Ngay sau khi ra đời, Những linh hồn chết của Gogol đã gây một cơn chấn động lớn trên toàn nước Nga. Rất nhanh chóng, cơn địa chấn này đã lan rộng ra nước ngoài. Theo viện sĩ B.L. Riftin, tập I tác phẩm Những linh hồn chết hoàn thành vào năm 1842, thì năm 1846, khi tái bản lần thứ 2, đã được dịch sang tiếng Đức, năm 1849 được dịch sang tiếng Tiệp. Năm 1854 xuất hiện bản dịch Những linh hồn chết bằng tiếng Anh. Tới năm 1858, cùng với thiên trường ca, tác giả Quan thanh tra đã nổi tiếng khắp châu Âu và phương Tây. Đánh giá về vai trò của Gogol đối với văn học Nga, nhà nghiên cứu I. Zolotuski khẳng định: Gogol là người đầu tiên có công đưa văn học Nga hội nhập với thế giới.
Thiên tài của Gogol là một thiên tài nhiều mặt, ít thấy ở một nhà văn. Mới hai mươi sáu tuổi, Gogol đã có những tác phẩm mẫu mực của năm loại văn rất khác nhau, tựa hồ của nhiều nhà văn khác nhau: truyện dân gian quái dị với Những đêm trong thôn gần Đikanka, tiểu thuyết sử thi hùng tráng với Tarax Bunba, truyện châm biếm hài hước với Câu chuyện về sự bất hòa giữa Ivan Ivanovits và Ivan Nikiforovits, tiểu thuyết hiện thực phê phán với Một đôi vợ chồng trang chủ kiểu xưa và Cái áo khoác, hài kịch đả kích xã hội với Quan thanh tra. Với cái thiên tài nhiều mặt, mà mặt nào cũng lớn và đang độ phát triển, dồi dào sinh lực ấy, Gogol bắt tay vào viết tác phẩm chủ yếu của đời mình, lớn hơn tất cả các tác phẩm kia: Những linh hồn chết.
Từ lúc ấy, cuộc đời của Gogol còn mười sáu năm nữa, nhưng chỉ còn có một mục đích, một công việc, một sứ mạng: hoàn thành Những linh hồn chết, phấn đấu gian lao, đau khổ khủng hoảng tinh thần, lịch sử mười sáu năm cuối của đời Gogol chính là lịch sử của Những linh hồn chết.
Ý định viết tác phẩm lớn ấy đến với Gogol, như trong Sám hối của một tác giả, văn hào viết: “Chính Puskin làm cho tôi quan niệm vấn đề một cách nghiêm túc. Từ lâu Puskin khuyến khích tôi bắt tay viết một tác phẩm lớn; Puskin bảo tôi: “- Tại sao có cái tài đoán ra chân tướng con người để chỉ phác vài nét là lẽ ra như nó sống thật, mà anh lại không bắt tay vào viết một tác phẩm lớn? Như thế thật quả là một tội lỗi!”. Để kết luận, Puskin cho tôi đề tài mà chính anh dự định viết thành một trường ca và, theo lời anh, thì không bao giờ nhường lại cho bất kỳ một ai. Đó là đề tài của Những linh hồn chết”.
Puskin từng khuyên Gogol sáng tác Những linh hồn chết thành một thiên “trường ca” - poema - Chữ “poema” đây không phải có nghĩa là một tập thơ, mà là một tiểu thuyết trường thiên có tính chất sử thi rộng lớn. Đến khi xuất bản tác phẩm, Gogol cho in lên bìa chữ “poema” to hơn tên sách.
Càng viết và càng nghĩ, Gogol càng thấy cái tầm rộng lớn của tác phẩm; vì vậy mà những cuộc phiêu lưu buồn cười của nhân vật chính Tsitsikôp hợp thành tình tiết của thiên trường ca đã được khoác một ý nghĩa biểu tượng: Tsitsikôp không phải chỉ là một tên bịp bợm đi mua nông phu chết, mà còn là Gogol đi tìm những “linh hồn sống”, nhưng chỉ gặp toàn những “linh hồn chết” - trong tiếng Nga cái từ “đusi” có cả hai nghĩa “những linh hồn” và “những nông phu”. Năm 1843, trong một bức thư Gogol viết rõ ràng: - “Quả thật có thể tin được điều người ta nói là: tất cả đều chết hết rồi, rằng ở nước Nga, những linh hồn sống đã nhường chỗ cho những linh hồn chết”.
Bởi vậy mà nhan đề của thiên trường ca trước dự định là Những cuộc phiêu lưu của Tsitsikôp (Pôkhôjdênia Tsitsikôva) với phụ đề là Những linh hồn chết (miôrtvưe đusi) phải đổi lại là Những linh hồn chết với tiêu đề Những cuộc phiêu lưu của Tsitsikôp.
Mùa hè 1841 phần thứ nhất Những linh hồn chết được hoàn thành. Tháng chín Gogol mang về nước để xuất bản. Ngày 12 tháng 11 bản thảo nộp cho Ủy ban kiểm duyệt Mạc tư khoa và dĩ nhiên là gặp ngay phải vô số khó khăn. Nhờ phu nhân Xmirnôva và mấy bạn vương công thần thế bảo trợ văn học, Những linh hồn chết mới được phép in, chỉ phải chữa lại đoạn nói về đại úy Kôpêikin.
Ngày 23 tháng 5 năm 1842, Những linh hồn chết xuất bản lần thứ nhất. Tờ Người đương thời, trong bài phê bình, đã suy tôn tác giả cuốn sách là đệ nhất văn hào Nga; quả là một danh hiệu chính đáng; từ trước Biêlinxki vẫn nói rằng Puskin sớm chết thì Gogol đã thay vào chỗ mà Puskin để lại trong văn học Nga.
Với những điều hiểu biết của một nghệ sĩ thiên tài, Gogol đã “vẽ lại cuộc đời với bộ mặt thật của nó”, và cái bộ mặt của xã hội Nga với các tầng lớp thống trị của nó thời ấy là ghê tởm; thì Gogol đã bắt các đại diện của chúng ta, “giật bộ trang phục mỹ lệ và cái mặt nạ anh hùng” của chúng, bắt chúng “đem thân cho thiên hạ mua cười”.
Chỉ với Những linh hồn chết, sự nghiệp của Gogol cũng đã xứng đáng đặt ngang hàng với sự nghiệp của một nhà văn lớn khác của thế giới: Xervantex với bộ Đông Kisôt. Thuộc thể tiểu thuyết phê phán và châm biếm phong tục, - thể tiểu thuyết Picaret theo thuật ngữ văn học, do cái từ Tây Ban Nha picarô, chỉ tên bịp bợm, mà ra, - thì Những linh hồn chết của Gogol, Đông Kisôt của Xervantex và Những di văn của câu lạc bộ Pickuych của Dickenx là ba kiệt tác đứng hàng đầu trong văn học thế giới, và so với các tác phẩm cùng thể tài châm biếm ấy thì Những linh hồn chết đậm tính chất chân thực, gần với cuộc đời hơn cả.
***
Bốn Bức Thư Của Tác Giả
{Bốn bức thư này in trong chương XVII của cuốn Trích thư từ gửi các bạn tôi xuất bản cuối năm 1846; nhưng những thư này chỉ là những lời thanh minh của tác giả, không phải là những thư gửi đi cho ai cả}
I.
Anh có tỏ ý phẫn nộ vì cái giọng quá quắt của một số lời chỉ trích Những linh hồn chết. Tôi thấy như thế không được đúng: việc đó cũng có mặt tốt: đôi khi cũng cần có người phỉ báng mình. Người nào đã mê say với những cái đẹp rồi thì không thấy được những cái xấu, cho nên cái gì cũng dung thứ cả; ngược lại người nào đã muốn dèm pha thì cố tìm cho ra những cái xấu của anh và nêu rõ cái xấu đó lên đến nỗi buộc lòng anh phải thấy. Người ta ít khi có dịp nghe sự thật lắm; cho nên chỉ cần được một phần nhỏ sự thật thôi, người ta cũng đã có thể dung thứ cái giọng phỉ báng của kẻ lên tiếng nói sự thật. Những lời phê phán của Bungarin Xenlôpxki, Pôlêvôi có nhiều cái đúng, kể cả lời họ khuyên tôi nên học tiếng Nga trước khi có tham vọng viết lách {Những linh hồn chết phần thứ nhất, ra đời năm 1842, bị những nhà phê bình lạc hậu và phản động ghen ghét la ó. Trong tờ Tín sứ Nga, nhà phê bình lãng mạn chủ nghĩa N.A Pôlêvôi cho rằng Những linh hồn chết chỉ là một bức biếm họa, không thể xem là nghệ thuật được và tác giả chưa biết viết văn, còn mắc nhiều lỗi ngữ pháp; Pôlêvôi viết: “- Hãy gác sang một bên những cảm hứng bồng bột của anh mà đi học tiếng Nga đi!”. Có người chế giễu chữ poema ở bìa sách và suy diễn ra, gọi cả những sách giáo khoa vật lý học và sách dạy làm vườn là poema. Nhưng những lối phê bình ấy làm cho quần chúng chân chính rất căm phẫn}. Quả nhiên, giá tôi giữ bản thảo trong ngăn kéo thêm một năm nữa, chứ đừng vội vã cho in; thì chính bản thân tôi cũng đã thấy rằng không thể nào đem nó ra mà xuất bản dưới một hình thức kém cỏi như vậy. Tuy những bài thơ châm biếm và những lời chế giễu lúc đầu có làm cho tôi khó chịu thật; nhưng vẫn rất bổ ích cho tôi. Ôi! Những lời dèm pha liên miên ấy, cái giọng phỉ báng và những lời chế giễu cay cú ấy, thật có lợi cho ta không biết bao nhiêu mà kể! Trong thâm tâm ta thường giấu nhiều tự ái ti tiện, nhiều tham vọng xấu xa, đến nỗi ta cần phải luôn luôn bị châm chích, đánh đập bằng đủ mọi thứ khí giới; và phải cảm ơn bàn tay đã đánh ta.
Tôi những mong được phê phán nhiều hơn nữa, nhưng lại muốn rằng người phê phán không phải là những người làm văn học, mà là những người có kinh nghiệm về thực tế. Tiếc thay, ngoài những người làm văn học, không có một bộ óc thực tiễn nào lên tiếng cả. Tuy nhiên Những linh hồn chết cũng đã gây nên lắm xôn xao bàn tán, lắm lời đồn đại, đã xúc phạm đến lòng tự ái của khá nhiều người vì lối giễu cợt, vì tính xác thực, vì lối biếm họa. Tuy đầy rẫy những sự lầm lẫn, sai lệch hiển nhiên; nó cũng đả động đến một tình hình mà ai nấy đều được chứng kiến hàng ngày. Tôi lại còn xen vào đấy một số đoạn có tính chất khiêu khích, hy vọng rằng sẽ có người lên tiếng quát mắng tôi và trong cơn phẫn nộ, sẽ vô tình mách cho tôi biết cái sự thực mà tôi đang tìm kiếm. Tại sao chưa có ai lên tiếng cả? Ai ai cũng đều có thể làm việc đó, và có đủ cơ sở để làm việc đó. Người viên chức có thể công khai chứng minh cho tôi thấy rằng câu chuyện tôi kể là không xác thực, bằng cách kể ra vài ba sự kiện có thật đã xảy ra và như vậy là đã đưa ra một lời cải chính hùng hồn hơn bất cứ lời biện luận nào. Vả chăng, cũng bằng cách ấy, người kia cũng lại có thể xác nhận thêm những lời miêu tả của tôi. Việc dẫn sự kiện có sức thuyết phục hơn là những lời lẽ rỗng tuếch và những bài luận văn về văn học. Nhà buôn, trang chủ, nói tóm lại là bất cứ ai biết cầm bút, cũng đều có quyền làm như vậy; dù người ấy chỉ sống quanh quẩn trong nhà hay vẫn thường đi đây đó khắp đất nước Nga. Ngoài ý kiến cá nhân của mình ra, bất cứ người nào, dù giữ chức vụ gì, ở địa vị xã hội nào, nghề nghiệp, học vấn ra sao, cũng đều có dịp quan sát sự việc trên một quan điểm riêng. Với đề tài của Những linh hồn chết, lẽ ra quần chúng độc giả có thể viết nên một cuốn sách hay hơn Những linh hồn chết không biết bao nhiêu mà kể; một cuốn sách có thể dạy nhiều điều, không những cho tôi, mà ngay cho các bạn đọc nữa; bởi vì giấu giếm mà làm gì, chúng ta đều biết nước Nga rất ít.
Chao ôi! Tại sao không có ai công khai lên tiếng! Thật có thể tưởng chừng như mọi vật đều đã chết; và ở nước Nga, những linh hồn sống đã nhường chỗ cho Những linh hồn chết! Thế mà người ta lại trách tôi không biết rõ nước Nga! Làm như thể do một phép lạ của Đức chúa Thánh thần tôi nhất thiết phải biết rõ tất cả những sự việc xảy ra ở bất cứ xó xỉnh nào; phải học cho kỳ hết, không cần ai chỉ dẫn cả. Tôi làm thế nào mà học hỏi được! Thử nghĩ một nhà văn như tôi, vì nghề nghiệp phải ngồi ru rú ở nhà, sống cuộc đời khổ hạnh, lại thêm bệnh tật nữa và buộc lòng phải sống xa nước Nga; thì còn học hỏi làm sao được? Tôi không thể học hỏi các nhà văn hay các nhà báo, vì họ cũng sống cô độc và quanh quẩn trong phòng giấy. Nhà văn chỉ có một người thầy: bạn đọc. Thế nhưng những bạn đọc ấy đã từ chối, không chịu dạy dỗ tôi. Tôi biết rằng tôi sẽ phải chịu trước Thượng đế một trách nhiệm ghê gớm vì đã không làm tròn bổn phận; nhưng tôi lại biết rằng những người khác cũng sẽ phải chịu một trách nhiệm như thế. Và đây không phải là những lời nói suông: có Thượng đế chứng giám cho tôi, đây không phải là những lời nói suông.
1843
II.
Tôi đã cảm thấy từ trước là những đoạn mạn đàm trữ tình trong thiên trường ca của tôi sẽ bị hiểu sai. Những đoạn ấy thiếu minh xác, ít ăn nhập với tình tiết và phong cách của cuốn truyện, đến nỗi khiến cho những người công kích tôi, cũng như những người bênh vực tôi, đều bị lầm. Người ta đã tưởng lầm rằng tất cả những đoạn nói về nhà văn nói chung, đều nhằm nói về tôi cả; tôi đã lấy làm xấu hổ khi thấy họ giải thích những đoạn ấy để bênh vực tôi. Chẳng qua, cũng đáng kiếp cho tôi! Lẽ ra, dù sao tôi cũng không nên cho xuất bản một tác phẩm tuy cắt khéo, nhưng khâu thì lại vụng, bằng chỉ trắng lên vải đen; như một bộ áo quần mà người thợ may vừa lược chỉ qua để thử. Tôi lấy làm lạ sao người ta ít có lời chê trách tôi về nghệ thuật và nghiệp vụ như vậy. Âu cũng tại những người phê phán tôi quá phẫn nộ, mà cũng tại họ không đủ sức khảo sát cách cấu tạo của một tác phẩm. Lẽ ra phải nêu rõ phần nào có vẻ dài một cách quái gở so với các phần khác; ở chỗ nào nhà văn đã tự phản mình, vì không nhất quán dùng cái giọng mà mình đã chọn từ đầu. Thậm chí cũng không có ai nhận thấy phần thứ hai của cuốn sách không được gọt giũa bằng phần đầu; nó chứa đựng những chỗ hổng lớn; những nét thứ yếu được khai triển quá mức, choán hết chỗ của những nét chính; các chương quá khác nhau, làm cho cuốn sách có tính chất vá víu, khiến người đọc không thấy tinh thần chung của nó. Nói tóm lại, lẽ ra nhà phê bình có thể có những lời phê phán sáng suốt và chính xác hơn, chê trách tôi nhiều hơn và một cách đích đáng hơn không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ ấy. Đây tôi muốn nói đến cái đoạn mạn văn trữ tình đã bị các nhà báo công kích nhiều hơn cả, vì họ thấy nó biểu lộ một sự kiêu ngạo, một lòng tự mãn {Biêlinxki phê bình Những linh hồn chết, phần thứ nhất, ngay khi sách mới xuất bản, trong tạp chí Niên san của Tổ quốc, ca tụng khả năng hiện thực chủ nghĩa và tâm hồn nhiệt thành của tác giả: nhưng cho rằng tác phẩm có những đoạn tỏ lòng yêu nước quá huênh hoang}, một lối khoác lác xưa nay chưa từng thấy ở một nhà văn nào. Đó là đoạn mạn văn ở chương cuối: sau khi tả Tsitsikôp ra đi, tác giả bỏ nhân vật của mình ở giữa đường thiên lý, thay mình vào chỗ đó và ngạc nhiên trước vẻ đơn điệu chán ngắt của sự vật, trước khoảng không gian bao la hoang vắng và tiếng hát ai oán từ dải đất Nga vang lên suốt từ biển này sang biển kia; trong một phút cảm khái, đã lên tiếng hỏi bản thân nước Nga, van xin nước Nga cắt nghĩa mối cảm xúc khó hiểu đang làm lòng mình thắt lại: tại sao cứ có cảm giác như tất cả mọi sinh linh, mọi sự vật trong nước Nga đều như đang nhìn mình đăm đăm và chờ đợi ở mình một cái gì? Người ta đã thấy trong những lời lẽ đó bằng chứng của kiêu ngạo, một sự huênh hoang không tiền khoáng hậu; nhưng thật ra đây không phải là huênh hoang, cũng chẳng phải là kiêu ngạo, mà chỉ là sự diễn đạt một cách vụng về của một tình cảm chân thành. Ngay giờ phút này, tôi vẫn còn cảm thấy ấn tượng đó. Tôi không sao chịu đựng nổi những âm thanh ai oán, não lòng của một bài ca Nga khi nó rung lên trong không gian vô tận của thôn quê ta. Những âm thanh ấy ám ảnh tâm hồn tôi. Thậm chí tôi còn lấy làm lạ sao mỗi một người trong chúng ta lại không biết đến cái cảm giác đó. Ai là người trông thấy những không gian vắng lặng, lạnh lẽo ấy mà không thấy lòng mình se lại; ai là người trong những âm thanh thê thiết của bài dân ca Nga, không nhận thấy những lời trách móc đau xót đối với bản thân mình - tôi nói rõ: đối với bản thân mình - thì người ấy đã làm xong bổn phận của mình một cách trọn vẹn, trừ phi không có một tâm hồn Nga.
Sự vật như thế nào, ta hãy cứ nhìn nhận nó như thế. Gần một trăm năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Hoàng đế Piôtr đệ nhất mở mắt ra cho chúng ta, dắt dìu chúng ta bước lên con đường văn hóa Âu châu, và đặt vào tay chúng ta đủ mọi phương tiện hành động: thế nhưng nông thôn của ta vẫn buồn tẻ và hoang vắng như xưa. Quanh ta mọi vật đều có vẻ ghẻ lạnh, thù địch; tưởng chừng chúng ta chưa phải đang ở trong nhà mình, mà chỉ là đang cắm trại trên đường trường; tưởng chừng đối với ta, nước Nga không phải là một nơi trú ẩn ấm áp, thân tình, mà là một ngôi trạm phủ tuyết lạnh ngắt; ở đấy chỉ thấy hiện ra một gã coi trạm lãnh đạm buông thõng một câu trả lời gắt gao: “- Không có ngựa!”. Tại sao lại như thế? Lỗi tại ai? Tại chính phủ hay tại ta? Nhưng chính phủ vẫn hoạt động không ngừng: chứng cớ là những tập quy chế, chỉ thị, sắc lệnh dày cộm, cái số khổng lồ những tòa nhà đã xây, những cuốn sách đã xuất bản; những thiết chế đủ loại, giáo dục có, từ thiện có, bác ái có; không kể những thiết chế mà ở nước ngoài không thấy chính phủ nào lập ra. Từ trên có những câu hỏi đưa xuống, ở dưới có những lời giải đáp đưa lên. Đôi khi ở trên đưa xuống những câu hỏi chứng tỏ sự đại lượng của một vài nhà vua đã dám hy sinh cả quyền lợi bản thân. Thế mà ở dưới đã trả lời ra sao? Tất cả đều tùy ở cách thức, ở nghệ thuật ứng dụng một tư tưởng sao cho nó thành hiện thực và đi hẳn vào đời sống. Một đạo dụ, dù nội dung có hay ho, dù lời lẽ có chính xác bao nhiêu chăng nữa, cũng vẫn chỉ là một tờ giấy không hồn; nếu ở dưới không tỏ ra có ý muốn đem ứng dụng nó theo một cách thức thích đáng, theo cái cách thức mà chỉ có người nào quan niệm sự công bằng dưới ánh sáng của Thượng đế, chứ không phải dưới ánh sáng của con người, mới tìm ra được. Nếu không, tất cả sẽ thành ra có hại. Chứng cớ là những tay gian lận và ăn hối lộ tinh ma của chúng ta vốn biết cách xoay xở với tất cả các quy chế; một đạo dụ mới đối với họ là một nguồn thu hoạch mới, một phương tiện mới để làm cho sự giải quyết công việc rối ren thêm, để thọc thêm một gậy vào bánh xe.
Nói tóm lại, nhìn về đâu tôi cũng thấy rằng thủ phạm chính là những kẻ có bổn phận thi hành pháp luật. Có người vì quá ước ao danh vọng và huân chương, mà đâm ra hấp tấp. Lại có người vì muốn tỏ ra nhiệt thành và tận tụy - một thói xấu rất Nga, - mà cứ đâm đầu vào công việc, không chịu khó nghiên cứu, những tưởng mình có thể điều khiển công việc một cách thành thạo; nhưng hễ thất bại một lần là nản chí ngay, và sau đó, - cũng một thói xấu không kém tính chất Nga, - lập tức thờ ơ với công việc. Lại có người, khi lòng tự ái nhỏ nhen của mình bị tổn thương, liền để lọt vào tay một tên trùm bịp bợm cái cương vị mà ở đấy mình đã bắt đầu phấn đấu cho chính nghĩa. Nói tóm lại, trong chúng ta, ít có người biết yêu cái thiện đến mức có thể vì việc thiện mà hy sinh tham vọng, tự ái cùng tất cả những cái nhỏ nhen của một lòng vị kỷ dễ đâm ra cay cú đến mức có thể khép mình vào một luật lệ bất di bất dịch là phụng sự đất nước, chứ không phải phụng sự bản thân mình; luôn luôn nhớ rằng mình ở cương vị là để mưu cầu hạnh phúc cho người khác, chứ không phải cho bản thân. Ngược lại từ ít lâu nay người Nga chúng ta tuồng như có dụng tâm muốn phô trương tính vị kỷ và dễ chạnh lòng của mình ra.
Không biết trong chúng ta liệu có những người mà sau khi làm tròn nhiệm vụ mình rồi, có thể đứng trước toàn thể thiên hạ tuyên bố rằng mình không có lỗi gì đối với nước Nga hết; rằng khắp những khoảng đồng không mông quạnh của đất nước này, không có cái gì có thể coi như một lời trách móc đối với mình cả; rằng mọi vật đều hài lòng về mình và không còn mong chờ gì hơn nữa không? Tôi không biết số người có thể làm như vậy có nhiều không. Tôi chỉ biết rằng riêng tôi, tôi đã nghe thấy lời trách móc thầm lặng đó. Giờ đây, nó vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Sự nghiệp văn chương của tôi có hèn kém thật, nhưng lẽ ra dù sao nó cũng có thể giúp tôi là một việc có ích hơn. Tuy lòng tôi xưa nay vẫn ấp ủ khát vọng làm điều thiện và chỉ vì khát vọng đó mà tôi cầm bút; những cái đó phỏng có gì quan trọng đâu! Tôi đã làm tròn nhiệm vụ ấy như thế nào? Chẳng hạn, cuốn sách vừa rồi của tôi, nhan đề Những linh hồn chết, liệu có gây được cái ấn tượng mà lẽ ra nó phải gây nên; nếu nó được viết cho đúng với yêu cầu không? Vì không biết diễn đạt những ý nghĩ của chính mình; tuy đó là những ý nghĩ khá giản đơn, tôi đã làm cho nó bị hiểu sai, và lại hiểu sai theo một hướng có phần tai hại. Lỗi tại ai đây? Tôi có nên viện cớ là đã nghe theo những thị hiếu xốc nổi của những kẻ tài tử ưa chuộng những phong cách hào nhoáng và trống rỗng không? Tôi có nên đổ lỗi cho hoàn cảnh và tuyên bố rằng vì cần kiếm kế sinh nhai mà phải cho in vội, in vàng tác phẩm của mình không? Không. Ai là người đã từng quyết chí làm tròn nhiệm vụ một cách trung thực thì không thể để cho hoàn cảnh chi phối mình được; nếu cần, thà ngửa tay ra ăn xin, chứ quyết không nhượng bộ trước những lời chê trách hời hợt hay những ước lệ giả dối của xã hội được. Người nào đã vì muốn tuân theo những ước lệ giả dối đó mà làm hỏng một tác phẩm có ích cho nước nhà, thì người đó không phải là người yêu nước. Chính vì tôi đã cảm biết được cái tính nhu nhược đáng hổ thẹn của tôi, cái tính hèn nhát đáng khinh của tôi, nỗi bất lực của lòng yêu nước của tôi; cho nên tôi mới nghe thấu được lời trách móc đau xót mà tất cả những sự vật đang ở trong nưóc Nga đã lên tiếng nói với tôi. Nhưng một sức mạnh cao cả đã nâng tôi dậy; không có lỗi lầm nào không bổ cứu được; và tuy lúc đầu tôi đã chán nản trước cảnh tượng những không gian hoang vắng, về sau chính cảnh tượng ấy đã làm cho tôi đầy nhiệt tình: tôi đã thấy khoảng không vô tận ấy là một môi trường hoạt động tuyệt vời. Và tự đáy lòng tôi đã thốt lên lời kêu gọi đất nước Nga: “- Chẳng phải Ngươi vốn có sứ mệnh sinh ra những bậc anh hùng đó sao? Ngươi hiến cho họ biết bao nhiêu là không gian để xây dựng sự nghiệp!”
Đó không phải là một câu văn viết cho kêu để lòe người, cũng không phải là một lời huênh hoang. Không: lời kêu gọi đó tôi thốt ra tự đáy lòng, và đến nay lòng tôi vẫn còn rung cảm vì nó. Giờ đây, sống ở nước Nga bất cứ lúc nào người ta cũng có thể trở thành một bậc anh hùng. Mỗi địa vị, mỗi chức vụ đều đòi hỏi bản lĩnh anh hùng. Mỗi người trong chúng ta đã làm ô uế tính chất thiêng liêng của địa vị và chức vụ của mình (tất cả mọi chức vụ đều thiêng liêng), đến nỗi phải có những sự cố gắng anh dũng mới đưa được địa vị và chức vụ trở lại trạng thái cao cả thích đáng. Trực giác tôi đã cảm thấy được sự nghiệp cao quý ấy, sự nghiệp ngày nay chỉ dành cho dân tộc Nga mà thôi; vì chỉ có dân tộc Nga biết được chủ nghĩa anh hùng và thấy trải ra trước mắt mình những khoảng không vô tận như vậy. Chính vì thế mà tôi đã thốt lên lời than kia, lời than mà người ta đã tưởng lầm là một biểu hiện của tính kiêu ngạo, một lời huênh hoang.
1843
III.
Tôi lấy làm lạ rằng một người am hiểu lòng người như anh mà lại có thể đi hỏi tôi những câu ngớ ngẩn chẳng khác gì những người khác. Phần lớn những câu hỏi ấy đều liên quan đến phần sau này của bộ sách: tò mò như vậy mà làm gì? Chỉ có mỗi một câu hỏi thật là tế nhị và xứng đáng với anh; và tuy cũng chưa dám chắc là có thể trả lời một cách thỏa đáng, tôi vẫn ước ao rằng có những người khác cũng hỏi tôi câu đó. Cụ thể là: tại sao những nhân vật trong các tác phẩm gần đây của tôi, nhất là trong Những linh hồn chết, tuy không phải là những bức chân dung của người thật, lại cũng chẳng có gì hấp dẫn cho lắm, mà sao vẫn có vẻ thân thuộc, gần gũi với chúng ta; tưởng như có thể tìm thấy ở các nhân vật đó những nét riêng của bản thân mình? Mới năm ngoái đây thôi, giá có ai hỏi như vậy, dù người đó là anh đi nữa, thì tôi sẽ lúng túng, khó trả lời. Nhưng bây giờ thì tôi xin thú hết: sở dĩ các nhân vật của tôi gần gũi với lòng người là vì chúng ở lòng người mà ra; tất cả những tác phẩm gần đây của tôi đều là lịch sử của tâm hồn tôi. Để anh hiểu rõ hơn những điều này, tôi xin giãi bày để anh rõ tôi là nhà văn như thế nào. Người ta đã bình luận về tôi khá nhiều: người ta đã xác định một số khía cạnh trong tài năng của tôi, nhưng vẫn chưa nhận ra nét căn bản của nó. Puskin là người duy nhất đã nhận thấy nét đó. Puskin vẫn nói với tôi rằng chưa có nhà văn nào có được đến mức như tôi, cái năng khiếu làm hiện rõ sự nhạt nhẽo của cuộc đời, làm cho sự tầm thường dung tục nổi lên, sắc sảo đến nỗi những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng đập ngay vào mắt người ta. Đó chính là cái khả năng thiên bẩm trội nhất của tôi, cái khả năng mà quả nhiên không còn nhà văn nào có. Tôi bẩm sinh đã có khả năng đó, và sau một cơn khủng hoảng tinh thần, nó lại càng phát triển thêm. Và đó chính là điều mà dạo ấy tôi chưa thể thú nhận, dù là với Puskin cũng vậy.
Trong Những linh hồn chết, khả năng đó còn thể hiện một cách mạnh mẽ hơn nữa. Sở dĩ Những linh hồn chết đã làm cho nước Nga hoảng sợ và đã gây nên nhiều tiếng xôn xao như vậy, không phải là vì nó phát hiện những ung nhọt hay những bệnh tật ở bên trong; đó không phải là vì nó bày ra cái cảnh đắc thắng của sự xấu xa và cái cảnh những người vô tội bị áp bức, khiến người ta sửng sốt. Không, các nhân vật của tôi không phải là những kẻ vô lại. Tôi chỉ cần thêm một nét dễ ưa vào một trong các nhân vật đó là bạn đọc sẽ vừa lòng với tất cả các nhân vật khác; nhưng vẻ tầm thường dung tục của toàn thể khiến bạn đọc ghê tởm. Các nhân vật của tôi nối đuôi nhau xuất hiện, nhân vật này lại tầm thường hơn nhân vật kia; và độc giả hoài công đi tìm một đoạn có thể an ủi mình, một nơi có thể dừng lại để thở; gấp sách lại, bạn đọc tưởng như vừa từ cái hầm ngột ngạt bước ra để trở lại với ánh mặt trời. Giá đó là những tên gian phi có lắm màu, lắm vẻ đẹp mắt, thì hẳn người ta đã bỏ quá cho tôi; đằng này lại là những kẻ rất mực tầm thường, nên người ta không dung thứ được. Sự vô nghĩa lý của người Nga đã làm cho bạn đọc hoảng sợ hơn là những thói hư tật xấu của họ. Đáng khen thay nỗi kinh hoàng đó! Đã thấy ghê tởm như vậy trước sự đê tiện, hẳn phải có những đức tính trái ngược với sự đê tiện. Vậy thì cái khả năng trội nhất của tôi chính là ở chỗ đó; và xin nhắc lại rằng cái khả năng ấy lẽ ra không phát triển mạnh như vậy nếu tâm trạng của tôi và quá trình diễn biến tinh thần của tôi không góp sức vào đấy. Trong các bạn đọc của tôi, không có ai biết rằng trong khi cười các nhân vật của tôi, họ cũng cười cả chính bản thân tôi đó.
Tôi không có một tật xấu, một đức tính nào đủ mạnh để chế ngự các tật xấu, các đức tính khác; ngược lại, tất cả những tính xấu mỗi cái một tí, đều họp nhau trong con người tôi; tôi chưa từng thấy ai tập họp nhiều tính xấu như thế. Thượng đế đã phú cho tôi một bản tính rất phức tạp. Người đã cho tôi một vài đức tính; đức tính đẹp nhất mà tôi không biết làm thế nào để tạ ơn người, là ước vọng tu thân. Tôi chưa bao giờ thích thú với những thói xấu của mình và cũng may mà Thượng đế chí nhân đã cho tôi phát hiện dần từng thói xấu một chứ không phải đột nhiên khám phá ra tất cả một lúc, trong khi tôi chưa quan niệm được lòng từ bi vô cùng vô tận của Người; nếu không thì chắc chắn tôi đã treo cổ mà chết cho rồi. Trong khi tôi dần dần phát hiện ra những tính xấu của mình, thì một sự xui khiến kỳ diệu của bề trên làm cho tôi tăng thêm ý muốn trút bỏ những tính xấu đó đi; một cơn khủng hoảng tinh thần kỳ dị đã thúc đẩy tôi chuyển những tính xấu đó cho các nhân vật của tôi. Cơn khủng hoảng đó cụ thể ra sao thì anh cũng không nên biết làm gì; ví thử điều đó có chút gì bổ ích cho bất cứ ai, thì tôi đã nói ra từ lâu rồi. Từ dạo ấy, tôi bắt đầu lấy những tính xấu của tôi thêm vào các tính xấu của nhân vật. Tôi làm như thế này: tôi lấy tính xấu của tôi gán cho một người nào mà cương vị và chức vụ khác tôi, rồi theo dõi tác dụng của nó trong người ấy; tôi cố gắng hình dung người đó là một kẻ thù không đội trời chung của tôi, đã từng lăng nhục tôi một cách tàn tệ; tôi hằn học, chế nhạo, dè bỉu hắn. Giá có ai trông thấy những quái vật mà ngòi bút tôi đã vẽ ra lúc đầu, người đó hẳn phải rùng mình, sởn gáy. Tôi chỉ xin nói với anh rằng khi nghe tôi đọc những chương đầu của Những linh hồn chết dưới dạng thức nguyên sơ, thì Puskin, - tính vốn hay cười xưa nay và bao giờ cũng vui lên khi nghe tôi đọc, - lần này lại cau mặt, mỗi lúc một thêm ủ dột. Khi tôi đọc xong, Puskin thốt lên, giọng thảm đạm: “Trời ơi, nước Nga của chúng ta thật buồn quá!”
…
Mời các bạn đón đọc Những Linh Hồn Chết của tác giả Nikolai Vasilyevich Gogol.