tử tư, sau bốn mươi năm quá quen thuộc với những điều bất ngờ trong xã hội loài người. Nhưng kể cả như vậy thì ông cũng phát hoảng lên, sau đó thực tâm thích thú với bộ râu phi thường trên cằm của vị khách đến vào một buổi sáng thứ Hai dịu nhẹ đầu tháng Năm. Ông chưa bao giờ nhìn thấy một bộ sưu tập gồm những sợi tơ sặc sỡ đến vậy. Thumm nhìn chằm chằm, rồi nhìn chằm chằm, như thể dù nhìn bao nhiêu lâu vẫn thấy không đủ.
Cuối cùng ngài cũng nói: “Mời ngồi,” bằng giọng nhỏ nhẹ, liếc mắt qua lịch để bàn, hi vọng nhờ một điều kì diệu nào đó, hôm nay trở thành ngày Cá tháng Tư, để ngài có thể ngồi tụt sâu vào ghế, cào nhẹ lên bộ hàm rộng của mình và nhìn vị khách kia một cách sững sờ sửng sốt.
Râu Cầu Vồng bình thản ngồi xuống, hoàn toàn thư thái. Ông ấy là một người cao gầy, thám tử Thumm quan sát - ngài không thu được thông tin gì khá khẩm hơn, bởi phần còn lại của ông ta, hệt như cái cằm, cũng được gói kỹ trong bộ trang phục cũng bí ẩn và kì quái. Ông ta vận rất nhiều lớp áo, cả cơ thể được phủ lên vài lớp vải dày cộp; nên đôi mắt tinh anh của vị thám tử chỉ phát hiện được đôi cổ tay mảnh dẻ dưới đôi tay mang găng và đôi chân lòng khòng - những dấu hiệu không che giấu được. Đôi kính mắt màu xanh biển che đi cặp mắt ông ta. Chiếc mũ phớt có vẻ bình thường, nhưng lại toát lên nét thờ ơ quyến rũ không giấu giếm khi ông bước chân vào văn phòng thám tử, che kín phần đầu và màu tóc của ông. Và ông ta ngồi đó, giống thần Zeus, im lặng hoàn toàn.
Thumm húng hắng. “Vâng?” ông cố khích lệ.
Bộ râu hơi lay động, như thể đang cười.
“Vâng? Tôi có thể giúp gì ông?”
Đột nhiên vị khách vắt chéo đôi chân mảnh khảnh, đặt bàn tay đeo găng lên đầu gối. “Hẳn ngài thực sự là thám tử Thumm, tôi đoán vậy?” một giọng nói nhừa nhựa vang lên. Thumm giật mình, như thể ông vừa nghe một bức tượng phát ra tiếng nói.
“Là tôi đây.” Thumm uể oải nói. “Còn ông là…?”
Ông ta phẩy tay. “Chuyện này không quan trọng, ngài thám tử à. vấn đề là… tôi phải nói sao nhỉ? Tôi muốn yêu cầu ngài một điều hết sức đặc biệt.”
Hẳn đó là một yêu cầu đặc biệt, vị thám tử nghĩ thầm, nếu như ông không mang bộ dạng kì quặc kia! Thumm nhanh trí giấu đi ánh mắt kinh ngạc. Bàn tay ông nhẹ nhàng gạt một chốt nhỏ dưới ngăn bàn, có tiếng vo vo khe khẽ, mà chắc chắn quý ông với bộ râu sặc sỡ kia không thể nhận ra.
“Những người ngồi trên chiếc ghế đó thường có các yêu cầu như vậy.” Thumm vui vẻ nói.
Một mẩu đầu lưỡi của ông ta nhô ra nơi cánh rừng rậm rạp trên bờ môi, rồi như thể sợ hãi bởi màu sắc kì lạ nơi đó, đã vội vàng rụt lại. “Tôi có thể nói với ngài, ngài thám tử ạ. Rằng tôi đang tìm kiếm ngài. Điều làm tôi thấy lí thú là ngài có vẻ không… à, giống một thám tử tư bình thường.”
“Chúng tôi đều cố làm khách hàng hài lòng.”
“Thực vậy. Thực vậy… À, ngài thực sự giữ mọi chuyện riêng tư chứ? Ý tôi là, bây giờ ngài không còn liên quan đến cảnh sát, phải không ngài thám tử?”
Thumm đăm đăm nhìn ông ta. “Ngài thấy đó, tôi cần phải chắc chắn. Chuyện tôi nhờ ngài cần được giữ bí mật tuyệt đối.”
“Tôi cực kì kín tiếng,” Thumm làu bàu, “tôi sẽ không nói với ai, kể cả với bạn thân nhất của tôi. Nếu đó là điều khiến ông lo lắng. Trừ phi đó là một chuyện bẩn thỉu. Tôi căm ghét lũ chuột bọ, thưa ngài. Văn phòng của Thumm không chơi đùa với lũ lừa lọc.”
“Ồ, không, không đâu,” Râu Cầu Vồng nói nhanh, “không phải những chuyện đó, tôi cam đoan. Chỉ là một chuyện nhỏ thôi… chỉ có điều hơi đặc biệt một chút, ngài thám tử ạ.”
“Nếu về chuyện vợ ông và anh bạn giai,” vị thám tử quan sát khách hàng của mình, “thì thôi nhé. Văn phòng tôi cũng không nhận mấy vụ kiểu đó.”
“Không, không đâu, ông bạn thám tử, không phải mấy vụ rắc rối gia đình đâu. Không phải mấy chuyện kiểu đó. Mọi chuyện, thực ra thì, gói gọn trong một từ thôi,” Râu Cầu Vồng nói, hơi thở nhè nhẹ lay động bụi cây nho nhỏ trên cằm mình, “tôi muốn ngài giữ một vật cho tôi.”
…
Mời các bạn đón đọc Bi Kịch Cuối Cùng của tác giả Ellery Queen.