Thể Loại Tác Giả Tìm kiếm Đăng nhập Đăng kí

Vui lòng để tải file. Ấn để đăng nhập

Nước Cho Voi - Sara Gruen

Cuốn sách cũng thể hiện tình yêu động vật vô bờ bến của nhà văn. Mỗi con vật xuất hiện trong tác phẩm đều trở thành một nhân vật có tình cảm với những biểu hiện đầy nhân tính. Có lẽ vì thế mà “Nước cho voi” của Sara Gruen được nhiều tờ báo có tiếng trên thế giới đánh giá cao.

Tờ “The New York Times” đánh giá về “Nước cho voi” như sau: “Bằng sự tính toán thời điểm lão luyện của một ông bầu gánh xiếc, Sara Gruen đã để dành bí mật khủng khiếp nhất đến tận cùng những trang cuối cùng, đã biến một nét văn hoá Mỹ thành cả một câu chuyện cổ tích đầy mơ mộng và lôi cuốn.” . Còn tờ People thì nhận xét: “Gruen khai quật cả một thế giới đã mất bằng sự khắc hoạ phong phú và đáng kinh ngạc về cuộc sống của một gánh xiếc rong trong những năm 30. Một câu chuyện cảm động chắc chắn sẽ làm hài lòng độc giả yêu thích lịch sử - và cả những người khác nữa.”

***

Thành công đến với tác giả Sara Gruen khá bất ngờ và ngẫu nhiên. Hai tiểu thuyết đầu tiên của Sara Gruen Riding Lessons và Flying Change chỉ nhận được những lời đánh giá chung chung không khen, không chê của giới phê bình. Cuốn sách thứ ba, Nước cho voi, đã bị nhà xuất bản làm việc với cô trước đó thẳng thừng từ chối và nhà xuất bản tiếp theo chỉ trả cho cô 55.000USD tiền nhuận bút. Tuy nhiên, “Nước cho voi” đã đứng 12 tuần liên tục trong danh sách best-seller của “The New York Times” và trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong năm 2006 và 2007. Cuốn sách đã được hãng Fox 2000 mua bản quyền làm phim và dự định sẽ ra mắt vào năm 2010.

Tính nhân văn của câu chuyện “Nước cho voi” đã làm rung động hàng triệu trái tim bạn đọc trên thế giới. Thông qua đôi mắt của Jacob – một sinh viên thú y, người sống gắn bó với những con vật biểu diễn trong gánh xiếc, Sara Gruen đã cho người đọc thấy, nếu bạn có trái tim đủ đa cảm, bạn có thể nhận ra loài vật cũng có xúc cảm và cách giao tiếp riêng của chúng. Và kì diệu thay, trái tim của những loài vật trong gánh xiếc dường như chính là liều thuốc giữ cho tâm hồn con người mãi mãi ở lại với lãnh địa của cái thiện.

Từ dòng hồi ức của Jacob Jankowski về những tháng năm tuổi trẻ, câu chuyện được hé lộ dần dần. Trong giai đoạn đầu tiên thời kỳ Đại suy thoái của nước Mỹ, Jacob buộc phải rời khỏi trường đại học Cornell, nơi anh đang theo đuổi ngành học thú y bởi gia đình anh phá sản, bố mẹ qua đời trong một tai nạn giao thông. Trong nỗi tuyệt vọng, Jacob tình cờ gặp một gánh xiếc rong – nơi anh sẽ được thuê làm bác sỹ chăm sóc cho những con thú biểu diễn.

***

Jacob bước vào thế giới của những nghệ sỹ xiếc đầy rẫy sự xấu xa, khắc nghiệt và cũng là nơi anh tìm thấy tình yêu của cuộc đời mình - Marlena - cô diễn viên xinh đẹp với tấm lòng nhân hậu. Nhưng, Angust, chủ gánh xiếc, đồng thời cũng là chồng của Marlena, sớm phát hiện ra mọi chuyện, và bản tính tàn bạo của hắn đã có đích nhắm tới. Tấm lòng của Jacob dành cho những con vật trong gánh xiếc và khát vọng tình yêu là thứ vũ khí duy nhất anh có để chống lại những kẻ tàn bạo…

Lấy bối cảnh của giai đoạn Đại suy thoái, Sara Gruen cùng lúc thông qua “Nước cho voi” miêu tả lại thời đại khủng hoảng lịch sử của nước Mỹ và sự khủng hoảng đạo đức và nhân tính trong mỗi con người. Tất cả các nhân vật của Sara Gruen cùng lúc được đẩy vào vòng xoáy của sự rối loạn, ảo tưởng, thất vọng, đớn đau và ở đó, họ phải tìm cách để giữ lại tâm hồn của chính mình.

Qua "Nước cho voi", Sara Gruen còn mang tới cho độc giả những trải nghiệm tuyệt vời về cuộc sống của những gánh xiếc rong ở cả phần ánh sáng và bóng tối.

***

Chỉ còn lại ba người dưới tấm bạt sọc đỏ trắng của gian hàng đồ rán: Grady, tôi và tay đầu bếp rán. Grady và tôi ngồi bên cái bàn gỗ mòn vẹt, trước mặt mỗi người là chiếc bánh mì kẹp đặt trên đĩa thiếc méo mó. Tay đầu bếp ở sau quầy đang cạo vỉ nướng bằng cạnh bàn xẻng. Anh ta đã tắt chảo rán được một lúc, nhưng mùi mỡ vẫn còn vương lại.

Phần còn lại của lô giữa - mới đây còn oằn lên toàn người là người - đã vắng tanh, chỉ còn một dúm người làm và một nhóm đàn ông đang chờ được dẫn tới lều thoát y. Những gã đó cứ bồn chồn liếc hết bên này đến bên kia, mũ sụp xuống và tay thọc sâu trong túi. Họ sẽ không phải thất vọng: đâu đó ở phía sau Barbara và vẻ quyến rũ phì nhiêu của cô ta đang chờ đợi.

Đám dân thị trấn khác - bọn dân quê, như Bác Al gọi - đã tiến qua lều thú vào lều chính, nơi đang rung chuyển trong một thứ âm nhạc điên cuồng. Ban nhạc đang lướt qua vốn tiết mục của mình với âm lượng thủng màng nhĩ thường ngày. Tôi biết rõ cái lệ đó - vào chính lúc này, phần chót của Màn trình diễn Lớn đang hồi hấp dẫn và Lottie, nghệ sĩ đu bay, đang trèo lên giàn treo trong vòng diễn trung tâm.

Tôi nhìn Grady chăm chú, cố gắng phân tích xem anh ta đang nói cái gì. Anh ta liếc quanh rồi ngả người lại gần tôi.

“Vả lại,” anh ta nói, nhìn thẳng vào mắt tôi, “xem ra ngay bây giờ cậu đang có nhiều thứ để mất đấy.” Anh ta nhướng mày để nhấn mạnh. Tim tôi thót lại.

Tiếng vỗ tay vang như sấm bùng lên từ lều chính, và ban nhạc chuyển nhẹ nhàng sang điệu van Gounod. Theo bản năng, tôi quay về phía lều thú vì đây là tín hiệu cho tiết mục voi. Marlena hoặc là sắp trèo lên hoặc đã yên vị trên đầu Rosie.

“Tôi phải đi đây,” tôi nói.

“Ngồi đó,” Grady nói. “Ăn đi. Nếu cậu đang nghĩ đến chuyện bỏ đi thì chắc là sẽ còn lâu nữa cậu mới lại được nhìn thấy đồ ăn đấy.”

Đúng lúc đó, âm nhạc rít lên rồi ngừng bặt. Có tiếng va chạm kinh khủng của kèn đồng, lưỡi gà, và bộ gõ - tiếng kèn trombon và sáo piccolo luyến vào nhau thành một thứ nhạc điệu chối tai, tiếng tuba pè pè và tiếng vang rền trống rỗng của chũm chọe lan ra ngoài lều chính, lơ lửng trên đầu chúng tôi rồi chìm vào quên lãng.

Grady cứng người, cúi gằm xuống chiếc bánh mì kẹp của mình, hai ngón út duỗi thẳng và cặp môi bành ra.

Tôi nhìn hết bên này đến bên kia. Không ai nhúc nhích - mọi con mắt đều đổ dồn về phía lều chính. Vài búi cỏ khô lờ đờ cuốn qua mặt đất cứng.

“Cái gì thế? Chuyện gì đang xảy ra vậy?” tôi hỏi.

“Suỵt,” Grady rít lên.

Ban nhạc lại bắt đầu, họ chơi bài “Sao và sọc vĩnh viễn”.

“Ôi Chúa ơi. Ôi mẹ nó chứ!” Grady quẳng đồ ăn của mình xuống bàn và nhảy dựng lên, đẩy đổ băng ghế.

“Sao? Cái gì vậy?” tôi hét lên, vì anh ta đã chạy biến ra xa.

“Hành khúc Thảm họa!” anh ta hét lên qua vai.

Tôi quay phắt sang tay đầu bếp rán đang lột tạp dề. “Anh ta đang nói về cái quái gì vậy?”

“Hành khúc Thảm họa,” tay đầu bếp đáp, kéo chiếc tạp dề qua đầu. “Nghĩa là có gì đó đã trở nên tồi tệ - thật sự tồi tệ.”

“Như là gì?”

“Có thể là bất cứ thứ gì - cháy trong lều chính, đám thú chạy loạn, bất cứ chuyện gì. Ôi Chúa lòng lành. Đám dân quê tội nghiệp có lẽ còn chưa biết điều này.” Anh ta chui xuống dưới cái cánh cửa có bản lề rồi biến mất dạng.

Hỗn loạn - những người bán kẹo nhảy qua các quầy, đám người làm cố định loạng choạng đi ra từ dưới các vạt lều, lao động tự do hấp tấp phi như bay qua khu đất. Tất cả và bất cứ ai dính dáng đến Đoàn xiếc Ngoạn mục nhất Quả đất của Anh em Benzini đều lao bổ về phía lều chính.

Diamond Joe phóng qua tôi với tốc độ tương đương ngựa phi nước đại. “Jacob - là lều thú đó,” anh ta hét lên. “Bọn thú bị xổng ra rồi. Đi, đi, đi ngay!”

Anh ta không phải nhắc đến lần thứ hai. Marlena đang ở trong cái lều đó.

Một tiếng động ầm ầm vụt qua người tôi khi tôi tới gần, và nó làm tôi sợ chết khiếp vì quãng âm của nó thấp hơn cả tiếng ồn. Mặt đất đang rung chuyển.

Tôi lảo đảo đi vào trong và bắt gặp một con bò Tây Tạng sừng sững như cả bức tường - một vùng ngực mênh mông đầy lông xoăn tít, những móng guốc khua khoắng, hai lỗ mũi đỏ chót nở rộng và đôi mắt long sòng sọc. Nó phi qua gần đến mức tôi phải nhảy bật ra sau trên đầu ngón chân, ngập trong đống vải bạt để tránh bị một trong những cái sừng cong vút của nó xuyên qua. Một con linh cẩu đang hoảng sợ bám chặt lấy vai con bò.

Quầy ăn uống ở chính giữa lều đã bị san phẳng, thay vào đó là một khối rúng động những chấm và sọc - những bắp đùi, gót móng, đuôi, và vuốt, tất cả đang gầm, rít, rống, hoặc hí vang. Một con gấu Bắc Cực vượt hẳn trên tất cả, mù quáng phạt chém bằng những bàn chân to cỡ cái chảo. Nó bắt gặp một con lạc đà không bướu và lao thẳng vào con vật - RẦM. Con lạc đà đập xuống đất, cổ và chân dang ra như năm đỉnh của một ngôi sao. Bọn tinh tinh gào thét và kêu ca luôn mồm, đánh đu trên những sợi dây để tránh xa lũ mèo. Một con ngựa vằn ánh mắt hoang dại chạy ngoằn ngoèo quá gần con sư tử đang thu mình, con sư tử vồ tới nhưng vồ trượt, rồi nó chạy biến đi, bụng ép sát đất.

Tôi đảo mắt khắp lều, tuyệt vọng tìm Marlena. Thay vì thấy nàng, tôi lại nhìn thấy một con mèo đang lướt qua đường nối dẫn tới lều chính - đó là một con báo, và khi thân hình đen trũi uyển chuyển của nó biến mất trong đường ống vải bạt, tôi chuẩn bị tinh thần. Nếu đám dân quê chưa biết gì thì họ cũng sắp phát hiện ra rồi. Phải mất vài giây nữa nó mới tới, nhưng nó đã tới mất rồi - một tiếng thét kéo dài, nối tiếp bởi một tiếng khác, rồi lại một tiếng nữa, và rồi toàn bộ lều chính bùng lên âm thanh ầm ầm của những cơ thể chen lấn xô đẩy nhau hòng thoát khỏi khán đài. Lần thứ hai ban nhạc rít lên rồi ngừng bặt, và lần này thì im luôn. Tôi nhắm mắt lại: Cầu Chúa hãy để họ chạy ra ở cửa sau. Cầu Chúa đừng để họ chạy qua đây.

Tôi lại mở mắt nhìn lướt qua lều thú, điên cuồng tìm kiếm nàng. Vì Chúa, tìm một cô gái và một con voi có thể khó đến mức nào đây?

Lúc thoáng thấy những đồng xê quin hồng của nó, tôi gần như thét lên vì nhẹ nhõm - có thể tôi đã hét lên thật. Tôi không nhớ nữa.

Nó đang ở phía đối diện, đứng dựa vào vách, điềm tĩnh như một ngày mùa hạ. Chuỗi xê quin của nó sáng lóa lên tựa những viên kim cương trong trẻo, như một chiếc đèn hiệu tỏa sáng lung linh giữa những mảng da đủ màu. Nó cũng nhìn thấy tôi, và giữ lấy ánh nhìn của tôi tưởng như không dứt. Nó rất bình tĩnh, từ tốn. Thậm chí còn mỉm cười nữa. Tôi bắt đầu tiến về phía nó, nhưng có gì đó trong biểu hiện của nó khiến tôi dừng khựng lại.

Thằng chó đẻ đó đang đứng quay lưng lại phía nó, mặt đỏ gay, gào rống, quật tay vun vút và vung vẩy cây gậy đầu bạc. Cái mũ lụa chóp cao của hắn nằm trên nền rơm bên cạnh.

Nó với lấy cái gì đó. Một con hươu cao cổ băng qua giữa chúng tôi - cái cổ dài đung đưa một cách duyên dáng ngay cả trong cơn hoảng loạn - và khi con hươu đi khỏi tôi nhận ra nó đã nhổ lên một cái cọc sắt. Nó hờ hững giữ cái cọc, đặt đầu cọc lên nền đất cứng. Nó lại nhìn tôi, hơi hoang mang. Rồi nó chuyển ánh nhìn tới phía sau cái đầu trần của hắn.

“Ôi Chúa ơi,” tôi thốt lên, chợt hiểu ra. Tôi loạng choạng bước về phía trước, gào lên dù cho chẳng hy vọng giọng mình tới được tai nó. “Đừng làm thế! Đừng làm thế!”

Nó nâng cao cái cọc trong không trung rồi bổ xuống, chẻ đầu hắn ra như một quả dưa hấu. Sọ hắn toác ra, đôi mắt trợn tròn, còn mồm há cứng thành hình chữ O. Hắn quỳ sụp rồi đổ người xuống nền rơm.

Tôi quá sững sờ đến nỗi không cử động được, kể cả khi một con đười ươi con quàng cánh tay mềm dẻo của nó quanh chân tôi.

Cách đây rất lâu rồi. Lâu lắm rồi. Nhưng đến giờ nó vẫn ám ảnh tôi.

TÔI KHÔNG NÓI NHIỀU về những ngày đó. Chưa từng. Tôi không biết vì sao - tôi đã làm việc ở các đoàn xiếc trong gần bảy năm, và nếu đó không phải là chủ đề cho các cuộc chuyện trò thì tôi không biết cái gì mới là chủ đề nữa.

Thật ra tôi biết tại sao: tôi chưa bao giờ tin tưởng vào bản thân mình. Tôi đã sợ mình sẽ để lộ chuyện đó. Tôi biết việc giữ bí mật cho nó quan trọng đến nhường nào, và tôi đã giữ bí mật - trong suốt phần còn lại của cuộc đời nó, và cả sau đó nữa.

Trong bảy mươi năm, tôi chưa từng kể cho bất cứ một người nào.

Mời các bạn đón đọc Nước Cho Voi của tác giả Sara Gruen.