Thế giới hiện đại đã và đang mang lại cho chúng ta nhiều bí quyết thần kỳ. Nhưng những sai sót có thể tránh được lại tiếp tục quấy nhiễu chúng ta trong lĩnh vực y tế, hoạt động chính phủ, luật pháp, ngành tài chính – gần như là trong mọi lĩnh vực, các hoạt động và tổ chức.
Và lý do thật đơn giản: khối lượng kiến thức và mức độ phức tạp của nó đang vượt quá khả năng kiểm soát của chúng ta, đe dọa khả năng của chúng ta trong việc truyền đạt thông tin đến mọi người xung quanh một cách hoàn hảo, nhất quán, chính xác và an toàn. Chúng ta được đào tạo lâu hơn, chuyên môn hóa hơn, sử dụng các công nghệ hiện đại hơn, nhưng chúng ta vẫn cứ thất bại.
Giờ đây, tác giả nổi tiếng, bác sĩ phẫu thuật Atul Gawande đưa ra một lý lẽ hết sức thuyết phục rằng chúng ta có thể làm tốt hơn và tìm ra cách giải quyết vấn đề bằng giải pháp bình thường nhất: một danh mục kiểm tra tầm thường. Ông giải thích làm thế nào các danh mục kiểm tra lại biến những điều khó khăn nhất thành có thể – từ điều khiển máy bay đến xây dựng các tòa cao ốc phức tạp. Và với kinh nghiệm của chính mình, ông cho mọi người thấy nhờ vào đâu mà việc áp dụng ý tưởng này vào lĩnh vực phẫu thuật vốn vô cùng phức tạp lại tạo ra được một danh mục kiểm tra mà việc thực hiện chỉ mất 90 giây, nhưng lại giúp giảm hơn một phần ba tỷ lệ tử vong và biến chứng tại tám bệnh viện trên thế giới – mà hầu như không cần thêm khoản chi phí nào và có thể áp dụng cho hầu hết các loại hình phẫu thuật.
Qua những câu chuyện kể hấp dẫn, Gawande dẫn dắt chúng ta đi từ nước Áo, nơi danh mục kiểm tra trong cấp cứu đã cứu sống một nạn nhân suýt chết đuối vì đã chìm dưới nước nửa giờ đồng hồ; đến Michigan, nơi danh mục kiểm tra vệ sinh ở các khu săn sóc đặc biệt gần như đã giúp loại trừ một kiểu nhiễm trùng gây chết người; và đến cả danh mục kiểm tra cho buồng điều khiển của chiếc máy bay đang gặp nạn. Xuyên suốt các câu chuyện, ông tiết lộ cho chúng ta điều gì danh mục kiểm tra có thể làm được, điều gì không, và chúng đã tạo ra những tiến bộ thần kỳ như thế nào trong cuộc sống này.
Và vấn đề mà Gawande đặt ra cho mọi lĩnh vực nghề nghiệp là: Hãy đơn giản mọi thứ có thể và hãy ngăn chặn sai lầm bằng những bước đơn giản nhất.
***
Atul Gawande là tác giả của hai cuốn sách Better (Tốt hơn nữa) và Complications (Các biến chứng). Năm 2006 ông đã từng đoạt giải thưởng MacArthur Fellowship, một trong những giải thưởng cao quý nhất trong các ngành khoa học, xã hội, nhân văn, nghệ thuật. Ông là bác sĩ phẫu thuật nội tiết và tổng quát ở Boston. Atul Gawande còn là cộng tác viên của tờ báo The New Yorker và là giảng viên Trường Y thuộc Đại học Harvard. Ngoài ra, ông còn điều hành chương trình Phẫu thuật An toàn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Hiện nay, ông cùng vợ và ba con sống tại Newton, Massachusetts, Mỹ.
***
Tôi đang trò chuyện với John, anh bạn học cùng trường y, nay là bác sĩ phẫu thuật tổng quát tại San Francisco. Cũng như các bác sĩ phẫu thuật khác, chúng tôi trao đổi những chuyện trong phòng mổ. John bắt đầu bằng câu chuyện về một anh chàng nhập viện trong đêm Halloween. Anh ta đến dự một buổi tiệc hóa trang, rồi vướng vào một cuộc ẩu đả và bị đâm.
Khi nhập viện, tình trạng nạn nhân khá ổn định, nhịp thở đều, không kêu đau, nhưng say mèm và miệng lảm nhảm không ngớt. Các bác sĩ phải dùng kéo cắt bỏ quần áo anh ta và tiến hành kiểm tra toàn diện. Nạn nhân có vóc người trung bình, nặng khoảng 90 kg, bụng phệ. Vết đâm ở bụng, một vết thương hở còn đỏ máu và dài khoảng hơn hai đốt ngón tay. Một đường sắc gọn đỏ máu. Từ miệng vết thương đùn ra một thứ mỡ vàng sậm. Đó là lớp mỡ trong thành bụng chứ không phải thứ mỡ vàng nhạt dưới da. Các bác sĩ đưa anh ta đến phòng mổ để kiểm tra xem có tổn thương gì trong khoang bụng không, sau đó khâu vết thương lại.
- Không có gì nghiêm trọng lắm. - John nói.
Nếu đây là vết thương nặng, các bác sĩ sẽ phải lao vào phòng mổ, xe đẩy chạy như bay, y tá sẽ nhanh chóng chuẩn bị dụng cụ và chuyên viên gây mê sẽ bỏ qua các bước kiểm tra bệnh sử rườm rà để lập tức tiến hành ca mổ. Nhưng vết thương này không nặng. Các bác sĩ có thời gian để xem xét mọi việc trước khi kết luận.
Ngay lúc đó, y tá phát hiện bệnh nhân không còn mấp máy môi nữa, nhịp tim tăng vọt, mắt trợn trừng. Y tá lay gọi nhưng anh ta không có phản ứng gì. Cô vội gọi cấp cứu và các bác sĩ vội quay lại phòng mổ. Huyết áp gần như không đo được. Họ đặt nội khí quản, truyền dịch, truyền máu khẩn cấp cho bệnh nhân, nhưng vẫn không thể giúp huyết áp tăng lên.
Vậy là các bác sĩ phải hành động cấp tốc. Các bác sĩ lao vào phòng mổ, xe đẩy chạy như bay, y tá nhanh chóng chuẩn bị dụng cụ mổ và chuyên viên gây mê bỏ qua các bước kiểm tra bệnh sử rườm rà. Một bác sĩ thực tập đổ vội cả chai thuốc sát trùng Betadine lên vùng bụng bệnh nhân. John cầm dao mổ số 10 to tướng, rạch một đường sắc lẹm lên lớp da bụng, kéo dài từ lồng ngực đến tận xương mu.
- Dao điện.
John cầm lưỡi dao điện cắt dọc lớp mỡ dưới da, tách ra hai bên, sau đó cắt qua những sợi màng của mô liên kết dưới cơ bụng. Khi anh vừa mở khoang bụng thì máu tuôn ra ồ ạt.
- Chết tiệt!
Máu tràn khắp nơi. Lưỡi dao của kẻ thủ ác đã đâm vào sâu hơn một gang tay, xuyên qua lớp da, lớp mỡ, qua cả lớp cơ, qua ruột, sượt bên trái cột sống và cắt phải động mạch chủ.
- Thật là kinh khủng, - John kể. Một bác sĩ phẫu thuật đến hỗ trợ kíp mổ đã dùng tay bóp chặt động mạch chủ, ngay trước vết cắt. Hành động đó đã giúp ngăn chặn sự mất máu và họ dần dần kiểm soát được tình hình. Đồng nghiệp của John nói rằng anh chưa gặp tình huống nào tương tự kể từ sau khi chiến tranh kết thúc.
Hóa ra tình tiết cũng gần giống như thế. Sau này, John được biết rằng kẻ tấn công ở bữa tiệc hóa trang đã mặc đồng phục của một quân nhân, lại còn mang theo cả chiếc lưỡi lê dài.
Bệnh nhân mê man mấy ngày, nhưng cuối cùng cũng qua khỏi tình trạng nguy kịch. John vẫn còn lắc đầu rầu rĩ khi nhắc lại trường hợp này.
Khi bạn có một bệnh nhân bị đâm như vậy thì sẽ có hàng ngàn lý do khiến sự việc có thể trở nên tồi tệ. Và cả ê kíp chữa trị đã thực hiện rất tốt hầu hết mọi công đoạn, từ kiểm tra tổng quát, theo dõi cẩn thận huyết áp, mạch và hơi thở, giám sát tình trạng tỉnh táo, đến truyền dịch vào tĩnh mạch, liên hệ ngân hàng máu để sẵn sàng hỗ trợ, thay thế ống dẫn tiểu để luôn giữ vệ sinh… tức là tất cả mọi thứ. Chỉ trừ một việc là không ai nhớ hỏi bệnh nhân hay đội cấp cứu về hung khí gây thương tích.
- Bạn chẳng bao giờ nghĩ đến một lưỡi lê ở giữa thành phố San Francisco này. - John chỉ biết giải thích như thế.
John lại kể tôi nghe một câu chuyện khác. Một bệnh nhân đang được phẫu thuật cắt khối u dạ dày thì bất ngờ tim ngừng đập. John nhớ lúc nhìn vào máy điện tim, anh đã quay sang hỏi bác sĩ gây mê: “Này, có nhịp tim không?”. Trên màn hình hiện lên một đường thẳng, như thể máy điện tim không được kết nối với bệnh nhân vậy.
Bác sĩ gây mê cho rằng có lẽ phích cắm điện bị tuột, vì việc bệnh nhân này bị ngưng tim là điều gần như không thể xảy ra. Ông ta mới khoảng gần 50 tuổi với tình trạng sức khỏe hoàn toàn tốt. Khối u được phát hiện tình cờ trong một lần ông ta đi khám bệnh vì một vấn đề khác, hình như là bị ho, và ông có nói với bác sĩ khám bệnh là mình thường bị ợ hơi. Thỉnh thoảng ông cảm thấy như ăn không tiêu, thức ăn hay bị tắc ở thực quản tạo cảm giác buồn nôn, khó chịu. Bác sĩ yêu cầu ông uống một ly nước chứa chất cản quang rồi tiến hành chụp X- quang. Kết quả cho thấy có một khối u cỡ bằng nắm tay ở gần cuống dạ dày, thỉnh thoảng lại chặn ở thực quản như một cái nút. Rất may là khối u được phát hiện sớm và chưa có dấu hiệu di căn. Trong trường hợp này, biện pháp duy nhất là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày. Đây là một dạng phẫu thuật khó và thường kéo dài khoảng bốn giờ.
Ê kíp phẫu thuật đã đi được nửa chặng đường. Khối u được lấy ra mà không có bất kỳ vấn đề nào phát sinh. Các bác sĩ đang chuẩn bị khôi phục lại bộ máy tiêu hóa cho bệnh nhân thì đột nhiên màn hình báo không có nhịp tim. Phải mất năm giây, mọi người mới phát hiện ra là phích cắm vẫn nằm trong ổ điện. Chuyên viên gây mê cũng không thấy mạch đập trong động mạch cảnh. Tim bệnh nhân đã ngừng đập.
…
Mời các bạn đón đọc Phút Dừng Lại của Người Thông Minh của tác giả Atul Gawande.