Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Trúng Số Độc Đắc - Vũ Trọng Phụng

Trúng số độc đắc là một biến cố, thường đem đến cho con người những thay đổi thật lạ lùng. Cái ngày trúng số như chia cuộc đời con người gặp may ra hai phần, mà bao nhiêu thứ đều trái ngược nhau đến mức bi đát. Trúng số độc đắc đã vẽ lại con đường rất biện chứng, biến một anh ký viết ra một tay cự phú, với các hoàn cảnh gia đình, xã hội vây quanh anh ta.

Thất nghiệp, Nguyễn Văn Phúc bị vợ sỉ vả đủ thứ. Bố mẹ thì nói ra, nói vào, chửa Phúc là ăn hại, đái nát, vô tích sự, gàn dở, không đáng bưng bát cơm lên mà ăn. Nhẫn nhục đi xin một chân thư ký hãng buôn thì lão chủ Tây ném đơn xuống đất…

Chưa đầy nửa tháng, nghe tin Phúc trúng số mọi thứ đều thay đổi. Gia đình thì thấy anh Phúc biến ra đại quý, còn người đời thì cung kính vô cùng. Cái số độc đắc không chỉ sinh ra hài kịch gia đình mà còn làm nổ ra những bi kịch ghê gớm. Nhân tình thế thái, thì ra cái số độc đắc là giọt rượu quý để ma lực làm cho nó đỏ hay xanh trước mắt người đời.

Viết Trúng số độc đắc, Vũ Trọng Phụng đã tập trung tất cả bút lực để theo dõi, phân tích, mô tả những thay đổi trong đời và trong lòng của chỉ một nhân vật. Ông có cái nhìn rất sáng suốt, tính nhậy cảm thật tinh tế, không những trông thấy những tình cảm được biểu lộ mà cả những ý muốn sơ phát còn tiềm tàng, những ký ức bị quên đi bỗng hiện về, những cảm giác từ lâu sống dậy.

Với cuốn tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng lên án thế gian và người đời nghiêm khác, thế nhưng giọng kể chuyện, tả cảnh, tả tình cứ hồn nhiên, vui vẻ và có dịp là không quên hài hước.

Đây là tác phẩm cuối đời của Vũ Trọng Phụng, tác phẩm tuyệt mệnh này thực sự là một tuyệt tác về nhiều phương diện.

***

Vũ Trọng Phụng là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Đặc biệt ông nổi tiếng với những bài phóng sự và được mệnh danh là “ông vua phóng sự đất Bắc”. Những tác phẩm của ông góp phần tạo nên diện mạo văn học Việt Nam trước cách mạng tháng tám chịu nhiều chìm nổi.

Ông sinh năm 1912, mất năm 1939, quê ở tỉnh Hưng Yên, nhưng được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Vốn xuất thân trong một gia đình nghèo, lại mồ côi cha mẹ từ lúc mới 7 tháng tuổi, mẹ tần tảo nuôi ăn học.

Năm 16 tuổi, sau khi đỗ bằng tiểu học, ông phải thôi học để đi làm kiếm sống. Sau hai tháng làm thư kí đánh máy cho hãng buôn Goddard, ông bị đuổi và thất nghiệp. Ít lâu sau, ông đánh máy chữ cho Nhà in Viễn Đông nhưng hai năm sau lại bị đuổi.Từ đó ông chuyển hẳn sang làm báo, viết văn chuyên nghiệp.

Với giọng văn sắc sảo, mang đậm chất châm biếm, trào phúng và nội dung tư tưởng sâu sắc, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đều hướng tới chủ đề hiện thực, tố cáo và vạch trần xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng 8 – một xã hội bê bối với những tấn trò đời bi kịch. Đọc những trang văn của ông, người ta không khỏi ngậm ngùi, chua chát.

***

Trừ những ngày mưa không kể, sáng nào cũng vậy, cứ đúng chín giờ là anh Phúc đã ngồi trên một cái ghế xi măng trước nhà Kèn, trong vườn hoa Paul Beri[1].

Đã tám tháng nay nhàn cư như vậy cho nên từ người phu lục lộ quét vườn hoa cho đến mấy đứa sống cầu bơ cầu bất bằng đủ các nghề như trèo me, trèo sấu, câu cá, bắt tổ chim, có khi ăn cắp, giật khăn nữa: nói tóm lại là bọn ma cà bông vẫn lấy nhà Kèn làm khách sạn, đối với anh Phúc, đều đã trở nên ít nhiều thân thuộc. Hễ anh cứ ngồi vừa nóng ghế được năm phút, thì người phu gát đến chỗ chân anh. Mà lần nào cũng vậy, hễ anh co chân lên để tránh những hòn sỏi nhỏ do cái chổi tre hắt bắn lung tung, thì người phu cũng thản nhiên khẽ chào anh: “Cậu chơi!” để cho Phúc vui vẻ đáp: “Không dám! Ấy kìa bác…”. Độ nửa giờ sau, người phu ấy lại quay lại với Phúc, giơ cái điếu thuốc lào quấn bằng lá chuối mà bác ta vẫn gài mang tai khiến Phúc phải gập sách lại, ngừng đọc. Anh ta bèn lôi ngay ở túi áo ra bao diêm và gói thuốc lào. Bao giờ Phúc cũng để người phu hút trước, mình sau. Bao giờ người phu cũng để cho Phúc cái hân hạnh mời mình cả diêm lẫn thuốc, và sự ấy, Phúc coi là một thứ thuế đánh chỗ ngồi của chàng, không phải đóng thẳng cho Nhà nước nhưng đóng cho một người thay mặt Nhà nước vậy. Sau cuộc thù tạc nhỏ mọn ấy, Phúc lại đọc sách, người phu lại vác chổi ra đi.

Còn bọn ma cà bông, giao thiệp với anh ta thì khác. Chúng gọi anh là “cậu áo trắng dài” chỉ vì cái lẽ rất dễ hiểu là xưa nay chúng không thấy Phúc vận gì khác ngoài cái áo trắng dài.

Thoạt đầu, chúng cũng ngạc nhiên không hiểu sao trong đời lại có người vô công rỗi nghề đến bậc ngày nào cũng ra ngồi vườn hoa như thế, nhưng khi thấy Phúc bao giờ cũng đọc sách, chúng bèn đoán hẳn đó là một người học trò sửa soạn đi thi. Đối với bọn ấy, Phúc rất dè dặt. Có đứa đã đến ngồi cạnh chân anh ta, và sau khi hỏi chuyện mà không được đáp lời đằm thắm, đã ngồi ra nghịch những hòn cuộn dưới chân anh hàng nửa giờ mà chưa đi cho. Lại có đứa đã từng có lần moi trong một cái tay nải ra những quả me xanh hoặc sấu chín nó có thể làm cho Phúc nhớ lại cái thời học trò thơ ấu nữa, nhưng Phúc đã trả tiền, sợ ăn không thì thành ra thân mật quá, và thân mật với cái hạng hay văng tục ghê gớm, hay chửi ỏm tỏi, là rất nguy hiểm. Những khi bị bọn quỉ sứ ấy hỏi chuyện, Phúc chỉ đáp thế nào cho phải phép, cho khỏi là đáng ghét mà thôi. Tuy vậy, anh ta cũng đã nhớ tên và hiểu rõ cả tâm tính từng đứa một: thằng Bí Sến Vườn hay đánh chửi nhưng thẳng và tốt, thằng Tẹo mắt híp miệng nói leo lẻo nhưng mà gian, thằng Bôn Tây Lai có cả những tánh xấu của hai thằng kia, nghĩa là vừa hay bắt nạt vừa ăn gian, thằng Sáu Vẩu mềm nắn rắn buông, khôn ngoan đủ khoé, vân, vân…

Mời các bạn đón đọc Trúng Số Độc Đắc của tác giả Vũ Trọng Phụng