Câu chuyện là cuộc đời của 3 nữ bác sỹ trẻ cùng làm việc tại một bệnh viện lớn ở San Fancisco, và khát vọng mãnh liệt của họ… Nữ bác sĩ Paige Taylor. Cô đã thề đó là cái chết không đau đớn, nhưng khi Paige được thừa hưởng một triệu đô la từ một bệnh nhân, thẩm phán gọi đó là một vụ giết người. Bác sĩ Kat Hunter. Cô đã thề không bao giờ để cho người đàn ông nào lại quá gần mình - cho đến khi cô chấp nhận thách thức một vụ cá cược chết người. Bác sĩ Honey Taft. Để làm việc trong y khoa, cô biết mình sẽ cần một cái gì đó còn hơn cả là người giỏi nhất mà Chúa Trời đã cho cô.
“Không có gì mãi mãi” chạy đua từ những quyết định sống còn của một bệnh viện lớn ở San Francisco cho đến sự nóng hổi đầy căng thẳng của một phiên tòa xét xử vụ giết người. Nó sắp đặt những tham vọng và nỗi sợ hãi của những người chữa bệnh và những kẻ giết người, lòng ti tiện và sự hào hiệp của kẻ phản bội và những người yêu nhau…
Khi câu chuyện lên đến cao trào, hướng tới đỉnh điểm không thể đoán trước, Sidney Sheldon lại một lần nữa chứng minh rằng không độc giả nào có thể thắng được một bậc thầy của sự kiện bất ngờ.
***
Sidney Sheldon, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết thuộc hàng Best-selling được người đọc Việt Nam yêu thích như "Nếu còn có ngày mai", “Âm mưu ngày tận thế”, "Thiên thần nổi giận"…
Warren Cowan, một trong những cố vấn của Sheldon cho biết nhà văn từ trần vào chiều ngày 30/12 tại Bệnh viện Eisenhower ở Rancho Mirage (Mỹ) vì bệnh viêm phổi. Vợ ông, bà Alexandra, con gái Mary Sheldon đồng thời cũng là một nhà văn, đã có mặt bên cạnh Sheldon trong lúc lâm chung. Cowan xúc động nói: “Tôi đã mất một người bạn lâu năm và thân thiết nhất. Trong suốt những năm tháng được làm việc cùng Sheldon, tôi chưa bao giờ nghe thấy ai đó nói một từ không hay về ông”. Sidney Sheldon từng có thời gian làm việc tại Hollywood và là tác giả của nhiều kịch bản phim nhựa và phim truyền hình nổi tiếng.
Tuy nhiên, bước sang 50 tuổi, tức là vào khoảng những năm 1967, ông lại chuyển sang viết tiểu thuyết và nổi tiếng với hàng chục tác phẩm ăn khách nhất hành tinh, được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau trên toàn thế giới. Những cuốn sách của Sheldon, như “Thiên thần nổi giận”, “Phía bên kia nửa đêm”, “Nếu còn có ngày mai” đã khiến tên tuổi của nhà văn Mỹ luôn tồn tại trong lòng bạn đọc.
Ông là một nhà văn có tài thực thụ. Bằng cách viết và diễn tả tình tiết câu chuyện rất ly kỳ với giọng văn hóm hỉnh nhưng đầy trí tuệ, những tác phẩm của Sheldon thường nói về những nhân vật thành đạt, nổi tiếng nhưng không có thật và thường là phụ nữ.
***
Tiểu thuyết
Kịch
***
SAN FRANCISCO
Mùa xuân - 1995
Chưởng lý quận Carl Andrew đang cáu kỉnh:
- Chuyện chết tiệt gì thế này? - ông ta nói. - Ba bác sĩ sống chung phòng và làm việc trong cùng một bệnh viện. Một người khiến cho bệnh viện suýt phải đóng cửa, người thứ hai giết bệnh nhân vì một triệu đô- la, còn người thứ ba thì lại bị giết.
Andrew ngừng lại, hít một hơi rõ dài:
- Mà lại rất là đàn bà! Ba con mụ bác sĩ trời đánh! Báo chí đãi đằng chúng cứ như những danh nhân. Nào Chương trình 60 phút. Nào thì phóng sự đặc biệt của Barbara Walters. Tôi không thể cầm một tờ báo hay tạp chí nào lên mà không phải nhìn ảnh hay đọc bài viết về chúng. Chẳng mấy đâu, rồi Hollywood sẽ tung ra một bộ phim biến ba con mụ này thành những nữ kiệt? Tôi sẽ chẳng ngạc nhiên nếu Chính phủ trưng mặt các ả lên tem bưu điện như Presley vậy. Ôi, lạy Chúa, thật chịu hết nổi! - Ông ta giáng một quả đấm xuống bức hình người đàn bà in trên bìa tạp chí Time. Dòng tít viết: "Bác sĩ Paige Taylor - Thiên thần từ bi hay đồ đệ của ác quỷ?"
- Bác sĩ Paige Taylor, - giọng ông chưởng lý quận đầy ghê tởm. Ông ta quay sang Gus Venable, viên chánh công tố. - Tôi giao vụ này cho anh đấy, Gus. Tôi muốn kết án. Tội sát nhân. Phòng hơi ngạt.
- Đừng lo, - Gus Venable trầm giọng, - cứ để nó cho tôi.
Ngồi trong phòng xử án nhìn bác sĩ Paige Taylor, Gus Venable nghĩ: Cô ta lẩn tránh toà. Rồi ông ta tự cười mình. Không ai có thể lẩn tránh được toà. Cô ta dáng cao, thon thả, với đôi mắt nâu huyền nổi bật trên gương mặt nhợt nhạt. Một người quan sát thờ ơ chắc chỉ xem cô ta như một loại đàn bà quyến rũ. Người tinh ý hơn mới nhận thấy còn những điều khác.
Đó là tất cả những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời cùng tồn tại trong cô ta. Nét hớn hở vui tươi của đứa bé thêm vào vẻ băn khoăn e lệ của tuổi hoa niên và sự khôn ngoan, nỗi đau khổ của đàn bà. Có một vẻ ngây thơ nơi cô ta. Cô ta là cô gái mà một người đàn ông có thể lấy làm hãnh diện dẫn về giới thiệu với cha mẹ mình, Gus nghĩ mỉa mai, nếu cha mẹ anh ta hợp gu với những tên giết người máu lạnh.
Có một nét gì xa xăm, gần như huyền bí trong mắt cô ta, một vẻ gì đó nói lên rằng bác sĩ Paige Taylor đã lùi sâu vào nội tâm, tới một thời gian khác, một nơi chốn khác, xa khỏi phòng xử án lạnh lùng, cằn cỗi, nơi cô ta đã bị đẩy vào.
Phiên xử diễn ra tại Toà Công lý San Francisco tôn nghiêm, cổ kính trên phố Bryant. Nơi đặt toà án tối cao và nhà tù tiểu bang là một công trình trông đầy hăm doạ, cao bảy tầng, bằng đá vuông, xám xịt.
Khách đến dự phiên toà được lùa qua một dãy hành lang kiểm soát điện tử. Trên gác, tầng ba, là phòng xử án. Trong phòng 121, nơi xét xử những vụ giết người, ghế quan toà tựa sát mặt tường chính diện, đằng sau là lá cờ nước Mỹ. Bên trái là chỗ ngồi của bồi thẩm đoàn, chính giữa đặt hai bàn được ngăn bằng lối đi, một bàn dành cho luật sư bên nguyên, bàn kia dành cho luật sư bên bị.
Phòng xử án đã chật ních phóng viên và đầy ắp loại khán giả say mê dự các phiên toà xử tai nạn giao thông trên đường cao tốc và tội giết người. Trong các phiên xử tội giết người, đây là vụ hấp dẫn nhất. Chỉ riêng Gus Venable, luật sư công tố, cũng đáng để xem rồi. Ông ta to cao lừng lững, với bờm tóc xám, chòm râu dê, và cung cách lịch lãm của một điền chủ miền Nam, mặc dù ông chưa bao giờ ở miền Nam cả. Ông có vẻ mặt ngơ ngác vô tư và bộ óc của một cỗ máy tính. Nhãn hiệu của ông ta, đông cũng như hè là bộ complê trắng khoác ngoài chiếc sơ- mi cổ hồ cứng đã lỗi thời.
Alan Penn, luật sư của Paige Taylor, là sự tương phản với Venable, một con người rắn chắc, năng nổ, lừng danh bới tài gỡ tội cho các thân chủ của mình.
Hai luật sư này không bao giờ thiếu cơ hội để đối mặt nhau trước toà án và quan hệ của họ là sự nể trọng nhau miễn cưỡng và ngờ vực nhau hoàn toàn.
Venable ngạc nhiên khi thấy Alan Penn đến gặp ông vào tuần trước khi phiên xử bắt đầu.
- Hãy cảnh giác với những tay thầy cãi có tài.
- Anh đang mưu tính chuyện gì thế, Alan?
- Nghe đây, tôi chưa bàn với thân chủ của tôi, nhưng giả sử, chỉ giả sử thôi, tôi có thể thuyết phục cô ta nhận tội để xin giảm án và đỡ cho nhà nước một khoản án phí, thì sao?
- Anh định thương lượng với tôi đấy à, Alan? - Gus Venable với tay xuống bàn giấy, lục lọi - Chẳng thấy cuốn lịch chết tiệt của tôi đâu cả. Hôm nay ngày bao nhiêu nhỉ?
- Mùng 1 tháng Sáu. Sao?
- Khoan nào, tôi cứ tưởng phải là Giáng sinh cơ đấy nếu không anh đã chẳng hỏi xin một món quà như vậy.
- Gus…
Venable nhoài người về phía trước.
- Anh biết không, Alan, bình thường thì tôi có thể bị anh thuyết phục rồi đấy. Nói thật, bây giờ tôi khoái đi câu ở Alaska hơn. Nhưng câu trả lời là không. Anh biện hộ cho một tên sát nhân tàn nhẫn đã vì tiền mà giết một người bệnh bất lực. Tôi đề nghị án tử hình.
- Tôi nghĩ cô ta vô tội, và tôi…
- Không, anh không nghĩ thế đâu. Và không ai có thể làm cho bất cứ ai nghĩ như thế. Trường hợp rõ mười mươi rồi. Khách hàng của anh tội lỗi như Cain 1 vậy.
- Chưa đâu, chừng nào bồi thẩm đoàn chưa kết tội.
- Họ sẽ, - Gus để một khoảng lặng, - họ sẽ kết tội thôi.
Sau khi Alan Penn ra về, Gus Venable ngồi nghĩ lại về cuộc đối thoại vừa xảy ra. Việc Penn đến gặp ông là một dấu hiệu của sự thất bại. Penn hẳn đã hiểu mình ít có cơ thắng nổi vụ này. Venable nghĩ về những chứng cớ không thể chối bỏ mà ông đang nắm cùng các nhân chứng ông sẽ gọi ra thẩm vấn và ông thấy hài lòng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, bác sĩ Paige Taylor sẽ vào phòng hơi ngạt.
..
Mời các bạn đón đọc Không Có Gì Mãi Mãi của tác giả Sidney Sheldon.