Chiến dịch Overlord – cuộc tiến công của quân Đồng minh vào châu Âu mở màn ngày 6 tháng 6, 1944, đúng 15 phút sau nửa đêm, trong giờ đầu tiên của cái ngày sẽ mãi mãi được biết đến với tên gọi D-Day. Chính lúc ấy, một toán được lựa chọn đặc biệt của Sư đoàn Đổ bộ đường không 82 và 101 Mỹ rời máy bay lao vào đêm trăng trên vùng Normandy. Năm phút sau và cách đó 80km, một nhóm nhỏ của Sư đoàn Đổ bộ đường không số 6 Anh nhảy khỏi máy bay. Họ là các lính tiền trạm, những người có nhiệm vụ đánh dấu bãi đáp cho lính dù và bộ binh vận chuyển bằng tàu lượn sẽ tới sau đó.
Lực lượng đổ bộ đường không Đồng minh đánh dấu một cách rõ ràng giới hạn của chiến trường Normandy. Nằm giữa họ và dọc theo bờ biển nước Pháp là 5 bãi đổ bộ: Utah, Omaha, Gold, Juno và Sword. Suốt những giờ trước bình minh, trong khi lính dù đang chiến đấu trong những rặng cây tối tăm ở Normandy, hạm đội lớn nhất mà thế giới từng biết đến bắt đầu tập hợp ngoài khơi: gần 5.000 tàu chở theo hơn 200.000 binh sĩ, thủy thủ và phòng vệ bờ biển. Mở màn lúc 6:30 sáng bằng cuộc bắn phá dữ dội của hải quân và không quân, vài nghìn người trong số đó tiến vào bờ trong đợt đầu tiên của cuộc đổ bộ.
Những gì xảy ra tiếp theo không phải là lịch sử quân sự. Đó là những câu chuyện của con người: những binh sĩ Đồng minh, kẻ thù họ chống lại và những thường dân bị kẹt trong sự hỗn loạn đẫm máu của D-Day – ngày mở màn trận đánh chấm dứt canh bạc điên rồ của Hitler nhằm thống trị thế giới.
***
Cố tác giả Cornelius Ryan là một trong những phóng viên chiến trường xuất sắc vào thời của ông. C. Ryan đã bay 14 phi vụ ném bom với Tập đoàn Không quân 8 và 9 Mỹ, theo dõi cuộc đổ bộ D-Day và bước tiến của Tập đoàn quân 3 dưới quyền tướng Patton vào Pháp và Đức. Ngoài “The Longest Day”, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách, bài báo và nhiều vở kịch, kịch bản phim, chương trình TV và phát thanh. Ryan sinh ra và học tập ở Dublin, Ireland.
Tác phẩm:
- Ngày dài nhất - The Longest Day, 1959. - Trận đánh cuối cùng - The Last Battle, 1966. - Một cây cầu quá xa - A Bridge Too Far, 1974.
***
Ngôi làng yên ắng trong buổi sáng tháng 6 ẩm ướt. Làng La Roche-Guyon đã nằm đó không xáo trộn suốt gần 12 thế kỷ bên nhánh lớn chảy hiền hoà của sông Seine, gần như ở chính giữa Paris và Normandy. Qua nhiều năm, nó chỉ là chỗ mà người ta đi qua để đến những nơi khác. Điểm khác biệt duy nhất là toà lâu đài, nơi ở của dòng họ Công tước de La Rochefoucauld. Chính toà lâu đài nhô ra trên đỉnh đồi sau làng đó là nguyên nhân chấm dứt sự yên bình của La Roche-Guyon.
Trong buổi sáng xám xịt, toà lâu đài hiện ra với vẻ đồ sộ, những tảng đá lớn của nó lấp lánh do hơi ẩm. Đã gần 8:00, nhưng chưa có hoạt động gì trên hai khoảnh sân lớn lát đá. Bên ngoài cánh cổng, con đường chính trải rộng, vắng tanh và trong làng cửa sổ của những căn nhà mái đỏ vẫn đóng. La Roche-Guyon yên tĩnh đến mức tưởng như đã bị bỏ hoang. Nhưng đó chỉ là bề ngoài. Bên trong những cánh cửa khép kín, người ta đang đợi tiếng chuông.
Vào 6:00 sáng, ngôi nhà thờ tuổi đời 15 thế kỷ St. Samson nằm kế bên lâu đài sẽ kéo hồi chuông cầu kinh (Angelus). Trong những ngày hoà bình nó từng mang một ý nghĩa đơn giản – dân làng La Roche-Guyon sẽ dừng lại một chút để làm dấu thánh và cầu nguyện. Nhưng bây giờ hồi chuông có nhiều ý nghĩa hơn là sự tưởng niệm. Sáng hôm nay, chuông kêu đánh dấu kết thúc lệnh giới nghiêm ban đêm và bắt đầu ngày thứ 1.451 dưới ách chiếm đóng cuả quân Đức.
Lính canh có mặt khắp nơi ở La Roche-Guyon. Khoác áo ngụy trang, chúng đứng sau cổng lâu đài, ở các chốt gác đường hai đầu làng, trong các lô cốt xây trên những mỏm đá phấn và trên tàn tích của toà tháp cổ ở ngọn đồi cao nhất nhìn xuống lâu đài. Từ đó những xạ thủ súng máy có thể quan sát mọi sự chuyển động trong khu vực, ngôi làng canh phòng ngặt nghèo nhất của nước Pháp bị chiếm đóng.
Đằng sau khung cảnh đồng quê La Roche-Guyon thực sự là một nhà tù; tính cho mỗi người trong số 543 dân làng, trong và xung quanh khu vực có nhiều hơn 3 lính Đức. Một trong số đó là Thống chế Erwin Rommel, Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân B - lực lượng mạnh nhất của quân đội Đức ở mặt trận phía Tây. Tổng hành dinh của ông đặt tại lâu đài La Roche-Guyon.
Thống chế Erwin Johannes Eugen Rommel - Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân B Đức.
Ở đây, vào năm thứ năm quyết định của Thế chiến II, một Rommel quả quyết và căng thẳng đang chuẩn bị cho trận chiến ác liệt nhất trong sự nghiệp của mình. Dưới quyền ông, hơn nửa triệu người bố trí phòng ngự dọc theo bờ biển bao la trải dài gần 1.300km, từ những con đê ở Hà Lan tới bán đảo Brittany bên bờ đại dương. Đạo quân chủ lực của ông - Tập đoàn quân 15 tập trung trên hướng Pas-de-Calais, điểm hẹp nhất của Eo biển giữa Pháp và Anh.
Đêm này qua đêm khác, máy bay ném bom Đồng minh đánh phá khu vực này. Những cựu binh mệt mỏi vì bom đạn của Tập đoàn quân 15 nói đùa chua chát rằng chỗ dành cho nghỉ ngơi điều dưỡng là khu vực của Tập đoàn quân 7 ở Normandy. Nơi đây hầu như không bị oanh tạc.
Đã hàng tháng, phía sau rừng chướng ngại vật và bãi mìn dày đặc, quân của Rommel chờ đợi trong những công sự bằng bê tông. Nhưng mặt nước xanh xám của Eo biển Anh vẫn không có bóng dáng tàu thuyền. Không có gì xảy ra. Từ La Roche-Guyon trong buổi sáng Chủ nhật buồn tẻ và yên ắng, chưa có dấu hiệu nào về một cuộc đổ bộ của Đồng minh. Đó là ngày 4 tháng 6, 1944.
Trong căn phòng ở tầng trệt được dùng làm trụ sở, Rommel chỉ có một mình. Ông ngồi sau chiếc bàn lớn Renaissance được chiếu sáng bởi ngọn đèn bàn duy nhất. Căn phòng rộng và cao. Dọc theo một bên tường là tấm thảm thêu Gobelin bạc màu. Ở bên kia là gương mặt kiêu kỳ của Công tước Franecois de La Rochefoucauld – nhà văn châm ngôn thế kỷ 17 và ông tổ của dòng họ – nhìn xuống từ khung tranh nặng bằng vàng. Có mấy chiếc ghế được đặt trên sàn gỗ bóng loáng và vài tấm màn cửa sổ dày, ngoài ra chẳng còn gì.
Riêng ở đây, trong phòng không có gì liên quan đến Rommel trừ chính bản thân ông. Không có ảnh của vợ ông, Lucie Maria hay cậu con trai 15 tuổi Manfred. Không có vật lưu niệm về chiến thắng vĩ đại của ông trên sa mạc Bắc Phi những ngày đầu chiến tranh – còn không có cả chiếc quyền trượng thống chế mà Hitler đã hồ hởi trao tặng cho ông năm 1942 (chỉ có một lần Rommel mang cây trượng bằng vàng dài 46cm, nặng 1,4kg, bọc nhung đỏ với những khuy trang trí hình con đại bàng bằng vàng và chữ thập ngoặc màu đen: đó là ngày ông được nhận nó). Thậm chí cũng không có tấm bản đồ bố trí quân đội nào. “Con cáo sa mạc” huyền thoại vẫn khó nắm bắt như trước đây, ông có thể rời phòng mà không để ai biết.
Mặc dù trông già hơn so với tuổi 51, Rommel vẫn tỏ ra không biết mệt. Không người nào ở Cụm quân B nhớ ra đêm nào ông ngủ nhiều hơn 5 tiếng. Sáng nay, như thường lệ, ông dậy trước 4 giờ. Lúc này Rommel đang sốt ruột chờ đến 6 giờ. Đó là lúc ông dùng bữa sáng với đồng sự và sau đó lên đường về Đức.
Đây là lần đầu tiên Rommel về thăm nhà sau nhiều tháng. Ông sẽ đi xe; Hitler đã khiến các sĩ quan cao cấp hầu như không thể đi máy bay khi ông ta khăng khăng rằng họ sử dụng “máy bay 3 động cơ… và luôn luôn có tiêm kích hộ tống”. Dù sao, Rommel cũng không thích đi máy bay, ông sẽ vượt qua hành trình dài 8 giờ về nhà ở Herrlingen, Ulm trên chiếc Horch lớn có thể bỏ mui.
Ông mong đợi chuyến đi, nhưng đây không phải là một quyết định dễ dàng. Trên vai Rommel gánh trọng trách nặng nề phải đẩy lui cuộc tiến công của quân Đồng minh ngay khi nó bắt đầu. Đế chế thứ ba của Hitler đang bị cuốn vào hết tai hoạ này đến tai hoạ khác; suốt đêm ngày, hàng nghìn máy bay ném bom Đồng minh đánh phá nước Đức, lực lượng quân Nga hùng hậu đã tiến vào Ba Lan, quân Đồng minh đã ở trước ngưỡng cửa Rome - khắp mọi nơi, các đạo quân lớn của Wehrmacht đang bị đẩy lui và tiêu diệt. Nước Đức vẫn còn xa mới có thể bị đánh bại, nhưng cuộc đổ bộ của Đồng minh sẽ là trận đánh quyết định. Không còn gì ngoài việc tương lai nước Đức đang nằm trên thớt, và không ai rõ điều này hơn Rommel.
…
Mời các bạn đón đọc Ngày Dài Nhất của tác giả Cornelius Ryan.