Giamilia - Truyện Núi Đồi Và Thảo Nguyên là những câu chuyện về con người, núi đồi thảo nguyên của đất nước Kyrgystan. Những con người nơi làng mạc mộc mạc, giản dị, tâm hồn, tình cảm trong sáng, những mối tình xúc động tâm can quyện với những núi đồi thảo nguyên bát ngát vẽ nên những bức tranh tổng hòa đặc sắc, bức tranh của tâm hồn.
Giamilia - Truyện Núi Đồi Và Thảo Nguyên gồm 4 truyện: Giamilia, Cây phong non trùm khăn đỏ, Mắt lạc đà, Người thầy đầu tiên. Với giọng văn mượt mà, những trang viết đẹp như thơ, tập sách là sự lồng ghép những người nông dân chân chất, những núi đồi, thảo nguyên thành những câu truyện giàu càm xúc và có sức thu hút đến cùng cực đối với người đọc.
Truyện Giamilia, một bức tranh tràn đầy cảm xúc của tình yêu đích thực và sự tự do. Ở một xứ xở mà mọi người xem “hạnh phúc của người đàn bà là sinh con đẻ cái, trong nhà dư dật”; Nhưng Giamilia - cô con dâu của một gia đình bề thế trong làng thì hoàn toàn khác biệt. Giamilia có tâm hồn mơ mộng, và sâu thẩm trong tâm hồn đó là khát vọng một tình yêu đích thực, yêu và được yêu. Đaniyar, đằng sau một anh thương binh lầm lì, lẻ loi, ít nói, kín đáo là một tâm hồn đang yêu say đắm, yêu đất nước, yêu cuộc sống. Và chỉ khi anh cất cao tiếng hát, tất cả những tình yêu đó mới được bộc lộ. Họ đến với nhau vì sự đồng điệu của hai tâm hồn, vì sự tự do của tình yêu, bỏ qua tất cả chuẩn mực, lề lối của làng, ràng buộc của thân phận. “Em yêu anh từ lâu lắm rồi. Ngay cả khi chưa biết anh, em đã yêu anh và chờ đợi anh, thế rồi anh đã tới, như thể anh biết em vẫn chờ anh”.
***
Chyngyz Torekulovich Aytmatov (12/12/1928 - 10/6/2008) là một nhà văn người Kyrgyzstan. Ông đã viết các tác phẩm của mình bằng tiếng Nga và cả tiếng Kyrgyzstan, nổi tiếng với những sáng tác văn học về quê hương ông.
Sáng tác của Chingiz Aitmatov xuất hiện tại nước ta khá sớm. Cuối thập niên năm mươi thế kỷ 20, truyện Jamilya nổi tiếng của ông đã được dịch giả Nguyễn Văn Sỹ chuyển ngữ từ tiếng Pháp in trên tạp chí Văn Nghệ. Jamilya kể chuyện một phụ nữ Kyrgyz đã tự do đi theo tiếng gọi tình yêu, bất chấp những ràng buộc của lễ giáo và thứ đạo đức khô cằn, xơ cứng. Nhà thơ Pháp Louis Aragon đọc truyện xong đã khen đó là “truyện tình hay nhất thế giới”. Đến năm 1964, truyện đó cùng một số truyện khác trong tập sách được giải thưởng Lenin 1963 đã được dịch lại và dịch tiếp, và xuất bản thành tác phẩm Núi đồi và thảo nguyên. Đó là vào thời kỳ “hửng ấm” ở Liên Xô, khi những tác phẩm văn học nghệ thuật mang tính nhân văn, nhân đạo được đánh giá cao và phổ biến, cùng thời với các bộ phim như Đàn sếu bay qua, Bài ca người lính. Tác phẩm Núi đồi và thảo nguyên thổi một luồng gió mới lạ vào văn học Việt Nam giữa thế kỷ trước. Nhưng nó cũng đã phải hứng chịu những sự phê phán gay gắt xuất phát từ những quan niệm hẹp hòi, máy móc.
Phải hơn 20 năm sau, khi công cuộc cải tổ diễn ra ở Liên Xô, và ở Việt Nam sắp sửa diễn ra công cuộc đổi mới, Aitmatov mới xuất hiện trở lại cùng với nhiều tác giả, tác phẩm xuất sắc của văn học Xô Viết báo trước một xu thế biến chuyển của lịch sử. Một loạt tác phẩm của Aitmatov được dịch và xuất bản liên tiếp: Jamilya, Con tàu trắng, Vĩnh biệt Gunsary, Con chó khoang chạy quanh bờ biển, Sếu đầu mùa, Và một ngày dài hơn thế kỷ, Đoạn đầu đài… Và có một tình yêu, lòng say mê của độc giả Việt Nam dành cho nhà văn Kyrgyzstan đã biết từ núi đồi quê hương mình nói lên những vấn đề chung của nhân loại, của con người.
Những ai đã đọc qua văn Aitmatov sẽ không thể nào quên được hình bóng “người thầy đầu tiên” với những rung động sâu sắc, và cả lòng ân hận thấm thía. Bộ phim dựng theo truyện này đã gây thành công lớn. Xuyên suốt toàn bộ sáng tác của Aitmatov là lòng yêu thương con người, tôn trọng nhân phẩm con người, là sự phấn đấu cho con người được sống trong một xã hội nhân ái và hài hòa với tự nhiên. Văn chương với ông phải giữ được sự trong trẻo của tâm hồn. Nhà văn Nga Viktor Yerofeyev nói: “Mặc dù tràn ngập các phần thưởng, huân huy chương và sự vinh danh của nhà nước, nhưng ông vẫn giữ được sự trung thực và liêm khiết. Ông là điển hình của giới trí thức Nga ở thời kỳ khó khăn, trì trệ, khi văn học khó có hy vọng giữ được sự trong trắng của mình”.
Mời các bạn đón đọc Giamilia Truyện Núi Đồi và Thảo Nguyên của tác giả Tchinguiz Aitmatov.