Rafael Sabatini (1875-1950) mang trong mình hai dòng máu, Italy và Anh. Có thể nói, Chim ó biển là một dấu son chói lọi trong sự nghiệp sáng tác của ông. Cùng với Scaramouche - Kiếm sĩ không trái tim, Này chiến trận, này cuồng si,… đây là một trong những tác phẩm đưa tên tuổi ông sánh ngang hàng cùng các bậc tiền bối của thể loại tiểu thuyết “áo choàng và thanh kiếm” như Dumas, Scott.
***
Cuốn nhật ký tàu do Jeremy Pitt để lại đã kể về cuộc đối đầu dai dẳng giữa Peter Blood với thuyền trưởng Easterling, kẻ được số phận dùng làm công cụ định đoạt vận mệnh của các tù nhân đã cướp tàu "Cinco Llagas" để chạy trốn khỏi Barbados. Những người này chỉ còn biết trông đợi vào vận may. Giá như lúc đó gió mạnh lên hay yếu đi một tí hoặc hướng gió thay đổi một tí thì cuộc đời họ rất có thể đã bị ngoặt sang ngả khác rồi. Số phận của Peter Blood hẳn là do cơn bão tháng mười nọ định đoạt. Cơn bão này đã xô đẩy chiếc xà lúp mười pháo của thuyền trưởng Easterling vào vịnh Cayona 1 nơi con tàu "Cinco Llagas" lững lờ buông neo đã gần một tháng ròng.
Thuyền trưởng Blood đang cùng những người chạy trốn với mình trú lại trong cái sào huyệt cướp biển trên đảo Tortuga này vì biết rằng họ có thể ẩn náu tạm ở đây khi chưa quyết định được tiếp theo nên làm gì. Họ chọn bến này vì trong vùng biển Caribe thì đó là nơi duy nhất họ sẽ không bị quấy nhiễu bởi những câu hỏi khó chịu.
Không một vùng dân cư nào của Anh lại chịu bỏ qua quá khứ của họ để chứa chấp họ. Với Tây Ban Nha thì họ bị coi là kẻ thù bất cộng đới thiên không chỉ bởi họ là người Anh mà chủ yếu là vì họ đang chiếm giữ một chiếc tàu Tây Ban Nha. Họ sẽ không cảm thấy an toàn trong bất kỳ một thuộc địa nào của Pháp bởi lẽ giữa Pháp và Anh đã có một thỏa ước mà theo đó cả hai bên có trách nhiệm phải bắt giữ và dẫn về nguyên xứ những tên tù trốn. Chỉ còn lại Hà Lan giữ trung lập. Nhưng Peter Blood cho rằng tình trạng trung lập đó đầy những bất ngờ bởi vì nó để mặc mọi bên tự do hành động. Bởi vậy chàng đã tránh xa vùng bờ biển thuộc Hà Lan cũng như những khu định cư khác và đưa tàu thẳng đến đảo Tortuga của Công ty Tây Ấn thuộc Pháp và trên danh nghĩa là đất Pháp, song chỉ là danh nghĩa thôi, thực chất nó không thuộc một nước nào nếu "Hải hồ huynh đệ " như bọn hải tặc tự xưng - không được coi là một quốc gia. Ít ra luật pháp của Tortuga cũng không hề ngáng trở luật lệ của đám cường khấu hùng mạnh đó. Chính phủ Pháp đã tỏ ra lưu tâm che chở những kẻ ngoài vòng pháp luật ấy để rồi họ sẽ giúp lại nước Pháp kìm bớt lòng tham của Tây Ban Nha.
Do vậy, ở Tortuga, những kẻ đào thoát bị kết án phản loạn kia đã cặp bến bình an trên con tàu "Cinco Llagas" cho tới khi Easterling đến quấy phá sự bình yên đó, buộc họ phải hành động và mưu tính cho tương lai - điều mà, nếu không có hắn, họ hẳn còn tiếp tục trì hoãn.
Tên thuyền trưởng Easterling này - ghê tởm như bất cứ tên vô lại nào trong vùng biển Caribe - chở theo mấy tấn ca cao vừa cướp được từ một chiếc thương thuyền Hà Lan từ quần đảo Antilles về nước. Chiến tích này ngay sau đó hắn thấy đã không làm hắn đẹp mặt hơn, bởi lẽ trong con mắt của tên cướp biển ấy vinh quang được đo bằng giá trị của món đồ cướp được, mà món lợi này thì quá nhỏ nhoi, không đủ sức nâng cao cái giá trị vốn đã thấp kém của hắn trong giới "Hải hồ huynh đệ". Giá Easterling biết trước rằng trên chiếc thương thuyền Hà Lan kia của cải chỉ có vậy thì hắn đã để nó đi yên lành rồi. Nhưng sau khi đã áp mạn bắt được chiếc tàu hàng, Easterling cho rằng bổn phận đối với đám lâu la dưới quyền buộc hắn phải chiếm lấy những gì nhặt nhạnh được. Nếu trên tàu không còn gì đáng giá hơn ca cao thì dĩ nhiên là do cái số không may, hắn nghĩ vậy. Vận xui này gần đây cứ lẵng nhẵng bám theo hắn, khiến hắn ngày càng khó thu mộ bọn tay chân hơn. Ngẫm nghĩ về điều đó và mơ đến những chiến tích vĩ đại, hắn đưa chiếc xà lúp "Bonaventura" của mình vào vịnh Tortuga nằm khuất sau các vách đá dường như chính thiên nhiên đã dành nó làm nơi đậu tàu chắc chắn. Những vách đá dựng đứng chắn hai đầu cái vịnh hẹp, muốn vào được bên trong phải đi qua hai eo nhỏ - đòi hỏi tài nghệ của một hoa tiêu lão luyện mới qua lọt. Bàn tay con người lại làm tiếp công việc của tạo hóa, dựng lên ở đó một pháo đài dữ tợn án ngữ lối vào: pháo đài Chóp Núi. Bến cảng này đã bị bọn cướp biển Pháp và Anh biến thành sào huyệt của mình, từ đấy chúng tha hồ ngang nhiên thách thức sự hùng cường của vua Tây Ban Nha, tên vua mà chúng căm ghét hơn cả vì đã xua đuổi, bức hại chúng, biến chúng từ những dân cư hiền lành thành cướp biển hung hãn.
Nhưng vừa vào đến vịnh, Easterling đã quên hết những mơ mộng của mình, điều đang biểu hiện trước mắt hắn còn lạ lùng hơn cả giấc mơ. Điều phi thường kia là hình dáng một chiếc tàu lớn màu sơn đỏ thắm, ngạo nghễ vượt lên trên những chỉếc thuyền nhỏ bé như một con thiên nga trong đàn ngỗng. Lúc đến gần hơn, Easterling đọc thấy dòng chữ vàng to tướng ở mạn tàu:
CINCO LLAGAS CADIZ
…
Mời các bạn đón đọc Bước Giang Hồ Của Thuyền Trưởng Blood của tác giả Rafael Sabatini.