Chưa bao giờ trong lịch sử, ý tưởng lại có giá trị và cần thiết như bây giờ.
Đó là bởi, ý tưởng mới cũng như những bánh xe của sự vận động. Không có ý tưởng, sự trì trệ sẽ thống trị. Hơn nữa, hệ thống máy tính thông minh đã làm thay bạn đa phần những công việc thường nhật, nhờ vậy, bạn được rảnh tay, và thực tế là bạn được yêu cầu làm công việc sáng tạo mà các hệ thống đó không thể làm. Mặt khác, thời đại của chúng ta tràn ngập thông tin đến mức nhiều khi ta cảm thấy bội thực. Thế giới luôn đòi hỏi những luồng ý tưởng mới để có thể vươn lên xứng với tầm cỡ và vận mệnh của mình. Bởi thế, thật hoài phí nếu bạn không biết cách sử dụng nguồn tài sản thông tin này để sáng tạo ra những ý tưởng như vậy.
***
“Albert Einstein nói ý tưởng tuyệt vời nhất đến khi ông đang cạo râu,” Jack Foster đã viết như vậy trong cuốn sách Một nửa của 13 là 8. Đọc đến đây, bạn sẽ làm gì? Rất có thể, bạn sẽ đặt cuốn sách xuống và đi cạo râu để thử xem liệu có ý tưởng nào nảy sinh không. Nhưng bạn sẽ không muốn đặt cuốn sách xuống thêm lần nào nữa. Bởi những gì Jack Foster viết trong cuốn sách này hết sức thú vị và lôi cuốn.
Ít nhất một lần trong đời, bạn từng băn khoăn: tại sao có người nghĩ được rất nhiều ý tưởng, trong khi mình không thể nghĩ được gì; và liệu có phải có những bí kíp bí truyền, độc nhất để có được tư duy sáng tạo hay không. Cuốn sách của Jack Foster trả lời những câu hỏi đó. Jack Foster cho rằng, lý do để trí sáng tạo của ta ngày càng hao mòn là do hầu hết chúng ta đều làm theo cách thức cũ và suy nghĩ theo lối mòn. Thực chất, bất kỳ ai, bất kể tuổi tác hay màu da nào, bất kể làm công việc gì, đều có thể sáng tạo nhiều ý tưởng hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn. Điều cốt yếu là ta phải nhận ra những lối tư duy, những phong cách sống vô ích cho sự sáng tạo, để rồi phá bỏ chúng bằng các mẹo nhỏ dễ thực hiện và những bài tập đầy hứng thú.
Thông qua cách viết ngắn gọn, dễ hiểu và dí dỏm của Jack Foster, bạn sẽ biết cách đánh thức đứa trẻ trong tâm hồn bạn, trở nên hài hước, vui vẻ hơn; xem lại cách tư duy, học cách hòa trộn các ý tưởng khác nhau, và chiến thắng nỗi sợ bị từ chối.
Chỉ mất một hoặc hai tiếng để đọc xong cuốn sách, nhưng bạn sẽ được lợi từ các lời khuyên của Foster cho đến hết cuộc đời.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới bạn cuốn sách nhỏ hữu ích này.
Hà Nội, tháng 1 năm 2012
***
Trong bảy năm, tôi tham gia giảng dạy một khóa học 16 tuần về quảng cáo tại trường Đại học Nam California. Khóa học được Hiệp hội quảng cáo Hoa Kỳ (American Association of Advertising Agencies ‒ AAAA) tài trợ với mục đích đem lại cho lớp trẻ trong lĩnh vực quảng cáo cái nhìn tổng quan về nghề nghiệp họ đã lựa chọn.
Trong khóa học có một người giảng về quản trị khách hàng, một người giảng về truyền thông và nghiên cứu thị trường, còn tôi giảng về quảng cáo.
Tôi giảng về quảng cáo báo in và quảng cáo truyền hình, về thư chào hàng và quảng cáo ngoài trời, về cách tạo một tiêu đề hấp dẫn và một nội dung quảng cáo thuyết phục, cách sử dụng nhạc và giai điệu quảng cáo, về quảng cáo hướng dẫn sử dụng sản phẩm và quảng cáo người thực việc thực, những lợi ích và lựa chọn loại hình quảng cáo cũng như khách hàng mục tiêu, thăm dò chất lượng quảng cáo, tiểu đề mục, chiến thuật và mồi nhử, phiếu giảm giá và tờ bướm, cả về phân đoạn thị trường và nhiều chuyên mục khác.
Vào cuối năm đầu tiên, tôi hỏi những người tốt nghiệp xem mình có bỏ qua điều gì trong quá trình giảng dạy không.
“Ý tưởng,” họ trả lời. “Thầy đã dạy rằng quảng cáo báo in hay quảng cáo truyền hình đều nên xuất phát từ ý tưởng,” một người nói, “nhưng thầy chưa từng nói ý tưởng là gì và làm sao để có ý tưởng.”
Ra vậy.
Thế là trong sáu năm sau đó, tôi cố gắng giảng về ý tưởng và làm sao để tìm ra ý tưởng. Không chỉ ý tưởng quảng cáo mà tất cả các loại ý tưởng.
Xét cho cùng, chỉ có một số ít học viên tôi dạy phụ trách việc tìm kiếm ý tưởng quảng cáo báo in và truyền hình; đa số là phụ trách khách hàng, tổ chức sự kiện, và nghiên cứu thị trường, chứ không phải người viết quảng cáo hay đạo diễn nghệ thuật. Nhưng tất cả bọn họ, cũng như bạn và tất thảy những người làm kinh doanh, viên chức nhà nước, người dạy học hay nội trợ, dù mới vỡ lòng hay dày dạn kinh nghiệm đều cần biết cách tìm ra ý tưởng.
Tại sao vậy?
Trước hết, ý tưởng mới cũng như những bánh xe của sự vận động. Không có ý tưởng, sự trì trệ sẽ thống trị. Dù bạn là nhà thiết kế mơ ước về một thế giới khác, một kỹ sư miệt mài với công trình mới, một giám đốc phụ trách phát triển mô hình kinh doanh mới, một nhà quảng cáo tìm bước đột phá để tiêu thụ sản phẩm, một giáo viên lớp Một tìm cách chuẩn bị chương trình hội trường thật đặc sắc, hay một tình nguyện viên tìm cách bán vé số thì để thành công, khả năng sáng tạo ý tưởng hay là vô cùng quan trọng.
Hơn nữa, hệ thống máy tính đã làm thay bạn đa phần những công việc thường nhật, nhờ đó (ít nhất là về mặt lý thuyết) bạn được rảnh tay, và thực tế là bạn được yêu cầu làm công việc sáng tạo mà các hệ thống đó không thể làm.
Thứ ba, thời đại của chúng ta tràn ngập thông tin đến mức nhiều khi ta cảm thấy bội thực. Thế giới luôn đòi hỏi những luồng ý tưởng mới để có thể vươn lên xứng với tầm cỡ và vận mệnh của mình. Đó là vì giá trị thực của thông tin, ngoài việc giúp bạn hiểu vấn đề rõ hơn, chỉ được biết đến khi nó được kết hợp với những thông tin khác, hình thành nên những ý tưởng mới để giải quyết các vấn đề và giúp đỡ con người, giúp tiết kiệm, sửa chữa hay sáng tạo ra đồ vật, những ý tưởng khiến mọi thứ tốt hơn, rẻ và hữu ích hơn, những ý tưởng giúp khai sáng, tiếp sức, truyền cảm hứng, đem lại sự táo bạo cho con người.
Thật phí hoài nếu bạn không sử dụng nguồn tài sản thông tin này để sáng tạo ra những ý tưởng như vậy.
Tóm lại, chưa bao giờ trong lịch sử, ý tưởng lại có giá trị và cần thiết như bây giờ.
Trong lần xuất bản đầu tiên, cuốn sách này có hầu hết những gì tôi giảng cho sinh viên về ý tưởng.
Mời các bạn đón đọc Một Nửa của 13 là 8 của tác giả Jack Foster.